Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2011

NHƯ APPLE



”Chào anh, em là nhân viên của Công ty B, công ty tư vấn thương hiệu doanh nghiệp hàng đầu Châu Á, kết hợp với Công ty tổ chức khoá học của Việt Nam. Công ty em trân trọng gửi anh một giấy mời dự hội thảo chủ đề Xây Dựng Doanh Nghiệp Phát Triển Thành Công. Vậy anh vui lòng cho em biết, anh có muốn Công ty anh phát triển và thành công như Apple của Mỹ không ạ?”

Chưa nghe hết câu hỏi của cô gái, đã thấy choáng! Hoá ra công ty bé bằng cái lỗ mũi của mình mà cũng có người so sánh nó với Apple của Mỹ. Thế đấy! Từ giờ, đừng có ai mà coi thường mình nữa nhé! Chẳng biết Steve Jobs nghe thấy điều này có tự ái không chứ mình thì cũng khoai khoái. Gì thì gì, khi mà người ta được đặt cạnh Apple của Steve Jobs thì cũng không phải chuyện tầm thường.

Nhưng rồi bỗng liên tưởng đến câu chuyện với một người bạn thân vừa gặp nhau ở quán bia hơi tuần trước. Câu chuyện thật đơn giản. Đó là làm cách nào để in một tấm ảnh panorama khổ lớn thật đẹp? Và in xong rồi, làm cách nào bồi nó lên tường, hay đơn giản là làm khung treo nó lên thật sang trọng và lịch lãm?

Câu trả lời tưởng chừng rất dễ. In ảnh thì khó gì? Máy xịn, giấy xịn, ảnh chụp xịn, vậy là xong. Cắc cớ gì phải lo lắng chứ! Còn khung ảnh à? Đơn giản hơn mọi điều đơn giản. Ra phố khung ảnh, thửa một cái đỉnh cao là xong. Về lồng ảnh vào khung treo lên. Tuyệt vời! Còn gì hơn thế nữa chứ!

Nhưng đừng tưởng bở là mọi chuyện dễ dàng thế nhé! Ảnh in được đẹp hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào ông thợ chỉnh ảnh, thợ máy in. Mà khi đã phụ thuộc vào các ông thợ thì chẳng ai dám nói trước điều gì. Khung ảnh cũng thế. Nhìn xa xa đẹp thế thôi. Đến gần rất là lắm chuyện.

Ông bạn, vốn là một chuyên gia trong lĩnh vực nghệ thuật phán: “Ở mình, người ta lo chuyện đại sự, bàn chuyện đại sự rất là tốt. Mà là tốt thật! Nhưng cứ đến các tiểu tiết là chẳng ai làm tốt được cả. Cho nên, muốn có môt bức ảnh treo tường đẹp, ông phải giám sát từng ly từng tí các ông thợ nhé! Không là ăn đòn đấy!”.

Hai câu chuyện liên tưởng với nhau có vẻ gì đấy thật khập khiễng. Nhưng ít nhất cũng làm mình hết cả cái khoai khoái ban đầu. Đừng so sánh mình với Apple nhé, dù ngay cả trong giấc mơ!



Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2011

HUYỀN SỬ THIÊN ĐÔ



Thế là cuối cùng, Huyền Sử Thiên Đô, một trong hai bộ phim được sản xuất nhân kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội cũng được phát sóng. Sau bao nhiêu tranh cãi và dập vùi, sau bao nhiêu cố gắng sửa chữa của nhà sản xuất, phim mới được ra mắt. Một sự tưởng thưởng, dù hơi chậm trễ, cho những cố gắng của tất cả, từ đạo diễn, diễn viên… đến nhà sản xuất.

Tôi thấy phim không thật sự xuất sắc như ban đầu, từ trước khi bấm máy, đã được một số báo ca ngợi. Nhưng nói chung, đến những tập này, tôi thấy phim cũng tốt. Với tư cách của người mới tập toọng bước vào lĩnh vực này, tôi đặc biệt ấn tượng với những cố gắng của tất cả các thành viên của đoàn làm phim.

Chợt thấy tiếc làm sao! Giá Huyền Sử Thiên Đô được chiếu vào dịp nửa cuối năm trước, thời gian kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội thì hay biết bao! Nghĩ đến đây, lại thấy tiếc thêm cho phim Lý Công Uẩn, đường tới thành Thăng Long cũng đang nằm một chỗ, chưa biết đến bao giờ được phát sóng.

Lý do phim chưa được phát sóng thì có nhiều. Tôi không muốn nói lại ở đây nữa. Và cũng có thể không ít lý do đưa ra là xác đáng. Nhưng có một lý do, cũng xác đáng không kém, đó là sự thiếu thiện chí, sự kèn cựa kiểu ghen ăn ghét ở của một số người. Huyền Sử Thiên Đô, rồi Lý Công Uẩn, đường tới thành Thăng Long, thêm một lần nữa cho thấy người Việt mình thật khó hợp tác với nhau.

Chẳng lẽ sau bao cố gắng của biết bao nhiêu người, chúng ta lại cứ phí phạm công sức lao động của nhau đến như thế!



Thứ Tư, 4 tháng 5, 2011

ĐIỀU DAY DỨT MÃI



Tôi cứ day dứt mãi không thôi vì hình ảnh cháu bé chưa đầy 4 tuổi bị chính cha ruột của mình châm lửa đốt. Cháu bị bỏng nặng, rất nặng. Nếu may mắn qua được, chắc ấn tượng kinh khủng sẽ theo cháu suốt cả cuộc đời.

Cha mẹ cháu mâu thuẫn với nhau. Người cha bất nhân tính đã vì thế mà châm lửa với mục đích là thiêu chết chính con mình. Loài cầm thú, dù dữ đến mấy, dù ăn thịt cả đồng loại thì cũng không bao giờ ăn thịt con của mình dứt ruột đẻ ra. Vậy mà có người lại nhẫn tâm, thất đức làm được điều mà thú vật cũng không dám làm, không làm được.

Tất nhiên là đáng lên án rồi. Tội giết con là tội tày đình. Trời không dung, đất không tha. Cơ quan chức năng đã vào cuộc và tôi tin rằng cái ác sẽ phải trả giá. Điều làm tôi băn khoăn, day dứt và khó hiểu nhất lại là người mẹ, và mối quan hệ vợ chồng của cha mẹ cháu bé.

Đã sống với nhau nhiều năm. Đã có con chung với nhau. Tôi chắc rằng người mẹ, hơn ai hết, hiểu được tính ác độc, hằn thù của chồng mình, hiểu được nguy cơ nào đang rình rập hai mẹ con. Bản thân chị cũng nói rằng cha cháu đã vài lần định giết cháu. Vậy thì lý do gì mà mẹ cháu lại không tìm được chỗ che chở nhỉ? Báo chính quyền, nhờ hội phụ nữ, nhờ cậy anh em, bố mẹ, họ hàng… ? Tất cả những giải pháp đó đều không khó, không đến nỗi không thể thực hiện được.

Nhưng vì sao chị lại không làm? Hoặc giả có làm thì cũng chưa quyết liệt để đến mức gánh chịu hậu quả đau thương như ngày hôm nay hai mẹ con đangphải chịu?

Vì chị cố níu kéo người chồng và hy vọng anh ta sẽ được cảm hóa. Cũng có thể! Ở nhiều vùng nông thôn, phụ nữ cam chịu tới mức không thể hiểu nổi. Họ cam chịu chỉ để được cái tiếng là có chồng, có con. Thế thôi! Còn chồng hay, dở thế nào, con ngoan hư thế nào cũng được.

Vì chị sợ anh ta sẽ lại gây hấn, lại hành hung hai mẹ con? Nguyên nhân này có, nhưng tôi nghĩ là ít thôi. Vì ngày nào chẳng bị ăn đòn thì việc gì phải sợ chứ!

Và còn những nguyên nhân nào khác nữa? Chịu! Tôi cứ phán đoán mãi mà chẳng thể nào đoán ra được nữa. Nhưng bất luận thế nào, tôi nghĩ, một bên chồng, một bên con. Khi phải lựa chọn giữa một bên là ông chồng như thế và một bên là sinh mạng của đứa con, tôi chắc rằng bản năng của người phụ nữ sẽ xui khiến họ chọn đứa con chứ chẳng vì ông chồng.

Đằng này, chị đã làm ngược lại. Dù là vô tình hay cố ý. Dù là đã cố gắng hay buông xuôi. Thế mới khổ, thế mới đến nông nỗi này.

Cho nên, nếu là phụ nữ, hãy chọn hòn máu của mình để chở che, để bảo vệ. Đừng chọn một ai khác, một cái gì khác. Đứa con mới là quan trọng. Những thứ khác, kể cả chồng mình, cũng không quan trọng bằng đâu.