Thứ Hai, 30 tháng 8, 2010

BỐ CÓ 3 CON GÁI



"Nhất nam viết hữu. Thập nữ viết vô". Lời ca xưa như cứa vào lòng những ông bố có con gái một bề. Anh có cả con trai con gái. Nên không bị câu ca vô lối, phong kiến kia đè nặng. Con trai anh thương và quý. Con gái thì trên cả thương, anh yêu con gái vô cùng. Khi con còn nhỏ, anh là người duy nhất giặt tã cho con. Lớn lên, anh mua tặng con lúc thì chiếc váy, lúc thì đôi giày, cái bút, cái gối ôm, con giống bày trên bàn, cái xe đạp mini Nhật, rồi xe máy tay ga...

Đọc thư con gái, anh ngồi bần thần cả giờ đồng hồ, nhớ lại biết bao kỷ niệm của những ngày gian khó bố con gắn bó với nhau. Dòng đầu tiên, trong bức thư đầu tiên con gửi anh là câu "con yêu bố!". Khi con có cái điện thoại cầm tay đầu tiên, dòng tin nhắn đầu tiên là con nhắn cho anh cũng là câu "con yêu bố!". Nỗi buồn đau đầu tiên trong đời con phải trải qua, con nức nở trong chăn, ôm cái gối ôm gọi "bố ơi, con buồn lắm, bố có biết không?"..


Trong nỗi nhớ con da diết, tình cờ, anh đọc được bài thơ Người Bố Có 3 Con Gái. Bài thơ thật cảm động. Hiểu và chia sẻ với những người đàn ông có con gái một bề. Nhưng trên hết tất cả, anh cảm nhận được người con gái nói riêng và những người phụ nữ nói chung thật là vĩ đại, thật là sâu sắc và đáng khâm phục biết bao.


NGƯỜI BỐ CÓ 3 CON GÁI

Chẳng từng mong đợi thiết tha
Chẳng từng khắc khoải cũng là chờ trông
Cũng là day dứt có-không
"Nhất nam-thập nữ" đau lòng, Bố ơi!
Cũng là nghĩ lúc cuối đời
Lấy ai kề cận, đỡ nơi tuổi già
"Con gái lại lấy chồng xa..."
Cũng là sợ lắm câu ca, mai này...

Ba lần chín tháng mười ngày
Trông theo dáng mẹ, tính giây, phút, giờ
Ba lần đợi sự bất ngờ
Đón niềm hạnh phúc mơ hồ trên tay
Ngắm con giấc ngủ thơ ngây
Quay đi Bố khẽ thở dài, phải không?

Cũng đành một phút phiền lòng
Cũng đành xếp lại viển vông tuổi già
Lại dòng máu nóng tình cha
Lại đời nâng trứng, hứng hoa nhọc nhằn
Trái tim chia đủ ba phần
Lo toan gánh nặng đâu cần sẻ chia
Nỗi niềm chỉ lúc đêm về
Thiu thiu giấc ngủ cơn mê chập chờn

Ngủ ngon, Bố hãy ngủ ngon
Ngoài kia gió lắm, để con kéo rèm
Tay con Bố uốn rất mềm
Bây giờ xua hết ưu phiền xa xôi
Con là con gái Bố thôi
Ước gì đổi phận cho Người thấy vui
Ước gì qua hết chân trời
Cho người cười nhạt những lời ca xưa...





Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2010

CHỈ TIẾC MỘT ĐIỀU



Lần đầu tiên xem từ đầu đến cuối buổi truyền hình trực tiếp vinh danh một tài năng. Vài tiết mục văn nghệ bình thường, như ở hầu hết các sự kiện khác, và chẳng có gì đáng nói. Cô MC là một trong những gương mặt sáng giá nhất của truyền hình. Đương nhiên rồi! Nhưng hình như cô thích hợp với các chương trình ghi hình, chỉ hiện khuôn mặt hơn là xuất hiện tổng thể trong một show quan trọng như thế này.

Vậy thì có điều gì đặc biệt ở đây?

Lần đầu tiên, hình như thế, Thủ tướng Chính phủ đích thân đọc diễn văn chào mừng sự kiện vinh danh một tài năng toán học kiệt xuất: Giáo sư Ngô Bảo Châu. Nó cho ta thấy, những người lãnh đạo cao nhất của đất nước quan tâm đặc biệt đến nhân tài. Một tín hiệu vui cho giới trẻ ham hiểu biết và say mê khoa học.

Bài phát biểu của Giáo sư Ngô Bảo Châu khẳng định rạch ròi vai trò công lao của cái nôi sản sinh và gieo mầm toán học của anh là Việt Nam, công lao to lớn của nước Pháp nuôi dưỡng và tạo môi trường nghiên cứu cho thành công của anh ngày hôm nay.

Nhưng có lẽ vui nhất là hai bài phát biểu của các bạn trẻ. Một bạn đại diện sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia. Một bạn đại diện cho học sinh trường Trương Vương, Hà Nội. Dù còn đôi chỗ vấp nho nhỏ do quá xúc động, song cả hai bạn đều thể hiện xuất sắc bản lĩnh tự tin, lòng ham hiểu biết và nhất là biết nói lên tiếng nói của chính mình, của lứa tuổi mình.
Đó là tín hiệu đáng vui nhất, đáng kể nhất.

Chỉ tiếc một điều. Giá chương trình vinh danh Giáo sư Ngô Bảo Châu được truyền hình trực tiếp hoành tráng đến thế, không hiện lên dòng chữ cám ơn Nhà tài trợ SABECO thì hay biết mấy.

Nhưng biết làm sao được. Thời buổi thị trường., từ chối một Nhà tài trợ đâu có phải chuyện đơn giản. Nó không đơn giản cho những người tổ chức chương trình đã đành. Có thể, nó còn không đơn giản cho nhiều người liên quan khác nữa.







Thứ Bảy, 28 tháng 8, 2010

CUỘC GẶP 20 NĂM



Gần 20 năm trước

Vừa 21 tuổi, chị đưa bạn trai về nhà giới thiệu với gia đình. Chỉ vừa tiễn bạn về, quay vào nhà, chị đã bị bố mẹ phản đối dữ dội. Không khí gia đình càng căng thẳng hơn khi chị bày tỏ mong muốn được kết hôn cùng anh. Những ngày tiếp theo, nhà như có đám. Bố chị cương quyết không chấp nhận. Ông ra tối hậu thư: Hoặc là bố mẹ, hoặc là thằng ấy!

Chị đã yêu, và với chị, đã yêu là không thể thay đổi được. Gạt nước mắt, chị tạ tội với bố mẹ rồi rời khỏi nhà mà không hy vọng có một ngày nào được quay lại nữa.

Vài tháng sau, anh chị kết hôn. Nhà anh nghèo nhưng cũng không đến nỗi quá tệ. Bố mẹ chồng nhường lại cho anh chị căn hộ tập thể vốn là tiêu chuẩn mấy chục năm công tác của ông bà. Những ngày đầu tiên, hai vợ chồng sống với nhau thật hạnh phúc. Gần 2 năm sau, đứa con trai đầu lòng ra đời trong niềm hân hoan vô bờ bến của ông bà nội, của anh chị và bạn bè.

Thêm 2 năm nữa. Một biến cố quan trọng ập đến với chị. Cậu con trai kháu khỉnh có vẻ gì đấy khác những đứa trẻ bình thường. Cậu không nhận tín hiệu tiếng động và cũng không phản ứng gì với tất thảy hành động của mọi người xung quanh. Đưa con đi khám, chị đau đớn tột độ khi được thông báo rằng con chị câm điếc vĩnh viễn. Có lẽ, cậu đã bị ảnh hưởng một tác động nào đó mà không ai phán đoán được là từ đâu.

Chồng chị không sao chịu đựng nổi biến cố đau đớn này. Nó đánh gục lòng tự ái lớn lao của anh về một viễn cảnh tươi đẹp, mà anh đang chờ đợi từ cậu con trai đầu lòng. Anh đắm mình vào những cơn say triền miên rồi về nhà đánh đập vợ, chửi bới vu vơ, phá phách đồ đạc.

Nỗi đau đớn từ tật nguyền của con, từ những cơn hành hạ của chồng trút cả lên đôi vai nhỏ bé của chị. Cô con gái phố cổ xinh đẹp ngày nào, vốn chỉ quen được bố mẹ, đặc biệt là bố, cưng chiều và nâng niu giờ héo hon vì chồng con. Mẹ chồng biết chuyện, bà dọn sang ở cùng nhà chị để trông cháu và khuyên bảo con trai. Nhưng rồi không khuyên bảo được, bà đành đứng lên quyết định làm thủ tục cho hai vợ chồng chị ly hôn. Trong phút tỉnh táo hiếm hoi trước khi rời khỏi nhà, chồng chị quyết định để lại căn hộ nhỏ cho hai mẹ con chị.

Thương cô con dâu vất vả, thương cháu nội tật nguyền, mẹ chồng quyết định ở lại sống cùng hai mẹ con chị. Bà chăm sóc cháu, đỡ việc nhà để chị đi làm. Cứ chăm sóc cháu, cứ đỡ đần chị như thế cho đến khi già yếu, nhắm mắt xuôi tay. Phút cuối cùng từ giã cuộc sống, bà mất trên đôi tay chị, cô con dâu hiếu thảo và có gì đó thật đặc biệt.

Hơn 18 năm trôi qua…

Suốt những năm tháng nuôi con, chị chiến đấu không biết mệt mỏi để con mình có thể hòa nhập cộng đồng. Nghe ở đâu có thày dạy người câm điếc, có tài liệu ngôn ngữ cử chỉ của người câm điếc là chị tìm cho bằng được. Cả hai mẹ con đánh vật với thứ ngôn ngữ đặc biệt này. Chị tự nhủ, mình cũng phải nói được với con, vì thế, con học gì, mình phải học bằng được như vậy. Có lần, hai mẹ con mất gần nửa ngày chỉ để học một câu “có chí thì nên”.

Thời gian trôi đi trong nghị lực phi thường và lòng quả cảm của cả con, cả mẹ. Ngày vui nhất là ngày chị đưa con trai đến trường, dù có muộn mằn hơn các ban cùng lớp tới 2 tuổi. Trong lớp, cậu học rất sáng dạ, thông mình và có năng khiếu đặc biệt về hội họa. Chỉ có điều, không nghe được, không nói được. Ngay cả máy trợ thính tốt nhất cũng chỉ giúp cậu nghe lõm bõm được vài lời thày cô giảng. Bù lại, cậu chép bài rất nhanh, học rất nhanh. Khi được gọi, thay vì trả lời miệng như các bạn, cậu phải viết lên bảng. Chậm, nhưng mỗi lần kiểm tra như thế, cả lớp lại hồi hộp, chờ đợi và cười òa vì lần nào cậu cũng được điểm rất cao.

Cứ như thế, con trai, hay nói chính xác hơn là hai mẹ con chị đã đi hết 12 năm học phổ thông trước niềm cảm phục và tình thương vô bờ bến của bạn bè, thày cô. Năm cuối cấp, theo lời khuyên của cô chủ nhiệm, cậu ghi danh thi vào một trường đại học danh tiếng về mỹ thuật.

Cũng từng ấy năm…

Hai mẹ con chị không dám một lần quay về nhà ông bà ngoại. Bố chị cấm cửa chị, cấm luôn cả mẹ chị và cậu em trai duy nhất không được quan hệ với chị. Vốn là một người phụ nữ hiền lành, cả đời lệ thuộc vào chồng, mẹ chị không dám trái ý dù rất thương con gái. Chỉ có cậu em trai là sợi dây duy nhất nối chị với gia đình.

Khi rời khỏi nhà, em chị mới 13 tuổi. Cậu không ý thức được sự hà khắc và phong kiến của bố. Cậu chỉ biết thương chị. Trong con mắt của cậu, chị gái là người chăm lo cậu nhiều nhất. Cậu nhớ không bao giờ quên những ngày bé, mỗi lần ị xong, cậu lại gọi chị ầm ĩ để được chị rửa, thay đồ và phát nhẹ một cái vào mông. Ngay cả khi đã hơn 10 tuổi, cậu vẫn được chị chăm như thế, dù lần nào hai chị em cũng bị bố mắng là em lớn rồi, phải để em tự làm những việc đó.

Và cũng trong ngần ấy năm, từ khi còn bé, đến lúc tốt nghiệp đại học và đi làm, cậu vẫn luôn trốn bố sang nhà chị. Khi thì chơi đùa, tập nói bằng cử chỉ với cháu. Khi thì cho chị cái này cái kia. Lúc bố, mẹ ốm đau, cậu lại cầm tiền của chị về biếu bố mẹ và nói dối là của cậu. Sợi dây tình cảm ấy là nguồn động lực lớn lao giúp hai mẹ con chị vượt qua nhiều bão táp của cuộc đời.

Cho đến năm nay

Khi điểm thi đại học được thông báo, mẹ con chị vỡ òa trong niềm vui khôn tả. Cậu con trai tật nguyền của chị trúng tuyển đại học với số điểm rất cao. Tin tức về cậu nhanh chóng theo các báo mạng đi bốn phương. Người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới gửi mail về chia vui với mẹ con cậu, gửi quà cho cậu và bày tỏ mong mỏi với bố chị hãy tha thứ cho chị.

Cuối giờ sáng một ngày chủ nhật…

Chị nghe tiếng gõ cửa và trái với lệ thường, thấy tiếng cậu em trai gọi hai mẹ con chị ầm ĩ. Mở cửa, chị không thể nào tin vào mắt mình. Bố mẹ chị đến. Lần đầu tiên sau gần 20 năm, chị mới lại được đứng gần bố mẹ. Mẹ vẫn thế, vẫn hiền lành và nhu mì. Bà vào ngay nhà để ngồi cùng với đứa cháu ngoại mà bao năm chỉ nghe kể mà chưa hề được ôm ấp lần nào. Bà sợ câu đối thoại đầu tiên giữa bố con chị.

Còn chị, chị đứng sát ngay bố. Đã từ lâu lắm rồi, chị chỉ được nhìn trộm bố. Những lần nhớ nhà quá chị phải đứng từ xa nhìn về con phố nhà mình. Còn bây giờ, bố chị đứng đấy, ngay bên cạnh chị. Bao kỷ niệm của chị với bố từ ngày còn tấm bé chợt ùa về. Chị cúi đầu, hai hàng nước mắt tự nhiên chảy dài trên má: “Bố, bố, con gái xin bố tha tội bất hiếu. Vì con ngang bướng mà bố mẹ phải khổ, con và cháu phải khổ. Giờ, con gái nghe lời bố, không bao giờ cãi lại bố nữa. Bố cho con với cháu về nhà mình bố nhé!”

Bố chị vẫn nghiêm nghị đến khắc khổ như ngày nào. Nhưng chị biết ông thương và xót xa cho chị và con trai. Ông nói, giọng lạc đi: “Bố cũng có lỗi với con. Bố cũng cố chấp. Bố mẹ sang đón con và cháu về nhà mình mà! Vào chuẩn bị đi con! Bố bảo em gọi taxi đây. Về nhà rồi bố con mình nói chuyện. Nhanh lên đi con!”.







Thứ Tư, 25 tháng 8, 2010

CHỢ TÌNH KHAU VAI


Có lẽ ít ai biết trên đời có một cái chợ chỉ họp cho những người yêu nhau mà chẳng nên vợ nên chồng. Không phải để bán mua. Cứ mỗi năm một lần, những người yêu nhau tìm về nơi sẽ gặp lại tình yêu một thuở.

Tháng Ba. Khi nụ đào cuối cùng đã khoe những cánh hồng rực rỡ muộn mằn, e lệ trong gió rét Nàng Bân. Dãy núi đá xám trập trùng của Cao nguyên Đồng Văn-Mèo Vạc như bừng tỉnh trong bồng bềnh làn mây trắng và le lói nắng xuân. Những trái tim người H'Mông rạo rực đập sau cánh áo hoa, trong lần áo tà pủ. Từ bản làng hẻo lánh. Trên những mỏm núi đá xa xôi, trai gái, trẻ già đua nhau xuống núi.

Những tà áo xanh thơm mùi chàm chen lẫn xập xòa vạt váy lanh trắng, lấp lóa bắp chân tròn theo tiếng leng keng nhạc ngựa, lộp khộp tiếng vó khua vang động núi rừng. Không gian thổn thức tiếng khèn gọi bạn, vất vít trên từng ngọn cây, khe suối. Đất trời cao nguyên cùng với con người thao thức chờ đón ngày vui nhất của một năm-ngày họp chợ và đang cùng nhau tìm về nơi ấy: Chợ tình Khâu Vai!

Trong đời, ai không hơn một lần có mối tình "như ngọn gió thổi buốt lưng, dẫu trước mặt vẫn rực hồng bếp lửa. Là hòn than ủ trong lòng người khi tuyết xuống mưa sa...". Trai gái người Mèo không lấy được nhau, dẫu gặp nhau ở những phiên chợ thường, vẫn háo hức chờ phiên chợ Khâu Vai Tháng Ba.

Đêm trước ngày xuống chợ, dường như không ai ngủ. Họ thao thức trong niềm vui xen lẫn âu lo, hồi hộp đón bạn tình xưa. Người vợ đồ xôi nếp thơm, giết con gà béo, đổ bình rượu ngô đầy chuẩn bị cho chồng và cho mình chút quà đãi bạn. Có những người vợ già, bạn tình đã mất từ phiên trước, dẫu phiên chợ này không đi những vẫn chu đáo chuẩn bị cho chồng hành trang xuống núi.

Ngày thường, chợ Khâu Vai họp cho nhu cầu giao lưu hàng hóa. Nhưng ngày 27 Tháng Ba, chợ Khâu Vai trở thành phiên chợ vùng cao duy nhất mà

Những người đàn ông không tìm nhau uống rượu

Những người đàn bà không nắm tay nhau đi chơi

Những người yêu nhau tìm đến nhau để hát lời thở than, trách móc

Trước đây ta đã thề với nhau

Sao em không giữ lời thề ấy

Dòng sông có chỗ nông chỗ sâu

Em có lúc yêu, có lúc lại không yêu

Bị hiểu lầm, người gái đau khổ

Em buồn cho em lắm!

Cũng tại mẹ cha ép duyên thôi

Tỏ nỗi niềm, người trai tỏ lòng cao thượng. Chàng an ủi người yêu

Xin em đừng đau khổ

Không làm ruộng sẽ làm rẫy

Không thành vợ sẽ thành người yêu...

Chợ tình Khâu Vai không chỉ dành cho người trẻ tuổi. Những người yêu nhau không lấy được nhau nhưng do cuộc đời khốn khó xô đẩy, mỗi mùa không đến được chợ Khâu Vai tìm nhau, lúc đến được thì người trai đã lưng còng, người gái đã bạc tóc. Lời hát của họ ngậm ngùi, xa xót

Lâu lâu không gặp tưởng đã mất

May mà anh không để tang em...

Khâu Vai là chợ tình của ông bà, cha mẹ và con cái. Người có vợ có chồng đi để tìm lại người cũ mình yêu. Trai gái trẻ đi tìm bạn mới. Dạo vài vòng chợ. Tìm được người ưng bụng, vừa mắt. Trao tay nhau bát rượu ngô sóng sánh, người trai thăm dò

Mỗi năm chỉ có một ngày tốt

Ngày tốt ta được gặp nhau...

Ưng ý, người gái hát đáp lại. Vừa hát họ vừa mời rượu. Tình yêu bắt đầu như thế!

Khâu Vai. Vợ chồng đi chợ để cùng bước qua nhau, tìm đến với người mình tháng năm thương nhớ. Không ghen tuông. Không hờn giận. Mỗi người đều trân trọng nhau tìm về quá khứ xa xưa. Mặt trời đã xế đỉnh đầu. Cuộc tìm kiếm hầu như đã kết thúc. Trong thung lũng chợ, dưới ánh nắng xuân ấm áp xoè rộng những tán ô hạnh phúc, chở che cho những đôi bạn tình đang ngược thời gian sống lại thời son trẻ.

Không ai để ý đến bên gốc cây samu mồ côi có một ông già râu tóc bạc phơ, khoác chéo trên người là bình rượu vẫn đầy, giỏ xôi nguội ngắt. Tán ô chao đảo trên đầu. Trái tim khao khát yêu đương của hơn năm mươi năm trước đang nhói đập trong lồng ngực già nua. Đôi mắt đục dõi xa xăm về cuối con đường đá. Giờ này sao bạn tình chưa đến? Nàng quá bận xe lanh, làm rẫy? Nàng ốm đau? Hay là... Nở Tù ơi! Nàng đã đi xa...? Rượu ngon này ai uống? Xôi nếp thơm này ai ăn?

Hạnh phúc hay khổ đau? Mọi nỗi niềm đều được nhân lên khi mặt trời xuống núi. Hoàng hôn cao nguyên càng hiu hắt trong day dứt lời giã bạn. Nốt khèn bè dường như vỡ vụn, nức nở trước nỗi đau chia ly

Thương em thương nhiều nhiều

Đợi đến chợ Khâu Vai mùa sau...

Chia tay. Phải đâu chỉ những người trẻ dùng dằng tiếc nuối. Quên tuổi tác, bát rượu giã từ hai người già trao cho nhau đong đầy nước mắt. Với họ, biết đâu chợ tình này là phiên cuối?

Sau chợ Khâu Vai, những người yêu nhau lại phải nén chịu một hoặc có thể hai, ba mùa rẫy để mới có dịp tìm nhau. Sau chợ Khâu Vai, người vợ trở về với nương lạnh, khung cửi và chõ mèn mén. Người chồng lại mài sắc con dao rừng để có rẫy bắp quả to, rẫy lúa bông chắc. Chợ tình Khâu Vai ủ ấm con tim họ.

Mùa xuân này, hãy tìm đến chợ tình Khâu Vai ở Mèo Vạc-Hà Giang. Bạn sẽ thấy tình yêu là vĩnh cửu!





Thứ Ba, 24 tháng 8, 2010

GÁI CHƯA CHỒNG



Thi sĩ đồng quê họ Nguyễn viết bài thơ này từ hơn 70 năm trước. Có lẽ, lúc đấy Mùa Xuân còn trong trẻo, hoang sơ và gần gũi thiên nhiên hơn bây giờ nhiều. Lúc ấy, hầu hết những người dân Việt Nam còn chưa biết đến xe hơi, điện thoại, bàn là điện, máy lạnh… những đồ dùng thông dụng nhất của thời hiện đại ngày nay.


Mùa Xuân đã về trong cái gió lạnh của Mùa Đông chưa hết. Đám trẻ nô đùa trong nắng sớm, trong cái se lạnh cuối đông, Tiết lập Xuân, đúng theo tinh thần “tháng Giêng là tháng ăn chơi”, những người nông dân nghỉ việc đồng áng, tham gia hội hè, hát bội, tuồng cổ, tích chèo.


Đẹp đẽ nhất là hình ảnh vãn cảnh chùa ngày xuân của các cụ già, của một vài cô gái ý chừng đang đến của Phật cầu duyên, cầu may. Và có lẽ, câu thơ hay nhất, ấn tượng nhất làm nên tinh thần của bài thơ là ‘với trên màu má gái chưa chồng”. Thi sĩ họ Nguyễn dường như đạt được đỉnh cao toàn bích, khi cảm nhận tiết xuân trên màu má các cô gái trinh nguyên để viết lên câu thơ bất hủ này.


XUÂN VỀ

Đã thấy xuân về với gió đông.

Với trên màu má gái chưa chồng

Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm

Ngước mắt nhìn giời đôi mắt trong


Từng đàn con trẻ chạy xun xoe

Mưa tạnh trời quang nắng mới hoe

Lá nõn nhành non ai tráng bạc

Gió về từng trận gió bay đi


Thong thả dân gian nghỉ việc đồng

Lúa thì con gái mượt như nhung

Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng

Ngào ngạt hương bay, bướm vẽ vòng


Trên đường cát mịn một đôi cô

Yếm đỏ khăn thâm trảy hội chùa

Gậy trúc giắt bà già tóc bạc

Lần lần tràng hạt niệm nam mô .