Thứ Tư, 30 tháng 6, 2010

TRƯỜNG SƠN ĐÔNG TRƯỜNG SƠN TÂY



Đọc Phạm Tiến Duật, quá nhiều bài thích, chẳng biết chọn bài nào hay nhất nữa, nhưng có lẽ hai bài ấn tượng nhất với tôi là Lửa ĐènTrường Sơn Đông, Trường Sơn Tây. Duật là nhà thơ của Trường Sơn những năm đánh Mỹ, giải nhất cuộc thi thơ Báo Văn Nghệ năm 73. Những năm ấy, anh nổi tiếng lắm. Đám thanh niên mới lớn chúng tôi, không ai là không biết tên tuổi anh, thơ của anh.


Lửa Đèn
thì “siêu” rồi, miễn bình luận. Nhưng gần gũi nhất, thân thuộc nhất với chúng tôi là Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây. Có lẽ, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất khiến cho bài thơ đến gần gũi với công chúng là Nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã phổ thơ rất thành công, thành bài hát mà đến tận ngày hôm nay vẫn có rất nhiều bạn trẻ hát bài hát này.

Tôi còn nhớ, ngày bài hát mới được hát trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, có một chị văn công quân đội không chuyên, trưởng thành từ phong trào văn nghệ quần chúng, đã hát bài hát này với 2 giọng nam và nữ. Kiểu hát song ca bây giờ, nhưng chỉ do một người thực hiện. Điều đặc biệt ấy càng làm cho bài hát thêm phần hấp dẫn.


Bài thơ có hai khổ, không hiểu sao lại không được Hoàng Hiệp đưa vào bài hát. Hai khổ thơ rất hay và cái chính là nó thể hiện rất rõ cái bản chất của bài thơ: Hai đầu Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây và ở hai đầu ấy, anh bộ đội và cô thanh niên xung phong đang nhớ nhau, thi đua nhau… trong những ngày hành quân đánh giặc.


KHỔ THỨ NHẤT

“Một dãy núi mà hai màu mây
Nơi nắng nơi mưa, khí trời cũng khác
Như anh với em, như Nam với Bắc
Như Ðông với Tây một dải rừng liền”.

KHỔ THỨ HAI

“Ðông sang tây không phải đường như
Ðường chuyển đạn và đường chuyển gạo
Ðông Trường Sơn, cô gái "ba sẵng sàng" xanh áo
Tây Trường Sơn bộ đội áo màu xanh”.


TOÀN BỘ BÀI THƠ

Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn
Hai đứa ở hai đầu xa thẳm
Ðường ra trận mùa này đẹp lắm
Trường Sơn Ðông nhớ Trường Sơn Tây.

Một dãy núi mà hai màu mây
Nơi nắng nơi mưa, khí trời cũng khác
Như anh với em, như Nam với Bắc
Như Ðông với Tây một dải rừng liền.

Trường Sơn Tây anh đi, thương em
Bên ấy mưa nhiều, con đường gánh gạo
Muỗi bay rừng già cho dài tay áo
Rau hết rồi, em có lấy măng không.

Em thương anh bên tây mùa đông
Bướm khe cạn nước bay lèn đá
Biết lòng Anh say miền đất lạ
Chắc em lo đường chắn bom thù

Anh lên xe, trời đổ cơn mưa
Cái gạt nước xua tan nỗi nhớ
Em xuống núi nắng về rực rỡ
Cái nhành cây gạt nỗi riêng tư.

Ðông sang tây không phải đường như
Ðường chuyển đạn và đường chuyển gạo
Ðông Trường Sơn, cô gái "ba sẵng sàng" xanh áo
Tây Trường Sơn bộ đội áo màu xanh.

Từ nơi em gửi đến nơi anh
Những đoàn quân, trùng trùng ra trận
Như tình yêu nối lời vô tận
Ðông Trường Sơn, nối Tây Trường Sơn.





Thứ Ba, 29 tháng 6, 2010

HAI THẰNG GIỜI ĐÁNH



Vừa ra khỏi cổng cơ quan, thế quái nào mà đụng ngay hai thẳng quỷ sứ phóng xe máy qua. Nghe tiếng rít của phanh gấp, tránh cũng chẳng kịp. Thế là anh lăn kềnh ra đường. Bực mình không thể tả được. Vừa lồm cồm bò dậy, anh vừa nghe thấy hai thẳng vừa mắng nhau xối xả. Chúng đang cằn nhằn nhau là đã bảo đi từ từ, sao còn đi như ăn cướp thế. Cả hai đứa để kệ xe máy đấy, vội đến đỡ anh dậy. Mồm miệng hai thằng tía lia, rối rít xin lỗi. Chúng rờ rẫm chân tay anh xem có làm sao không?


Cáu sườn, anh phủi tay hất chúng nó ra rồi đứng lên. Không đau gì lắm nhưng thật là bực mình. Giờ mới nhìn kỹ hai thằng ranh con đã đâm sầm vào anh. Trời đất ơi! Đúng là cái mặt hai thằng giời đánh. Chúng còn trẻ lắm. Có khi chỉ chưa đầy hai mươi tuổi. Tóc tai vàng chóe. Một thằng còn đeo cả cái khuyên tai tổ bố. Cái kính râm bằng cái bát con đen xì được dựng ngược lên đến tận trán. Quần bò bạc thếch. Áo phông vằn vện. Sợ quá! Ngữ này mà con cháu nhà anh, chắc anh cho ăn roi thường ngày.


Hai thằng ranh nhìn thấy anh đứng dậy, mặt mũi tần ngần không dám nói năng gì nữa. Anh mắng chúng mấy câu rồi lên xe đi về nhà. Anh mà đi xe máy thì khỏi nói. Cứ từ từ hai chục cây số giờ mà đi. Ba-bét-nhè nó có cho ngửi khói thì cũng kệ. Đúng là hôm nay đen đủi. Đến lúc về còn có đứa nó tông vào. Thôi cũng đành! Vừa đi, vừa nghĩ xem mấy việc ngày mai xử lý thế nào cho ổn thỏa.


Nhưng rồi anh bống giật mình. Linh tính thế nào đấy, anh quay lại phía sau. Hai thằng hình như đang bám theo anh. Hay thật! Lẽ ra chúng nó phải chuồn cho nhanh chứ nhỉ? Bám theo mình làm gì thế này? Phải cảnh giác, bọn trẻ ranh bây giờ láo toét lắm. Thế là anh vừa đi vừa căng thẳng nghĩ cách đối phó. Bọn này âm mưu gì thì đúng rồi. Lúc bắt đầu đi, anh có thấy chúng nó đâu đâu. Giờ mình đi nhanh, chúng nó đi nhanh, mình đi chậm, chúng nó đi chậm. Nguy hiểm quá! May mà giờ tan tầm, đông người, chứ vắng vẻ, chắc phải gọi di động cho mấy cậu bảo vệ cơ quan.


Rồi thì anh cũng về đến đầu ngõ nhà mình. Chợt nghĩ, không thể cho hai thằng ranh này biết được nhà mình. Vì thế, anh quyết định đứng lại, chờ hai thằng đến gần thêm tí nữa. Anh quát thật to: “Chúng mày có bước đi không? Cứ đi theo nữa là tao báo công an đấy nhé!”. Hai thằng có vẻ sợ thật sự. Lúng túng giây lát, một thằng ngượng ngịu đi đến gần anh, nói thật nhanh: “Chúng con đi theo bố vì sợ bố vừa ngã, nhỡ bố không tự đi xe được thì khổ. Chúng con vừa tạt vào hiệu thuốc làm hộp cao Salonpas. Tối bố dán vào chỗ ngã ấy nhé! Thôi, chúng con xin lỗi bố. Bọn con vù đây!”. Nói xong, nó thả thật nhanh gói cao vào giỏ trước xe của anh rồi chạy lại xe thằng bạn đang chờ.


Anh ngẩn người chưng hửng. Vừa mở cửa vào đến nhà, điên thoại cầm tay đổ chuông. Cậu bảo vệ trực cơ quan gọi hỏi thăm: “Em vừa biết chuyện. Mấy bà bán rong kể lại. Anh ổn rồi à? Không làm sao hả anh? Thôi thế là tốt rồi. Hì hì! Anh đừng mắng em nhé! Vừa rồi, anh là người có lỗi đấy. Luật giao thông quy định người từ trong ngõ ra phải nhường đường cho cả xe bên phải và xe bên trái đấy! Anh nhớ thế nhé! Nhưng đúng là hai thẳng phải gió kia cũng đi nhanh quá nữa!”.



Thứ Hai, 28 tháng 6, 2010

NHẤT THẾ GIỚI



Hình như chúng ta đã cố gắng để chứng tỏ với bốn biển năm châu rằng Việt Nam mình có rất nhiều cái nhất thế giới. Chúng ta hãy thử xem một số những cái nhất ấy như thế nào nhé!

LY CAFÉ LỚN NHẤT
Tại Lễ hội café năm rồi, đơn vị tổ chức cho trưng lên ly café lớn nhất thế giới (đấy là cứ nói lên như thế) với dung tích đâu tầm 6 m3. Không biết mục đích của người làm ra cái ly café ấy để làm gì? (quảng bá thương hiệu, làm le với đời, đưa vào sách kỷ lục thế giới…) nhưng ngay tại lễ hội, khi cẩu cái ly café ấy, tai nạn xảy ra làm một số người bị thương… Rốt cuộc lại, cái ly café lớn nhất thế giới ấy cũng nhanh chóng chìm nghỉm vào quên lãng.

HANG ĐỘNG LỚN NHẤT
Đoàn thám hiểm của Hoàng gia Anh phát hiện hang Sơn Đoòng, thuộc di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng có chiều cao 150 mét, chiều rộng 200 mét. Thế là các phương tiện truyền thông đại chúng ra sức tung hô Việt Nam chúng ta có hang động lớn nhất thế giới. Nghe rất là oách! Nhưng rồi ra mới biết, trước đó, cái được coi là nhất thế giới đang ở Malaysia. Mà nhất thế giới thì cũng chỉ là của ông Howard Limbirt, Trưởng đoàn thám hiểm mà thôi! Làm gì có ai xác nhận đâu.

ĐIỆN THOẠI LỚN NHẤT
Đó là một chiếc điện thoại di động có chiều cao tới hơn 3 mét, nặng hơn 3 tạ do Trung tâm dạy nghề Thanh Xuân chế tạo. Không hiểu nhóm tác giả làm cái này để làm gì, nhưng nghe đâu kinh phí làm hết 80 triệu VND.

Và còn rất nhiều những cái nhất khác nữa.

Chúng ta bằng mọi cách, hết vận động đến ra lệnh, hết nằn nì đến ỉ ôi, để bàn dân thiên hạ bốn biển năm châu bầu chọn trên mạng cho Vịnh Hạ Long được đứng vào top 5 hay 7 gì đó Kỳ quan thiên nhiên của thế giới. Thi hoa hậu thế giới, chúng ta hì hục bảo ban nhau, mắng mỏ nhau, giận dỗi nhau chỉ để hò nhau bầu cho hoa hậu của chúng ta đứng vào những vị trí đầu tiên.

Và hầu hết những đợt vận động kiểu phong trào như thế là thất bại.

Nhưng giả sử, nếu có thành công, thì để làm gì nhỉ? Phong Nha-Kẻ Bàng thì đương nhiên là hoành tráng. Nhưng chẳng mấy ai đến đấy vì đường xá xa xôi, cách trở. Vịnh Hạ Long thì oách quá rồi. Nhưng cái cần làm là bảo vệ môi trường, chăm sóc cho nó để mãi mãi không bị mất đi những giá trị vốn có.

Thì chúng ta lại chẳng làm đến đầu đến đũa.

Bởi vì, chúng ta quen làm việc theo phong trào. Hết phong trào, hết hứng là mặc kệ, là bỏ bê. Hò hét, đấu tranh, xây dựng… nhưng làm được rồi, giành được rồi là chúng ta yên trí, để nguyên nó đấy, chẳng ai còn đoái hoài nữa.

Vậy thì, cứ nhất như thế thì được tích sự gì nhỉ?




Thứ Bảy, 26 tháng 6, 2010

THỬ VIỆC PHÓ TỔNG



Công ty bất động sản, gọi một cách chính xác là công ty chuyên kinh doanh nhà đất, trực thuộc một trong những tập đoàn lớn nhất nhì đất nước, vốn được sinh ra có lẽ để làm nhiệm vụ sân sau cho cái tập đoàn lớn đùng ở phía trước. Mà phàm đã kinh doanh nhà đất là lắm chuyện phức tạp, nực cười.


Và đây là một trong những chuyện xảy ra ở cái công ty sân sau ấy.


Ngày 8: Sau nhiều những vận động, chạy chọt, một ông, vốn là tay môi giới nhà đất, cò kiếc hạng nặng, được nhận vào làm việc với chức danh Phó Tổng Giám đốc. Theo hiểu biết của nhiều người, nghĩa là rất oách!


Ngày 18: Vừa vặn đúng 10 ngày sau, Công ty quyết địnhchấm dứt hợp đồng lao động thử việc. Tức là, nếu trừ đi hai ngày đến nhận nhiệm sở, và rời khỏi nhiệm sở, hai ngày nghỉ cuối tuần, ông này mới chỉ làm việc, chính xác là làm quen với mọi người, được vẻn vẹn 6 ngày.


Ngày 20: Ông Phó Tổng bị công an bắt vì liên quan đến một vụ án tham nhũng về đất đai gì gì đó.


Có nghĩa là sau 12 ngày đến làm việc với cương vị rất là oách, tại môt công ty rất là oách, ông đã phải tra tay vào còng, tâm phục khẩu phục vì những tội lỗi mà mình gây ra.


Điều đáng nói ở đây là gì?


Có thể ông chạy cái chức đó khá là mạnh, nên mặc dù cái background của ông có đen kịt đến mức nào đi chăng nữa, người ta cũng dễ dàng bỏ qua cho ông, và nhanh chóng cho ông một cái chức to đùng như thế!


Cũng có thể cái công ty kia không biết về quá trình trước đây của ông, nên nghe ông nói hoành tráng quá, người ta cũng xiêu lòng và nhận ông vào, lại cũng hết sức cẩn thận thử việc đàng hoàng. Tất nhiên, xưa nay, chưa ai thử việc một cái chức Phó Tổng hoành tráng đến thế.


Và dù nếu là trường hợp nào đi chăng nữa, chúng ta cũng nhận được một bài học là trong rất nhiều trường hợp, nói giỏi, nhiều người vẫn sẽ tin hơn là làm giỏi.


Bạn nhớ thế đấy nhé!



Thứ Sáu, 25 tháng 6, 2010

HAI SẮC HOA TIGON 5



HAI SẮC HOA TI-GÔN

Một mùa thu trước, mỗi hoàng hôn
Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn
Nhuộm ánh nắng tà trên mái tóc
Tôi chờ người đến với yêu đương

Người ấy thường hay ngắm lạnh lùng
Dải đường xa vút bóng chiều phong
Và phương trời thẳm mờ sương cát
Tay vít giây hoa trắng chạnh lòng

Người ấy thường hay vuốt tóc tôi
Thở dài trong lúc thấy tôi vui
Bảo rằng: Hoa giống như tim vỡ
Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi!

Thuở đó nào tôi đã biết gì
Cánh hoa tan tác của sinh ly
Cho nên cười đáp: Màu hoa trắng
Là chút lòng trong chẳng biến suy!

Đâu biết lần đi một lỡ làng
Dưới trời đau khổ chết yêu đương
Người xa xăm quá, tôi buồn lắm!
Trong một ngày vui pháo nhuộm đường

Từ bấy thu rồi, thu lại thu
Lòng tôi còn giá đến bao giờ
Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ
Người ấy, cho nên vẫn hững hờ

Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái tình lạnh lẽo của chồng tôi
Và từng thu chết, từng thu chết!
Vẫn giấu trong tim bóng một người

Buồn quá! Hôm nay xem tiểu thuyết
Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa
Những bông, tựa trái tim tan vỡ
Và đỏ như màu máu thắm pha

Tôi nhớ lời người đã bảo tôi
Một mùa thu trước rất xa xôi
Đến nay tôi hiểu thì tôi đã
Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi

Tôi sợ chiều thu phớt nắng mờ
Chiều thu, hoa đỏ rụng chiều thu
Gió về lạnh lẽo, chân mây trắng
Người ấy sang sông vẫn ngóng đò

Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng
Trời ơi, người ấy có buồn không?
Có thầm nghĩ tới loài hoa vỡ
Tựa trái tim phai, tựa máu hồng







HAI SẮC HOA TIGON 4



Hoa Tigon vốn không phải là loài hoa của miền nhiệt đới. Tigon có tên là Antigone là loài hoa của người Pháp, mang qua Việt Nnam hồi đầu thế kỷ trước. Antigone không có mùi thơm, nhưng rất đẹp. Hoa có hai loại, một loại màu trắng và một loại màu hồng. Hoa nở vào đầu mùa hè, thành những chùm xinh xắn, dễ thương. Nụ hoa giống như hình trái tim nho nhỏ.

Vì thế, mới có tên bài thơ là Hai sắc Hoa Tigon. Và cũng mới có những câu như “Người ấy thường hay vuốt tóc tôi. Thở dài trong lúc thấy tôi vui. Bảo rằng hoa dáng như tim vỡ. Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi” hoặc những câu “Những bông tựa trái tim tan vỡ. Màu đỏ như máu thắm kiêu sa”…

Antigone là loại hoa dây, lá giống như lá nho. Miền Bắc gọi là hoa Tigon, còn Miền Nam có nơi gọi là hoa nho. Tigon có vẻ đẹp lãng mạn và khả ái.

Hồi trước, thời điểm xảy ra câu chuyện tình của chàng thi si họ Nguyễn và cô nữ sinh Trần Thị Khánh, trên phố Sinh Từ, hoa Antigone mọc rất nhiều. Mùa Hè, hoa nở đẹp, long lanh cả một con phố nhưng đến Mùa Đông, lá rụng, hoa tàn thì quang cảnh trong quạnh quẽ và tiêu điều lắm.

Tình yêu của Tuấn Trình và Khánh chỉ mới ngắn ngủi trong mấy tháng hè mơ mộng, nồng nàn như nụ hoa Antigone mới chớm nở và tàn lụi ngay trong Mùa Đông năm đó, với những giàn hoa Tigon lá úa tàn, hoa rụng đầy sân.

Xung quanh những giàn hoa Tigon, Tuấn Trình còn có một số bài thơ nữa, nhưng theo tôi, chỉ có Hai sắc Hoa Tigon là đáng kể mà thôi.

Ngẫm ra, dù có đẹp đẽ đến bao nhiêu đi chăng nữa, những kỉ niệm vẫn chỉ là những kỉ niệm. Nó chỉ đẹp, chỉ thiêng liêng, khi ta để yên cho nó mà thôi. Vì thế, bạn và tôi, hãy nhớ nhé! Hãy để cho những kỉ niệm được ngủ yên trong giấc ngủ không mộng mị của mỗi thân phận con người.