Thứ Tư, 29 tháng 9, 2010

CÔNG TY TƯ NHÂN 2


Các công ty nho nhỏ ấy ra đời bằng cách nào?

Có rất nhiều con đường cho sự ra đời của các công ty ấy. Như tôi đã nói ở bài trước, có người đàng hoàng, như bạn đã làm ra Công ty Lobby Communication thì bạn ấy xin nghỉ hẳn ở Công ty chúng tôi đã. Sau đó về cùng chồng và bạn bỏ vốn thành lập ra công ty mới. Không lấy của chúng tôi cái gì, và cũng không hề lôi kéo một người nào từ công ty cũ. Tuy nhiên, người như bạn này hiếm lắm!

Thông thường, một cán bộ hay nhân viên dự định bỏ ra làm riêng, lập ra công ty mới, họ sẽ âm thầm vừa làm việc ở chỗ chúng tôi, vừa tiến hành các bước chuẩn bị. Cái lợi của kiểu làm này là lợi dụng được cơ sở vật chất của công ty, lại vừa làm được việc riêng của mình. Họ từ từ copy tài liệu doanh nghiệp, danh sách khách hàng, tiếp cận đối tác và lôi kéo khách hàng về mình, để đến khi lập công ty mới là có ngay khách hàng, hợp đồng và tiền bạc ngay.

Một nhóm dự định bỏ đi, sau khi chuẩn bị hòm hòm, họ bắt đầu rời bỏ từng người một. Để làm gì? Để người đi trước lập công ty, có tư cách pháp nhân, có tài khoản, người ở lại thực hiện chính sách rút ruột. Có nghĩa là thay vì ký hợp đồng về công ty chúng tôi, người ở lại sẽ ký hợp đồng về công ty mới. Cứ thế, cứ thế, đến khi nào oanh tạc hết khách hàng có thể oanh tạc được, họ sẽ rút.

Đấy là với những người làm sales và marketing. Còn với người làm sản xuất, làm quan hệ đối tác, họ sẽ âm thầm xin xỏ phương tiện, thiết bị để hỗ trợ công việc, nhưng thực chất là để làm việc cho công ty riêng của họ. Ở chỗ chúng tôi, moi người thường nói vui đấy là các spy nằm vùng. Đã có những người kiên trì nằm vùng cả nửa năm trời như vậy. Họ thực hiện chính sách hớt váng mỡ. Cái gì tốt nhất, lợi nhất thì chuyển về làm ở công ty riêng. Cái gì xương xẩu nhất, khó ăn nhất thì để lại cho công ty chúng tôi làm. Cứ thế cho đến khi nào lộ mặt thì lập tức “bùng” ngay ngày hôm sau.

Đọc đến đây, hẳn có bạn sẽ thắc mắc: Những cán bộ, nhân viên ấy lấy đâu ra tiền mà làm công ty dễ thế?

Câu trả lời là chỉ cần một ít tiền thôi. Vì thời gian đầu, như đã nói ở trên, hoạt động của công ty mới đều gần như tầm gửi vào Công ty chúng tôi. Lương chưa phải trả, vì họ vẫn ăn lương ở chỗ chúng tôi để làm việc cho công ty riêng của họ. Các chi phí khác thì hầu như chưa đáng kể gì vì đã chính thức làm gì đâu. Trong khi đó, ít nhiều cũng đã có hợp đồng chuyển về. Tiền sản xuất thì Công ty chúng tôi lo, còn tiền khách trả thì công ty riêng của các bạn ấy hưởng.

Cũng có bạn hỏi tôi, vậy thì từng người ấy sẽ từ từ rút ra bằng cách nào? Họ lấy những lý do gì mà xin nghỉ?

Nhiều lắm. Rất nhiều cách, nhiều lý do khác nhau. Tôi nhớ đã có lần kể rằng có bạn xin nghỉ đã lấy lý do là bố ở quê bị ung thư, mẹ bắt về quê lấy vợ để chăm sóc bố. Đấy là một lý do. Có bạn gái thì nói là ông anh rể làm một cửa hàng, bắt về bán hàng cho anh ấy, nể quá nên phải nhận lời. Bạn khác thì trình bày hoàn cảnh là tự nhiên thấy mất lửa làm việc, xin nghỉ một thời gian lấy lại tinh thần. Hoành tráng nữa thì nói là mẹ xin cho vào làm việc ở Bộ Công an, ở Viễn thông Việt Nam. Tóm lại là rất nhiều lý do mà tôi nghĩ là một nhà văn giàu trí tưởng tượng nhất cũng không thể hư cấu ra được hết.

Gần đây nhất có một nhóm bạn đã thành lập công riêng của mình cả gần nửa năm trước đó nhưng có người giữ cương vị rất cao, vẫn làm spy nằm vùng lại. Họ chặn các đối tác, cắt giảm chương trình của chúng tôi để chuyển về chỗ họ. Họ o ép khách hàng trả tiền mặt rồi chiếm đoạt luôn. Họ lôi kéo những người cùng cánh về công ty họ, và xúi bẩy những người ở lại gây sự, phản ứng tiêu cực với công ty chúng tôi.

Những chuyện như thế này, các công ty ở Việt Nam, và có thể ở cả các nước khác nữa, chẳng lạ gì. Và cứ mỗi lần như thế, cả công ty lại khốn đốn vì mất chương trình, mất việc làm, mất khách hàng, mất dữ liệu. Nhân viên buồn ngơ ngác. Sếp thì lo lắng bạc đầu.

Tôi nhớ, có lần nói chuyện với các bạn sinh viên Trường Ngoại thương, có bạn hỏi rằng giờ được làm lại từ đầu, anh có chọn làm kinh doanh nữa không? Tôi đã trả lời không chút ngần ngừ là không? Tôi chỉ thích làm báo thôi. Cuộc đời đã sắp đặt cho tôi thế, tôi đành phải chấp nhận thôi. Cả hội trường mấy trăm người cười ầm lên. Tôi nghĩ, chắc ít người tin rằng tôi đang nói rất thật lòng mình.

Có thể, nhiều bạn sẽ trách tôi sao mà không biết cách giữ người, cứ để người ta bỏ mình mà đi thế? Vì thế, bài sau, tôi sẽ viết về việc tôi tuyển người, đài thọ họ như thế nào và vì sao họ vẫn bỏ đi?




Thứ Ba, 28 tháng 9, 2010

CÔNG TY TƯ NHÂN 1


Cách đây gần 15 năm, loằng ngoằng thế nào mà tôi lại bị dắt díu vào một dự án sản xuất tờ tạp chí cho một Hãng hàng không. Dự án đảm nhận việc thiết kế, biên tập tiếng Anh (mặc dù tôi chẳng biết một câu tiếng Anh nào) và bán quảng cáo cho tờ tạp chí đó. Đầu tiên, tôi được phân công tổ chức mạng lưới bán quảng cáo. Hai năm sau, tôi được bổ nhiệm phụ trách toàn bộ dự án.

Hơn 2 năm tiếp theo, do nhiều thay đổi cả khách quan lẫn chủ quan, chúng tôi phải chuyển đổi dự án thành một công ty tư nhân có vốn góp của vài người. Thời gian sau, các vị rút hết, còn trơ khấc mỗi mình tôi. Thế đấy, tôi chính thức làm chủ một công ty tư nhân từ ngày ấy. Ngẫm lại, vừa sợ, vừa buồn cười và đôi lúc, chẳng hiểu tại sao lại như vậy nữa.

Công ty tôi nhỏ lắm. Theo tiêu chuẩn xếp hạng của các chuyên gia, nó thuộc diện doanh nghiệp siêu nhỏ. Nhưng gần 15 năm kể từ ngày còn là một dự án, có biết bao nhiêu chuyện đã từng xảy ra. Vui có, buồn có. Những tháng ngày hạnh phúc không hiếm. Nhưng chuỗi thời gian đau khổ cũng không phải là ít. Có chuyện đáng tự hào. Nhưng cũng nhiều chuyện chỉ muốn giấu đi cho xong.

Và một trong những chuyện tôi thích nói đến nhất là chuyện sự ra đời của các công ty mới.

Có lẽ, công ty tôi là một trong những công ty mà từ đó, các cán bộ, nhân viên của tôi bỏ đi làm ăn riêng và thành lập nhiều công ty nhất. Gần 15 năm qua, đã có tới hơn chục công ty ra đời theo kiểu như vậy.

Đầu tiên, một bạn Trưởng phòng xin nghỉ để cùng chồng và bạn chồng thành lập công ty mang tên là Loby Communication. Bạn này là người xử sự đàng hoàng hơn cả. Bạn ấy xin nghỉ. Tự làm ra công ty, không lấy của tôi một cái gì, không lôi kéo một người nào.

Hơn 4 năm sau, công ty giải thể, bạn ấy xin vào làm ở một ngân hàng cổ phần. Được vài tháng lại bỏ và làm một công ty mới tên là Celadon. Trong số những người đã bỏ tôi đi, bạn này là người tốt với tôi nhất. Thường xuyên gọi tôi khi có việc để đề nghị hợp tác. Có món đồ gì hay, món ăn gì ngon cũng gửi hay mang đến tận nơi cho tôi.

Một bạn khác đang làm tốt thì bị lôi kéo bởi hệ thống phân phối hàng đa cấp, hứa hẹn nhiều lợi nhuận khổng lồ. Bỏ việc lao vào một thời gian, tí nữa thì mất cả nhà vì thế chấp ngân hàng vay tiền nhập cả lô hàng lớn. Về sau, bạn ấy làm tiệm massage Herblife và làm ăn cũng tương đối. Coi như bỏ hẳn nghề cũ.

Hai bạn nữ bỏ công ty tôi ra thành lập Công ty Thương mại và Đầu tư Việt Nam. Được đâu vài tháng thì bỏ nhau, làm thêm một công ty nữa là Công ty Thương mại và Đầu tư Hà Nội. Hai bạn này vất vả nhưng làm ăn cũng OK.

Rồi hai bạn khác thành lập Công ty Viet Promotion trên tinh thần làm lại toàn bộ công việc của công ty tôi. Về sau, tôi có nghe nói, hai bạn này bỏ đi là do tự ái với cán bộ phụ trách của họ. Ở công ty tư nhân kỳ cục lắm. Đôi khi sự tan đàn xẻ nghé chỉ bắt đầu từ môt câu nói, một lời phát biểu vu vơ mà thôi.

Môt nhóm vài bạn, trong đó có hai người đã từng sát cánh với tôi cả chục năm trời cũng bỏ ra thành lập Công ty Panomara. Các bạn này lôi kéo gần môt nửa công ty đi theo, và lấy gần hết khách hàng thuộc lĩnh vực các bạn ấy phụ trách. Hồi ấy công ty tôi liêu xiêu suốt một thời gian dài. Bạn bè hỏi thăm, ai nấy đều ái ngại.

Cũng có người nhiều tài lẻ, thành lập công ty trên cơ sở năng khiếu của mình. Một bạn trẻ có năng khiếu chụp ảnh, thành lập Công ty Shoot Media, chuyên chụp ảnh người mẫu, diễn viên. Bạn này rất là hòa hoa. Lúc nào cũng ăn diện bảnh bao. Lâu lâu anh em gặp nhau, bạn ấy lại bảo tôi hôm nào em thiết kế cho sếp làm quen một em chân dài. Nghe mà mát cả ruột. Vậy nhưng cả mấy năm nay, chưa thấy em chân dài nào hết. Cũng vui!

Nhưng kinh khủng nhất là một nhóm bạn khác bỏ đi thành lập công ty, tên thì dài lắm, nhưng thôi cứ viết đơn giản là Công ty Tendy Việt Nam. Bạn này phụ trách một công ty thành viên của chúng tôi. Khi bỏ đi, bứng gần như hoàn toàn cả công ty theo. Chỉ còn vẻn vẹn vài người ở lại. Công ty kiệt quệ. Những món nợ khổng lồ. Những bản hợp đồng thua thiệt. Những tài liệu bị biến mất. Những khoản tiền bị chiếm dụng và chiếm đoạt.

Nhưng vui hơn cả, hạnh phúc hơn cả là những con người trung thành và tận tụy vì sự nghiệp chung của chúng tôi. Cũng từ công ty đầu tiên, chúng tôi cùng với những người ở lại làm nên Công ty Viet Outdoor, khôi phục lại Viet Event và vẫn tiếp bước cho tờ tap chí Vietnam Pathfinder từ hàng chục năm nay.

Ngẵm ra, từ một công ty nhỏ, chỉ gần 15 năm, có thêm cả hơn chục công ty nhỏ khác. Có mặt tốt là sự phát triển và mở mang. Nhưng cũng có mặt không tốt là nó cho ta thấy người Việt không đoàn kết, không hợp tác được. Làm ăn nhỏ thì OK, hễ cứ làm ăn lớn hơn là sinh chuyện.

Và chuyện sau, tôi sẽ kể, các công ty nhỏ nhỏ ấy đã được ra đời như thế nào?




Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2010

ĐƯỜNG TỚI THÀNH THĂNG LONG



Dư luận đang ồn ào xung quanh bộ phim 19 tập Lý Công Uẩn-Đường Tới Thành Thăng Long chuẩn bị được công chiếu trên Đài Truyền hình Việt Nam VTV, dự kiến vào ngày 1 tháng 10, ngày bắt đầu của 10 ngày trọng đại, kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Vấn đề là điều gì khiến dư luận quan tâm đặc biệt đến bộ phim như vậy?

Phim do một Công ty truyền thông của Việt Nam, hợp tác với một đối tác Trung Quốc và VTV sản xuất và phát sóng. Theo thông báo của nhà sản xuất, tổng vốn đầu tư cho bộ phim khoảng 100 tỉ VND. Toàn bộ phim được quay ở Trung Quốc.

Chưa ai được xem bộ phim này, trừ các thành viên của Hội đồng duyệt phim quốc gia. Có chăng chỉ là trailer của bộ phim và bản mời tài trợ là xuất hiện nhan nhản trên các trang báo điện tử mà thôi. Tuy nhiên, các thông tin rò rỉ từ nhà sản xuất, từ Hội đồng duyệt phim cũng cho thấy những băn khoăn tập trung ở chỗ nào.

Có người nói đây là phim dã sử Trung Quốc nói tiếng Việt. Đúng là hơi ngoa, nhưng không phải là không có cơ sở. Tổng đạo diễn, đạo diễn phim đều là người Trung Quốc. Trường quay ở Trung Quốc. Diễn viên quần chúng hoàn toàn là người Trung Quốc. Chỉ có một ông đồng đạo diễn là người Việt Nam thì lại chẳng tiếng tăm gì.

Người khác thì nói nhiều đoạn thoại, nhiều chi tiết không chính xác với lịch sử. Quần áo, phục trang, đạo cụ… không phù hợp với Việt Nam. Nhiều lời văn là lời văn hiện đại, không phải là lời văn cổ. Nói tóm lại là phim không thuần Việt. Và nhiều lời nhận xét phũ phàng đã khẳng định là không thể chiếu phim này nhân dịp đại lễ sắp tới được.

Tôi lại nghĩ khác…

Có dịp đi nước ngoài, tôi thấy phim trường của họ, đạo cụ của họ và những gì liên quan đến việc làm phim của họ rất là chuyên nghiệp. Ngay cả diễn viên quần chúng của họ cũng là những diễn viên quần chúng chuyên nghiệp làm công ăn lương, không tham gia theo phong trào hay ủng hộ phim nào hết. Nói như thế, để thấy tính chuyên nghiệp của họ cao hơn ta nhiều.

Theo tinh thần này, tôi nghĩ, nếu đoàn làm phim có sử dụng phim trường ở Trung Quốc thì cũng là điều dễ hiểu thôi. Đừng nên lấy đấy là cái cớ để phê phán quá đà. Hơn nữa, Trung Quốc là quốc gia nổi tiếng về dựng phim dã sử. Kinh nghiệm của họ, nay vận dụng làm phim cho ta cũng đâu có gì là xấu.

Có bạn nói với tôi, giả dụ cần đến ngựa để dàn dựng một đoàn kỵ binh, phim trường Trung Quốc có cả vài trăm, thậm chí ngàn con ngựa. Liệu phim trường nào của ta có được như thế chưa? Tôi nhớ một lần, một bác ở xưởng phim nói rằng cả xưởng có vài con ngựa, gầy gò, ốm nheo ốm nhách. Ngựa ấy, làm sao làm phim dã sử đây?

Về quần áo, phục trang của diễn viên, ai cũng chê là không Việt Nam. Nhưng liệu chúng ta có còn tài liệu nào giữ được nói về quần áo của vua chúa và thường dân từ cách đây hàng ngàn năm không? Chắc là không? Vì thế, các nhà thiết kế dựa theo tài liệu còn lại, nếu có tưởng tượng ra thêm vài phần, tôi nghĩ cũng là cái hay, cái sáng tạo. Vài chi tiết có giống quần áo vua chúa Trung Quốc thì cũng không nên lấy đó để nâng cao quan điểm lên quá mức. Quần áo chúng ta đang mặc hiện nay, nguồn gốc cũng là từ Châu Âu đấy thôi.

Về bác đạo diễn thì đúng là tôi thấy ông đạo diễn người Việt Nam hình như không có tiếng tăm gì lắm thật. Nhưng đạo diễn Trung Quốc thì có vẻ rất khá. Đã từng làm vài phim dã sử rất tiếng tăm. Trí tuệ của họ, ta tận dụng được, âu cũng là cái hay chứ đâu đến nỗi dở.

Chỉ có điều…

Giá mà đoàn làm phim có một nhóm cố vấn người Việt Nam giúp sức thì phim đã không mắc lỗi về chi tiết lịch sử bị sai, một số đoạn thoại không phù hợp và những chi tiết khác nữa. Nhưng nói gì thì nói, việc đã rồi và chúng ta hoàn toàn có điều kiện để sửa lại những lỗi sai đó.

Một bộ phim dã sử được đầu tư công phu, tốn công tốn của, lại được thực hiện nhờ nguồn vốn xã hội hóa, có lẽ cũng nên được nhìn nhận với sự bao dung và vị tha. Nói thì dễ, làm mới khó. Vì thế, Lý Công Uẩn-Đường Tới Thành Thăng Long là một bộ phim đáng được ghi nhận, dù ít nhiều, phim cũng đã có những sai sót nhất định.

Bởi vì, ngẫm ra, trên đời này, có gì là toàn bích được đâu!





Thứ Năm, 23 tháng 9, 2010

NGỌN GIÓ MÙA ĐÔNG



Đợt gió lạnh đầu tiên đã tràn về! Mùa Đông ảm đạm, im lìm và tê giá. Mùa Đông đáng ghét nhất trong năm. Nhưng Mùa Đông cũng là mùa cho chúng ta nhiều thách thức nhất. Vượt lên trên tất cả, Mùa Đông cho chúng ta ước muốn chiến thắng, niềm kiêu hãnh để vượt qua. Những ngọn gió đầu mùa khiến anh nhớ lại một đoản văn của Khavronina “Mấy hôm nay trời trở lạnh, mưa rả rích không lúc nào ngừng. Thời gian buồn bã nhất trong các làng quê”.

Ngồi trong quán café quen thuộc, anh chợt nhớ lại những Mùa Đông đã qua. Những ngày mưa phùn gió bấc buốt thấu xương. Mẹ bện nùi rơm đốt lửa để anh đi bộ gần 10 cây số vào mỗi sáng đến trường. Cái lạnh cắn vào từng đầu ngón chân, lùa vào tận lồng ngực nhỏ bé, gầy gò và yếu đuối. Trong đêm tối đen, trên đoạn đường dài, thỉnh thoảng, anh dừng lại thổi bùng ngọn lửa, sưởi ấm đầu ngón tay để khi vào lớp học, có thể cầm bút viết.

Mùa Đông của những ngày chăn trâu trên cánh đồng Làng Me cả. Mưa. Lạnh. Cô đơn. Đói. Tất cả những gì khắc nghiệt nhất của Mùa Đông trút cả lên đôi vai của cậu bé nhà quê hơn 10 tuổi. Chiều Mùa Đông sầm sập tới với màn đêm tối đen và gió rít từng hồi. Mình cậu lủi thủi trên đường từ cánh đồng về nhà. Và cậu thấy con trâu nhà cậu bỗng trở nên thân thiết biết bao nhiêu. Sau này, ra thành phố học, trưởng thành rồi đi khắp miền đất nước, cứ mỗi lần nhớ lại quê nhà, hình ảnh con trâu, Mùa Đông với những ngày mưa phùn gió bấc là những gì anh không thể nào quên được.

Mùa Đông đầu tiên của những ngày ở thành phố. Không áo ấm, không chăn len. Mảnh áo trấn thủ xin được từ những ngày đi dân công chiến dịch hồi còn học phổ thông được anh huy động để lên giảng đường đại học. Bên cạnh áo len, áo da, bu-dông…của các bạn, anh bỗng thấy mình lạc lõng làm sao. “Lửa đã thắp bên nhà hàng xóm. Và lòng người ấm áp biết bao nhiêu. Cho căn phòng mình tôi thêm lạnh giá. Cứ đầy lên những tiếng nói ngọt ngào”.

Mùa Đông của những ngày đi bộ đội. Những ngày xa thành phố, xa tất cả, xa cả niềm hy vọng cuối cùng. Rồi Mùa Gió chướng của vùng đất đỏ Bà Rịa. Quán Café Thanh Nga. Bài hát Lá thư gửi người em gái Thành Đô. “Em ơi em có bao giờ em nhớ? Về một ai lưu lạc ở trên đường. Về một người luôn nghĩ về em. Tình yêu thiết tha anh thành đơn độc. Anh thành người lạnh buốt… với Mùa Đông”.

Những Mùa Đông đã đi qua. Nâng bước chân anh lên vì những thách thức phải vượt qua. Anh đi. Đêm mưa rả rích trên sườn núi đá Long Hải. Những đợt gió lùa qua khe cửa vùng Thung lũng đá Hà Giang. Anh đi. Đêm trên tàu biển ra vùng Cực Bắc còn đầy bom đạn. Những người đàn bà buôn thúng bán bưng ngủ vùi trên chiếc chõng che cáu bẩn. Đêm Mùa Đông heo hút Tuyên Quang. Anh đi. Nỗi khiếp sợ vì những nhọc nhằn đã trải qua. Niềm kiêu hãnh vì những gì đang thách đố anh ở phía trước.

Mùa Đông. Những ngọn gió bấc đã lại tràn về…





Thứ Hai, 20 tháng 9, 2010

TRUNG THU ĐẮT GIÁ



Tần ngần đứng trước quầy bánh trung thu của một khách sạn lớn, anh bỗng thấy mình vướng vướng, lăn tăn như vừa mất mát một cái gì đó thật gần gũi và thân thuộc. Chiếc bánh bán lẻ giá 8 USD. Hộp rẻ nhất 28 USD. Hộp đắt tới cả 650 USD. Toàn là bảng giá tiền Mỹ. Hoa cả mắt!

Những chiếc bánh đắt tiền như gợi nhớ về một thời nào đó như ngay gần đây thôi. Đêm Trung Thu nhà quê. Chiếc bánh nướng mậu dịch cứng ngắc với ít nhất bí, lạc và vài cọng thì là. Mỗi đứa trẻ một miếng bé tí. Vậy mà vui, mà rộn rã cả xóm làng.

Rồi chiến tranh, bom đạn, rồi những ngày đội mũ rơm đi học. Khoai lang ăn trừ bữa. Sắn khôn độn đen cả nồi. Những ngày bắt đầu của thời kỳ đổi mới. Cái đói bị đẩy lùi tự bao giờ chẳng biết. Người ta bắt đầu làm quen với của ngon vật lạ, với đủ thứ sơn hào hải vị. Trung Thu là một cái cớ để trình diễn những của ngon, vật lạ như thế.

Anh chợt thấy đắng ngắt trọng cổ. Trời đất ơi! Chỉ 2 hộp bánh đắt tiền ở đây là đủ xây một căn nhà tình nghĩa ở vùng quê nào đó. Chỉ 1 hộp bánh thôi là mua được ngót 1 tấn gạo thường, đủ cho bao đứa trẻ như anh ngày trước không phải mạng cái bụng lép kẹp đến trường. Chỉ 1 hộp bánh thôi là mua được cả một xe taxi tải quần áo trẻ con, đủ cho cả một xóm vui trọn mùa trăng tròn.

Nhưng hộp bánh đắt tiền vẫn phải mua. Nhiều ngôi nhà tình nghĩa vẫn không thể xây dựng được. Và ở đâu đó, vẫn còn biết bao trẻ em đói ăn, rách mặc. Biết làm sao được!

Ai đó nói, Trung Thu là tết của thiếu nhi, nhưng những gì ngon nhất, đẹp đẽ nhất, đầy đủ nhất được làm ra, lại hầu hết không phải là để dành cho con trẻ. Chúng được dùng vào mục đích của người lớn, vì người lớn và đôi khi, là phương tiện cho những tham vọng của người lớn mà thôi.