Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2010

CẦU SÔNG CÁI 1



Hơn một trăm năm tuổi, giờ đây Cầu Long Biên có già nua mệt mỏi, nhưng trong lòng mỗi người dân Hà Nội, nó vẫn là người bạn thủy chung đã đi cùng qua suốt hai cuộc chiến tranh lớn. Với tôi, cầu còn là một ân nhân đặc biệt, nếu không có nó, năm 1936, bố tôi đã chết vì bệnh đậu mùa quái ác.

1


Tôi không phải là người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nên dù biết Cầu Long Biên là ân nhân của mình, nhưng mãi tới năm 16 tuổi, khi vào đại học, tôi mới được tận mắt nhìn thấy cây cầu này. Ông nội tôi vốn là phu lục lộ thời thuộc Pháp từ năm 1916. Những năm đi làm thuê theo các con đường dọc ngang Bắc, Trung, Nam Kỳ và cả xứ Ai Lao, Cao Miên, ông học được nghề làm thuốc bắc, chữa đài ga-len, đồng hồ...


Đâu khoảng năm 1929, ông tôi trở về quê và xây ở đó một ngôi nhà hai tầng độc nhất, vô nhị của cả tỉnh Bắc Ninh hồi ấy. Nhà xây tường dày 0,5m, dầm lim và sàn tầng 2 bằng gỗ xoan chanh. So với bây giờ thì chẳng nghĩa lý gì, nhưng hồi ấy là kinh khủng lắm. Ông tôi còn có một chiếc xe đạp, chiếc xe cà tàng thôi nhưng là của Pháp chính hiệu. Nó bền đến mức mà mãi sau này, hồi những năm 1965-1968, tôi vẫn dùng để đi loăng quăng trong xóm. Tài bốc thuốc cùng với mấy thứ gia tài của độc đã làm thiên hạ nhìn ông tôi lác mắt. Ngày ấy, hỏi cụ Tư Kình thì có lẽ trẻ con ở phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh cũng biết quá rõ.


Vậy mà ông tôi lại lận đận về đường con cái mới khổ chứ. Năm 43 tuổi, ông mới có bố tôi và cũng chỉ có mình bố tôi là con độc. Bà nội tôi mất sớm, ông phải gửi bố tôi cho một bà ở làng Ngườm nuôi. Bây giờ chúng tôi gọi là bà Ngườm. Bà nuôi tôi lúc ấy chưa có con trai, nên khi nhận bố tôi về nuôi, bà có ý định là sẽ giữ lại hẳn và không trả cho ông tôi nữa. Năm 1936, bố tôi lên 4 tuổi và mắc bệnh đậu mùa, chứng bệnh cực kỳ nan y hồi ấy. Vì muốn giữ bố tôi lại nên bà giấu biệt ông nội tôi. Chỉ đến khi tắm nước lạnh xong, đậu mùa không thoát được và bố tôi chỉ còn thoi thóp, bà nuôi mới hốt hoảng sang báo tin.


Ông tôi là tay thày lang cự phách, nên dù rất trầm trọng, bệnh tình của bố tôi vẫn nằm trong tầm tay của ông. Chỉ có điều, trong nhà đang cạn nhân sâm Cao Ly loại thượng hạng. Dù trời đã tối, nhưng ông tôi vẫn phải lên xe đạp ra Hà Nội. Ở đó, ông vẫn giữ nhiều mối thâm giao để trao đổi kinh nghiệm và lấy thuốc “cái” về hành nghề. Đến cầu Long Biên thì tới giờ giới nghiêm và lính Pháp dứt khoát không cho qua cầu.


2


Nhìn cầu Long Biên tấp nập người và xe những năm về sau này, có lẽ chẳng mấy ai hình dung ra cảnh uy nghiêm, hùng dũng và vắng lặng của nó những năm đầu thế kỷ. Cho đến thời điểm mà ông nội tôi bị giữ lại bên kia cầu, trong một tâm trạng rối bời vì bệnh tình của con trai thì cầu đã được xây dựng xong từ lâu.


Sau khi thống nhất sự đô hộ của mình tại Việt Nam, những người Pháp cai trị mau chóng nhận thấy nhu cầu cấp bách phải xây dựng một chiếc cầu hiện đại bắc qua Sông Hồng, nối liền Hà Nội với các tỉnh phía Bắc và nhất là với Hải Phòng, nơi những chuyến tàu viễn dương Pháp thường cập bến. Nhiều chuyến khảo sát đó được tiến hành và cầu được thiết kế ngay tại Paris theo tiêu chuẩn Pháp quốc năm 1891.


Ngày 6 tháng 11 năm 1897, Chính phủ Pháp chính thức phê duyệt luận chứng kinh tế - kỹ thuật, đồng thời thông qua khoản kinh phí xây dựng cầu. Hồi ấy, việc thông qua thiết kế và tìm đơn vị thi công chiếc cầu lớn tại xứ thuộc địa An-Nam xa xôi đã trở thành sự kiện lớn ở Pháp. May mắn thay, Công ty Daydé đã được Chính phủ Pháp lựa chọn và năm 1898, họ chính thức bắt tay vào xây dựng cầu. Ngày nay, ở một số dầm và dây thép Pháp còn có cả chữ nổi để ghi tên công ty xây dựng lên nó đấy.


Nhiều người sau này thường nói năm 1897 là năm đánh dấu hai sự kiện lớn ở vùng Đông - Nam Á. Đó là cầu Long Biên được chính thức phê duyệt thiết kế và Triều đình nhà Thanh (Trung Quốc) phải ký Hiệp định cho Anh quốc thuê khu vực Hồng Kông bây giờ trong 99 năm. Sự so sánh có vẻ khập khiễng, nhưng ít nhất, nó cũng làm ta thấy được thân phận nghèo hèn của một quốc gia bị đô hộ.


Cầu Long Biên được Deydé xây dựng xong và chính thức làm lễ thông xe vào tháng 2 năm 1902. Thời kỳ này người dân Việt Nam còn lạc hậu lắm. Đàn ông mặc quần nâu, đi guốc mộc, tóc búi tó củ hành. Đàn bà mặc “quần không đáy”, vấn tóc và mặc yếm trước ngực. Người ta chỉ quen cầu tre, cầu khỉ và cuốc bộ, nên cầu Long Biên thực sự là công trình siêu vĩ đại mà “mẫu quốc” mang đến đây. Nó là chiếc cầu lớn nhất Đông Dương hồi bấy giờ, khi con sông Hồng còn gọi là sông Cái và vì thế, chiếc cầu độc nhất ấy thường được dân gian gọi là cầu "sông Cái”.


Cầu sông Cái dài gần 1.700 m gồm 19 nhịp dàn thép tĩnh định. Cầu đã sử dụng ngót 100 năm nay, nhưng những khảo sát mới đây cho thấy thép vẫn còn tương đương với loại thép CT3 của Liên Xô (cũ). Mới biết, dù trong bản thiết kế cuối thế kỷ trước, độ bền mỏi của cầu không được tính đến, song sự tồn tại qua dầu dãi nắng mưa và bom đạn của cầu, cũng cho ta thấy các kỹ sư xây dựng của Công ty Daydé và những người thợi An-Nam ngày ấy quả là cao thủ.


Khi xây dựng xong, tải trọng của cầu còn thấp lắm. Cầu có đường xe lửa ở giữa và hai bên consol rộng 1,3 m làm đường cho xe ngựa và người đi bộ. Đường xe lửa chỉ cho phép ghép đôi 2 tầu máy hơi nước, mỗi đầu máy 4 trục nặng 40 tấn, có toa than, nước kéo đoàn toa 2 trục, mỗi trục 8 tấn. Xe ô-tô ngày ấy ít lắm, hầu hết là của các ông quan cai trị người Pháp, nên qua lại đi chung với đường xe lửa.


Theo thời gian, nhu cầu về đường ô-tô ngày một cao. Vì thế 21 năm sau ngày thông xe, năm 1923, cầu đó được gia cố thêm các thanh dầm chủ, dầm mặt cầu và mở rộng thêm consol hai bên thành 3,25 m. Lần sửa chữa và nâng cấp này, cầu đã có thêm đường riêng biệt dành cho khách bộ hành rộng 0,75 nằm sát lan can. Consol hai bên được lát gỗ đủ cho xe ô-tô 3 tấn chạy.


Ngoài những thay đổi này, người ta còn làm thêm 4 sàn tránh xe, với mục đích dành chỗ cho xe thô sơ tập kết khi phải nhường đường cho xe cơ giới vượt lên. Như vậy, ở lần sửa chữa này, cầu đã có đường xe lửa, đường ô-tô và đường cho người đi bộ riêng biệt.


Thời điểm mà ông nội tôi bị những người lính Pháp giữ lại bên đầu cầu Gia Lâm đêm ấy, cầu Long Biên đang ở trong tình trạng này. Có nghĩa là nó đã được nâng cấp một bước quan trọng.




Thứ Năm, 29 tháng 7, 2010

HUYỀN THOẠI ANH VŨ



Vâng, đó là huyền thoại về cá tiến Anh Vũ. Trong dân gian, cá Anh Vũ liên quan mật thiết tới sông Hát và một loài cây có tên Chiên Đàn. Thời trước, người ta cho rằng sông Hát bắt nguồn từ sông Giang Hán, một chi nhánh của sông Dương Tử, Trung Quốc. Trong lòng sông Hát có một loài cây tên là cây Chiên Đàn cao hàng chục trượng, rễ cây xuyên thông qua sông Giang Hán. Cá Anh Vũ vốn sống ở Giang Hán đã theo rễ cây đi về phía Nam để tới sông Hát.


Gắn liền với nguồn gốc huyền bí như vậy, từ đời nhà Trần, nhà Lê, cá Anh Vũ đã được coi là cá tiến thần, tiến Vua. Chỉ đến mãi sau này, người ta mới biết sông Hát là một nhánh của sông Hồng, chứ không phải của sông Giang Hán và cây Chiên Đàn là một loài cây không hề có thật. Nó chỉ là sự tưởng tượng được lưu truyền trong dân gian, để làm linh thiêng thêm vùng đất Phong Châu thời thượng cổ mà thôi.


Cá Anh Vũ là một đặc sản, mà ở nước ta chỉ sinh sống duy nhất ở khu vực sông Ngã Ba Hạc. Theo các bậc cao thủ ở đây thì cá Anh Vũ ưa sống ở vùng ngã ba sông vì nơi đó có dòng nước từ hai phía đổ về tạo nên quanh bờ những hang sâu, ngóc ngách phủ đầy rêu xanh. Cá sống nương nhờ vào những hang rêu này. Khi ngủ, chúng gếch mõm lên những chùm rêu ở miệng hang.


Cá Anh Vũ có mình giống tựa con cá chép thông thường. Có điều mõm cá dài và tròn hình mõm lợn. Cá Anh Vũ nhỏ, thường chỉ cân nặng trong ngoài một cân, thịt cá vàng và có mùi thơm thanh khiết, đặc biệt là dùng để nướng chả. Do sống ở những hang sâu đầy rêu phong dưới nước, nên bắt cá Anh Vũ cực khó. Chỉ có các bậc thợ câu, thợ lặn hàng “sư phụ” mới chộp được loài cá hiếm này. Thời gian gần đây, môi trường ở Việt Trì xấu đến mức đáng báo động, đã làm cho cá Anh Vũ mất dần. Ở bến Gét, nơi tập trung hàng chục hàng bán cá, nếu bạn hỏi mua cá Anh Vũ thì chỉ nhận được những cái lắc đầu!


Chuyện về cá Anh Vũ thì còn nhiều lắm. Huyền thoại và sự thật cứ đan xem lẫn lộn nhau càng làm tăng tính tò mò của nhiều người. Ngay ở Quán Cá, dường như tôi cũng bị “lừa” một cú thật đáng yêu, bởi lẽ đến tận giờ tôi cũng không rõ thực hư thế nào. Hôm ấy, tôi được giới thiệu với một thợ câu tên Hùng. Anh cho biết đang có dự định nuôi cá Anh Vũ tại ao nhà, để phát triển thứ đặc sản có một không hai này.


Đang say sưa nói về dự tính tương lai một cách hồ hởi, vì anh đã được ngân hàng hứa hỗ trợ vốn, bỗng anh nghiêm nét mặt bảo tôi: “Mà sao tôi không hiểu các ông, các bà dưới Hà Nội quan tâm tới cá Anh Vũ nhiều thế để làm gì nhỉ? Làm món chả cá à? Thế thì cá Anh Vũ chưa là cái “đinh rỉ” gì nhé! Số một phải là cá Dầm Xanh cơ! Ông đã nghe câu “Thứ nhất Dầm Xanh, thứ nhì Anh Vũ” chưa?


Tôi không trả lời được Hùng. Quả tình tôi chưa nghe được câu ấy ở đâu cả. Còn cá Dầm Xanh thì tôi đã hỏi không dưới ba chục người, đủ các thành phần, mà chẳng ai biết con cá mang tên ấy là cá gì?




Thứ Tư, 28 tháng 7, 2010

TẤM BƯU THIẾP CỔ



Bạn gửi cho một đường link khá thú vị. Những tấm bưu thiếp từ gần, hoặc hơn, một thế kỷ trước. Chủ yếu là cảnh Hà Nội và Sài Gòn. Một ít ảnh nghĩa quân Đề Thám. Thật là cảm động. Chẳng còn gì nữa. Dường như đã mất hết rồi! Chợ Bưởi với những người phụ nữ đội nón quai thao, cỏ mọc um sùm bên đường. Chợ Cửa Nam mấy chiếc xe tay, mấy người phu khuân vác, vài khách đi lại…. Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo. Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”. Mỗi tấm bưu thiếp như một thông điệp, như một lời nhắn gửi, một tâm hồn đã hóa thân trong đó.


Dấu ấn thời gian in đậm trên từng con số, từng nét chữ và trên cả cái màu ố vàng. Câu chuyện của những tấm bưu thiếp là câu chuyện của một chặng đường lịch sử đã qua. Dường như đâu đó đây thôi, một hình ảnh, một nơi chốn của Hà Nội, của Sài Gòn xưa, một nét nguyên bản của những toà nhà nay đã đổi thay cùng năm tháng, một cuộc sống sinh hoạt đời thường của người dân.


Những tấm thiệp nhỏ bé đã chứa đựng cả một phần lịch sử thông qua những dòng chữ mà người gửi thiệp gửi gắm trong đó. Có chuyện chỉ là chuyện riêng nhưng đôi khi lại là câu chuyện liên quan đến thời cuộc của quốc gia, của dân tộc... Những tấm bưu thiếp giờ không đơn giản là phương tiện truyền tải thông điệp kỷ niệm, mà hơn thế nữa, còn là một biên niên sử thu nhỏ.


Buổi chiều cô đơn với bao cảm xúc trái ngược, ngắm những tấm bưu thiếp của người xưa, tưởng như được thấy ngay trước mắt mình cả một giai đoạn thăng trầm của lịch sử. Thoáng một chút gì đó như tiếc nuối như bùi ngùi.





Thứ Ba, 27 tháng 7, 2010

TIẾT KIỆM ĐỂ LÀM GÌ?



Câu hỏi có vẻ không được nhiều người ủng hộ. Nhất là trong bối cảnh như hiện nay. Tiết kiệm thì đương nhiên là phải tốt rồi. Thế mà cũng hỏi. Vớ vẩn! Đúng là loại chỉ biết ăn chơi. Đáng lên án quá!


Nhưng chúng ta hãy thử xem như thế nào nhé!


Tăng thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế trước bạ và vài khoản phí khác đối với một số mặt hàng xa xỉ, trong đó ví dụ ô tô (mặc dù không nên coi ô tô là mặt hàng xa xỉ). Xe nhâp khẩu về không bán được. Ai lỡ nhập thì lo mà tái xuất. Không tái xuất thì bán cầm chừng. Vốn đọng lại. Ngân hàng cho vay lo mà đòi nợ phát ốm. Người cho thuê mặt bằng cũng bị trả lại. Nhân viên bi sa thải. Lương bị cắt giảm…


Ừ thì ô tô không có cũng không chết. Ví dụ mặt hàng đấy làm gì? Sao không lấy cái khác làm ví dụ đi!


OK. Tiết kiệm thì ăn ở nhà đi. Đi nhà hàng làm gì tốn kém. Đã có một thống kê là lượng khách đến nhà hàng giảm đi tới gần một nửa. Vậy là nhà hàng ế khách. Nhân viên bị thải hồi bớt. Lương lậu giảm đi. Những mối cung cấp thực phẩm, lương thực… cũng phải cắt bớt. Việc làm của ngành dịch vụ đương nhiên là hẻo.


Tiết kiệm thì gội đầu, cắt tóc ở nhà cho đỡ tốn. Vậy thì cả một khối lượng khổng lồ những nhân công đang làm ở khu vực này đi làm gi? Triển khai theo hướng đấy, mới thấy hô hào tiết kiệm cũng phải khoa học và biết tính toán, chứ không đơn giản tiết kiệm là tiết kiệm.


Giả sử một ông Thứ trưởng nào đó tiết kiệm, không đi xe con, ông ấy đi xe ôm, xe máy, hay xe đạp chẳng hạn (vì hình như đã có một ông chức vụ tương đương như vậy hô hào tính chi phí đi lại vào lương và nếu được như vậy, ông ấy sẽ đi xe ôm đi làm). Đến cơ quan, nhân viên, cán bộ sẽ nhìn ông ta với con mắt như thế nào? (Đồ giả dối, Thứ trưởng mà làm bộ nghèo khó đi xe máy! Bố này đi thế là khổ mình rồi, không lẽ Thứ trưởng đi xe máy mà mình lại nghễu nghện xe hơi thì quá bằng phỉ mặt Sếp!...). Đấy là chưa kế bạn bè quốc tế gần xa, nhìn thấy cảnh đó, liệu có vấn đề gì không?


Lại nữa. Hà Nội phải tiết kiệm. Cứ tắt hết (hoặc tắt phần lớn) đèn đường (gồm đèn chiếu sáng và đèn làm đẹp). Thành phố sẽ xấu xí. An toàn giao thông sẽ bị ảnh hưởng. An ninh trật tự cũng vậy. Thủ đô của một nước có nhất thiết phải như vậy không? Nghe nói, nếu tắt hết, mỗi tháng toàn thành phố tiết kiệm được tầm hơn 1 tỉ VND tiền điện. Nếu đúng thế, thì có thực sự phải tắt cả cái hệ thống đèn công cộng đi không?


Tổng Công ty Điện lực Việt nam cứ năm nào vào mùa hè cũng phát động tầm vài chục ngày tiết kiệm ở Văn phòng Tổng Công ty. Nghĩa là gương mẫu không dùng máy lạnh nữa. Thế là nóng quá! Nhân viên tìm ra hàng tỉ lý do để lỉnh ra quán café, shopping… cho nó mát. Rốt cuộc, tiết kiệm được tí tiền điện thì đình đốn công việc, trì trệ, kém hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh.


Còn rất nhiều những suy diễn logic như vậy!


Có thể chưa chắc đã đúng! Nhưng có thể, chưa hẳn đã là sai! Cứ kêu gào tiết kiệm đi một cách thiếu suy nghĩ và tiết kiệm làm theo kiểu phong trào, tiêu dùng sẽ bị hạn chế, thậm chí siết chặt. Thế thì hàng hóa làm ra bán cho ai? Dịch vụ mở ra để phục vụ ai? Và rốt cuộc lại, chúng ta phấn đấu để làm gì?


Cho nên tiết kiệm không khoa học chẳng những sẽ không tiết kiệm được, mà đôi khi còn làm hai ngành sản xuất và dịch vụ bị đình đốn nữa là như vậy!