Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012

NGHỊCH LÝ



1. Tôi thường uống café sáng ở Tonkin Lý Thường Kiệt. Café ngon, giá vừa phải và không khí rất vui. Nhiều năm liền ngồi ở đây mỗi sáng, tôi nhận ra một điều rất buồn cười. Đó là 2 cái quạt trần của quán rất hay bị sự cố. Mà sự cố của nó rất hay.

Vào Mùa Đông rét căm căm, khi tất cả khách ai cũng mặc áo len, áo bu-dông sù sụ thì quạt cứ chạy vù vù. Kêu nhân viên tắt quạt, bạn sẽ được giải thích là tắt quạt thì đèn cũng sẽ tắt. Thế nên tốt nhất là bạn cứ chịu khó mà ngồi dưới cái lạnh thấu xương và quạt chạy như máy khâu.

Vẫn hai cái quạt ấy, Mùa Hè nó lại hầu như không bao giờ chạy hoặc chạy rất lù đù. Bạn có thắc mắc thì nhân viên của quán sẽ giải thích rầng cái triết áp (đại loại thế) đang bị hỏng. Và thế là bạn cứ thoải mái mà ngồi cho mồ hôi chảy ròng ròng trong cái nóng nực mướt mát.

Tất nhiên, cũng có thời điểm hai cái quạt này được sửa tử tế và nó cũng chạy vào Mùa Hè và ngừng vào Mùa Đông. Nhưng thời gian này rất hãn hữu, phần lớn nó được sinh ra, lắp vào đấy là để hành hạ, để trêu ngươi khách hàng. Lâu thành quen, những khách truyền thống như tôi đành “sống chung với lũ” chứ chẳng ca thán làm gì thêm mệt.

2. Ở trung tâm thể thể thao California mà tôi đang theo tập có một hệ thống thang máy rất phiền phức. Thoạt đầu chúng tôi đi chung với thang máy dành cho khu căn hộ. Dân kêu nhiều quá, Ban Quản lý bắt chúng tôi phải đi thang dịch vụ, tức là đi chung với thang chở rác, chở đồ lúc nào cũng bẩn thỉu.

Học viên không chịu nổi, lại thắc mắc, lại kiện tụng. Mãi rồi Ban Quản lý cũng lắp một cái thang máy dành riêng cho khu vực thể thao. Nói là thang máy dành riêng vì nó chỉ lên được tới khu thể thao là thôi. Hết kiện tụng, hết còm-men rắc rối nhé.

Nhưng chẳng hiểu sao, có 3 tầng hầm để xe thì thang chỉ xuống được tầng thứ 2. Bạn mà để xe ở tầng 3 (mà luôn luôn nhân viên bảo vệ bắt bạn phải xuống tầng 3) thì rời thang máy, bạn sẽ phải đi bộ 1 tầng nữa.

Chưa hết, cái thang này rất là hay. Người ta lắp đặt thế nào đó mà vào trong thang, bạn sẽ đọc được dòng chỉ dẫn: Dòng đầu tiên: “Nhấn nút 2 để xuống tầng 1”. Rồi đến dòng thứ hai: “Nhấn nút 1 để xuống tầng 2”. Và để kết thúc: “Nhấn nút 3 để lên tầng M”.

Lần nào vào thang tôi cũng phải lẩm bẩm 2 xuống 1, 1 xuống 2 rồi 3 lên M.

Tôi không thể nào hiểu được là vì sao người ta không cài đặt để “nhấn 1 xuống tầng 1, nhấn 2 xuống tầng 2 và nhấn M lên tầng M”? Và vì sao người ta lại không lắp thang cho nó xuống được tầng 3 nhỉ?



Thứ Hai, 19 tháng 3, 2012

10 POSTER PHIM HẤP DẤN NHẤT




Những tấm poster miêu tả khoảnh khắc ấn tượng nhất của bộ phim, tạo sự cuốn hút, hấp dấn người xem và kéo công chúng đến rạp. Và trong lịch sử điện ảnh từ trước đến nay, có rất nhiều những tấm poster siêu gợi cảm, khiến bạn phải thẫn thờ trước những hình ảnh quyến rũ đến rực người. Tình cờ tìm thấy top 50 tấm poster sexy nhất mọi thời đại do một trang phim bình chọn. Lược ra 10 cái hay nhất để các bạn xem. Nhiều tấm phải nó là quá sexy!


The Outlaw (1943)




Sin City (2005)




Downhill Racer (1969)




Ciudad En Celo (2006)




Mr & Mrs Smith (2005)




Shame (2012)




Jackie Brown (1997)




Lolita (1962)




Attack Of The 50ft Woman (1958)




Secretary (2002)





Thứ Tư, 14 tháng 3, 2012

CÓ NÊN DỪNG GIẢI ĐẤU?



Giải đấu được nói tới ở đây là Giải Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam V-League. Số là sau nhiều lần bị làm khó, bị oan ức… Lãnh đạo Đội SHB Đà Nẵng đã gửi kiến nghị lên Ban Tổ chức giải, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam kiến nghị tạm dừng giải đấu để ổn định công tác tổ chức, công tác trọng tài và vài vấn đề khác.

Tôi không muốn đề cập chuyện nên dừng hay không? Cũng không bình luận gì về việc SHB Đà Nẵng có bị oan ức gì hay không? Cái đó đã có người lo. Điều tôi muốn nói đến là việc khác: Giả sử rằng không phải là SHB Đà Nẵng bị oan ức vì trọng tài, mà là đội bóng của ông Kiên, ông Đức, ông Thắng… những ông đang nắm giữ cổ phần lớn, có tiếng nói trong cái Công ty Cổ Phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam VPF, cái Công ty đang tổ chức giải đấu ấy thì sẽ như thế nào nhỉ?

Rồi giật mình nghĩ lại: Liệu các trọng tài bóng đá, những người đang ăn lương, mà nghe nói là lương cao của Công ty VPF, tức là Công ty của chính các ông Kiên, ông Đức, ông Thắng ấy, có dám làm khó dễ cho đội bóng của các ông ấy không? Và rồi, cứ đà này, liệu có thật sự tồn tại sự công bằng giữa các đội bóng tham gia giải đấu không?

Lần giở lại hồi cách đây ít tháng, trong xu thế ủng hộ các ông bầu thành lập một công ty để điều hành giải đấu, ai đó nói rằng ở Tây ở Tàu, người ta cũng đều làm thế cả. Tức là các công chủ đội bóng cũng hùn tiền thành lập một công ty cổ phần để tổ chức giải đấu cho chính đội bóng của mình tham gia, để giành lấy bản quyền truyền hình...

Tôi chưa có điều kiện tìm hiều thực hư về vấn đề này, nhưng cứ băn khoăn tự hỏi: Có thật các ông Abramovich của Chelsea, ông Henry của Liverpool, ông Zayed Al Nahyan của Man City… cũng góp cổ phần thành lập công ty điều hành Giải Ngoại hạng Anh không? Và các ông ấy có thực sự gầm rít lên với Liên đoàn bóng đá Anh để đòi lấy bản quyền truyền hình bóng đá không? Và nhất là, các ông ấy có góp tiền để trả lương cho trọng tài điều hành chính cái giải đấu có đội bóng của các ông ấy tham gia tranh tài không nhỉ?



Thứ Ba, 13 tháng 3, 2012

CHÍ PHÈO HẾT YÊU



Thế là từ nay, sách giáo khoa và cả truyện nữa, sẽ bị cắt bỏ đoạn yêu đương trong truyện ngắn Chí Phèo, một kiệt tác văn học hiện thực phê phán của Nhà văn Nam Cao. Vì sao ư? Có thể vì nó đề cập đến chuyện nhạy cảm quá, dung tục quá… và hàng loạt những cái quá cỡ nữa.

Theo cách giải thích của một nhà giáo, từng tham gia biên soạn lại cuốn sách giáo khoa này thì việc cắt bỏ đoạn yêu đương ấy sẽ có lợi hơn cho con trẻ. Có đúng thế không thì còn phải bàn, nhưng việc một tác phẩm nghệ thuật bị cắt gọt, xén kẻ như thế cũng khiến cho không ít người thất vọng.

Người ta lý giải rẳng Chí Phèo là tầng lớp cùng đinh, là nhân vật chày bửa, xấu xa. Thị Nở thì là người con gái ma chê quỉ hờn, xấu không thể xấu được nữa. Có thể tất cả những điều ấy là đúng, nhưng tình yêu thì bao giờ cũng đẹp. Tình yêu của Chí Phèo Thị Nở cũng đẹp như thế, đẹp không kém gì tình yêu của ông hoàng, bà chúa, của người mẫu chân dài đâu. Thế nên nếu Chí Phèo không yêu nữa thì còn gì là đặc sắc và độc đáo của truyện nữa.

Không tin, các bạn cứ đọc bài thơ này của bác Quang Huy thì biết. Có lần tôi đã chép bài này rồi. Nhưng chẳng biết cách tìm lai như thế nào, đành chép lại. Đọc lần nữa, vẫn thấy cảm động vì một tình yêu đẹp, đẹp thật đẹp, mặc dù có thể về dung nhan, họ phải chấp nhận thua thiệt là xấu xí ít nhiều.

CHÍ PHÈO THỊ NỞ

Người ta cứ bảo dở hơi
Chấp chi miệng tiếng lắm lời thị phi
Dở hơi, nào dở hơi gì!
Váy em xén lệch nhiều khi cũng tình

Làng này khối kẻ sợ anh
Rượu be với chiếc mảnh sành cầm tay
Sợ anh chửi đổng suốt ngày
Chỉ mình em biết anh say rất hiền

Anh không nhà cửa bạc tiền
Không ưa luồn cúi không yên phận nghèo
Cái tên thơ mộng Chí Phèo
Làm em dứt ruột mấy chiều bờ ao

Quần anh ống thấp ống cao
Làm em hồn vía nao nao đêm ngày
Khen cho con Tạo khéo xoay
Nồi này thì úp vung này chứ sao!

Đêm nay Trời ở rất cao
Sương thì ướt đẫm trăng sao nhạt nhòa
Người ta, mặc kệ người ta!
Chỉ em rất thật đàn bà với anh

Thôi rồi đắt lắm tiết trinh
Hồn em nhập bát cháo hành ngàn năm.




Thứ Hai, 12 tháng 3, 2012

NẾU BẠN CHƯA ĐỦ LỚN!



Chúng tôi làm một chương trình, trong đó có vài nội dung nhạy cảm. Ăn mặc mát mẻ. Nhiều em chân dài. Chủ đề tế nhị… Nói tóm lại là những chuyện ít ra là không nên để trẻ con xem và nghe được. Dù chúng có nghe thì cũng chẳng chết ai. Có khi, chúng lại còn cười vào mũi những người đang cấm đoán chúng là biết thừa rồi mà còn giấu ấy chứ.

Nhưng khuyến cáo là khuyến cáo. Không thể đùa dai được. Lỡ chẳng may mà các cháu xem được thì chưa chắc đã bị làm sao, nhưng người lớn mà xem được, có khi lại khối chuyện. Rồi rắc rối như cảnh liếm rượu trong Hoa Nắng không biết chừng.

Nhất trí là sẽ khuyến cáo trẻ em. Nhưng khuyến cáo hay cảnh báo? hay cấm đoán? Thật là rắc rối. Người thì bảo nên ghi chương trình cấm trẻ con. Nhưng trẻ con là thế nào? Cãi nhau ầm ĩ cũng chưa trả lời được như thế nào được coi là trẻ con.

Người thì bảo nên cấm dưới 16 tuổi. Nhưng cũng vẫn cãi nhau. Ông thì bảo nhiều đứa dưới 16 tuổi mà còn thành thạo hơn cả người lớn. Người thì bảo bọn đấy chưa biết gì đâu. Cấm là phải. Tóm lại là không thể thống nhất được. Mà cứ ghi cấm đoán chung chung, có khi chẳng cấm được ai, lai thêm tò mò thì thà đừng ghi cấm còn hơn.

Nhưng rồi hôm nay, lên một trang phim mạng, thấy có một phim nghe nói là hơi hơi tươi mát, mặc dù xem qua chẳng thấy tươi mát gì. Bù lại, học được câu ghi trên phim rất là hay.

Không cấm đoán, không cảnh báo, không phê phán, không khyên răn và nhất là không ra vẻ dạy dỗ, bảo ban.

Cắt thứ nhất

NẾU BẠN CHƯA ĐỦ LỚN…
THÌ TẮT TIVI ĐI NHÉ!

Và 5 giây sau đến cắt thứ 2

CÒN NẾU BẠN KHÔNG TẮT TIVI…
THÌ ĐÓNG CỬA PHÒNG LẠI MÀ XEM TIẾP NHÉ!