Thứ Hai, 31 tháng 5, 2010

HỌC ĐỂ LÀM GÌ?



Về quê thường xuyên, nhưng lâu lắm rồi tôi mới có dịp hàn huyên cùng bạn bè thuở còn cắp sách trường làng. Chuyện Đông chuyện Tây, cuối cùng, vẫn quay về chuyện gia đình, học hành, con cái. Bỗng giật mình khi nghe các bạn nói cả làng có tới gần 30 cô, cậu tốt nghiệp đại học chưa xin được việc làm. Thế là sau gần 5 năm đèn sách thành tài, các cô cậu này lại quay về quê theo nghề trạm khảm của cha ông.

Cũng vì thế, con em trong làng bỏ học rất nhiều. Phần lớn chỉ học hết lớp 9, khá khẩm thì hết lớp 12 là nghỉ. Ở nhà học nghề đục, trạm, khảm. Bởi có học nữa, học lên tận đại học, thậm chí tốt nghiệp đại học thì rồi cũng làm nghề trạm thôi. Vậy thì học đại học để làm gì? Thời gian đó, thà dành để học nghề có khi còn tốt hơn.

Ngày trước, cha ông giỏi nghề mộc, nghề trạm khảm, đục và gọt con giống. Giỏi nghề, nên nhà nào cũng có tư tưởng dạy dỗ, truyền nghề lại cho con cháu. Vì thế, đám thợ mộc, thợ ngang, thợ đục, thợ trạm làng Me Cả nổi danh như sóng cồn suốt cả vùng, từ miền xuôi đến miền ngược. Quê tôi, những người phụ nữ thường có câu nói cửa miệng đầy tự hào về làng quê mình rằng đàn ông Me Cả cơm rượu thiên hạ quanh năm.

Bản thân tôi, dù được bố mẹ quyết tâm nuôi cho ăn học, nhưng hè nào cũng phải cắp dùi đục, cưa, tràng… làm phó đi theo đám thợ làng, dọc ngang khắp các vùng quê làm nhà, làm đồ mộc. Trước khai trường tầm mươi ngày mới được trở về nhà chuẩn bị cho năm học mới.

Nói tóm lại, cha ông làng tôi coi trọng việc dạy nghề, truyền nghề cho con cháu. Làng tôi, từ xa xửa xa xưa, vốn là vùng hiếu học, từng sản sinh ra Trạng Nguyên Nguyễn Giản Thanh, Thượng Thư Đàm Thận Huy. Nhưng con cháu thì lấy nghề làm gốc. Ai kiệt xuất mới chọn con đường học hành, thành đạt, làm quan giúp nước , giúp dân.

Thế hệ chúng tôi thì khác hẳn. Nhà nào có tí của nả là lo cho con ra thành phố học, những mong thành ông nọ bà kia, thoát khỏi cái cảnh lao động chân tay lam lũ. Thế là hàng loạt cô cử, cậu cử ra đời. Học xong, trụ lại ở thành phố thì quá khó. Lương vài triệu. Nào tiền nhà, tiền ăn, tiền sinh hoạt… và hàng lô các nhu cầu khác nên dù là thành đạt, hầu hết vẫn phải xin thêm bố mẹ tiền.

Được vài năm, chịu không thấu, đành bỏ về quê theo nghề cũ của cha ông. Nhưng lúc ấy thì lỡ dở hết cả rồi. Học nghề thì khó vì tuổi đã lớn. Lại thêm cái bệnh bằng cấp, chẳng lẽ có bằng đại học lại đi làm nghề trạm, đục, khảm? Mà muốn kiếm ăn bằng cái bằng đại học của mình thì chợt phát hiện ra rằng nó chưa đủ. Chưa đủ để làm chủ, nhưng có vẻ lại hơi thừa để làm thợ. Nghịch cảnh là như vậy.

Từ làng quê, từ đám con cái bạn bè, chợt nghĩ về một cái gì đó tầm vĩ mô hơn cây tre, bờ ruộng , sân đình. Đó là học để làm gì? Và học như thế nào nhỉ?




Thứ Bảy, 29 tháng 5, 2010

MỘT BÀI BÁO QUÁ CHÁN



Liên tục trong thời gian qua, bao nhiêu vụ dầu mỡ bẩn trong Nam, ngoài Bắc bị tóm. Nhìn hình ảnh mà phát ghê. Mỡ thối, mỡ bẩn chế biến cạnh cổng rãnh đen ngòm. Mỡ đóng thành từng tảng lẫn cả đất, cát, túi ni-lông hôi nồng nặc đem rán quẩy, khoai tây, phi hành rồi mang bán. Khiếp vía!

Vì thế mà nhìn thấy cái tít bài báo “Cách nhận biết hành phi bằng dầu mỡ bẩn” trên một trang báo mạng, không thể không quan tâm. Còn gì thiết thực bằng cách được trang bị những kiến thức sơ đẳng để nhận biết đâu là hành thật, đâu là hành phi bằng dầu mỡ bẩn nữa chứ. Nhất là trong bối cảnh này.

Nhưng rồi đọc, đọc mãi, gần hết cả bài báo, vẫn chẳng thấy để nhận biết thật giả, người ta phải căn cứ vào đâu. Toàn là ông tiến sỹ này phân tích thế này. Cơ quan chức năng kia nhận xét thế nọ. Hết chất này đến gốc tự do kia. Rồi vitamin này đến vitamin nọ. Chưa hết, bài báo còn dậm dọa (mà không cần dậm dọa thì ai cũng đã biết) người ta bằng đủ những ngôn từ bệnh tật nếu ăn phải thứ dầu bẩn ấy.

Rốt cuộc lại, cả một bài báo dài loằng ngoằng nhưng lại hầu như chẳng trang bị cho người ta được cái gì để nhận biết được hành phi mỡ bẩn và hành phi mỡ sạch, cái mục đích chủ yếu, như tên gọi của bài báo đã đặt ra.

Mãi đến tận cuối bài, mới có một câu, dẫn lời của một chị bán xôi vỉa hè cạnh một khách sạn nói là căn cứ vào màu sắc của hành phi và mùi thơm của nó để nhận biết. Đọc xong cứ thấy ấm ức mãi không thôi. Mất thời gian, mất công sức để rồi thất vọng đầy vơi.

Nếu đúng như thế thì có cần lôi cả một ông tiến sĩ với mớ kiến thức biển trời của ông ấy, vào một bài báo đơn giản như thế không nhỉ?

Và nếu đúng như thế thì sao không liệt kê một, hai, ba, bốn… các dấu hiệu nhận biết hành phi mỡ bẩn và hành phi mỡ sạch để người đọc đỡ mất thời gian, dễ hiểu và dễ áp dụng khi đi mua hàng hoặc khi đi ăn ở ngoài hàng không nhỉ?

Và cuối cùng, với cái kiểu viết như thế này, chúng ta có đáng tin toàn bộ bài báo không nhỉ?




Thứ Sáu, 28 tháng 5, 2010

BIA HƠI



"Anh về với... bia rồi mai anh lại đi...". Lời hát nghêu ngao của dân nhậu trong các quán bia mịt mùng là hình ảnh hùng hồn nhất, minh chứng cho nhu cầu không thể thiếu và đang ngày một tăng lên của hết thảy những người đàn ông chân chính trên đất nước này, về một thứ nước uống có sức quyễn rũ kỳ lạ: Bia!


Những năm đầu của thập kỷ 60, ở Hà Nội, bia còn được coi là thứ "nước" uống ghê sợ. Đến nỗi, nếu phải uống, người ta thường nhỏ mấy giọt "xi-rô" hay một ít đường vào cho dễ "trôi". Bây giờ kể lại chuyện này, hẳn không ít những người đàn ông cho rằng làm gì có chuyện đó, làm gì lại có câu chuyện "cổ tích" giữa đời thường như vậy. Bia là... bia! Và tất nhiên, bia không thể bị hắt hủi như thế được. Cứ nhìn hình ảnh tập nập ở các quán bia hơi thì biết. Có quán tới vài ngàn lượt khách mỗi ngày. Nghĩ đến mà lo. Giữa cái nóng nực ngột ngạt của mùa hè, giữa bao nhiêu công chuyện đau đầu... "nếu một ngày không có... bia, thì niềm cô đơn...".


Hà Nội uống bia đã tợn, nhưng Hà Nội còn có mùa đông. Khi những đợt gió mùa Đông-Bắc đầu tiên tràn về, dân nhậu đã nhìn bia với đôi chút hờ hững. Sài Gòn thì khác, Sài Gòn không có mùa Đông. Giữa cái nóng ghê người quanh năm, Sài Gòn uống bia càng tợn. Thiên nhiên gọi con người uống bia, con người gọi con người uống bia, cho dù không có cả một ngàn lẻ một lý do để uống. "Nếu phải cách xa... bia, anh chỉ còn bão... ão... tố... ố".


Người ta tán tụng rằng, đối với dân nghiện, có cả đến10 điều bia hơn... phụ nữ. Nào là bia hẹn không ai đến trễ, bia không biết ghen nếu ta đang dùng dở một chai mà lại muốn vặt thêm nút chai bên cạnh. Nào là với bia, khi dùng xong, người ta có thể đổi được chai mới, nào là với bia, tất cả những người đàn ông đều có thể sống chung hòa bình... Một cách nghiêm... chỉnh, bia là thứ nước giải khát, là một loại thực phẩm của cuộc sống văn minh, một loại chất bổ do đường hóa tinh bột lên men.


Uống bia có thực là bổ? Liên tục trong suốt một thời gian dài mấy chục năm qua, người ta không ngớt tranh luận về vấn đề này. Một chuyên gia trong ngành hóa thực phẩm nói rằng thật kỳ cục cho những ai còn nghi ngờ về tác dụng tuyệt hảo của bia. Đã có một sự so sánh khá thú vị. Một cốc bia 400 ml cung cấp cho con người lượng calo tương đương chiếc bánh mì 250 gram. Ngoài ra, bia còn có tác dụng giải nhiệt, lợi tiểu, làm đầu óc sảng khoái...


Vậy nhưng uống bia thế nào cho có lợi là cả một vấn đề. Một lít trở lại cho mỗi ngày là tốt, còn uống thả phanh theo kiểu "thùng bất chi thình" thì lại là chuyện khác. Nó làm cho các cơ quan "lục phủ ngũ tạng" quá tải, rồi đến cả cái đầu cũng mất thăng bằng. Chính vì vậy, khi uống bia, chỉ một, hai cốc đầu là ngon. Cách đấy, người bán hàng rành lắm. Còn các cốc sau, "em" cho "Thượng Đế" uống gì mà chẳng được. Nhất là khi đã "bốc máy", người ta còn lo "chăm phần chăm"! Bia vào khiến mọi người đàn ông đều trở nên hào hiệp đến... không ngờ. Người ta mời nhau, tán dương nhau, kiếm tìm cả những lý do nhỏ nhất để nâng cốc rồi gân cổ hò hét "nhậu đi thôi mau nhậu bạn ơi, cho đến khi... thấy ông Mặt trời".


Nếu như bia là một ngành công nghiệp thì nhậu cũng không kém gì về quy mô. "Đi mô rồi cũng nhớ về... nhậu". Nhưng nhậu cái gì? Từ trái cóc, trái ổi trước đây, cơ cấu bữa nhậu đã có nhiều thay đổi và được nâng cấp thành những "hộ khẩu" đủ các món sơn hào hải vị, với những cái tên mỹ miều mà mới chỉ nghe tên thôi đã thấy "bốc". Nào "Hồng hài tắm lửa", nào "Nhị xà sang sông"... Mồi đã vậy thì đồ uống tất cũng phải chuyển mình để theo kịp những "cuộc cách mạng vũ bão" tại các bàn nhậu. Từ chỗ "rượu thì rượu mà bia thì bia" giờ đây đã đến lúc "chỉ có bụng mới hiểu, bụng thèm bia nhường nào".


Chuyện uống bia gì cũng có nhiều điều đáng nói. Ngoại trừ những thương hiệu bia nổi tiếng, khi thị trường cần bia mà bia chưa đủ tất sẽ dẫn đễn tình trạng "bia lên cơn". Đó là thứ "bia đế", "bia cuốc lủi" thực sự nguy hại. Một ít cồn tự nấu pha nước lã, may thì nước máy, nếu không là nước giếng, thậm chí cả nước ở trong... toa-lét, hòa thêm chút "hương liệu" là thành bia. Sau đó vô chai, xịt một ít khí CO2, đóng nút, dán mác là thành bia "xịn" đàng hoàng. Giá thành rất rẻ, đắt nhất là... cái chai, còn mọi thứ khác đều không đáng kể.


Theo một số chuyên gia, tính trung bình, mỗi người dân Việt Nam mới chỉ uống hơn 7 lít bia 1 năm. Chưa là cái "đinh" gì hết. Các nước khác như Đức, Tiệp... con số này là 40 lít cơ. Vậy là bắt đầu từ nhu cầu và thị trường, các tay doanh nghiệp cỡ lớn đã nhảy vào đầu tư. Các tỉnh, các địa phương đều cố gắng xây cho được cái nhà máy bia. Bia Sóc Trăng, Bia Đồng Nai, Vũng Tàu đến Bia Huế, Bia Hải Phòng, Thái Bình... đâu đâu cũng có bia.


Thị trường mở cửa, bia cũng theo chân các dự án đầu tư lớn mà tràn vào. Không kể các liên doanh lớn với sản lượng hàng trăm triệu lít mỗi năm, các nhà hàng nấu bia tươi tại chỗ cũng đang phát triển. Bia Hoa Viên của Tiệp, Legend Beer của Đức với dây chuyền nấu bia tại chỗ có thể cho khách chiêm ngưỡng được. Ở đấy, bạn có thể uống bia vào các cốc đại tướng tới 2 lít, trông rất ngầu và rất đàn ông. Chỉ có điều giá đẵt khủng khiếp. Vì thế mà không phải lúc nào cũng có thể "anh về với... bia, rồi mai anh lại đi" được đâu.


Bia làm thay đổi con người, bia cũng làm thay đổi cả những con phố. Đường Thi Sách đã trở thành phố "nhậu" từ lúc nào. Cứ mỗi buổi chiều về, hàng ngàn người đổ về đây hò hét, cụng ly. Hàng ngàn lít bia tuôn ra như những dòng suối nhỏ. Huyền Trân Công Chúa từ phố "em" đã trở thành phố "bia". Đường Láng Hạ, Thái Hà Hà Nội cũng vậy. Chiều nào cũng tấp nập khách, đủ các thành phần, đủ các giới, cả những ông Tây, bà Đầm cũng đến uống bia hơi. Mùi khô mực, mùi cá chỉ vàng, mùi xào nấu theo làn khói bay nghi ngút.


Nhưng đó là chuyện ở thành phố, nơi mà bia đã trở thành bình thường đối với tầng lớp dân cư có thu nhập đáng kể. Còn với hàng triệu người lao động bình thường khác, bia quả thực vẫn là một thứ đồ uống xa xỉ. Có người công nhân, nông dân nào dám uống bia đều đều mỗi ngày không, cho dù đó chỉ là cốc bia hơi rẻ tiền? Câu trả lời là không ai cả! Chỉ vào những dịp hiếm hoi, họ mới có thể "anh đến với... bia, anh đến với... bia, dù chỉ một lần thôi..."




Thứ Ba, 25 tháng 5, 2010

NGƯỜI NGHÈO CẦN GÌ?



Một dòng tin nhỏ, được đăng khiêm tốn trên một tờ báo địa phương khiến tôi đặc biệt chú ý. Đó là tin về việc UBND TP. Hồ Chí Minh khuyến cáo mọi người không nên cho tiền trực tiếp những người ăn mày, ăn xin, mà nên dành tiền ủng hộ các quỹ từ thiện. Một lời khuyến cáo quá đúng, quá có lý có tình. Cá nhân tôi xin ủng hộ cả hai tay.

Nhân lời khuyến cáo này, tôi muốn đề cập đến một chủ đề thật đơn giản nhưng có lẽ không phải ai cũng hiểu đúng, nếu không phải là người trong cuộc: Đấy là chuyện Người nghèo cần gì?

Gia đình tôi là gia đình nông dân chính hiệu của một làng quê Bắc Bộ điển hình. Thời ấy, nhà tôi nghèo lắm. Mà chẳng riêng gì nhà tôi, rất nhiều nhà cũng trong hoàn cảnh tương tự.

Tình trạng nghèo được mô tả ngắn gọn như sau

Lúa ngoài đồng chưa đến mùa gặt thì đã phải bán lúa non cho người ta. Bán để lấy thóc ăn ngay lập tức, chứ không thể chờ được đến khi gặt, vì hiện tại trong nhà hết gạo, vác rá vay ăn từng bữa rồi.

Là gia đình thuần nông nhưng trong chuồng không có một con lợn. Ngoài sân không có một con gà. Ngoài vườn không có một cây rau xanh, rau màu. Vì nuôi lợn, nuôi gà, trồng hoa màu thì phải có vốn. Vốn mua con giống, vốn mua thức ăn. Đằng này, tiền lo cho người ăn còn chẳng có, tiền đâu mua thức ăn cho gia súc, cho hoa màu.

Vì không có nguồn thu nào ngoài trồng lúa. Mà lúa thì lại phải bán lúa non, nên có thể nói là đời sống gia đình tôi và nhiều gia đình ở làng quê rất là cơ cực. Lúc ấy chưa có các quỹ từ thiện như bây giờ. Có ai giúp đỡ gì thì cũng chỉ mang tính chất cá nhân, bột phát và hảo tâm mà thôi. Nói tóm lại, người ta giúp đỡ nhất thời, để khỏi chết đói.

Nhưng may thay cho gia đình tôi, có một người đã không làm như vậy!

Họ hàng nhà tôi có một cụ tên là Cát, sống ở Hà Nội. Cụ giàu có, nhưng có lẽ là không giàu như các đại gia bây giờ. Ngày ấy, tôi thường thấy Cụ đi cái Vespa về làng. Oách cực kỳ! Dáng cụ oai phong và đẹp lão. Bọn trẻ chúng tôi thích cụ lắm vì cụ chan hòa, không xa lánh những thành phần “chân đất mắt toét” như chúng tôi.

Lần nào về quê, Cụ cũng chở ngấng ngưởng quần áo cũ, đồ dùng thập cẩm đủ thứ bà-rằn để chia cho mọi người. Cụ giúp đỡ hầu hết các gia đình nghèo nhưng nhà tôi được Cụ để ý đặc biệt. Có lẽ bởi vì nhà nghèo thế nhưng bố mẹ tôi vẫn nuôi anh em chúng tôi học hành đến đầu đến đũa.

Sau này, nhà tôi thoát khỏi cảnh nghèo cơ cực, xây được nhà ngói, sắm được các phương tiện gia dụng là do chuyển đổi cơ chế, nông dân được nhận ruộng khoán… nhưng tôi chắc rằng quan trọng nhất là bước tạo đà để nhà tôi thoát khỏi cái đói triền miền, mà người giúp nhà tôi có được cái bước tạo đà ấy là Cụ Cát.

Mẹ tôi gặp Cụ, khẩn khoản xin cụ ít tiền trợ cấp vào lúc giáp hạt. Cụ gật đầu đồng ý. Tôi nhớ bữa đó nhờ ít tiền trợ cấp của Cụ mà anh em tôi mới được một bữa cơm no. Nhưng hôm sau Cụ đến nhà tôi chơi. Đi lại loanh quanh một hồi cụ nói: “Nhà chúng mày thế này không được. Làm nghề nông mà không chăn nuôi, vườn tược. Nhất nhất cái gì cũng trông vào mấy hạt lúa ngoài đồng thì làm sao mà khá. Nuôi thêm con lợn, đàn gà. Trồng thêm hoa màu ngoài vườn nữa. Hạt lúa để ăn. Chăn nuôi bán đi có thêm ít tiềm sắm sửa, cần gì không phải bán thóc. Hoa màu thì hỗ trợ phần cho bữa ăn, phần bán thêm kiếm tiền”.

Tất nhiên cả nhà tôi đều biết như vậy, vì trước đó, cũng nhiều người khuyên nên như thế. Nhưng cái đói nó che lấp tất cả. Ăn còn chẳng có. Nói gì chăn nuôi. Nói vui như mẹ tôi vẫn bảo là nuôi mình còn chẳng xong, nói gì đến nuôi lợn. Thế nên chẳng làm gì được.

Cụ Cát viện trợ cho nhà tôi cái để ăn, để khắc phục được cái đói ngay. Rồi Cụ cho nhà tôi vay tiền mua con giống, mua thức ăn, sửa lại chuồng trại, vườn tược. Cụ giới thiệu cho nhà tôi mối làm thêm những con giống để bán. Cứ như thế, từng bước, từng bước một, nhà tôi đã thoát ra khỏi tình trạng cơ cực từ bao giờ chẳng biết.

Kể chuyện này, tôi muốn lưu ý các bạn rằng người nghèo luôn luôn cần hai thứ. Thứ nhất là viện trợ để họ qua cơn đói ngay lập tức. Viện trợ này rất cần thiết, vì nếu chỉ giúp họ vốn liếng làm ăn thì cũng phải vài ba tháng sau họ mới có kết quả. Thứ hai là phải có giải pháp để họ có công ăn việc làm.

Chúng ta thường nói, cho cần câu, chứ không nên cho con cá. Nhưng nếu chỉ cho cần câu mà không cho cá, họ sẽ bán ngay cả cái cần câu đi để mua cá. Vì họ đang đói, không thể chờ câu được cá mới được ăn. Còn nếu chỉ cho cá không thôi, thì ăn hết cá, họ cũng sẽ lại đói nghèo như chưa có được con cá nào mà thôi.