Thứ Năm, 30 tháng 6, 2011

QUYỀN LỰC ĐỒNG TIỀN



Bà là một trong những người phụ nữ giàu có tiếng tăm tầm cỡ “phú gia địch quốc”. Chồng là người Mỹ gốc Việt. Sau khi bà thành đạt, ông trở về Việt Nam và giữ một chức vụ khá quan trọng trong cái tập đoàn của bà. Hai năm sau, bà sa thải ông bằng cách cắt hợp đồng lao động. Ông trở về Mỹ và bắt đầu cuộc sống độc thân.

Từ đâu để bà có một số tài sản khổng lồ như thế thì ngoài bà ra, chẳng ai có thể trả lời được câu hỏi ấy. Cũng như câu hỏi vì sao bà lại sa thải ngay chính ông chồng hiền lành của mình thì cũng chẳng ai có thể biết. Một lần hiếm hoi, ông nói trước báo giới nguyên nhân có lẽ là do những yếu kém trong quản lý kinh doanh của ông mà thôi.

Hai ông bà có một cô con gái. Cô xinh đẹp, năng động. Sau khi tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng của Hoa Kỳ, cô về nước và rất muốn làm việc để tự khẳng định mình. Đáp ứng yêu cầu ấy của con gái, bà cho thành lập công ty mới với khoản tiền đầu tư khổng lồ. Công ty hoạt động trong một lĩnh vực rất thời thượng và chính là ngành mà cô con gái đã theo học. Có điều, nó lại không hề liên quan gì đến lĩnh vực kinh doanh của bà, lĩnh vực kinh doanh mà từ đó bà đã trở nên giàu có.

Sau gần 3 năm hoạt động, công ty triền miên thua lỗ, bởi vì trên thực tế, nó chưa hề thu được bất kể một đồng nào từ hoạt động sản xuất kinh doanh. Bà thì chưa thấy gì là đáng ngại. Bà biết, khoản đầu tư ấy chưa là gì so với tiềm lực tài chính của bà. Vì thế, bà yên tâm bỏ tiếp tiền vào và chờ một ngày nào đó sẽ thu được những khoản lợi nhuận kếch xù.

Nhưng cô con gái thì không nghĩ vậy. Cô không thể tiếp tục theo hướng đi cũ của công ty nữa. Quan điểm của cô là đã đến lúc phải chuyển hướng kinh doanh. Cô nói rằng ngành dịch vụ thì không thể đầu tư quá dài mà không có nguồn thu. Đã đến lúc phải cải tổ triệt để để có thể bắt đầu có những nguồn thu đầu tiên. Và cô cương quyết lái công ty đi theo hướng đó.

Mẹ con bà bắt đầu mâu thuẫn nhau từ đấy. Cái mâu thuẫn cứ lớn dần, lớn dần…

Và giọt nước để làm tràn ly cái mâu thuẫn ấy chính là quan điểm về chuyện riêng của cô. Cô có bạn trai và dẫn về nhà giới thiệu với mẹ. Bà thì không thể chấp nhận một người đàn ông như vậy sẽ làm con rể. Cô thì dứt khoát không muốn ai, kể cả cha mẹ, can thiệp quá sâu đến mức bắt cô phải thôi yêu anh bạn ấy.

Cô gọi điện sang Mỹ cho bố. Bố cô, với tác phong của một người đàn ông đứng tuổi sống ở Mỹ đã nói rất ngắn gọn rằng bố không can thiệp, bố chỉ nhắc rằng nếu con đã suy nghĩ kỹ càng thì bố tôn trọng quyết định của con.

Tất nhiên là cô không thể thay đổi quyết định theo hướng của mẹ được…

Bà ra tuyên bố rất rõ ràng. Hoặc là mẹ con với nhau và toàn bộ tài sản cả ngàn tỉ đồng sẽ sớm muộn cũng thuộc về cô. Hoặc là từ mặt nhau và chẳng có gì hết, cô muốn đi đâu thì đi.

Cô đã chọn con đường thứ 2 mà bà đưa ra. Từ bỏ vị trí giám đốc công ty, từ bỏ toàn bộ tiền bạc, cô cùng bạn trai, và cũng giống như bố cô, sang Mỹ để bắt đầu một cuộc sống mới.

Xem ra, quyền lực của tiền bạc vẫn còn lớn lắm, ngay cả trong những trường hợp mà không ai nghĩ tiền bạc có thể xen vào được.



Thứ Ba, 28 tháng 6, 2011

NỖI KHỔ CÔ CHỦ TRẺ



Cuối giờ chiều một ngày làm việc đầu tuần, một bạn nhân viên vào phòng báo anh có khách. Hơi bất ngờ vì khách đến không hẹn trước vào cái giờ ấy, anh mở cửa. Tưởng là ai, hóa ra là người quen. Cô gái anh quen từ hồi tới công ty định xin vào làm ở phòng khai thác quảng cáo. Cô đi với một người bạn. Cả hai rối rít xin lỗi vì đã đến đường đột không báo trước.

1

Cách đây gần 2 năm, cô tới công ty anh nhân đọc một dòng tin đăng tuyển dụng. Trong buổi nói chuyện, cô bày tỏ quyết liệt một nguyện vọng là mong muốn thử việc một thời gian sau khi ra trường, để 6 tháng sau sẽ lập công ty của riêng mình. Là người có đôi chút kinh nghiệm, anh khuyên cô chưa nên nghĩ tới kế hoạch ấy vào lúc này nhưng anh biết, sẽ chẳng thể lay chuyển được cô.

Chưa kịp làm việc ở Công ty ngày nào, cô đã thông báo với anh là sẽ đi theo một người bạn sang làm ở một tờ tạp chí lớn, khá tiếng tăm. Thời gian cứ thế trôi đi. Mấy tháng sau, anh lại thấy cô gọi anh trên mạng, hỏi thăm vài câu và tiện thể thông báo đã chuyển sang làm ở một công ty truyền thông.

Ít lâu sau, cô gọi điện cho anh, thông báo đang làm một chương trình thi hoa hậu và từ thiện rất lớn, tầm cỡ quốc gia. Rồi thời gian qua đi, gần đây nhất, cô hồ hởi thông báo đã cùng 2 người bạn thành lập công ty mới, chuyên hoạt động trong lĩnh vực activition. Cứ thế, gần 2 năm cô lăn lộn đủ các nơi, làm nhiều việc, việc mới đến chưa kịp kết thúc đã lại nhảy sang việc mới nữa.

2

Và hôm nay, cô đến cùng với một người bạn để thông báo thông tin không vui về công ty mới của cô. Công ty được thành lập chưa đầy 6 tháng nhưng hiện đang rất khó khăn. Công việc đã ít, lại bị cạnh tranh khốc liệt nên dù có vất vả, cũng chẳng thu nhập được bao nhiêu. Đã thế, nội bộ 3 người bắt đầu nảy sinh những mâu thuẫn nghiêm trọng.

Cô ngẩn người hỏi anh: “Anh có kinh nghiệm, anh cho em và bạn em đây vài lời khuyên xem trong hoàn cảnh hiện tại của bọn em, nên phải hành động thế nào?”. Anh nhìn cô ái ngại: “Em còn trẻ lắm. Thử sức ở các cơ hội khác nhau là rất nên nhưng có lẽ cơ hội để làm một cô chủ trẻ là hơi quá sức. Vả lại, em cũng đâu cần phải hi sinh nhiều đến như vậy! Hay là….”.

3.

Tiễn cô và bạn cô ra về, anh cứ băn khoăn tự hỏi, chúng ta có nên tiêm nhiễm vào giới trẻ cái khát khao làm chủ, làm người có quyền lực, để nhiều người trong số phải trả giá quá đắt bằng những năm tháng đẹp đẽ nhất sau khi ra trường như thế này hay không?



Thứ Tư, 22 tháng 6, 2011

HỘP TRÀ NHÀI


<!--[if gte mso 9]> Normal 0 false false false EN-US X-NONE X-NONE


Hộp trà nhài hàng nhập khẩu của Anh Quốc và chai mật ong nhỏ xíu của Tây Ban Nha. Đó là hai món anh thích nhất. Đồ nhập khẩu thì phải đáng kể người ta mới hay có hàng. Đằng này chúng không đắt, cũng không rẻ và vì thế, không phải lúc nào cũng mua được. Vậy mà cô vẫn biết chỗ và thường xuyên mua cho anh.

Rồi cô đi xa…

Trước khi đi, cô mua cho anh cả hai thứ: “Anh cứ dùng đi nhé! Hết em sẽ lại mua cho anh!”. Cô nói thế làm anh vui, chứ bản thân cô cũng chẳng tin là mình có thể mua được cho anh nữa. Công việc bộn bề, nhiều mối lo toan, cả việc chung lẫn việc riêng. Không thể tiếp tục nữa cũng chằng có gì là lạ.

Rồi anh cũng dùng hết. Đến hộp trà cuối cùng, anh cứ cố để dành, cố để dành. Ít ra thì cũng để luôn luôn nhìn thấy món quà của cô. Nhưng rồi không để được nữa. Vì lâu quá trà cũng hỏng. Vì anh chẳng còn gì để dùng nữa. Và có thể là vì cả hai lý do đó.

Lúc bóc hộp trà cô để lại, không hiểu sao, anh chợt nghĩ, biết đâu đây lại là hộp trà cuối cùng cô mua cho anh. Biết đâu lúc quay lại, cô sẽ dành cho anh một món quà khác. Và biết đâu cũng có thể cô sẽ lãng quên tất cả những gì đã dành cho anh.

Trong tất cả những hoài nghi ấy, chỉ có một điều chắc chắn là cô không thể biết được rằng cái hộp trà nhỏ thơm lừng mùi hoa nhài ấy lại quan trọng với anh đến thế!



Thứ Ba, 21 tháng 6, 2011

VÒNG NGUYỆT QUẾ



Cuộc thi đã được tổ chức hàng chục năm và được đánh giá là một trong cuộc thi thành công nhất dành cho lứa tuổi học sinh. Phần thưởng của người thắng cuộc là vòng nguyệt quế và khoản tiền 35,000 USD cho một suất học bổng đại học ở nước ngoài.

Càng về những năm gần đây, cuộc thi càng căng thẳng. Người thắng cuộc năm nào cũng thấy có vấn đề. Có nhiều nguyên nhân, nhưng có lẽ nguyên nhân nào cũng bắt nguồn từ chính sự thắng-thua đã lên tới mức vượt ra khỏi khuôn khổ của phạm vi giáo dục và học hành.

Khoản tiền lớn được sử dụng làm học bổng ở nước ngoài là niềm mơ ước của hầu hết các em học sinh phổ thông. Với sự cổ vũ thái quá của bạn bè và đặc biệt là của người lớn, cuộc thi đã không còn dừng lại ở mức phong trào học tập, rèn luyện trí lực và nhân cách con trẻ nữa. Nó đã mang màu sắc ăn thua đủ của một cuộc chiến đấu giữa các đấu sĩ.

Nhân kỷ niệm một chặng đường dài của cuộc thi, ai đó đã làm một phóng sự tìm lại những trường hợp thắng cuộc, xem hiện tại, những nhà vô địch đang làm gì? ở đâu? Thật ngạc nhiên là phần lớn trong số đó đang ở lại nước ngoài học tập hoặc làm việc. Rất ít những người thành đạt trở về đất nước mình.

Tôi không có ý định phản đối cuộc thi, cũng không tỏ ý nghi ngờ gì về năng lực của các bạn trẻ. Điều tôi băn khoăn là với cách thức tổ chức thi nock-out như vậy, với tinh thần của các chiến binh ra trận như tên gọi của cuộc thi như vậy, và cuối cùng, với khoản tiền lớn lù lù trước mắt như vậy, chúng ta có mang lại điều gì thực sự tốt đẹp cho con trẻ hay không?

Có nhất thiết phải xem giáo dục như một chiến trường và học sinh là các chiến sĩ cảm tử?



Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2011

EM GÁI



Nhà đông anh em, nhưng anh và cô hợp nhau hơn cả. Anh thứ 2 còn cô thứ 4. Từ lúc còn nhỏ ở quê hai anh em đã thân nhau. Có thể vì cả hai đều có một điểm chung, đó là hợp mẹ. Cũng có thể vì anh hay chiều em gái, mà cô thì là một trong hai cô em gái trong cái gia đình đầy đặc con trai ấy nên lẽ dĩ nhiên là hợp nhau mà thôi.

Có lần cô bị ho dai dẳng, mẹ bảo anh cõng em ra trạm xá xã để khám và tiêm thuốc. Thấy em bị tiêm đau, anh thương quá. Lúc về qua chợ, anh rút đồng 1 hào được mừng tuổi để dành từ lâu còn mới cứng, mua cho cô 2 cái kẹo bột. Ai dè, ăn cái kẹo ấy vào, vết tiêm bị tấy đỏ, em khóc suốt đêm làm anh lo quay quắt không ngủ được. Sự cố này là kỷ niệm mà anh không thể nào quên.

Học xong phổ thông, trúng tuyển vào đại học, anh rời làng quê bắt đầu cuộc sống mới. Tốt nghiệp đại học, anh vào bộ đội, rồi chuyển ngành về công tác tại một xí nghiệp ở Hà Nội. Cũng trong ngần ấy năm, hết thảy anh em trong gia đình anh trưởng thành, người đi thoát ly công tác, người vào bộ đội. Ai cũng xây dựng gia đình, con cái đầm ấm. Chỉ có mình cô, tốt nghiệp phổ thông xong là ở lại quê nhà.

Mẹ mất, cô càng buồn. Tới năm 31 tuổi cô vẫn ở nhà một mình với bố. Ở quê mà tuổi ấy chưa chồng là muộn mằn lắm. Có lần anh về chơi, cô bảo: “Thôi chắc em chẳng lấy chồng nữa. Cứ ở thế này với bố cũng tốt. Sau này, cháu nhà anh lớn, anh cho một đứa về quê ở với em nhé!”. Anh nắm tay cô động viên: “Em phải lấy chồng chứ! Em yên tâm, thế nào mẹ cùng phù hộ cho anh em mình. Thế nào em cũng gặp được người tử tế em ạ!”.

Rồi qua mối lái của bà chị dâu cả, cô nên vợ nên chồng với chàng thanh niên nghèo ở một xã trung du, gần quê của chị. Ngày cưới cô, cả nhà vui lắm. Tối hôm trước, anh về, hai anh em dẫn nhau ra bờ ruộng sau nhà, nơi mà hồi thơ ấu, anh và cô hay bắt châu chấu ở đấy. Anh đặt vào tay cô chiếc nhẫn vàng 2 chỉ: “Em đi lấy chồng xa, anh chẳng còn gặp thường xuyên được nữa. Anh có chút vốn liếng cho em. Gặp việc gì khó khăn, cứ bán đi mà dùng. Trời cho làm ăn được, anh lại mua cho cái khác. Đừng tiếc, đừng cố để dành nhé!”.

Sau lần sinh con đầu, cô bị bệnh nấm ở mắt khá nặng. Lần nữa mãi rồi cũng phải xuống Hà Nội chữa. Vào Viện mắt Trung ương, làm thủ tục xong, cô nhờ đứa cháu bên chồng gọi điện cho anh. Anh tất tả tới Viện. Gặp anh, cô nắm tay anh khóc: “Em vừa làm thủ tục xong. Phải nằm viện chừng 1 tuần. Toàn thuốc đắt tiền thôi. Anh cố lo cho em nhé! Lần này em lại làm khổ anh rồi!”.

Cuộc sống cứ thế trôi đi. Giờ anh đã ngoài 50 tuổi, tóc đã muối nhiều hơn tiêu. Cô trẻ hơn anh 5 tuổi nhưng xem chừng tóc bạc hơn, lam lũ hơn nhiều. Được cái con cái đã khôn lớn, ít nhiều đỡ đần được mẹ. Kinh tế cũng khám khá dần. Những ngày gian khó đã qua. Mỗi lần giỗ mẹ, anh đã không còn phải chờ cô ở đầu làng, dúi vào tay cô ít tiền, để lát nữa, cô đưa món tiền ấy gửi giỗ cho bố nữa.

Lần gặp mới rồi, lúc chia tay, anh bảo: “Lâu rồi anh chẳng cho em cái gì. Em cầm lấy môt ít mà tiêu nhé!”. Cô cười thật tươi: “Anh cho em nhiều thế! Giờ em cũng đã mát mặt rồi. Cũng đã có của ăn của để. Anh đừng lo cho em như ngày trước nữa. Anh vất vả vì em quá nhiều rồi!”. Lần đầu tiên anh thấy cô từ chối, nhưng sự từ chối của cô lại làm anh vui. Anh khoát tay: “Thế là mừng rồi em ạ! Em cứ cầm lấy. Chủ nhật này bảo cháu nào nó đèo ra thị xã, sửa mái đầu, nhuộm tóc đi em nhé! Các cháu đã khôn lớn, cũng đã đến lúc em nên chăm sóc cho bản thân mình nữa chứ!”.