Thứ Hai, 25 tháng 6, 2012

TẨY CHAY VÀ CHẢNH




Cộng động mạng đang xôn xao về việc một nhà tuyển dụng, chê sinh viên Đại học Ngoại thương là chảnh, nên đã từ chối nhận vào làm việc. Tất nhiên, vì lý do tế nhị, trên dòng tuyền dụng chỉ ghi là “do một số yếu tố, chúng tôi không tuyền dụng sinh viên tốt nghiệp đại học ngoại thương”.

Là người đã từng tiếp xúc với các bạn sinh viên ngoại thương, và cũng đã đôi ba lần đến nói chuyện tại đây, tôi nhận thấy có lẽ nên dũng cảm thừa nhận rằng, lời nhận xét của nhà tuyển dụng nói trên cũng không phải là không có ít nhiều cơ sở.

Ngày từ năm học thứ 2, thứ 3, nhiều bạn đã đi làm thêm ở trung tâm này, công ty nọ. Hầu hết sinh viên ngoại thương đều khá ngoại ngữ, năng động nên dễ xin việc làm thêm. Mà người sử dụng lao động thì thích thuê người giỏi, trả lương cao mang tính thời vụ, ít phải chịu đựng họ, vì người giỏi thì hay cá tính mạnh, chiều họ khó lắm.

Cho nên, theo tôi biết, sinh viên ngoại thương ngay từ khi còn đang học, đã có thể kiếm được việc tốt, lương cao. Đó là điều có thật. Nhưng cũng có một sự thật này nữa, đó là ít có người sử dụng lao động nào muốn gắn bó với sinh viên ngoại thương dài lâu, và bản thân sinh viên ngoại thương cũng không muốn gắn bó với ai lâu dài cả.

Khi phỏng vấn, hầu như bạn sinh viên ngoai thương nào cũng đặt yếu tố môi trường làm việc, sự thăng tiến, niềm ham thích công việc nên hàng đầu. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm của tôi, tiền là yếu tố các bạn ấy quan tâm nhất. Người sử dụng lao động rất dễ “câu” sinh viên ngoại thương bằng lương cao. Nhưng những người sử dụng lao động có kinh nghiệm đều biết rằng, chỉ cần chỗ khác “câu” cao hơn một ít là lại mất các bạn ấy ngay.

Một bạn sinh viên ngoại thương tôi quen, sau khi ra trường, trong 3 năm đầu tiên, bạn ấy nhảy qua 5 chỗ làm việc. Chỗ nào cũng trả lương khá cao so với mặt bằng chung, nhưng chẳng chỗ nào bạn ấy hài lòng cả. Có lần bạn ấy chia sẻ với tôi rằng năm thứ 2 làm thêm ở trung tâm em đã kiếm mỗi tháng cả chục triệu. Nay đi làm nghiêm túc, gấp vài lần số đó mới hợp lý chứ. Bạn ấy không sao hiểu được là thu nhập mùa vụ khác hẳn với thu nhập thường xuyên.

Nhưng không phải bạn nào cũng vậy. Một bạn khác tôi cũng quen trong một lần đến nói chuyện tại đây. Nhân lúc bạn ấy đọc câu “a rolling stone gathers no moss” và dịch cho tôi ý nghĩa của nó, tôi đã khuyên bạn ấy nên theo câu châm ngôn ấy mà hành động khi đi kiếm việc và xác định hướng đi trong những năm đầu tiên mới ra trường. Giờ bạn này cũng khá thành công.

Ngoại thương là trường tốt, có tên tuổi và nhất là có thương hiệu. Nhưng nó chỉ là bệ đỡ cho các bạn sinh viên khi ra trường thôi. Thành đạt hay không, lại là một câu chuyện không dễ dàng ở phía trước.





Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2012

1.700 TỈ CHO MIN-ĐƠ VÀ MIN-TOA



Khoản tiền 1.700 tỉ VND được trích lại thường cho cảnh sát giao thông khiến dư luận ầm ĩ mấy ngày nay. Người thì bảo hợp lý, phải trích lại, không có người ta, ai thu được tiền phạt lớn như vậy. Người bảo không ổn. Trích lại thế thì các bố cảnh sát tha hồ phạt để lấy phần trăm à? Nói tóm lại, người khen kẻ chê chưa ngã ngũ.

Tôi thì xin được vote luôn một phiếu ủng hộ quyết định này.

Cái khoản trích lại cho cảnh sát giao thông khiến tôi bống nhớ lại hình ảnh 2 nhân vật Min-Đơ và Min-Toa trong Số Đỏ của Nhà văn Vũ Trọng Phụng. Không hiểu sao, ngay từ khi đọc tiểu thuyết này hồi còn ít tuổi, tôi đã nghĩ, muốn đô thị sạch đẹp, ai bày bẩn, phải bị phạt. Mà ai phạt được, phải được thưởng mới đúng.

Có một tình tiết mà tôi rất nhớ là chỉ cần một nhà ai đó để chó nhà mình bậy ra đường phố là ăn phạt ngay. Nay thì chẳng những chó bậy thoải mái và bản thân con người cũng có thể bậy ngay ra mà chẳng sao cả.

Thưởng cho người phạt, hay nói theo cách của thời bây giờ là trích lại tỉ lệ phần trăm cho người đi phạt, có thể đã làm cho ai đó lo lắng rằng biết đâu vì thế mà cảnh sát giao thông hăng hái quá, phạt ghê quá thì sao?

Tôi thì lại nghĩ, nếu họ có hăng hái phạt quá thì cũng là một điều tốt. Đầu tiên là làm cho những người hay bôi bẩn đô thị, hay đi xe phạm luật giao thông phải ý thức được việc xấu, vi phạm là bị phạt, tốn kém, xấu hổ. Thứ nữa là nhờ có phần trăm trích lại, tôi đoan chắc rằng tiêu cực trong lực lượng cảnh sát giao thông sẽ giảm hẳn.

Thế cho nên, tôi rất muốn nhờ có quyết định này, chúng ta sẽ có nhiều Min-Đơ, Min-Toa hơn nữa, để cho thành phố ngày càng văn minh và đẹp đẽ hơn.



Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

NHỮNG TRÁI CÂY KỲ LẠ




LẠC TIÊN BRAZIL

Thông thường thì loại trái cây nào, có hình thù đặc trưng của loài ấy, ở trên toàn thế giới. Nhưng đôi khi, do bàn tay con người cố ý, do thiên nhiên có sư trùng hợp nào đó mà những loài trái cây thông thường lại có hình thù rất kỳ lạ.

Ví dụ, quả lạc tiên ở đâu cũng có hình tròn, nhưng bà Maria Rodrigues ở Brazil thì lại trồng được quả lạc tiên có hình cái ấy của đàn ông. Khu vườn của bà nổi tiếng đến nỗi du khách kéo đến xem nườm nượp. Nó mang lại cho bà nguồn thu nhập không đến nỗi tồi. Ai vào vườn xem mất 2 real, chụp ảnh phải trả 15 real còn quay phim thì xin nộp 20 real. Mỗi real khoảng 10 ngàn VND.




ỚT TEXAS

Đó là giống ớt Willy có nguồn gốc từ Texas và Louisiana, Hoa Kỳ. Nhìn hình là biết chúng nhạy cảm tới mức nào. Ớt Willy ít cay, có vị thơm nhẹ và dễ ăn. Những quả Willy lớn nhất có chiều dài lên tới 45 cm. Willy đã được tờ Tạp chí Organic Gardening bình chọn là giống ớt khêu gợi nhất.



DỪA COCO DE MER

Cứ nhìn những trái dừa này là khỏi phải bình luận gì thêm luôn. Chúng hấp dẫn đến độ du khách nào tới Bộ tộc Borasseae trên các hòn đảo nhỏ của Ấn Độ Dương đều phải ngắm nhìn. Tên gọi thường dùng của nó là Dừa biển (Sea Coconut) hoặc Dừa đôi (Double Coconut). Quả nặng nhất lên tới 45 kilogram.



DƯA HẤU VUÔNG

Dưa hấu bình thường thì không có hình vuông. Nhưng người Nhật là dân tộc đầu tiên đã nghĩ đến việc trồng ra những quả dưa hấu hình vuông như thế này. Ngay từ khi dưa còn nhỏ, họ đã cho quả dưa vào trong những chiếc hộp hình vuông như thế này. Dưa lớn lên, cứ theo khuôn đó mà tạo thành loại dưa hấu hết sức đặc biệt và thú vị.





(Sưu tầm)


Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012

BÁO ĐỘNG NẠN KHÔNG CHO CON HỌC HÈ





Vấn đề thi cử của các cháu học sinh đang trở nên hết sức bức xúc. Đặc biệt sau vụ clip ở Bắc Giang, vụ chen nhau đổ cổng trường thực nghiệm ở Hà Nội... Ai cũng la lối bệnh thành tích, thói sĩ diện, ganh đua, kém người là không chịu được... Ai cũng la lối phê bình ngành giáo dục, nào là dạy thêm tràn lan, nào là chạy chọt trường này trường kia, nào là chất lượng giáo dục xuống cấp, học sinh học quá nhiều chẳng để làm gì.

Ngành giáo dục có lỗi, ở mức độ này hay mức độ khác thì tất nhiên rồi. Nhưng chúng ta, chính chúng ta, những phụ huynh học sinh, những người đang vô tình hay hữu ý, đùn đẩy con mình ra phía trước, hứng chịu biết bao khổ ải, liệu có lỗi gì trong chất lượng giáo dục hiện nay không?

Tình cờ tìm được bài viết này trên một trong mạng. Không thấy ghi tên tác giả. Bài viết mang tinh châm biếm, hài hước nhẹ nhàng nhưng thật sâu sắc và ý nghĩa. Đã đến giờ phút chúng ta phải thực sự tuyên chiến với bệnh thành tích, bệnh sĩ diện hão của chính chúng ta. Cám ơn tác giả đã có một bài viết thật hay.

BÁO ĐỘNG NẠN KHÔNG CHO CON HỌC HÈ

Tổ dân phố Cang Bắc, nằm ở phía bên kia thành phố đối với khu chung cư Cang Nam (Keangnam) hiện đang hoảng hốt lên kế hoạch làm công tác dân vận và nhờ chính quyền can thiệp, khi gia đình anh Hoành Văn Tung và chị Lê Thị Bình Tĩnh quyết định cho con trai 6 tuổi là cháu Hoành Văn Tráng về quê chơi với ông bà ngoại, thay vì đi học hè để thi vào lớp 1.

Cháu Hoành Văn Tráng, 6 tuổi, tốt nghiệp mẫu giáo với nhiều phiếu bé ngoan và giải khuyến khích cuộc thi bé khoẻ bé đẹp cấp trường với chiều cao 1m15, cân nặng 22.5kg. Theo cô trông trẻ của cháu cho biết, cháu Tráng có năng khiếu chạy vòng quanh lớp và quanh trường, nhảy cao, nhảy xa, và chơi xếp hình rất giỏi.

Tuy nhiên cô cũng nhận xét thêm: “Cháu đã tốt nghiệp mẫu giáo nhưng chưa biết đọc, biết viết, thậm chí còn chưa biết giải phương trình bậc một, và hoàn toàn không biết tiếng Anh. Như thế làm sao cháu có thể thi vào lớp 1?.

Bác Trịnh Văn Trọng, tổ trưởng tổ khu phố Cang Bắc, kể lại :“Hôm qua thấy thằng bé cầm gói kẹo ra đường, tôi đố nó ‘Nếu cháu có 10 cái kẹo, bác lấy mất 4 cái, cháu còn mấy cái?’ nhưng nó lại trả lời là ‘Bác thích ăn kẹo thì phải xin mẹ cháu cơ, sao lại lấy của cháu như thế?’ Còn vài tháng nữa thôi là đến kì thi vào lớp 1 rồi mà nó cứ học hành thế này thì làm sao đỗ được? Tổ dân phố tôi đang cố gắng phấn đấu 100% các cháu vào được lớp 1 trường chuyên, rồi 100% tốt nghiệp cấp 1, 2, 3 loại giỏi, và 5% đỗ đại học. Cháu nó mà trượt thì hỏng, hỏng hẳn.”

Tổ dân phố khu Cang Bắc, đặc biệt là hội phụ nữ với phiên họp thường kì vào 6:30 sáng và 5:30 chiều tại chợ tạm đầu phố, đã có nhiều biện pháp vận động gia đình anh Hoành Văn Tung, đặc biệt là đối với vợ anh
, chị Lê Thị Bình Tĩnh.

Các chị em trong hội phụ nữ từ nhiều tháng nay đã đánh tiếng gần xa bằng việc chia sẻ hàng ngày với chị Bình Tĩnh chuyện “Cu Tũn nhà mình mới tròn 4 tuổi đã biết hát tiếng Anh” hoặc “Bé Ly nhà tớ bằng tuổi cháu Tráng mà đã đang đi học thêm toán, tiếng Anh với tiếng Việt tuần mỗi môn ba buổi” nhưng chị Bình Tĩnh vẫn không có phản ứng gì. Thậm chí cả chị lẫn anh Tung đều không tham gia vào phong trào “Đạp cổng trường vì con em chúng ta”, được tổ chức thí điểm tại trường thực nghiệm vài tuần trước.

Kì thi vào lớp 1 là một kì thi rất trọng đại, đánh dấu một bước ngoặt trong sự trưởng thành của các em, và có ảnh hưởng lớn tới tương lai các em sau này. Phụ huynh Đỗ Đội Tuyển cho biết: ”Nếu lớp 1 nó không vào được lớp chọn, thì lấy đâu ra cấp 2 vào trường điểm, cấp 3 làm sao vào được trường Am-xờ, lấy đâu ra cửa đỗ Ngoại Thương, hay ít ra là vào Ha-vớt? Tôi muốn con mình phải có một tương lai tươi sáng!” Con của anh Tuyển là cháu Đỗ Thủ Khoa hiện vừa tròn 6 tuổi nhưng đã biết sử dụng máy vi tính và ai-Phôn, làm toán cộng trừ nhân chia, biết đọc cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, cao 1m, nặng 18kg, chưa từng biết cái cầu trượt là cái gì, và mắt cận 3,5 độ rất trí thức.

Trả lời phỏng vấn của Tin Khó Tin, anh Hoành Văn Tung cho biết :“Gia đình tôi sẽ cho cháu về quê chơi với ông bà. Ở quê đất rộng không khí trong lành thằng bé tha hồ chạy nhảy, chơi đùa, có khi nó còn học cách thả diều, thổi sáo, hay học bơi như tôi ngày xưa thì tốt quá. Còn nó không vào được trường điểm thì thôi, miễn sao nó lớn lên khoẻ mạnh, lanh lợi, ngoan ngoãn là chúng tôi mừng rồi.”

Quan điểm giáo dục này của anh Tung và vợ đã và đang vấp phải sự phản đối kịch liệt của bà con lối xóm, bạn bè của anh chị ở công ty, cũng như đông đảo các trung tâm tổ chức luyện thi vào lớp 1.

Trong khi đó, tại làng tranh Đông Hồ, các nghệ nhân tiếp tục sản xuất các hình ảnh tạo gương xấu không học mà đi chơi cho trẻ nhỏ như: Trẻ chăn trâu thổi sáo...



... hay trẻ chọi cá.



Làng tranh Đông Hồ vẫn chưa có bức nào phản ánh hiện trạng "Trẻ đi học hè"




Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

BÀ BÁN BÚN NGÀN TỈ



Dư luận xôn xao vì một bà xuất thân từ nghề bán bún, có trong tay cả ngàn tỉ đồng để ở ngân hàng. Vì bà mất đột xuất không có di chúc nên hiện đang xảy ra tranh chấp giữa cô con gái nuôi và những người ruột thịt của bà.

Có khá nhiều bài báo viết về các quan điểm khác nhau trong việc phân chia số tài sản khổng lồ nói trên. Người nặng về tình, kẻ lại thiên về lý. Xem ra, về lý thì chắc là cô con gái dễ được mọi người đồng tình là người thừa kế duy nhất số tài sản nói trên.

Tuy nhiên, điều tôi muốn nói không phải việc phân chia số tài sản, mà là ở một khía cạnh khác. Làm thế nào, một người đàn bà bán bún tần tảo cả đời lại có được số tài sản lớn đến thế?

Có bài báo nói sơ qua về quá trình làm ăn của bà, từ một người bán bún, cần cù lao động và tích cóp, rồi qua kinh doanh bất động sản rồi có tài sản lớn. Vài người khác lại ca ngợi sự chăm chỉ, tần tảo và khả năng kinh doanh giỏi. Cũng có ý kiến tỏ ra thương cảm và chia sẻ về đức tính cả đời ki cóp không dám tiêu pha cho cá nhân mình để đến lúc mất đi, có cả một gia tài lớn không được hưởng thụ.

Đọc hết tất cả những bài báo ấy, tôi vẫn không hết băn khoăn. Bán bún thì đương nhiên cả đời cũng không có nổi dăm bảy tỉ, nhưng kể cả kinh doanh bất động sản đi chăng nữa, cũng khó mà có thể có cả ngàn tì đồng. Ý tôi muốn nói là ngàn tỉ đồng tiền tươi thóc thật chứ không phải ngàn tỉ là tờ giấy có giá trên thị trường chứng khoán, mà nhiều khi chẳng biết bán cho ai.

Nhiều đại gia bất động sản, kể cả nhà nước và tư nhân, ngay cả thời hoàng kim cũng khó có được ngàn tỉ đồng nhàn rỗi gửi ngân hàng. Đấy là họ có trong tay cả một bộ máy, cả công ty, tổng công ty, tập đoàn hỗ trợ lẫn nhau. Đằng này, bà chỉ buôn bán, kinh doanh đơn thân mỗi một mình.

Có điều gì khó hiểu ở đây không nhỉ?