Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

NGƯỜI ĐẸP LÀM TỪ THIỆN



Tôi cứ băn khoăn mãi về việc các cuộc thi người đẹp thường gấn liền với một hoạt động từ thiện nào đó. Thoạt nhìn, ý nghĩa của nó rất tốt, hình ảnh của nó rất đẹp. Nhưng càng nghĩ, càng thấy có điều gì đó không ổn?

Và điều không ổn nhất là tiền ở đâu ra mà làm từ thiện?

Các cô ấy còn trẻ, kể cả có trúng giải thì bản thân cái giải thưởng ấy cũng không đủ để đi làm từ thiện khắp nơi như vậy. Chưa kể, đi thi người đẹp tốn kém lắm, có cô còn phải vay mượn để đi thi nữa. Có tí tiền thưởng, cũng còn phải chi tiêu ít nhiều chứ!

Có người nói tiền làm từ thiện là của nhà tài trợ, cùa nhà tổ chức, các cô ấy không phải lo. Nhưng nếu như thế thì cần các cô ấy đi để làm gì? Để giáo dục một tính cách đẹp chăng? Chả phải. Dùng tiền của người khác để làm từ thiện thì có khác gì câu các cụ ngày xưa thường nói "của người phúc ta" đâu. Chẳng nên thế!

Chưa kể, cái kiểu bắt buộc từ thiện trong các cuộc thi người đẹp như vậy, bỗng dưng tạo nên hình ảnh người đẹp-đại gia, bên tình-bên tiền... mà dư luận lâu nay đã tỏ ý hoài nghi về mục tiêu tốt đẹp của nó.

Cho nên thi người đẹp thì cứ thi, chọn ra người đẹp cho thật đẹp. Thế là đã bảo đảm thành công của một cuộc thi rồi.

Từ thiện là một hoạt động tốt đẹp và cần thiết phải làm. Nhưng muốn tốt đẹp thực sự thì nó phải được thực hiện bởi những nhà hoạt động từ thiện đích thực, không phải là các cô gái xinh đẹp, chưa có nghề nghiệp, thu nhập ổn định.



Thứ Sáu, 6 tháng 7, 2012

ĐỨA TRẺ BỊ BỎ RƠI 2


4

Chạy ào vào phòng cấp cứu khoa nhi, vừa thở hổn hển, cô vừa nói lạc cả giọng: “Bác sĩ ơi, con cháu?”.

Chỉ ít phút sau, người ta biết cô chính là mẹ của đứa trẻ bị bỏ rơi, đang nằm bất động trong lồng chăm sóc đặc biệt đã 5 ngày nay, nhờ vào một vài đặc điểm cô cung cấp. Cô được mời vào phòng Trưởng khoa: “Tình trạng của cháu bé rất xấu. Đã 5 ngày nay nằm bất động. Chúng tôi phải thông báo để cô chuẩn bị tình huống xấu nhất có thể xảy ra”.

Một vài thủ tục thăm khám sơ bộ được thực hiện, người ta xác định do điều kiện sinh nở đặc biệt tồi tệ, cộng với sự chăm sóc thiếu chuyên môn, chính cô cũng đang là bệnh nhận cần sự hỗ trợ của y tế. Tuy nhiên, theo đề nghị của cô, bác sĩ Trưởng khoa dẫn cô tới thăm con trai, trước khi làm các thủ tục nhập viện.

Bên lồng kính, cô nức nở nhìn con trai bé bỏng của mình. Vị bác sĩ Trưởng khoa đưa mắt ý nhị, cô y tá nhẹ nhàng mở lồng kính cho người mẹ trẻ được cầm tay con. Chút đặc ân của những người làm nghề y, thường được sử dụng để dành cho các trường hợp từ biệt lần cuối cùng.

Cô đặt bàn tay đang rung lên thổn thức của mình nắm nhè nhẹ lấy tay con trai. Có cái gì đó dường như là sự sống, chợt bừng lên trong cái sinh linh bé bỏng đang nằm đó. Những ngón tay bé xíu, bất động suốt 5 ngày nay bỗng nhiên cử động. Bàn tay bé xíu ấy nắm lấy ngón tay bà mẹ trẻ như không muốn rời. Tất cả mọi người đang đứng xung quanh tròn mắt vì kinh ngạc. Thật kỳ diệu, không thể nào hiểu nổi.

5

Đã 21 năm trôi qua…

Bà mẹ trẻ ngày ấy, giờ đã là người phụ nữ bắt đầu tuổi 38. Chị đã bỏ qua, đã hy sinh, đã quên đi 20 năm đẹp đẽ nhất của đời người phụ nữ để nuôi con khôn lớn. Sau biến cố ở bệnh viện lần ấy, gần 1 tháng sau, hai mẹ con chị được ra viện.

Không còn đường về nhà, chị tìm đến tá túc ở nhà một người họ hàng xa. Cuộc sống của bà mẹ trẻ chưa đến tuổi thành niên với cậu con trai mới sinh thật sự gian khổ và nhọc nhằn. Chị làm đủ mọi nghề, từ giúp việc quán ăn, bán hàng, tạp vụ, bất kể việc gì có tiền để sống và nuôi con. Họ hàng giang tay giúp. Bạn bè quyên góp đỡ đần. Cuộc sống của hai mẹ con cứ thế tùng tiệm qua đi.

Năm cậu con trai 3 tuổi, chị đón 2 tin vui cùng một lúc: Xin cho con được vào lớp mấu giáo và mẹ chị, sau nhiều dằn vặt đấu tranh, đã đến đón hai mẹ con về nhà. Hai người phụ nữ cô đơn, cá tính với lòng tự ái bị tổn thương nghiêm trọng, đã bỏ qua tất cả để về với nhau dưới một mái nhà, như năm chị 16 tuổi ngày nào.

Con trai chị, đứa trẻ bị bỏ rơi trên hiên nhà thờ năm ấy, giờ đang học năm cuối cùng của một trường đại học. Mẹ cậu cố quên đi, nhưng bà ngoại thì thường xuyên nhắc lại câu chuyện của 21 năm về trước. Bà thường nói với cậu: “Mẹ con đã sinh ra con hai lần, để con có cuộc sống ngày hôm nay. Nếu không có mẹ con, chính bà đã đánh mất con từ ngày ấy rồi!”.



Thứ Năm, 5 tháng 7, 2012

ĐỨA TRẺ BỊ BỎ RƠI 1


1

Cặp tình nhân chạy vội vào hiên nhờ thờ để trú chân khi trời bắt đầu cơn mưa nặng hạt. Đang nép mình vào bạn trai, cô gái chợt nhìn thấy chiếc giỏ mây ai đó vứt chỏng, cách chỗ họ đứng chỉ vài mét. Linh tính mach bảo điều gì đó, cô tới gần, vén miếng vải hoa phủ hờ hững ra. Cô tái mặt: “- Anh ơi, có đưa trẻ mới sinh bị người ta bỏ rơi!”.

Thế là quên cả trời đang mưa, chàng trai cởi áo, trùm lên chiếc giỏ. Anh ôm chiếc giỏ mây đựng sinh linh bé nhỏ bên trong, cả hai chạy ào đến phòng cấp cứu của một bệnh viện nhi gần đấy.

Ít phút trình bày, cộng với tài tháo vát của chàng trai, cái sinh linh bé nhỏ ấy ngay lập tức được đưa vào phòng cấp cứu. Lại thêm chừng vài chục phút nữa, bác sĩ trực thông báo cho họ biết vài thông tin ngắn gọn: Bé trai. Nặng 3100 gram. Mới sinh được khoảng 3 ngày. Đang mang trong mình 5 loại bệnh: Nhiễm trùng phổi, suy hô hấp cấp, nhiễm trùng cuống rốn nặng, tiêu hóa có vấn đề và suy kiệt vì không được cung cấp dinh dưỡng.

Với trẻ mới sinh, chỉ một trong 5 loại bệnh ấy đã đủ chết. Đằng này, cái sinh linh bé nhỏ kia vẫn sống, dù đang hôn mê. Bản thân bác sĩ trực cũng thấy ở đây có điều gì đó thật kỳ lạ. Ông quyết định đưa đứa bé vào lồng chăm sóc đặc biệt. Và cái sinh linh bé bỏng, tội nghiệp sẽ còn nằm đấy, bất động, đáng thương, với đủ lại dây dợ lằng nhằng quanh người thêm nhiều ngày nữa.

2

Sáng ngày hôm sau, tình trạng của đứa trẻ được báo cáo ngay trong buổi giao ban đầu ngày của bệnh viện. Cũng như nhiều ca tương tự, giám đốc bệnh viện yêu cầu trường hợp này phải được chăm sóc và chữa trị theo đúng các quy định hiện hành. Ngoài ra, bà chỉ đạo bộ phận hành chính đăng thông báo tìm người thân của đứa trẻ bị bỏ rơi lên một số phương tiện thông tin đại chúng. Cũng theo nhận định của bác sĩ chuyên khoa, bà yêu cầu chuẩn bị các thủ tục cần thiết, nếu tình trạng xấu nhất xảy ra đối với đứa trẻ.

Ngày thứ 3 qua đi, cái sinh linh bé bỏng ấy vẫn nằm đấy bất động, dù một vài triệu chứng bệnh đã bắt đầu thuyên giảm. Bác sĩ, y tá và thậm chí cả bệnh nhân ở khoa nhi ai rảnh cũng đều ghé qua “nhìn thắng bé” một cái. Đến ngày thứ 4 thì đích thân giám đốc bệnh viện cũng tới thăm. Bà lắc đầu bất lực. Người ta chờ đợi giây phút xấu nhất sẽ đến. Nhưng thật kỳ lạ, thằng bé vẫn nằm đấy, gần như vô thức, để chiến đấu với cái chết.

3

Trong con ngõ nhỏ của khu dân cư lao động nghèo, có một ngôi nhà cũ kỹ cả tuần nay đóng cửa im lìm. Những người hàng xóm chẳng lạ gì chủ nhân của ngôi nhà này. Cô con gái chừng 16 tuổi vui tính, cởi mở, nghe đâu từ gần nửa năm nay, vào Sài gòn học nghề may. Bà mẹ chưa đầy 40 nhưng khắc khổ, ít giao tiếp và kín đáo.

Thực ra, cô gái chẳng đi đâu cả. Đã 6 tháng nay, cô bị mẹ giam lỏng trong nhà. Mới 16 tuổi mà chẳng hiểu bạn trai, bạn gái thế nào, cô có bầu. Khi cô thông báo tin này, mẹ cô rụng rời chân tay. Kề từ khi bố mẹ cô chia tay nhau, bà trở nên mất niềm tin, sống khép kín và hận thù đàn ông. Bà sợ hàng xóm đàm tiếu, sợ người đời gièm pha, sợ dư luận lên án. Nói tóm lại, bà sợ đủ thứ.

Vì thế, khi nghe con gái kiên quyết giữ lại cái thai, bà quyết định giam lỏng cô trong nhà cho đến ngày sinh nở. Khi cô sinh, bà trực tiếp đỡ đẻ và chính bà là thủ phạm vứt đứa trẻ ra hiên nhà thờ. Không thể để con gái bà mang tiếng chửa hoang được. Bà kiên quyết phải giải quyết vụ này một cách êm thấm.

Sáng này thứ 5, bà mẹ khóa cửa đi chợ mua đồ. Lợi dụng sơ hở này, cô gái mở khóa cửa, trèo qua hàng rào sắt ra khỏi nhà. Cô gọi một chiếc xích-lô chạy tới bệnh viện, cái bệnh viện mà mấy hôm nằm ở nhà, cô đã nghe đài truyền thanh nhắc tới nhiều lần về việc tìm thân nhân một bé trai bị bỏ rơi.