Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

LỄ HỘI KIỂU HÀNH XÁC



Nói ra thì chẳng bõ Thánh Thần quở mắng chứ đầu năm tôi sợ nhất đi Chùa Hương, Yên Tử, Chợ Viềng, Phù Giày… Ấn tượng không phai mờ trong tôi là những nơi ấy đông đúc quá, xô bồ quá. Đi xong về không khác gì hành xác. Đôi lúc còn nguy hiểm đến tính mạng nữa. Đi đò Chùa Hương vào tầm 1-2 giờ sáng, trên Suối Yến tối om om không một bóng đèn, không một chiếc phao cứu sinh, ai dám chắc điều gì không thể xảy ra.

Rồi cứ theo mạch suy diễn ấy, tôi ước tính mỗi ngày có cả vạn người tới Chùa Hương. Hôm khai mạc thấy Ban Tổ chức công bố có tới hơn 5 vạn người, trong đó có khoảng 1 vạn khách thuộc hàng “láu cá” đã tới từ trước khi khai mạc và phục sẵn ở trong Chùa rồi. Nghe mà khiếp vía!

Công ty tôi có lệ mỗi đầu năm mới lại đi lễ. Năm nào chúng tôi cũng chọn một địa chỉ nào đấy để đi. Năm thì chùa, năm thì đền, có năm hoành tráng, đi cả vài điểm đền chùa miếu mạo. Lâu dần, chúng tôi có nhiều kinh nghiệm trong việc tìm các địa điểm cho việc đi lễ đầu năm. Thông thường, chúng tôi chọn một nơi nào ít người đến, ít ồn ào và còn có nét gì đấy hoang sơ.

Nhưng rồi theo thời gian, chẳng thể nào chọn ra được nơi nào, chùa nào, đền nào… mà không đông đúc chen lấn nữa. Dù là sáng sớm tinh sương ngày mùng 1 Tết hay bất kể giờ nào của tháng Giêng, nơi nào cũng đông đúc, chen lấn. Nghĩ cũng phải thôi, chẳng thể nào khác được. Người thì càng ngày càng đông đúc. Mà những nơi có thể đến thì vẫn vậy. Làm sao mà không chen lấn cho được.

Chẳng bao lâu nữa, vẻ tĩnh lặng của chùa chiền, của chốn thâm nghiêm sẽ chỉ còn trong ký ức và những ngày xuân nhàn tản, vãn cành chùa của các cô yếm thắm, má đỏ môi hồng, của các bà già tóc bạc sẽ chỉ còn trong thơ ca, nhạc họa mà thôi.



Thứ Năm, 12 tháng 1, 2012

TẾT UỐNG NHÉ!



Mọi người dọn văn phòng nhân dịp Sếp cho làm lại toàn bộ nội thất. Bàn làm việc của cô có một chai rượu đặt trong hộp giá đỡ thật đẹp. Nhấc chai rượu lên, anh thấy tờ giấy dán xung quanh hộp đựng có dòng chữ: “Em cất chai rượu này để Tết uống nhé!”. Dòng chữ cô ghi cho cô nhân viên văn phòng, cũng là chỗ chị em thân thiết với nhau. Dòng chữ làm anh đứng lặng đi, nhớ về bao nhiêu kỉ niệm đã qua.

Chuyến công tác lần ấy cũng đơn giản như bao chuyến công tác khác của cô. Nhưng không hiểu sao, nó lại xảy ra thật nhiều chuyện. Chi nhánh thiếu người đứng đầu. Nhân viên bỏ đi gần hết. Văn phòng đến hạn phải trả… Sếp thì lo bạc mặt chưa kiếm được người thay.

Đang đi nhậu với bạn, nhận được điện thoại than vắn thở dài của Sếp về tình hình bê bết của chi nhánh, cô nói như một quán tính: “Thôi anh đừng lo nữa. Em sẽ ở lại đây làm cho anh”. “Em nói thật hay đùa đấy!”. “Thật anh ạ! Em nói thật. Em sẽ ở lại làm cho anh cho đến khi chi nhánh hoạt động tốt trở lại. Bạn em về, bọn em cưới nhau xong, khi nào có bầu thì em sẽ quay lại làm việc ở Hà Nội. Anh đừng lo nữa nhé!”.

Và cô ở lại thật. Kết thúc đợt công tác ấy, cô về Hà Nội thu dọn việc riêng, đồ đạc, thu dọn bàn làm việc ở trụ sở chính rồi quay lại chi nhánh. Trước khi đi, cô sắp xếp đồ dùng riêng của mình và ghi dòng chữ nhắn gửi vào chai rượu để trên bàn.

Cô đã lập văn phòng mới, tuyển người, sắp xếp công việc. Những kết quả bước đầu thật đáng phấn khởi. Một thế hệ mới của chi nhánh được hình thành. Dù còn nhiều gian khó ở phía trước nhưng kết quả thật khả quan và nhất là, một tư duy mới trong hoạt động kinh doanh được thiết lập.

“Em cất chai rượu này để Tết uống nhé!”. Anh đọc lại dòng chữ, bồi hồi nhớ về những chuyện đã qua. Ngoài kia Mùa Đông với những làn gió rét tái tê đang tràn về nhưng ban mai của Mùa Xuân sắp tới. Tết xum vầy cũng đang bắt đầu gõ cửa. Cô sẽ lại về đây, sẽ bật nắp chai rượu này để đón Mùa Xuân mới.

Không có lời hò hẹn nào vui bằng lời hò hẹn của Ngày Xuân!