Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

HỌC QUÊN TUỔI TRẺ



Cô em dâu tôi có 2 con, một trai một gái. Con gái đang học lớp 6, còn ông con trai thì mới đang chuẩn bị đi học lớp 1. Bản tính cô là người rụt rè, ít nói và không mấy khi tham gia bình luận gì về các vấn đề xã hội. Vậy mà vừa mới gặp tôi, cô đã nhăn nhó như mếu:

- Anh ạ, bọn trẻ con nhà em dạo này học khổ quá! Có khi chúng nó còn vất hơn cả bác làm Giám đốc ấy chứ!

- Thật hả? Chắc là cô bức xúc cái gì đấy quá mới nói thế, chứ trẻ con là trẻ con, vất làm sao hơn người lớn đi làm được hả em?

- Không đâu anh ạ! Anh thử xem xem. Sáng ra, người lớn 7 giờ mới phải dậy thì cháu lớn nhà em trước đó 30 phút đã phải đi bộ ra bến xe buýt rồi. Có nghĩa là cháu phải dậy từ 6 giờ. Anh đi làm, có phải mang cái cặp nặng tới hơn 3 kí không? Cháu nhà em mang hàng ngày đấy.

Được thể, cô tuôn ra một mạch, như bị chất chứa từ bao giờ mà chưa nói được với ai.

- Rồi đã học cả ngày ở trường rồi, tối lại còn học thêm tiếng Anh tuần 2 buổi, bồi dưỡng toán tuần 2 buổi nữa. Chưa kể làm bài tập ngoại khóa, thủ công cắt dán… trăm thứ bà rằn. Khổ lắm anh ạ! Em tính cứ là khổ hơn người lớn nhiều. Mà nói thực là em cũng chẳng biết học gì mà lắm thế cơ chứ. Trẻ con lẽ ra phải ngây thơ, trong sáng, đằng này cứ ngơ ngơ ra vì học đấy anh ạ!

Cái vụ trẻ con khổ vì học thì tôi đã nghe nói nhiều. Thậm chí ai đó nói con trẻ giờ đang học không phải cho chúng, mà học là phải gánh danh dự dòng họ, gia tộc trên vai, học cho tiếng tăm của gia đình, của bố mẹ, của ông bà, học cho người lớn là chính, chứ có phải học cho con trẻ đâu.

Cũng nghe nói là giáo dục đã được quan tâm cải tiến nhiều, nhưng hình như là cải tiến để tăng giờ học thì phải. Chưa ai quan tâm đến việc nâng cao chất lượng, đặc biệt là tăng cường giờ chơi cho trẻ con. Cho nên, có câu nói vui “Học ngày học đêm, học quên tuổi trẻ” là vì thế!

Ước gì trẻ con chỉ phải học ở trường một buổi, buổi còn lại được chơi. Ước gì trẻ con không phải vùi đầu học thêm ở nhà. Và ước gì cái thời gian vùi đầu học thêm ấy chúng được đọc sách, đọc truyện, vui chơi những trò chơi hành động của lứa tuổi chúng.

Và cuối cùng, ước gì trẻ con được học những gì chúng cần học cho chúng, chứ không phải học để đạt thành tích vì thói sĩ diện hão của người lớn chúng ta!



Thứ Tư, 30 tháng 3, 2011

MỘ ĐỐNG THẾCH




Khám Phá Việt Nam là serie phim với tinh thần Không Ai, Không Điều gì bị quên lãng. Nó không phải là phim về du lịch, danh lam thắng cảnh. Cũng không phải phim vể lịch sử, danh nhân hay là phim về những chuyện lạ, những kỷ lục. Như tên gọi, là phim khám phá những cái mới, những cái chưa ai biết, hoặc đã biết nhưng lại chưa biết rõ như thế nào.

Chủ đề của các tập phim được chuẩn bị sẵn bời các chuyên gia, các nhà hoạt động xã hội, nhà báo, nhà nghiên cứu là cố vấn cho phim. Tuy nhiên, theo phản ánh của các đoàn làm phim, khi thấy một chủ đềmới, hay hơn, hấp dẫn hơn, các đoàn sẽ đề xuất để đổi chủ đề, hoặc đơn giản là sẽ ưu tiên được sản xuất trước.

Mộ Đống Thếch là một trong những chủ đề mà đoàn làm phim sẽ thực hiện. Khi đọc tài liệu và xem những hình ảnh về khu mộ này, tôi đã thực sự xúc động. Không hiểu từ bao giờ và như thế nào, khu mộ cổ này được hình thành. Chỉ mới cách đây chừng hơn nửa thế kỷ thôi, Đống Thếch còn là nơi của rừng thiêng nước độc, cọp beo hoành hành.

Thôi thì để sau này xem phim. Giờ xin mời mọi người xem vài hình ảnh về khu này. Cám ơn các bạn Tiến Thành, Hải Anh và một vài tay máy không chuyên của báo Du lich Việt Nam, Vietnamnet đã cung cấp ảnh và ít dòng tư liệu không chính thức về Đống Thếch.

Hàng trăm cột đá được xác định là có niên đại hơn 400 năm tuổi nằm thành một khu mộ cổ lạnh lẽo giữa núi rừng của vùng Kim Bôi, Hòa Bình.






Theo các chuyên gia, những phiến đã này đều không có ở khu vực này, chúng được chuyên chở về từ Thanh Hóa. Vào thời điểm cách đây hơn 400 năm, việc chuyên chở chúng từ một nơi xa xôi như thế thật chẳng dễ dàng. Người xưa đã làm thế nào để chở chúng về, gia công và trạm khắc những hoa văn như thế này?





Là khu mộ cổ hiếm hoi hầu như chưa bị tác động bởi con người. Theo các bạn ở Du lịch Việt Nam, các chuyên gia chữ Hán đã dịch một trong những tấm bia mộ khổng lồ ấy dòng chữ khắc như sau "Ông Đinh Công Kỳ, thổ tù kiêm cai quản vùng Mường Động. Sinh năm 1592, mất năm 1647. Khi chết được ban tước Chưởng vệ đề đốc Uy quận công. Đến ngày 22 tháng 2 năm 1650 (tức là tầm 2 năm rưỡi sau ngày m ất) được đưa về huyệt trên núi bằn 15 xe tang, , 7 con voi, 5 con ngựa".






Có người thêu dệt Đống Thếch là khu mộ kỳ bí, người lạc vào không thể ra được. Chết phơi thây, xương trắng rừng luôn. Vào những năm đầu của thập niên 60, môt vài mộ được khai quật phục vụ nghiên cứu và người ta tìm thấy một số hiện vật giá trị.





Thứ Hai, 28 tháng 3, 2011

QUÁN ỐC CỔ



- Anh ơi, nhóm là gameshow bọn em được thưởng, chia nhau rồi còn ít quỹ, chiều tối nay sẽ ăn chơi đập phá. Mời anh đi cùng bọn em luôn cho vui!

- Đi đâu? Ăn chơi gì?

- Ăn ốc, chè, nộm và vân vân vân vân

- Trời đất ơi, xin các cô, ăn ốc thì tôi chịu, có gì đặc biệt ở cái vụ ốc ấy?

- À, đây là một quán ốc cổ, quán ốc có từ rất lâu rồi, từ khi bọn em chưa ra đời cơ. Rất là hay, rất là ngon và cũng rất là đắt. Khoản đắt thì không sợ vì đã có quỹ rồi.

Chuyện đến đây thì tò mò thật sự. Sao lại có quán ốc cổ nhỉ? Thông thường những hàng quán lâu năm, từ đời nọ qua đời kia, người ta sẽ gọi là quán gia truyền. Ví dụ, phở gia truyền, bánh cốm gia truyền… chứ có mấy ai gọi là phở cổ, bánh cốm cổ đâu nhỉ?

Nhưng hàng ốc này thì quyết không gọi là ốc gia truyền, mà phải là hàng ốc cổ. Một cách gọi thật độc đáo, đúng với nghề nghiệp của mình. Đã đặt tên, đặt slogan, đã làm mẫu quảng cáo là phải độc, phải ấn tượng, phải khác người và nhất là phải để người ta nhớ mãi.

Quán ốc cổ chiều tối nay mình không đi, nhưng đã có một bài học thật tốt từ cách làm PR dân dã của những người buôn bán nhỏ vỉa hè. Bài học này, ở trường đại học không có mà dạy đâu đấy nhé!



Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2011

Ở PHÒNG TẬP GYM



Không ai bảo ai, hầu như tất cả mọi người đều dừng lại giây lát để ngắm nhìn hai thành viên mới đến. Hai ông bà ít ra cũng đã ngoài sáu chục tuổi. Bà còn nhanh nhẹn lắm nhưng ông thì đã yếu. Ông đi không vững, phải dựa vào bà. Đến phòng tập, ông chống gậy còn bà thì lúc giúp ông tập đi, lúc ngồi trên ghế ngắm từng bước khó nhọc của ông. Có lúc, bà cũng để ông tự do để đi tập những bài tập của mình.

Vài buổi tiếp theo, mọi người ở phòng tập đều biết chuyện. Ông đã 70, còn bà cũng 66 tuổi. Cách đây gần 5 năm, ông bị một cơn tai biến nhẹ và hậu quả của nó là những bước đi không vững. Ông luôn phải nằm một chỗ. Phải nhờ vào bà, vào sự động viên và thêm cả sự nghiêm khắc của bà, ông mới đi được như hôm nay.

Thường thì bà sẽ đưa ông xuống cái công viên nhỏ ngay nhà mình để ông tập. Nhưng rồi cái phòng tập này mở cửa, bà quyết định cả hai ông bà sẽ đến tập tại phòng này. Mục đích là để ông được lây nhiễm (đúng từ gọi của bà) cái không khí hối hả, trẻ trung, mạnh mẽ và yêu đời của cả phòng tập. Và quyết định của bà đã được chứng tỏ là rất đúng. Từ hôm tới đây, ông hào hứng hơn hẳn. Bà bảo, trước thì tuần 3 buổi, giờ thì ngày nào ông cũng đòi đi.

Nhưng bà lại không hề biết rằng chính ông bà, hình ảnh cần mẫn của ông bà dìu nhau, động viên nhau trong các buổi tập mới là “nguồn lây nhiễm” tinh thần lạc quan yêu đời lớn nhất, mạnh mẽ nhất đến tất cả các thành viên của cái phòng tập mới mẻ này.



Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2011

CÓ LẼ LÀ THÔI



Ý tôi muốn nói đến câu chuyện cụ Rùa Hồ Gươm. Hẳn chưa ai quên, cách đấy ít tuần, việc cứu cụ cứ sôi lên sùng sục trên mặt báo, các diễn đàn, các cuộc hội thảo… Tựu trung lại, người ta hò nhau phải nhanh lên, phải gấp lên, cụ đã yếu lắm rồi, đã bị thương nhiều lắm rồi. Không nhanh lên thì có mà nguy.

Thế rồi văn võ bá quan mua đâu được tấm lưới hai lớp, hò nhau quây lại để bắt cụ, đưa lên thăm khám. Ai ngờ, gần bắt được thì cụ đạp cho một phát bục cả hai lớp lưới rồi chạy mất. Hoài công con cháu chưng hửng một phen.

Sau lần bắt hụt ấy, người ta rút kinh nghiệm rất nhiều. Nào là thửa lưới khác, chắc chắn hơn, kỳ công hơn. Nào là cử cả một đội đặc công nước, luyện tập, thao tác rất bài bản. Quyết tâm phen này sẽ bắt được cụ cho bằng được.

Nhưng rồi gặp liền mấy ngày lành lạnh. Ai đó bảo nếu bắt cụ trong những ngày này thì có khi nguy hiểm lắm chứ chả chơi. Vớ vẩn cụ kềnh ra đấy thì có ông mệt.

Rồi lai có ông nói tưng tửng, cụ gì mà cụ, là con rùa chứ có gì mà quan trọng. Rùa già thì rùa chết. Làm sao mà cứ loạn lên, lắm chuyện.

Rồi có ông lại cứ khăng khăng phải mời cho bằng được chuyên gia nước ngoài mới chữa được cụ, chứ mấy bố trong nước làm thế nào được. Chưa có kinh nghiệm, nhỡ chẳng may thì làm sao? Mà mấy ông Tây thì khuyên là cứ để mặc cụ đấy, chẳng làm sao đâu mà phải lo.

Đang tranh cãi tùm lum thế thì đùng một cái…

Động đất, sóng thần ở Nhật Bản xảy ra. Cả chục ngàn người chết và mất tích. Nhà máy điện nguyên tử Fukushima, bị ảnh hưởng bởi động đất đang bị sự cố nghiêm trọng, có thể dẫn tới rò rỉ phóng xạ, dẫn tới một cuộc khủng hoảng hạt nhân khu vực. Cả thế giới như lên cơn sốt.

Rồi cuộc chiến là Lybia giữa phe nổi dậy, với sự hậu thuẫn của liên quân, đang cấp tập đánh cho bác Cadafi, sau gần 42 năm trị vì, một trận tá lả. Đọc báo, xem tin, mới thấy quá may mắn là hơn 10 ngàn lao động Việt Nam đã rời khỏi Lybia an toàn. Nếu không, nói dại, chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra với họ.

Ngần ấy sự kiện làm cho người ta có vẻ quên béng mất nhiệm vụ bắt, thăm khám và chữa trị cho cụ Rùa nhà mình. Dân thường thì sau nhiều ngày quan tâm, giờ cũng đã nhạt đi vài phần. Vài vị có trách nhiệm thì lảng được là tốt, dính vào, lỡ chẳng may làm sao thì dại mặt. Thế là chuyện của cụ cứ từ từ đi vào quên lãng.

Liệu người ta có nhớ ra và tiếp tục không nhỉ?



Thứ Năm, 24 tháng 3, 2011

ĐONG ĐƯA Ở HÀ NỘI



Đang ngồi xem phim, lướt mạng thì tự nhiên thấy mình như say rượu. Chợt nghĩ, vừa lúc ăn cơm cũng làm một ly nhỏ, say say là phải. Nhưng rồi thấy cả người như đong đưa, đánh võng. Nhìn lên đèn trần, thôi đích thị là cả tòa nhà đang chao đảo rồi.

Chạy ra phòng khách gọi con trai. Nhìn chiếc đèn lớn ở phòng khách đung đưa mạnh, mới hay, không còn nghi ngờ gì nữa. Động đất rồi! Động đất ngay giữa Thủ đô mình. Vài phút sau, nhà trở lại bình thường. Nhưng nỗi sợ hãi mơ hồ thì vẫn còn đó.

Mọi người ở Hà Nội tối nay có cảm giác ấy không? Tôi ở trong một tòa nhà 17 tầng nên cảm nhận rất rõ sự đong đưa, chao đảo. Nhẹ thôi, nhưng rất rõ. Nhìn xuống thấy mọi người ở tầng thấp đã chạy hết xuống dưới đường. Nhưng chạy đi đâu nhỉ? Chạy đi đâu được nếu cả hai bên đều là nhà cao tầng?

Chợt nhớ đến bài học về ứng phó với động đất của người Nhật mình đã được đọc ở đâu đó. Mang máng vài điều là không nên nhốn nháo chạy ra khỏi nhà mà chui xuống gầm bàn, tránh xa tủ và các vật dễ đổ. Địa điểm sơ tán thường là sân vận động hoặc công viên. Nếu ở nhà cao tầng, tuyệt đối không dùng thang máy để sơ tán.

Nhớ đến thế thôi, còn những điều gì nữa, tra mãi chẳng được. Khi nhà hết đong đưa, vào mạng tra mãi mà chưa tìm thêm được điều gì mới. Chợt liên tưởng mơ hồ, liệu trận động đất khủng khiếp vừa rồi ở Nhật Bản có liên quan gì đến trận động đất nhẹ tối nay ở Hà Nội không nhỉ? Biết đâu đấy, đơn giản là vì, trận động đất vừa rồi đã làm Nhật Bản dịch chuyển đi gần 4 mét cơ mà. Cái gần 4 mét ấy sẽ ảnh hưởng đến đâu nhỉ?

Sờ sợ thêm một tí, dù đã sợ sẵn rồi. Và cảm phục người Nhật thêm một tí, dù đã cảm phục sẵn rồi!