Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2010

ĂN CƠM TRƯỚC KẺNG



Thời phong kiến, cô nào không chồng hoặc đơn giản là chưa có chồng mà chửa thì chắc chắn khó mà thoát khỏi hình phạt cạo đầu bôi vôi, thả bè trôi sông cho đi biệt xứ. Hình phạt này thực sự là tệ, nó xuất phát từ quan niệm cổ hủ ngàn xưa, và không đáng ủng hộ.

Từ hình phạt này, chúng ta đã được biết bao nhiêu câu chuyện đau xót xung quanh thân phận của những người phụ nữ ngày trước. Cô Mầu con gái Phú ông, lằng nhằng với anh người ở tên Nô có bầu. Để trốn tránh hình phạt, cô đổ thừa cho chú tiểu đang tu trên chùa, mà không biết rằng bản thân chú tiểu cũng chỉ là nữ cải trang mà thôi. Câu chuyện bi thương ấy đã dành lại cho hậu thế chúng ta vở chèo cổ đặc sắc Quan Âm Thị Kính với trích đoạn Thị Mầu lên chùa làm say đắm bao thế hệ.

Đến thời thuộc Pháp, tình hình được cải thiện hơn, hình phạt cạo đầu bôi vôi, thả bè trôi sông không còn nữa. Thay vào đó, ở nhiều nơi áp dụng luật bắt vạ. Nhà nào có con gái chửa hoang thì tất phải bồi thường cho làng, cho thôn một con đường gạch, một bữa cơm rượu để thưa chuyện với các cụ bô lão với lời trần tình tha tội, cho con cháu được ở lại trong làng.

Thuật ngữ ăn cơm trước kẻng ra đời có lẽ là từ thời bao cấp. Không biết ai đã nghĩ ra cái từ này để chỉ các cô gái chửa hoang nhưng có lẽ, nguồn gốc của nó xuất phát từ tiếng kẻng hợp tác xã, tiếng kẻng cơ quan, trường học, nhà ăn.

Thời ấy thì làm và ăn đều theo tiếng kẻng. Sau ba hồi kẻng ầm ĩ làng nước, người ta hối hả ra đồng làm việc. Gần trưa, lại ba hồi kẻng nữa, mọi người nghỉ tay ăn cơm. Trước khi có tiếng kẻng đi làm, hẳn chẳng ma nào chịu ra đồng làm việc. Nhưng trước khi có tiếng kẻng ăn cơm, nhiều ông, nhiều bà đã lẻn vào nhà ăn chén trước. Chén trước cho bát đũa nó sạch, cho cơm nó nóng và nhất là biết đâu lại kiếm được miếng thịt mỡ thừa nào đó. Ăn cơm trước kẻng là như thế!

Đến thời này, chắc chẳng mấy ai còn hào hứng với việc ăn cơm trước kẻng nữa. Người ta còn đang kiêng ăn để giảm béo chẳng được. Ai mà thèm ăn trước cơ chứ! Nhưng đấy là ăn cơm trước kẻng theo nghĩa đen thôi. Còn ăn cơm trước kẻng theo nghĩa kia thì hình như càng ngày càng phát triển thì phải.

Công ty của bạn tôi có một tình hình rất là tình hình. Đó là hầu hết cô nào chuẩn bị cưới cũng có bầu trước. Phổ biến nhất là vài ba tháng. Cá biệt, có cô đến ngày cưới đã tới cả năm, sáu tháng. Mà không phải các cô mới yêu, mới có bạn trai. Cô nào cũng đã yêu, ít thì dăm bảy tháng, nhiều thì cả mấy năm trời.

Vậy thì cần gì phải như thế chứ!

Có cô thì được giải thích là đã tính trước, phải có bầu ngay để sinh con được tuổi. Có cô thì kiêng kem, giữ gìn ghê quá, giờ quyết chốt luôn, thế là dính chưởng. Đại khái là vô số lý do kiểu như vậy. Nhưng có lẽ, ẩn đằng sau những lý do đấy là những câu chuyện khác.

Có cô nói, yêu nhau cả mấy năm trời chẳng thấy đả động gì đến cưới xin cả. Vớ vẩn mà nó bùng thì chết. Mà mình thì cũng chẳng có cái cớ gì để có thể trực tiếp yêu cầu cưới mà vẫn giữ được thế thượng phong của con gái. Thôi thì…! Thế là tốt nhất. Trói kiểu này có mà bùng vào mắt!

Thời buổi văn minh, ăn cơm trước kẻng thì cũng chẳng có gì là xấu. Cơm mình mình ăn, đâu có ăn cơm người khác đâu mà lo. Nhưng giấu cái bụng bầu to tướng trong tầng váy cưới xum xuê, thay vì đi đâu có hưởng tuần trăng mật thì ngay sau khi cưới là vào bệnh viện làm bạn với ninja rùa lượn đi lượn lại như ong, chẳng biết có tốt gì hơn không nhỉ?




Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2010

QUẢNG CÁO MÔI TRƯỜNG



Chúng ta thường xuyên bị quảng cáo tấn công từ mọi phía, mọi lúc mọi nơi. Trên TV, sách, báo, tạp chí, phim ảnh. Lúc chúng ta đi bộ, ta bắt gặp các mẫu quảng cáo ngoài trời. Trên xe bus, trong taxi, trên máy bay, tàu hỏa… không chốn nào chúng ta thoát khỏi.

Nhiều lúc quảng cáo làm chúng ta rất khó chịu vì hầu như, chúng chỉ đươc làm ra để nhồi nhét vào đầu chúng ta cái tư tưởng phải mua hàng mới, phải dùng dịch vụ mới và nhất là phải tiêu tiền đi.

Nhưng gần đây đã xuất hiện những quảng cáo được tạo ra bởi công ty quảng cáo phối hợp với những tổ chức môi trường hay chính phủ mang theo những thông điệp khác. Đó là hãy bảo vệ hành tinh của chúng ta. Dù bạn có cho rằng những quảng cáo này có làm chúng ta nghĩ và hành động thế nào thì một điều chắc chắn là sự xuất hiện của chúng cũng mang tính trách nhiệm với xã hội,

Và với tinh thần ấy, quảng cáo đã mang một tới người xem một ý thức khác, một tư duy khác và ít nhiều gây được thiện cảm với người xem. Xóa bỏ bớt những ác cảm mà lâu nay quảng cáo vẫn phải gánh chịu.

Thùy Linh là một người yêu thích các mấu quảng cáo như thế. Cô đã sưu tầm và dịch lời thuyết minh các mẫu quảng cáo này từ Tạp chí Enviromental Graffiti. Cô giới thiệu 17 mẫu quảng cáo về môi trường được cho là ấn tượng nhất của năm qua, với mong muốn chúng được giới thiệu càng rộng rãi càng tốt.

Với con mắt của nhà làm quảng cáo chuyên nghiệp, tôi chọn lại và giới thiệu 7 mẫu xuất sắc nhất, theo đánh giá của cá nhân tôi. Cám ơn bạn Thùy Linh đã cho chúng tôi biết về một hoạt động rất hay của ngành quảng cáo thế giới.

MẪU THỨ NHẤT
Agbar desert (Sa mạc Agbar) cho Aigües de Barcelona. Thay vì những mái nhà xanh, đây là vùng đất khô cằn, nứt nẻ gọi là Agbar desert nằm trên đỉnh của một khu đô thị. Đây chắc chắn không phải là một quang cảnh mà chúng ta muốn thấy.




MẤU THỨ HAI
Bomb (Bom) cho hòa bình xanh (GreenPeace). Trong "Bomb", hình ảnh của chiếc cây trong hình dạng của một đám mấy hình nấm mang đến thông điệp về hậu quả của việc chặt phá cây.



MẪU THỨ BA
Banana (Chuối) cuả BUND Tổ chức những người bạn của trái đất Năm 2005, ước tính chi phí môi trường của việc vận chuyển thực phẩm đến vương quốc Anh là 9 tỉ pound. Chiếc thuyền hình quả chuối này là một trong ba quảng cáo trong chiến dịch về tác động ô nhiễm của việc chuyên chở thực phẩm, đặc biệt là hoa quả. Cùng với chuối, còn có hình ảnh về xe tải dừa và máy bay dứa.



MẤU THỨ TƯ
Iceberg candle (Ngọn nến hình tảng băng) cho NRDC. Một gia đình chim cánh cụt nhỏ bé đứng trong một ngọn nến hình tảng băng đang co lại. Thật đáng buồn, những chú chim cánh cụt không có nơi nào để trú ẩn.

MẤU THỨ NĂM

Sea ( Biển) Việc so sánh hai hình ảnh đối lập: một vùng biển sinh động nhiều màu sắc và một vùng nước đục đã tạo ra ấn tượng mạnh.



MẪU THỨ SÁU
City Again Forest (Thành phố và rừng) cho hòa bình xanh. Trong quảng cáo với tên gọi "City Again Forest" này, những động vật hoang dã, người bạn của chúng ta, đang bị đẩy đến mép vực (Với ngụ ý là tuyệt chủng) trong cuộc chiến giữa loài vật và máy móc (Chính là loài người)



MẪU THỨ BÀY
Face (Đối mặt) của Tổ chức môi trường Hàn Quốc Hình ảnh quảng cáo ấn tượng này đã chỉ ra mực nước biển tăng ảnh hưởng trực tiếp đến con người. Quảng cáo đã miêu tả một hòn đảo với hình dạng của một bàn tay đang dần dần bị biến mất bởi nước biển.





Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2010

ƯỚC MƠ VĨNH VIỄN



Năm cuối đại học…

Nhân có việc họ hàng, bố ra Hà Nội và ghé thăm anh ở ký túc xá của Đai học Bách khoa. Buổi tối, hai bố con ra quán chè chén phía cổng Đại Cồ Việt. Quán đông nghẹt người. Mỗi bố con một chén nước chè Thái nóng bỏng tay và điếu thuốc D’rao thơm lừng. Anh biết, bố đã dành cho anh một phần thưởng đặc biệt: Anh đã là người lớn! Bởi vì, dưới con mắt của bố, chỉ người lớn mới được hút thuốc thôi.


Lúc chia tay, bố tần ngần: “Bố rất tự hào về con. Lần này về, bố sẽ mua cho con món quà ấy. Con yên tâm, bố biết là con ước mơ món quà ấy từ lâu rồi. Lần này, bố nhất định sẽ lo được cho con”. Anh cảm động, ôm ngang lưng bố: “Con cám ơn bố. Bố vẫn nhớ con thích nó lắm hả bố!”.


Lời hứa của bố lúc chia tay là về một món quà anh ước ao đã nhiều năm ròng.


Đã từ nhiều năm, anh ao ước một ngày nào đó có được chiếc vỏ áo bông may bằng vải sợi, màu xanh sĩ lâm. Chiếc áo ấy giờ chẳng còn ai mặc nữa. Nó chỉ dùng để làm áo bảo hộ lao động cho công nhân xây dựng trên các công trường thôi. Nhưng ngày ấy, nó là niềm ước mơ cháy bỏng của anh suốt những năm tháng dài học đại học.


Hai bố con anh chia tay nhau. Và thật buồn là chiếc áo ấy, niềm ước mơ ấy mãi mãi vẫn chỉ là niềm ước mơ của anh mà thôi. Ngay sau ngày bố về quê, cậu em út của anh bị một chứng bệnh lạ ở tay khá nguy hiểm. Bố mẹ đã phải bán hết cả thóc để lấy tiền chữa cho em. Khoản tiền lẽ ra có thể mua cho anh chiếc vỏ áo bông màu xanh đã chẳng còn.


Hết mùa Đông năm ấy, qua mùa Hè rồi mùa Thu. Chớm vào đầu Đông năm sau anh bảo vệ luận án tốt nghiệp và ra trường. Chiếc vỏ áo bông may bằng vải sợi, màu xanh sĩ lâm, niềm ước mơ cháy bỏng suốt bao năm ròng của anh vĩnh viễn chỉ là ước mơ không bao giờ thành sự thật nữa.


Tối muộn một ngày...

Tình cờ di chuột qua các blog kết nối với bạn bè, anh bắt gặp một cái tên thật lạ: Crystal! Anh đọc được bài viết về một niềm ước mơ không thành sự thật của cô khi mới ra trường. Nó làm anh cảm động và nhớ da diết đến cái buổi tối hai bố con anh ở quán chè chén cổng Đại Cồ Việt ngày nào.


“Khi cô ấy còn là sinh viên năm thứ 3, đi làm thêm tại một công ty truyền thông. Lần đầu tiên làm việc thực sự, được gặp gỡ những người say mê công việc, những con người thật Lớn.


Cháu ạ, cháu phải không ngừng suy nghĩ, không ngừng rèn luyện để trở thành một người "tinh vi". Ngoài kia có nhiều người “tinh vi” lắm, họ nắm trong tay mọi thứ. Cứ mỗi sáng Thứ 7 cô ấy lại lắng nghe chú Giám đốc nói chuyện về ý chí, nghị lực của con người. Ánh mắt cô ấy cứ sáng ngời một quyết tâm. Lần đầu tiên đi làm, lần đầu tiên được trải nghiệm nhiều thứ, người thầy đầu tiên của cuộc sống ấy đã gieo vào đầu cô bé một tham vọng mà để cho những năm học sau đó, bạn bè cô ấy chê cô ta là đã quá cầu toàn.


Nhưng chú Mười ạ, những điều chú nói với cháu, chẳng bao giờ cháu quên, đó là những điều mà chưa bao giờ bố mẹ cháu nói với cháu. Cháu trưởng thành hơn một bước là nhờ chú. Một ngày nào đó, cháu sẽ lại đến thăm chú, để nghe chú kể về những con người thật "tinh vi"...


Khi cô ấy là sinh viên năm cuối, cô ấy được thực tập ở một kênh truyền hình trung ương. Một anh làm cùng cô đã nói: "Em là đứa thực tập đầu tiên được giao cho đi làm phim một mình sớm nhất. Từ trước đến nay có mỗi chị Linh là được giữ lại từ đợt thực tập thôi'. Hết kỳ thực tập, cô bé ấy vẫn được làm tiếp tục. Vẫn nuôi cái ước mơ "được lên dẫn trên một kênh truyền hình" mà cậu cô bé ấy ở bên Đức sẽ được nhìn thấy cô ấy hằng ngày.


Cậu Sơn thân yêu, cháu lại lỗi hẹn với cậu rồi... Cháu hư quá, tất cả những điều cháu nói với cậu cứ như bong bóng ý, được thổi lên rồi vỡ tan...”


Trong nỗi xúc động lớn lao, anh lập cập di chuột rồi click vào send massege. Anh soạn nhanh một dòng nhắn: “Em à, có những ước mơ vĩnh viễn sẽ chỉ là ước mơ thôi. Khi ta ước mơ cháy bỏng về một điều gì đó thì ta không có đủ năng lực để thực hiện. Còn khi ta dư sức để thực hiện nó thì nó lại đã đi qua từ lâu rồi, chẳng còn là niềm ước mơ của ta nữa.


Em đừng bao giờ để như anh. Đừng bao giờ để câu chuyện về chiếc áo vỏ áo bông vải sợ màu xanh sĩ lâm của anh xảy ra nữa nhé! Anh muốn nói với em một điều: Coi như anh nợ em một ước mơ. Và anh mong muốn một ngày nào đó, em sẽ được trả đủ ước mơ ấy. Cố gắng lên em nhé!”.


Click vào ô gửi tin, anh thấy mình hồi hộp hơn bao giờ hết. Anh tự hỏi, lời hứa vu vơ của mình, liệu có an ủi được cô ấy phần nào nối buồn về một niềm ước mơ chưa thành sự thật ấy hay không nhỉ?




Thứ Năm, 28 tháng 1, 2010

NGƯỜIVIỆT TRỊ NGƯỜIVIỆT



Chiều hôm trước

- Anh ơi, chưa được đâu anh ạ! Chắc anh phải giảm cho em hơn nữa đi. Bên em, mấy thằng Tây mả lắm. Nó cứ nói là có thể giảm được nữa đấy. Thực sự là em muốn dành cái hợp đồng này cho bên anh. Nhưng giảm giá thế này chưa được.

- Trời đất, chỉ còn có 5% phí thôi, làm sao có thể giảm được nữa chứ?

- OK! Em cũng hết sức thiện chí với anh, đặc biệt nhất đấy! Em sẽ fax cho anh bản chào bên MartCom nhé! Bản gốc, ký tên, đóng dấu hẳn hoi. Phí đại lý họ chào có 3,5% thôi!

Chưa đầy 5 phút sau. Bản fax chào đặt chỗ quảng cáo trên truyền hình của đối thủ cạnh tranh trực tiếp với anh được khách hàng fax tới. Có thể xem đây là tài liệu mật, không công bố. Anh xem rất kỹ, mức giảm giá ngang bằng với tỉ lệ giảm giá ở mức có doanh số cao nhất của truyền hình. Đúng là phí đại lý họ chào có 3,5% thật. Kiểu này mà mình chào 5% thì có mà chết đầu nước. Anh bốc điện thoại.

- Anh đây! Nhất trí thôi! Nếu thế, anh sẽ giảm phí đại lý xuống 3%. Anh sẽ làm lại báo giá nhé! Em cố gắng dành hợp đồng này cho anh.

- Cám ơn anh! Có gì em sẽ báo lại ngay sáng mai nhé!

Sáng hôm sau


- A lô, lại không ổn rồi anh ạ! Thế nào mà bên ABC Media họ cũng biết chuyện. Họ vừa gửi bản chào mà phí đại lý có 1,5% thôi anh ạ! Em ngại quá, nhưng anh chờ đấy, em fax cho anh nhé!

Bản fax chào đặt chỗ quảng cáo trên của một đối thủ cạnh tranh trực tiếp với anh nữa lại được khách hàng fax tới gần như ngay tắp lự. Anh xem rất kỹ, chữ ký của ông giám đốc này thì anh lạ gì, vừa là đối thủ, nhưng cũng vừa là chỗ quen biết trong làng quảng cáo. Con dấu đàng hoàng. Không thể nói là có vấn đề gì ở đây được. Thôi chẳng làm nữa. Phí quá thấp. Mình thôi thì bố ấy cũng chộp được cái hợp đồng này. Hôm nào bắt khao một chầu là xong. Nghĩ thế, anh nhắc máy điện thoại

- Cám ơn em! Thực sự là phí đấy bên anh không làm được. Lần sau có cơ hội nào khác, em lại báo cho anh nhé!

Sáng hôm sau nữa

- A lô! Ông đấy à? Mẹ kiếp, có phải cái con ấy nó fax cho ông cái bảng chào đặt chỗ quảng cáo cho thằng Thai Silk của tôi sang cho ông hôm qua không?

Thoáng chút ngần ngừ, cuối cùng anh thành thật:

- Đúng rồi, chiều qua cô ấy fax cho tôi để chứng minh là bên anh chào phí thấp hơn bên tôi và bảo tôi là nếu chào phí thấp hơn bên anh thì cô ấy sẽ dành hợp đồng này cho tôi mà. Nhưng tôi chịu rồi! Anh chốt được cái đấy chưa?

- Chốt gì đâu! Con dở hơi ấy chơi rất đểu. Nó lấy bảng giá của ông để ép tôi, rồi lấy bảng giá của tôi ép ông MartCom rồi lại lấy MartCom ép ngược lại ông. Mấy ngày nay, hóa ra nó cho cả 3 anh em mình vào xiếc mà không biết.

- Sao anh biết mà không gọi tôi! Tôi có biết đâu! Ai mà nghĩ được người ta làm thế chứ!

- Thì thoạt đầu tôi cũng đâu có nghĩ đến chuyện này. Sau cứ thấy nó cứ fax lại fax qua những bản chào giá gốc của ông và ông bên MartCom. Mà ông biết, những cái này, vốn khách hàng rất kiêng kị tiết lộ cho các nhà cung cấp. Vì thế, chợt sinh nghi, nên tôi mới gọi cho ông bên MartCom rồi gọi cho ông. Giờ thì chắc chắn rồi. Con này đúng là ma quái thật!

Bản hợp đồng rồi cũng được ký kết. Cả 3 nhà cung cấp Việt nam, với mức phí chào ban đầu là 8,5% đã bị một cô gái (cũng là người Việt nam) dùng thủ thuật lấy người Việt trị người Việt giảm xuống chỉ còn 1%.

Mức phí theo thông lệ quốc tế là 17.65%

Người Việt mình giỏi lắm. Không ai trị được cả. Chỉ có người Việt là trị được người Việt thôi!



Thứ Tư, 27 tháng 1, 2010

DẠY THƠ BẰNG TOÁN HỌC



Đọc bài viết trên một tờ báo, thấy các bạn phê bình cách dạy thơ trong sách giáo dục lớp 5. Nội dung nói về thể thơ Thất Ngôn Bát Cú, thời các cụ ngày trước, gọi là thơ Đường. Bài báo dẫn ra cách dạy cho học sinh biết luật của thơ Thất Ngôn Bát Cú bằng cách vẽ sơ đồ đủ tám câu, dùng các mũi tên móc lên, móc xuống để minh họa cho học sinh biết vần điệu thế nào?

Nhìn qua thì chẳng có nhận xét gì. Nhưng rồi, bỗng như thấy vướng vướng cái gì đó. Ai lại đi dạy học trò lớp 5 luật thơ cổ đời Đường với những sơ đồ toán học rắc rối và phi văn chương thế nhỉ? Thơ Đường có thể nói là tinh hoa bậc nhất của thơ cổ truyền lại cho chúng ta ngày hôm nay. Niêm luật của nó thật đơn giản. Và chính vì sự đơn giản ấy, làm được một bài thơ Đường khó kinh khủng. Cái hay nhất, tinh hoa nhất, chính là ở chỗ đó.

Xem kỹ bài báo. Đọc vài lần nữa. Bật cười vì các bạn phê bình bài viết trong sách giáo khoa thì rất đúng. Nhưng nói lại cho đúng thì các bạn lại nói sai, không, chính xác hơn là nói chưa đủ. Quên đi mất cái tinh hoa nhất của thơ Đường. Lại để ý kỹ thì thấy rằng, để giải thích thơ Đường cho học sinh nghe mà dùng cái sơ đồ toán học này, chắc 10 người ngồi nghe, hết 9 người chán thơ đến tận cổ.

Tự nhiên, liên tưởng xem ngày trước, mình học thơ thế nào nhỉ? Rồi bỗng nhớ cô Tuyết Mai, nhớ cô giáo vô cùng. Cô giáo văn Trường cấp 3 Từ Sơn của mình ngày ấy. Cô đã giảng cho mình và các bạn về thơ Thất Ngôn Bát Cú với ví dụ bài Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan thật đơn giản.

Cô Mai nói rất ngắn gọn: “Bài thơ gồm 8 câu, mỗi câu 7 chữ. Hai câu đầu là câu Phá (có nơi gọi là Đề) đặt vấn đề cho bài thơ. Tiếp là 2 câu Thực, tả, kể… về nội dung chủ đạo của bài thơ. Tiếp theo là 2 câu Luận, nội dung nêu đánh giá, bình luận, nhận xét. Và cuối cùng là 2 câu Kết, nêu nhân sinh quan về hiện tượng miêu tả và kết luận. Các câu phải vần với nhau ở từ cuối cùng và đặc biệt, 2 câu Thực và 2 câu Luận, ngoài việc bảo đảm vần, bản thân chúng phải là một câu đối”. Thật là giản dị và xúc tích. Dễ hiểu. Ngắn gọn. Bắt học sinh phải tiếp tục động não suy nghĩ ít nhiều mới có thể hiểu hết.

Rồi cô ví dụ thi phẩm Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan, một trong những kiệt tác mẫu mực về thơ Nôm theo thể Thất Ngôn Bát Cú. Các bạn thử xem, so với những gì cô Tuyết Mai đã giảng, Qua Đèo Ngang có đúng niêm luật không nhé!

Hai câu Phá (hoặc câu Đề), từ cuối cùng của 2 câu vần với nhau.

Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà

Cỏ cây chen đá, lá chen hoa


Rồi 2 câu Thực, từ cuối cùng của 2 câu vần với nhau, vần với câu Phá và bản thân 2 câu này là một câu đối. Nhìn vào và đọc lên, các bạn sẽ thấy đối nhau chan chát!

Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà


Tiếp đến là 2 câu Luận, từ cuối cùng của 2 câu vần với nhau, vần với câu Thực và bản thân 2 câu này là một câu đối.

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia


Và cuối cùng là 2 câu Kết, từ cuối cùng của 2 câu vần với nhau và vần với 2 câu Luận

Dừng chân đứng lại trời non
nước
Một mảnh tình riêng ta với ta.