Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2023

ĐỪNG CÓ DẠI HY SINH CHO CHỒNG, CHO BẠN TRAI

 ĐỪNG CÓ DẠI

Vì quá yêu chàng trai, và nghĩ rằng, chỉ cần hy sinh thật nhiều để người mình yêu được hạnh phúc, cô gái đã nghỉ học để chạy bàn, bưng bê, nhặt bóng, đánh máy thuê, bán hàng… gần 3 năm ròng rã để người yêu có tiền ăn học.
Khi đã thành đạt, chàng trai chia tay cô bạn gái ấy, không một mảy may xúc động vì những tận tụy và hy sinh mà cô đã dành cho mình!
Dưới confession của câu chuyện này, cũng như câu chuyện về người đàn ông vừa bỏ vợ để lấy một cô gái trẻ, tôi đã đọc được nhiều comment đầy phẫn nộ, với những hình dung từ thật nặng nề dành cho họ.
Tôi cung thế! Tôi không bao giờ ủng hộ việc đàn ông bòn tiền của phụ nữ, trong bất kể trường hợp nào. Tôi cũng không tin lắm vào việc những người đàn ông vay tiền, xin tiền của bạn gái, người yêu, vợ và thậm chí là của mẹ mình, để sử dụng vào mục đích tốt đẹp, như kinh doanh chẳng hạn, mà thành công.
Nhưng tôi cũng không ủng hộ một tí nào cho hành động nuôi người yêu của cô bạn gái, nuôi và tạo dựng sự nghiệp cho chồng của người vợ. Các bạn gái và nói chung là những người phụ nữ hãy nhớ nhé! Đừng bao giờ đưa tiền cho đàn ông để họ tạo lập sự nghiệp.
Đàn ông chúng tôi, nếu sa cơ lỡ bước, chỉ cần các bạn cho một bữa ăn là ổn rồi. Sự nghiệp phải do đàn ông tự làm, tự tạo lập. Bằng cách nào thì hãy kệ họ. Còn tuyệt đối đừng đưa tiền cho họ.
Đừng có dại nhé!



Thứ Hai, 3 tháng 9, 2012

MỘT MÌNH



Những ngày đầu thành lập công ty, sau giờ làm việc và hầu hết những ngày nghỉ, tôi thường ngồi một mình trong phòng làm việc, với nỗi lo thắt ruột là làm sao có đủ công ăn việc làm cho công ty mình.

Thời gian qua đi, nỗi lo về công việc ít nhiều được giải tỏa nhưng thói quen ngồi làm việc một mình lúc ngoài giờ, ngày nghỉ vẫn theo đuổi tôi mãi. Tôi thường dùng khoảng thời gian này để nghĩ về những ý tưởng kinh doanh mới, cách xử lý những việc xương xẩu và nhiều khi, cứ ngồi đấy thôi mà cũng chẳng nghĩ gì cả.

Cảm giác một mình trong phòng làm việc của mình, trong văn phòng công ty có gì đó khiến tôi rất thích thú. Nỗi lo lắng về công việc đeo bám tôi không bao giờ dứt, nhưng niềm vui được trải nghiệm trong không gian một mình cũng làm cho tôi thêm phấn chấn thật nhiều.

Khoảng hơn 10 năm đầu tiên trôi qua như vậy!

Nhưng rồi các bạn trẻ trưởng thành lên. Những thế hệ tiếp theo tự chủ động trong công việc ngày một tốt hơn. Tôi đã bớt đi nhiều việc phải lo. Và tự nhận thấy rằng có rất nhiều việc tôi đã không còn làm tốt bằng các bạn ấy nữa.

Và tôi ít đến công ty vào ngày nghỉ, ít ở lại ngoài giờ làm việc. Có cái gì đó như là mất mát, như là hụt hẫng, như là nỗi buồn…

Cho đến chiều nay. Sau mấy ngày nghỉ lễ, tôi lại đến văn phòng một mình, lại ngồi trong phòng làm việc và nghĩ về gần 15 năm đã qua, nghĩ về nhiều thế hệ cán bộ, nhân viên của mình đã từng làm việc từ những ngày đầu tiên. Nghĩ về những thành công và cả những mất mát.

Ai đó đã nói rằng nếu bạn làm chủ một doanh nghiệp là số phận cho bạn được làm chủ, nhưng số phận cũng bắt bạn phải làm chủ. Chiều nay, ngồi một mình trong phòng làm việc, lần đầu tiên tôi cảm thấy với mình, hình như số phận “bắt” thì đúng hơn là “cho” mình làm chủ.





Thứ Hai, 20 tháng 8, 2012

TAI HỌA CÂY XANH



Mùa mưa bão năm nào Hà Nội cũng có cây xanh đổ ngang đường. Nhẹ thì đổ nhà, hỏng xe. Nặng thì người chết, người bị thương. Vậy mà không thể nào khắc phục được. Để rồi năm nay cũng vậy. Nhìn hình ảnh một tài xế taxi bị chết do cây xanh đổ gập vào xe mà không khỏi cám cảnh.

Đã có lần người ta định thử nghiệm đốn sạch hàng cây cũ của một tuyến đường, để trồng lại cây xanh theo quy hoạch thì bị dư luận nhao nhao phản đối. Thậm chí, có người còn nói trong đó có những cụ cây nghe rất là ghê răng. Đành chịu!

Có lần tôi tới thành phố của một nước, đi qua nhiều tuyến phố, thấy họ trồng chỉ một loại cây nào đó mà tôi không biết là cây gì. Nhưng tôi nhớ đó là loài cây nhỏ, thân mảnh, có tán lá xanh rộng, đẹp và đặc biệt là tán lá cách mặt đường chừng 3 mét. Tôi nhớ thế vì ngay cả những ông cao kều nhất vẫn có thể đi bộ thoải mái mà không bị cành lá quét ngang mặt được.

Lần ấy tôi cứ ước ao, giá Hà Nội có những hàng cây như thế thì đẹp và an toàn biết bao. Cây ấy, dù có đổ do mưa bão thì cũng không thể chết người được. Nhưng nhớ lại cái lần dư luận phản đối trồng cây mới mà tôi thấy ái ngại cho Hà Nội.

Đơn giản là quy hoạch cây xanh, trồng lại, vừa mỹ quan, vừa an toàn cũng không được dư luận đồng tình ủng hộ. Tôi cũng không biết vì sao nữa.

Có người băn khoăn nói vì Hà Nội có nhiều cây thiêng, không đốn tất cả đi được. Nhưng cây thiêng thì đâu có nhiều. Chúng ta hoàn toàn có thể giữ lại những cây này. Tăng cường bảo vệ khi có dự báo bão về. Cảnh báo người dân đừng đi qua đó khi có bão lớn. Đâu có khó gì.

Hay là Hà Nội mình bảo thủ quá rồi, ít nhất cũng là trong vấn đề cây xanh đô thị!




Thứ Tư, 15 tháng 8, 2012

CŨ VÀ MỚI



Bất ngờ nhận được cuộc điện thoại của nhân viên Vinaphone hỏi về việc đã nhận được USD 3GB chưa, tôi cứ ớ cả người, chả hiểu gì cả. Hỏi qua lại vài câu, mới được biết Vinaphone có quà tặng cho khách hàng thuê bao trả sau một món quà.

Cái USB 3GB là món quà đó. Nó đã được gửi đi từ hơn 1 tháng trước, nhưng rốt cuộc lại tôi chưa nhận được. Mình cứ thông minh mà hiểu rằng nó đã bị thất lạc ở đâu đó rồi. Cô nhân viên hứa sẽ check lại, nhưng từ lúc hứa tới giờ cũng đã tầm 2 tháng, chẳng thấy bất kể một hồi âm nào.

Tự nhiên nhớ lại cái USB, chợt nhận ra một quy luật thật cay đắng. Chúng ta thường nói rằng phải quan tâm, chăm sóc khách hàng truyền thống. Nói thì như vậy nhưng chẳng ai quan tâm gì đến những ông khách hàng đã chắc ăn trong tay rồi. Người ta chỉ lo đi tìm những khách hàng mới mà thôi.

Thuê bao mới, thuê bao trả trước được khuyến mại ầm ầm, chứ mấy ông trả sau, vốn là khách hàng từ hàng chục năm nay thì chẳng ai quan tâm làm gì cho mệt. Câu chuyện này không chỉ đúng với các thuê bao nhà mạng, mà còn đúng với rất nhiều trường hợp khác nữa.

Nhân viên bán xe hơi có thể bám bạn chặt, chăm sóc bạn hàng năm trời. Sinh nhật, năm mới, các dịp lễ tết… bạn đều có thể nhận được tấm thiệp, bó hoa chúc mừng. Đấy là bạn chưa mua xe thôi. Mua rồi là đừng hòng. Bạn có chờ dài cổ cũng chẳng có ai quan tâm nữa đâu.

Bạn hãy thử quan tâm đến việc mua thẻ hội viên một câu lạc bộ nào đó mà xem. Chỉ cần bạn quan tâm thôi, người ta sẽ chiều bạn hết mức, năn nỉ bạn rơi rụng thì thôi. Nhưng bạn cứ mua đi, mua xong thẻ rồi thì bạn dùng thế nào, quyền lợi ra sao, có trục trặc gì không là việc của bạn nhé. Chẳng ai đoái hoài gì đến bạn nữa.

Tôi mua bảo hiểm nhân thọ cho con trai. Thoạt đầu, công ty bảo hiểm chăm sóc khá tốt. Tặng quà sinh nhật. Lịch treo tường hàng năm… Được một thời gian ngắn thôi. Giờ thì quanh năm chả ai hỏi một câu, ngoài việc đốc thúc nộp phí.

Người ta hay nói “có mới nới cũ” để ám chỉ chuyện tình cảm, nhưng xem ra có mới nới cũ, thậm chí quên hẳn cũ, không chỉ là câu chuyện trong phạm trù tình cảm, mà nó còn là là câu chuyện của hầu hết các mối quan hệ thì phải.




Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

NGƯỜI ĐẸP LÀM TỪ THIỆN



Tôi cứ băn khoăn mãi về việc các cuộc thi người đẹp thường gấn liền với một hoạt động từ thiện nào đó. Thoạt nhìn, ý nghĩa của nó rất tốt, hình ảnh của nó rất đẹp. Nhưng càng nghĩ, càng thấy có điều gì đó không ổn?

Và điều không ổn nhất là tiền ở đâu ra mà làm từ thiện?

Các cô ấy còn trẻ, kể cả có trúng giải thì bản thân cái giải thưởng ấy cũng không đủ để đi làm từ thiện khắp nơi như vậy. Chưa kể, đi thi người đẹp tốn kém lắm, có cô còn phải vay mượn để đi thi nữa. Có tí tiền thưởng, cũng còn phải chi tiêu ít nhiều chứ!

Có người nói tiền làm từ thiện là của nhà tài trợ, cùa nhà tổ chức, các cô ấy không phải lo. Nhưng nếu như thế thì cần các cô ấy đi để làm gì? Để giáo dục một tính cách đẹp chăng? Chả phải. Dùng tiền của người khác để làm từ thiện thì có khác gì câu các cụ ngày xưa thường nói "của người phúc ta" đâu. Chẳng nên thế!

Chưa kể, cái kiểu bắt buộc từ thiện trong các cuộc thi người đẹp như vậy, bỗng dưng tạo nên hình ảnh người đẹp-đại gia, bên tình-bên tiền... mà dư luận lâu nay đã tỏ ý hoài nghi về mục tiêu tốt đẹp của nó.

Cho nên thi người đẹp thì cứ thi, chọn ra người đẹp cho thật đẹp. Thế là đã bảo đảm thành công của một cuộc thi rồi.

Từ thiện là một hoạt động tốt đẹp và cần thiết phải làm. Nhưng muốn tốt đẹp thực sự thì nó phải được thực hiện bởi những nhà hoạt động từ thiện đích thực, không phải là các cô gái xinh đẹp, chưa có nghề nghiệp, thu nhập ổn định.



Thứ Sáu, 6 tháng 7, 2012

ĐỨA TRẺ BỊ BỎ RƠI 2


4

Chạy ào vào phòng cấp cứu khoa nhi, vừa thở hổn hển, cô vừa nói lạc cả giọng: “Bác sĩ ơi, con cháu?”.

Chỉ ít phút sau, người ta biết cô chính là mẹ của đứa trẻ bị bỏ rơi, đang nằm bất động trong lồng chăm sóc đặc biệt đã 5 ngày nay, nhờ vào một vài đặc điểm cô cung cấp. Cô được mời vào phòng Trưởng khoa: “Tình trạng của cháu bé rất xấu. Đã 5 ngày nay nằm bất động. Chúng tôi phải thông báo để cô chuẩn bị tình huống xấu nhất có thể xảy ra”.

Một vài thủ tục thăm khám sơ bộ được thực hiện, người ta xác định do điều kiện sinh nở đặc biệt tồi tệ, cộng với sự chăm sóc thiếu chuyên môn, chính cô cũng đang là bệnh nhận cần sự hỗ trợ của y tế. Tuy nhiên, theo đề nghị của cô, bác sĩ Trưởng khoa dẫn cô tới thăm con trai, trước khi làm các thủ tục nhập viện.

Bên lồng kính, cô nức nở nhìn con trai bé bỏng của mình. Vị bác sĩ Trưởng khoa đưa mắt ý nhị, cô y tá nhẹ nhàng mở lồng kính cho người mẹ trẻ được cầm tay con. Chút đặc ân của những người làm nghề y, thường được sử dụng để dành cho các trường hợp từ biệt lần cuối cùng.

Cô đặt bàn tay đang rung lên thổn thức của mình nắm nhè nhẹ lấy tay con trai. Có cái gì đó dường như là sự sống, chợt bừng lên trong cái sinh linh bé bỏng đang nằm đó. Những ngón tay bé xíu, bất động suốt 5 ngày nay bỗng nhiên cử động. Bàn tay bé xíu ấy nắm lấy ngón tay bà mẹ trẻ như không muốn rời. Tất cả mọi người đang đứng xung quanh tròn mắt vì kinh ngạc. Thật kỳ diệu, không thể nào hiểu nổi.

5

Đã 21 năm trôi qua…

Bà mẹ trẻ ngày ấy, giờ đã là người phụ nữ bắt đầu tuổi 38. Chị đã bỏ qua, đã hy sinh, đã quên đi 20 năm đẹp đẽ nhất của đời người phụ nữ để nuôi con khôn lớn. Sau biến cố ở bệnh viện lần ấy, gần 1 tháng sau, hai mẹ con chị được ra viện.

Không còn đường về nhà, chị tìm đến tá túc ở nhà một người họ hàng xa. Cuộc sống của bà mẹ trẻ chưa đến tuổi thành niên với cậu con trai mới sinh thật sự gian khổ và nhọc nhằn. Chị làm đủ mọi nghề, từ giúp việc quán ăn, bán hàng, tạp vụ, bất kể việc gì có tiền để sống và nuôi con. Họ hàng giang tay giúp. Bạn bè quyên góp đỡ đần. Cuộc sống của hai mẹ con cứ thế tùng tiệm qua đi.

Năm cậu con trai 3 tuổi, chị đón 2 tin vui cùng một lúc: Xin cho con được vào lớp mấu giáo và mẹ chị, sau nhiều dằn vặt đấu tranh, đã đến đón hai mẹ con về nhà. Hai người phụ nữ cô đơn, cá tính với lòng tự ái bị tổn thương nghiêm trọng, đã bỏ qua tất cả để về với nhau dưới một mái nhà, như năm chị 16 tuổi ngày nào.

Con trai chị, đứa trẻ bị bỏ rơi trên hiên nhà thờ năm ấy, giờ đang học năm cuối cùng của một trường đại học. Mẹ cậu cố quên đi, nhưng bà ngoại thì thường xuyên nhắc lại câu chuyện của 21 năm về trước. Bà thường nói với cậu: “Mẹ con đã sinh ra con hai lần, để con có cuộc sống ngày hôm nay. Nếu không có mẹ con, chính bà đã đánh mất con từ ngày ấy rồi!”.