Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2010

MẤT SỐ ĐIỆN THOẠI



Anh quen chị nhân dip cả hai cùng tình cờ hợp tác với một đối tác thực hiện chương trình truyền hình ngắn. Chị là phóng viên, không, đúng hơn thì phải nói là biên tập viên “cứng” của một trong những chương trình truyền hình ăn khách nhất trên kênh truyền hình trung ương. Anh đang phụ trách một công ty truyền thông được coi làm tàm tạm ở Hà Nội.


Trong phạm vi của mình, anh đảm nhận phần việc khai thác thương mại cho chương trình, còn chị, tất nhiên là lo phần nội dung của nó. Theo lời mời của đối tác, anh gặp chị tại một quán bar sang trọng. Chỉ mới nhìn thấy nhau thôi, hai bên hình như đã có thiện cảm, và thiện cảm ra mặt là sự tin tưởng vào tay nghề chuyên nghiệp của nhau.


Ít lâu sau, chương trình được thực hiện.Cả anh và chị đều không tham gia vào nữa. Mỗi người theo một hướng khác nhau.


Anh không tham gia vào việc khai thác chương trình, thực ra là người ta đã không cho anh khai thác tính chất thương mại vốn có của nó. Đành chịu! Còn chị, thì anh không hiểu tại sao? Anh có nghe một câu chuyện, riêng tư thôi, nhưng có thể coi là một tai nạn thuần túy nghề nghiệp. Vì nó, chẳng những chị không được tham gia làm phần nội dung của chương trình, mà còn không được xuất hiện trên cả chương trình nổi tiếng mà chị đang làm nữa.


Anh nghĩ, chắc chị buồn, nên cũng không gọi nữa. Gọi thì biết nói gì? Mới gặp nhau có một lần. Thiện cảm thì thiện cảm thật.Nhưng nói gì bây giờ? Thôi, đành vậy! Nhưng anh vẫn nhớ lần gặp đầu tiên, lúc chia tay, chị nói: “Anh nhớ, em rất muốn được hợp tác làm một chương trình gì đó với anh. Nếu có ý tưởng gì, anh gọi em nhé!”.


Đã gần 2 năm trôi qua!


Chiều nay, sau gần nửa năm cho một ý tưởng mới đang cần người để có thể biến nó thành hiện thực, anh bấm máy. Chờ thật lâu. Cuối cùng là câu trả lời tự động từ tổng đài “số máy tạm thời không sử dụng”. Anh bống hốt hoảng. Tìm chị bằng cách nào bây giờ đây?


Đôi khi, chỉ vì bạn đánh mất số điện thoại, hay bạn thay đổi số điện thoại mà không báo, bạn sẽ vĩnh viễn mất đi một người bạn, một cơ hội, một cơ may, và có thể, cả một niềm hạnh phúc…!




Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2010

ĐỒNG MÔ HAY HỒ GƯƠM?



Một con rùa khổng lồ, nặng ngót 70 cân bị người dân Sơn Tây bắt được. Người ta phỏng đoán vì đợt ngập lụt, rùa đã rời khỏi hồ Đồng Mô đi ra sông và bị những người dân thả lưới bắt được. Con rùa quá lớn khiến người dân cảm thấy bất thường, rủ nhau nô nức đến xem. Nhà chức trách trong nước, nhà nghiên cứu nước ngoài và đám phóng viên kéo đến ầm ĩ.


Cuộc thương lượng thành công. Những người dân bắt được rùa đồng ý nhận khoản bồi thường nho nhỏ để trả lại rùa cho nhà chức trách và các nhà nghiên cứu. Người ta đã chính thức thả rùa về với môi trường quen thuộc của nó là hồ Đồng Mô. Một công việc bình thường trong công tác bảo vệ các loài động vật quý hiếm trước nguy cơ tuyệt chủng.


Nhưng câu chuyện không chỉ đơn giản như vậy.


Theo thông báo, đây là loài rùa có chung nguồn gốc với rùa Hồ Gươm. Nói một cách dễ hiểu, nó chính là anh em của rùa Hồ Gươm. Các nhà khoa học nước ngoài cho rằng trên thế giới chỉ còn 4 cá thể (?!), một nửa ở Việt Nam là rùa Hồ Gươm và rùa hồ Đồng Mô. Nửa kia đang ở Trung Quốc.


Rách việc nhất là người ta lại đồng nhất rùa Hồ Gươm với rùa hồ Đồng Mô. Lời khẳng định đó gây khó chịu cho không ít người vốn đã quen xem rùa Hồ Gươm là một cái gì đó rất linh thiêng và chỉ có ở Hồ Gươm thôi. Thậm chí, ngay cả ở Hồ Gươm cũng chỉ có một cá thể mà chúng ta vẫn thỉnh thoảng nhìn thấy mà thôi.


Trong lần gặp mặt cách đây ít lâu, bác Nguyễn Vĩnh Phúc, người được mệnh danh là Nhà Hà Nội học nói với tôi rằng không nên, và không cần thiết phải gọi là Cụ Rùa Hồ Gươm làm gì? Chúng ta chỉ nên đơn giản gọi là rùa Hồ Gươm thôi.


Vì sao thế?


Bởi vì, chẳng cần thiết phải thần thánh hóa một loài động vật vốn đã trở nên thân thuộc và gần gũi với người dân Thủ đô nói riêng và người dân Việt Nam nói chung đến như thế! Câu chuyện Rùa Vàng nổi lên mặt nước nuốt lại thanh gươm của Lê Thái Tổ, khi đất nước đã thái bình sở dĩ sống mãi trong lòng người dân nước Việt đã mấy trăm năm chính là ở sự gần gũi, đời thường và bình dị.


Rùa Hồ Gươm có thể không phải chỉ có một cá thể ngay ở Hồ Gươm. Cũng có thể, chính xác rùa hồ Đồng Mô là anh em của rùa Hồ Gươm.Và cả hai cá thể đang sinh sống ở Trung Quốc kia cũng vậy. Như thế, đâu có mất mát gì, đâu có làm giảm đi hình ảnh đẹp, sự linh thiêng vốn có từ hàng mấy trăm năm nay của rùa Hồ Gươm đâu.


Đã đến lúc phải bỏ cái thói quen ta là số 1, ta là duy nhất, ta là hơn tất cả… và không ai được giống ta ít nhiều đã nhiễm vào chúng ta từ trước tới nay.




Thứ Năm, 25 tháng 2, 2010

THE NEW YORK TIMES



Email từ cô gái có tên là Miriam O’llery, được dịch sang tiếng Việt gửi kèm với lời đề nghị hấp dẫn “chúng tôi là đối tác truyền thông độc quyền của tờ New York Times, đến Việt Nam tìm kiếm đối tác. Chúng tôi muốn gặp anh để bàn về việc hợp tác như thế nào trong tương lai. Đoàn nhà báo của chúng tôi đang có mặt tại đây để thực hiện các cuộc phỏng vấn. Vì thế, đề nghị anh bố trí một buổi gặp”.


Nghe cũng hấp dẫn. Thời buổi lạm phát. Công ty đang gặp khó khăn. Có đối tác đến đề nghị hợp tác tốt quá. Tội gì mà không gặp. Biết đâu lại kiếm được một nhà đầu tư nghiêm túc thì đúng là cơ hội lớn.


Nghĩ thế, định gọi cô giúp việc gửi email cho đối tác theo địa chỉ reply. Nhưng chợt băn khoăn. Nào đã ra đâu vào đâu đâu. Đối tác đến đâu có ít. Hỏi loằng ngoằng dăm câu ba điều rồi lại bỏ đi không hồi âm. Thôi thì đành tự làm. Việc nếu không thành cũng chẳng ai biết. Đỡ phiền!


Băn khoăn là thế nên đành phải tự bốc máy di động gọi cho cô Miriam O’llery nào đó, với một thứ tiếng Anh mà bất cứ một người Mỹ nào nghe tôi nói, chắc cũng đều phải bịt mũi mà tống ra khỏi cửa. Sau một hồi toát mồ hôi, hai bên cũng hiểu được rằng cô đang đi nghỉ với gia đình ở TP. Hồ Chí Minh. Sẽ tới Hà Nội vào ngày thứ 4 và thứ 6 thì gặp nhau vào lúc 10 giờ sáng.


Đúng hẹn, cô tới văn phòng tôi cùng với một phóng viên, được giới thiệu như vậy, tên là Arthur. Hai bên chào hỏi. Trao namecard rồi hồ hởi vào cuộc. Có lẽ đã biết trước trình độ tiếng Anh của tôi, nên cô mang theo một người phiên dịch khá giỏi giang.


Nói. Dịch. Nói. Dịch. Nửa tiếng đồng hồ trôi qua. Tình hình là như thế này: New York Times có kế hoạch làm một số phụ trương về Việt Nam. Đây là lần đấu tiên New York Times tới Việt Nam viết bài trực tiếp bằng con đường ngoại giao. Phía bạn đề nghị tôi giới thiệu một số doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam để phỏng vấn Chủ tịch hoặc Tổng giám đốc. Đồng thời, mời quảng cáo trên số phụ trương này. Tất nhiên, nếu mời được quảng cáo thì sẽ đăng bài phỏng vấn và Công ty tôi cũng sẽ được hưởng quyền lợi hoa hồng gì đó.


Bạn nói với tôi giá quảng cáo một trang (full page) là 98,000 USD. Nếu làm phần tám trang, diện tích nhỏ nhất có thể, thì giá là 33,000 USD. Nghe xong giá, đã thấy quá đắt, và chẳng khả thi mấy. Thật khủng khiếp nếu một công ty nào đó ở Việt Nam chi ra tới 1,7 tỉ VND để in một kỳ quảng cáo trên báo, dù là tờ báo nổi tiếng như New York Times.


Rất ngạc nhiên vì giá quảng cáo của New York Times đắt quá! Nhưng còn ngạc nhiên hơn nữa là đến New York Times mà cũng phải sử dụng chiêu đăng bài phỏng vấn để mời quảng cáo thì lạ thật!


Đúng là lạm phát chẳng tha một thương hiệu nào? Kể cả những tên tuổi lẫy lừng thế giới!



Thứ Tư, 24 tháng 2, 2010

RẢI TIỀN Ở ĐỂN CHÙA



Đi lễ đền chùa, miếu mạo, mọi người có nhiều cách để bày tỏ lòng thành của mình. Người thì làm hẳn một mâm lễ đầy đủ hoa quả, đồ mặn, đồ chay. Người thì dùng tiền âm phủ. Người thì dùng tiền thật thả vào hòm công đức đặt la liệt khắp nơi. Có nên như thế không? Mà sao quá nhiều lễ hội như vậy? Cái nào cũng na ná cái nào. Cũng áo thụng xanh, đỏ, vàng, cũng hia, cũng mũ…

Làm cách nào để phân biệt? Và nhất là làm thế nào cho đúng với tinh thần văn hóa dân gian? Nhiều quan điểm lắm! Và có rất nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này.

Có một tình trạng rất phổ biến là người dân đi lễ chùa thường rải tiền vào nơi thờ những vị La Hán, Chư Phật. Ai cũng nghĩ làm thế là tốt, mà không hề biết rằng hành động đó chẳng phù hợp gì với thuần phong mỹ tục và tập quán của người dân Việt cả.

Nhiều đền chùa, người đi cúng lễ thường bày mâm đầy tiền, nhìn vào rất phản cảm. Đã thế, gần đây hiện tượng đi chùa chiền rất nhiều. Kinh tế đang khó khăn, người thất nghiệp nhiều, việc tổ chức quá nhiều lễ hội, lễ kỷ niệm tốn kém hàng nhiều tỷ đồng. Có nên hạn chế một số lễ hội, lễ kỷ niệm không?

Tôi thích đi vãn cảnh, thăm viếng đền, chùa nhưng cũng rất sợ cảnh nhốn nháo, chen chúc nhau, ồn ào, náo nhiệt giữa chốn tôn nghiêm, thanh tịnh. Nhiều lúc, tôi cứ nghĩ, sao mình không tích cực tuyên truyền, cổ động để mọi người đến chùa chiền, đền miếu đừng có đua nhau thắp hương, đốt vàng mã khói mù mịt như hiện nay. Nhiều nhà chùa cũng đã có biển khuyến cáo không đốt hương, nhưng không hiểu sao, mọi người chẳng ai nghe cả.


Nhiều lúc, tôi ước ao giá mà đừng ai mang lễ vật cồng kềnh, mâm to mâm nhỏ đến rồi chen chúc nhau, ganh đua nhau ở gian chính điện đền, chùa thì tốt biết bao. Mọi người cứ đi chân tay không, ăn mặc thật đẹp, lịch sự đến làm lễ. Nhà chùa đã thắp hương sẵn rồi. Làm lễ, vãn cảnh, chụp ảnh kỷ niệm xong, ai có điều kiện kinh tế và có lòng hào hiệp, hoàn toàn có thể công đức hoặc cung tiến tiền mặt, hiện vật trực tiếp cho nhà chùa. Văn minh, lịch sự và lại tránh được tiêu cực.


Nhưng chẳng biết bao giờ mới có thể làm được điều ấy?



Thứ Ba, 23 tháng 2, 2010

TẢN MẠN ĐẦU NĂM



- Bên anh cũng Thứ Hai đi làm à? Vậy em bảo bạn em chuyển hồ sơ cho anh xem luôn nhé!
- Đúng rồi! Anh đi làm Thứ Hai. Em bảo bạn em chuyển cho anh đi. Mail nhé! Không cần phải đến tận ới đâu!
- Hôm nào thì bạn em đi làm được?
- Ơ, làm sao anh biết được. Anh phải nhận được hồ sơ đã. Xem xong, anh sẽ chuyển cho người phụ trách nhân sự của công ty. Sau khi có ý kiến của chị ấy, anh mới trả lời được em chứ!
- Vâng! À, anh ơi! Lương của bạn em là bao nhiêu hả anh?
- Anh chưa biết mặt bạn em, chưa có hồ sơ của bạn em, chính xác là chưa có bất cứ một thông tin nào về bạn em cả. Làm sao anh trả lời được lương bao nhiêu hả em? Anh phải gặp đã, phải trao đổi với bạn em, xem bạn em làm được cái gì, có kinh nghiệm như thế nào, đáp ứng được yêu cầu của công ty hay không đã chứ em!
- Vâng, cám ơn anh! Em hỏi thế vì nếu không có chỗ làm tốt, lương cao, bạn em sẽ đi học tiếp ở Đài Loan anh ạ!
- Bạn em mới ra trường à? Đã làm ở đâu chưa?
- Chưa anh ạ! Mới ra trường. Nhưng bạn em siêu lắm. Tiếng Trung nói như gió luôn.

- Anh ơi? Tăng lương cho tụi em đi chứ! Các công ty khác, người ta tăng lương ầm ầm. Mỗi năm lên một bậc. Mình chẳng thấy tăng lương gì cả!
- Mỗi năm một bậc hả em? Vậy nếu như cơ quan Nhà nước, làm đủ 35 năm về hưu, cũng tăng đủ 35 bậc lương hả?
- Nhưng mình có phải cơ quan Nhà nước đâu. Mình muốn tăng nhiêu thì tăng chứ! Tăng lương đi cho phấn khởi còn làm việc chứ!

- Đứa bạn em đang làm trợ lý truyền thông cho một hãng nước ngoài, đang rủ em về đấy làm. Chế độ của bên này tốt lắm. Được trang bị thẻ taxi, tết nó đi chơi với em mệt nghỉ luôn mà chỉ việc quẹt thẻ là xong, cuối tháng công ty trả tiền. Lương cao, lại được sếp tăng thêm 200 USD nữa. Mà hay nữa là được trang bị điện thoại di động. Lỡ đánh mất là công ty lại trang bị lại ngay. - Đi nước ngoài ầm ầm luôn!
- Em về đấy làm gì?
- Làm công việc của bạn em. Nó nghỉ để đi nước ngoài học.

- Anh à? Mấy năm vừa rồi mình vất vả quá rồi. Chống chọi mệt nghỉ mà chỉ đủ ăn. Năm nay, mình cố gắng làm phát hoành tráng nhé! Em muốn công ty mình tốt hơn, tốt hơn nữa cơ. Muốn có thêm vài chương trình, muốn doanh thu phải khá hơn. Cuối năm, mình làm con 4 bánh cho anh em đi công tác đỡ vất vả anh nhé!

Bốn mẩu đối thoại đầu năm, của bốn người ở các vị trí khác nhau, quyền lợi khác nhau. Câu chuyện nào cũng thiết thực và chân thành. Chỉ có điều làm anh ngạc nhiên nhất là câu chuyện cuối cùng. Nó được một người không giữ chức vụ gì, quyền lợi ít nhất và thuộc tầng lớp thấp cổ bé họng nhất trong công ty chủ động chia sẻ với anh, với mong muốn công ty vượt qua khó khăn, sắm sanh được tài sản cho mọi người cùng sử dụng, để làm việc tốt hơn trong năm mới.




Thứ Hai, 22 tháng 2, 2010

THÔI THÌ ĐÀNH VẬY!



Năm nào anh cũng đến vãn cảnh chùa vào những ngày đầu năm. Trong tiết xuân lành lạnh với làn khói mưa phùn bay bay trong gió, cảnh tĩnh mịch của ngôi chùa ngàn tuổi càng làm cho không gian thanh tịnh, huyền bí của chùa thêm phần lôi cuốn và hấp dẫn.


Anh thích lắm, và từ lâu, đã tự nhủ với lòng mình rằng đây chính là một trong những ngôi chùa đẹp nhất mà mình may mắn được biết đến. Chùa đã cũ kỹ rêu phong nhiều lắm. Người đến lễ cũng ít. Có lẽ chẳng có ngôi chùa nào có được cái không gian ấy, khung cảnh ấy.


Tết năm nay, theo truyền thống (của riêng mình thôi) anh lại đến chùa Kim Liên, những mong có ít phút yên bình, yên ả của không gian xưa cũ. Nhưng thật bất ngờ, không gian yên ả, thanh bình ngày trước đã không còn. Hàng đoàn khách đến lễ, cầu khấn ầm ĩ cả sân chùa, lan cả ra ngoài đường dẫn. Chùa đang trong quá trình trùng tu để chào đón Thành Thăng Long ngàn tuổi, cũng phần nào không được ngăn nắp như trước.


Bước thấp bước cao đặt chút tiền công đức, anh chắp tay làm lễ rồi nhanh chóng rút lui trong tiếng cãi nhau, tiếng trách móc ầm ĩ của một toán khách, hình như do nhà xe đi đúng giờ, không chịu chờ những người đến muộn.


Thời buổi đất chật người đông. Kiếm một chốn thanh bình, yên tĩnh quả là không dễ dàng gì! Thôi thì đành vậy!



Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2010

TẠP CHÍ NGƯỜI MẪU



- Anh có đó không? Đã xem cuốn Người mẫu mới chưa? Có thằng ở Sài gòn làm đấy. Đẹp long lanh!
- Trời đất! Vậy hả? Thằng nào làm em biết không? Đẹp lắm à?
- Em không để ý,. Thôi, để chiều, trên đường đi làm về, em qua mang cho anh một cuốn. Ý tưởng của anh, 5 năm trước đấy. Anh còn nhớ không?


Nhớ chứ! Làm sao có thể quên được. Hơn 5 năm trước, một buổi trưa muộn đói meo. Quán bar Khách sạn Continneltal Hotel trên đường Đồng Khởi. Bia Heineken. Chỉ thế thôi! Anh và Jonathan cùng hai người bạn đang hăng hái quên cả ăn.


- Người mẫu à? Tôi nghĩ là không ổn đâu. Việt Nam đâu có cần một tờ Tạp chí như vậy. Toàn những chuyện vớ vẩn. Bán ai mua? Tôi nghĩ là không khả thi đâu? - Jonny nói như đinh đóng cột.
- OK. Có thể là như thế! Nhưng chúng tôi sẽ phối hợp với Ray làm. Vấn đề là anh đảm nhận khâu thiết kế nó nhé! Các khâu khác, chúng tôi lo, anh bận tâm chuyện phát hành làm gì
- Nhưng tôi không thấy khả thi, vì thế mà không nhận lời được.


Thôi. Đành phải chờ một dịp thuận tiện vậy. Jonny có tới gần 20 năm thiết kế tạp chí ở Hongkong. Không có nó làm thì chắc là tạp chí khó có thể đẹp được. Anh tiếc hùi hụi nhưng chẳng biết làm thế nào?


Thời gian cứ thế trôi qua. Mất hơn 5 năm. Giờ thì Người mẫu đã xuất bản. Nhìn thấy tờ tạp chí, anh có cảm giác của người theo đuổi người tình trong mộng từ nhiều năm, vậy mà cuối cùng lại bị phụ bạc. Bỗng nhiên, anh muốn làm một phép thông kê xem từ ngày ấy, những người liên quan hiện đang làm gì?


Jonathan làm tiếp với anh một dự án kéo dài hơn 2 năm. Sau đó, Jonny bỏ việc cùng cô bạn gái người Sài gòn làm riêng, nương nhờ một công ty chuyên tổ chức đám cưới của chị người bạn gái. Anh vẫn đang làm một designer có tiếng. Nhưng làm ăn có vẻ không thuận.


Cô Trưởng Phòng Media thân cận của anh tách ra làm Công ty riêng. Nhưng rồi sau 4 năm, cũng bỏ, bán toàn bộ công ty cho chính đối tác của mình rồi xin vào làm Trưởng phòng của một Ngân hàng đang trong quá trình thành lập. Thông tin mới nhất là nghỉ Tết này xong rồi cũng xin nghỉ luôn. Làm gì thỉ chưa biết

Anh Trưởng Phòng Sản xuất cũng tách ra là Công ty VP. Làm ăn vất vả, chống chọi với thị trường đang gay gắt cạnh tranh. Lâu lâu gặp, nhậu một bữa. Cũng vui dù thấy tiếc!


Chị Giám đốc Kinh doanh sau 8 năm cũng ra thành lập Công ty làm về truyền thông, đầu tư, khách sạn, nhà hàng. Vất vả, chạy ngược chạy xuôi nhưng vui và ít nhiều có hiệu quả. Chị già đi rất nhanh và bắt đầu ăn mặc, trang điểm theo phong cách của các bà mợ Hà Nội thế kỷ trước. Anh em gặp nhau, ôn lại chuyện ngày trước, chẳng ai muốn nói chuyện hiện tại.


Hai cô bạn thân nhất cũng ra thành lập Công ty. Buồn vì phải chia tay. Nhưng biết đâu thế lại tốt!


Người bạn vẫn ấp ủ cùng anh dự án người mẫu, sau trở thành một tay máy ảnh khá tiếng tăm trong giới người mẫu, thời trang. Lâu lâu cũng làm được cái hợp đồng, dù không lớn, nhưng cũng có thu nhập đủ để nuôi vợ con và có tí chút trau dồi thêm nghề nghiệp. Cái mà bạn thích nhất là suốt ngày được cặp kè với các em người mẫu chân dài tít tắp, không mất đồng nào, mà ngược lại còn có đồng ra đồng vào.

Với những người ở lại, anh cũng đã có cùng các bạn cũ sỡ hữu vài chương trình truyền hình và gia tài kinh nghiệm tổ chức những sự kiện tầm cỡ. Thêm một công ty làm về quảng cáo ngoài trời với trên chục biển quảng cáo tấm lớn, tiếng tăm tương đối.


Những người cũ ra đi. Thế hệ những người mới lại đến. Một thế hệ thứ hai của Công ty anh lại đang tiếp tục. Và anh lại sát cánh cùng họ, như trước đây, từng sát cánh với những người bạn ngày trước. Ai cũng nhiều nụ cười. Nhưng ai cũng nhiều nếp nhăn vì lo âu và trăn trở. Nhưng nghĩ cho cùng, có hạnh phúc nào lại không bắt ta phải trả giá bằng một nỗi đau khổ vĩ đại chứ!


Hơn 5 năm. Một ý tưởng chưa thành hiện thực. Những sự mất mát chẳng bao giờ có thể lấy lại. Và hơn hết, là chút ít thành công mà ngay cả trong mơ cũng không dám nghĩ đến.



Thứ Tư, 17 tháng 2, 2010

CHAI RƯỢU TẾT



Đã vài lần chuyển nhà. Lần nào anh cũng nhớ đến chai rượu đặc biệt đấy. Không phải là chai rượu quá đắt tiền. Cũng không phải là thứ của hiếm đến mức khó mua. Đúng ra, có thể mua một chai y chang như vậy ở bất cứ một quầy rượu nào trong thành phố không mấy khó khăn. Vậy mà anh vẫn giữ gìn nó, vẫn trân trọng và nâng niu. Chai rượu có chữ ký của cô, chữ ký ngoằn nghèo và vài dòng nguệch ngoạc với năm tháng cách nay đã khá xa.


Mười năm trước. Chuẩn bị Tết với bầu không khí hào hứng hơn bây giờ nhiều. Cô hỏi anh: “Anh thích gì, nói đi, em tặng anh một món quà!”. Anh nghiện thuốc lá. Anh chỉ thích cô tặng một cây thuốc ba số 5. Cô thì cương quyết không tặng cái thứ của nợ chết người ấy. Loay hoay mãi, anh đề nghị cô tặng một chai rượu. Cô nói: “Anh có uống được rượu đâu mà rượu với chẳng chè”. Cuối cùng rốt cuộc lại, anh vẫn thích chai rượu nhất. Để làm kỷ niệm thôi. Anh bảo: “Anh không uống được rượu thì mới giữ được quà tặng của em, chứ uống được thì ngoém một cái là hết, nói làm gì nữa!”.


Vậy là anh có chai rượu này. Cô lấy chai rượu, ghi vài dòng rồi ký tặng anh. Chữ ký của cô đã mờ, những dòng đề tặng cũng đã mờ, chỉ không hiểu tại sao, cái thời điểm ghi tại đấy là nhìn rõ nhất. Nó nhắc anh nhớ câu chuyện xảy ra cách nay đã tròn 10 năm. Cũng vào những ngày giáp Tết, cũng vào những buổi sáng Mùa Đông mưa phùn giăng mờ cả bầu trời.


Chai rượu đề tặng ngày Tết. Chậu mai vàng cô cất công mang từ Sài gòn ra. Những đồng tiền lì xì ngày Xuân của cô. Biết bao kỷ niệm, biết bao những điều nho nhỏ thôi nhưng đáng trân trọng và gìn giữ biết bao. Tất cả những điều đó, giờ đã xa, đã xa lắm rồi. Vậy mà buổi tối nay, cầm chai rượu trên tay, anh bâng khuâng như thể tất cả mới chỉ ngày hôm qua đây thôi. Như thể những kỷ niệm đẹp đẽ ấy chưa mất đi bao giờ.


Lại một cái Tết nữa. Mây mù và những ngày mưa phùn gợi cho ta nối nhớ nhung khôn nguôi về những tháng ngày đẹp đẽ đã qua. Và những bông hoa cải vàng rực ngoài đồng nội lại là nguồn sức mạnh, cho ta thêm tin yêu vào một ngày mai sẽ tới. Hãy gìn giữ, hãy để nguyên vẹn cho những kỷ niệm được ngủ yên trong sâu thẳm trái tim ta. Nghĩ thế, anh nhẹ nhàng lau sạch những hạt bụi và đặt ngay ngắn chai rượu của cô vào ngăn tủ.



Thứ Ba, 16 tháng 2, 2010

ĐÂU CHỐN PHỒN HOA?



Tối Mùng Một Tết, dạo một vòng xe hơi quanh Hồ Gươm xem thiên hạ Tết nhất thế nào, chợt nhận ra một điều: Hà Nội mình là Thủ đô của một đất nước hòa bình đã tròn 35 năm, kể từ năm 1975 thống nhất toàn quốc. Vậy mà Hà Nội mình quê quá, mộc mạc và có vẻ gì đấy lam lũ quá.


Ngoài mấy ngày Tết Hồ Gươm giăng đèn hoa lỗng lẫy, còn lại là gần như đêm nào cũng tối thui. Vài ngọn đèn đường leo lắt. Nhưng tán cây, những vỉa hè nhập nhoạng vài ngọn đèn đường mờ ảo, cũ kỹ và tội nghiệp làm sao!


Nghe nói phải làm thế để tiết kiệm điện. Phải tập trung nguồn năng lượng ấy cho sản xuất, cho kinh doanh. Và để tắt đi gần hết, bóc đi gần hết những dây đèn lộng lẫy ấy, cả Hà Nội mỗi tháng tiết kiệm được tầm 1,3 tỉ VND tiền điện. Các ông chuyên viên tính toán rằng, như thế cả năm cũng đã tiết kiệm được gần 16 tỉ VND. Đất nước còn nghèo, cũng là việc làm cần thiết và đáng kể.


Có đúng như vậy không?


Tôi không dám chắc con số trên là đúng. Nhưng nếu có thấp hơn hoặc cao hơn thì có lẽ cũng không nhiều. Vậy thì để làm gì nhỉ? Mà có nhất thiết thành phố Thủ đô ngàn tuổi của một đất nước đã thái hòa 35 năm nay, phải chịu đựng như thế không?


Người ta thường nói kinh kỳ là chốn phồn hoa. Dù anh trí thức, chị công nhân, anh thợ cơ khí hay bác nông dân quanh năm đầu tắt mặt tối, thì khi ra Thủ đô, họ cũng muốn thấy, muốn được hưởng cảnh phồn hoa đô hội đất kinh kỳ. Tôi dám đoan chắc rằng chẳng có một bác nông dân nào khi ra Hà Nội chơi về lại ca ngợi ngoài ấy người ta tiết kiệm điện lắm, tối cũng tối thui như ở làng quê mình cả.


Thủ đô không phải chỉ của người Hà Nội, mà là Thủ đô của cả nước, của cả gần 90 triệu người dân Việt Nam. Mấy bác Hà Nội, dù có hưởng ứng phong trào tiết kiệm như thế nào đi chăng nữa thì cũng đừng quên đây là đất Thủ đô, phải làm sao cho ra dáng một Thủ đô văn minh, giàu có, lịch lãm và chút ít ăn chơi. Phải biết làm sang cho Thủ đô của mình chứ.


Và đơn giản nhất là hãy làm cho Hồ Gươm, trái tim của Hà Nội ngày nào, đêm nào cũng đẹp đẽ, lộng lẫy như đêm Mùng Một Tết. Ít ra thì cũng phải là như vậy!



Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2010

NỒI BÁNH CHƯNG TẾT



Năm ấy, khi những cơn gió lạnh đầu tiên của Tháng Chạp tràn về cái làng quê nghèo nhỏ bé, đâu đó, hương vị Tết đã bắt đầu len lỏi đến từng trái bếp của mọi nhà. Anh mới 12 tuổi, hồn nhiên như bông mạ non mọc góc sân nhà, háo hức chờ đợi nồi bánh chưng mẹ gói. Nhiều hay ít, ngon hay không, đâu có quan trọng. Với anh, điều kỳ diệu nhất là được thức đêm trong nồi bánh cùng với bố. Và bao giờ, anh cũng được mẹ gói riêng cho một cái bánh chưng nhỏ. Thích lắm! Anh nhớ, lần nào anh cũng nâng niu cái bánh ấy trong suốt nhiều ngày sau Tết, để rồi chỉ bóc nó trong một ngày thật trịnh trọng.


Nhưng rồi cuộc sống khó khăn. Nồi bánh chưng nhà anh cứ bé dần, bé dần. Năm nào bố mẹ cũng cố gắng nhưng chẳng thế chống chọi được những bề bộn gian khó và đói nghèo. Và rồi, đau đớn nhất, buồn bã nhất là hai cái Tết liền, nhà anh chẳng gói được cái bánh nào nữa. Tết đến, không có bánh chưng, nhà quê buồn lắm. Vậy mà chẳng biết làm thế nào!


Lần ấy, cậu bé chưa đầy 14 tuổi là anh đứng tần ngần bên cánh cửa cũ kỹ. Không nói câu nào nhưng anh nắm chặt hai bàn tay, thầm nói với mẹ: “Mẹ ơi, mẹ đừng buồn, đừng lo cho chúng con. Chúng con không buồn tủi vì cái Tết không bánh chưng của nhà mình. Con chỉ thương mẹ thôi! Sau này lớn lên, con sẽ không bao giờ để nhà mình như thế này đâu. Tết nào, mẹ con mình cũng sẽ luộc một nồi bánh thật to mẹ nhé!”.


Ba năm liền tiếp theo, mỗi ngày, anh đi bộ gần 20 cây số đi học. Thi đỗ đại học, anh rời cái làng quê nhỏ bé, tần tảo ấy lên đường. Tốt nghiệp đại học, anh đi bộ đội, rồi chuyển ngành, làm đủ các nghề trước khi bước vào lĩnh vực kinh doanh. Cứ năm nào, gần đến ngày Tết, anh cũng gửi tiển về cho các em với câu nói muôn thuở “Cho các em tiền gói nồi bánh chưng Tết”. Gặp nhau mỗi dịp đầu Xuân, lời hỏi thăm của anh bao giờ cũng là “Năm nay nhà mình các em gói bao nhiêu bánh?”. Và anh hân hoan, hạnh phúc khi biết năm nào các em ở quê cũng gói thật nhiều bánh, để cho các cháu ăn, và quan trọng nhất là để lên bàn thờ mẹ.


Buổi sáng hôm nay, những ngọn gió lạnh mùa đông khắc khoải tràn về. Nhìn dòng người nhà quê lũ lượt đổ ra thành phố, anh nhớ khôn nguôi hai cái Tết không bánh chưng, hai cái Tết chỉ một manh áo nâu rách tay với miếng vá thật đẹp của mẹ lúc dẫn anh sang chúc Tết ông ngoại. Anh gọi một số máy với câu hỏi năm nào cũng vậy “Năm nay, em định gói bao nhiêu bánh?”. Anh lặng người khi lần đầu tiên sau nhiều năm, nhận được câu trả lời thật bất ngờ “Năm nay chúng em định không gói nữa anh ạ! Các cháu có thiếu gì nữa đâu anh. Bây giờ người ta bán nhiều lắm. Cũng tiện nữa. Mua vài cái bày bàn thờ mẹ là được rồi!”.


Buông máy xuống, anh thấy buồn khôn tả. “Mẹ ơi, ngày trước, mẹ con mình vì nghèo túng mà chẳng có nồi bánh chưng Tết. Bây giờ, nhà mình có thể cũng sẽ chẳng có nồi bánh chưng nào nữa chỉ vì anh em chúng con, đứa nào cũng đầy đủ cả mẹ ạ!”. Nỗi buồn làm anh liên tưởng đến hai hình ảnh thật trái ngược. Ngày trước, chỉ với một manh áo, anh cũng không hề thấy run sợ trước cái lạnh. Còn bây giờ, khi đã quá đầy đủ, anh lại thấy mình yếu đuối hơn bao giờ hết.


Có những điều nhỏ bé nhưng thật sự thiêng liêng và quý báu. Tiếc thay, chỉ đến khi mất chúng, chúng ta mới nhận ra được điều này!




Thứ Bảy, 13 tháng 2, 2010

TRẢ NGHĨA CON TRAI



Hơn 12 năm trước.

Vợ anh sinh một cậu con trai kháu khỉnh. Với người dân làm nông nghiệp ở vùng đồng chiêm trũng còn nặng nề hủ tục phong kiến, thì đấy là niềm hạnh phúc vô bờ bến của vợ chồng anh. Anh đi khắp làng, chạy lên cả bờ đê con sông quê. Chân bước thấp bước cao, đường phẳng mà vấp ngã liên tục. Anh chạy đi để khoe với họ hàng, bè bạn và khoe cả với những người không quen biết về niềm vui mới của mình.

Cũng năm ấy

Anh mắc một trọng tội. Bị bắt. Bị còng tay. Cậu con trai bé bỏng lúc đó chưa tròn 1 tuổi. Các điều tra viên đến nhà thực hiện lệnh bắt người đã làm một việc rất nhân hậu là cho người báo trước để chị vợ bế con anh tránh mặt. Một thời gian sau, Tòa xử anh 12 năm tù giam. Mức án mà lẽ ra phải cao hơn nhiều, nếu anh không phải là một người nông dân chất phác quanh năm chỉ biết làm ăn.

Anh vào nhà giam thụ án. Đêm đêm câm lặng nhìn bức tường nhà giam thấy uất hận trong lòng. Giận mình nóng nảy, thiếu kiềm chế, oán trách bản thân mình tại sao lại làm một việc ngu ngốc đến thế. Anh nắm tay đấm liên hồi vào tường đến tóe máu. Kêu thảm thiết gọi trời cao thấu lòng mình lo cho mẹ già, cho vợ con mà không thể làm gì được. Đã vậy, tự nhiên lại trở thành gánh nặng cho những người thân yêu.

Mấy tháng sau

Vợ anh lên nhà giam. Ngập ngừng một lát, chị cương quyết đặt vào tay anh tờ đơn xin ly hôn. Chị không thể chịu đựng nổi việc phải chờ đợi chồng 12 năm nữa. Cũng không thể chịu nổi sự ghẻ lạnh, đàm tiếu của dân làng khi mình phải là vợ một “thằng tù” đang mang trọng án. Hụt hẫng, đau đớn, hoang mang… đến độ cảm thấy không còn gì thiết sống nữa.

Thẫn thờ như người mất hồn. Anh nhắn vợ mời mẹ lên thăm vào lần kế tiếp. Bố mất từ khi anh còn bé. Mẹ tần tảo nuôi anh khôn lớn. Việc gì hai mẹ con cũng nói chuyện, cũng bàn bạc với nhau.

Hai mẹ con gặp nhau.Nghe anh tường trình sự việc, mẹ nói: “Mẹ đã biết chuyện rồi. Bố con mất sớm, mẹ cứ thế nuôi con, mẹ hiểu người phụ nữ vất vả thế nào khi phải một mình đơn chiếc con ạ! Mình thân là người có tội, vợ con nó muốn từ bỏ thì cũng không phải là xấu. Chuyện của các con, mẹ không biết khuyên thế nào. Mẹ chỉ nói thế thôi. Tùy con!”.

Anh ký vào tờ đơn xin ly hôn của vợ.

Mấy tháng sau, chị tìm được hạnh phúc mới ở một vùng đất xa lắc xa lơ so với cái làng quê bé nhỏ của anh. Cậu con trai ở với bố, thực chất là bà nội nuôi. Ngày trước, mẹ một mình nuôi anh. Giờ lại một mình nuôi cháu. Anh thương mẹ, giận mình tím gan tím ruột. Có lần mẹ lên thăm, anh chắp tay tế sống mẹ ngay tại phòng thăm nuôi rổi nói: “Mẹ tha tội cho con. Mẹ đã vất vả vì con nửa cuộc đời. Giờ lại vất vả vì cháu hết cả cuộc đời nữa. Con thật là bất hiếu!”. Mẹ đỡ anh dậy. Bà đã quen và chai sạn với đau khổ và gian khó của cuộc đời. Bà chỉ động viên con trai cố gắng cải tạo để về với con, với mẹ.

Bốn năm sau

Cậu con trai gần 5 tuổi mới được bà nội cho lên thăm bố. Bà không muốn cháu biết rằng bố nó đang phải tù tội. Nhưng cháu đã lớn. Không thể giấu mãi được nên bà quyết định cho cháu đối mặt với sự thật. Gần nửa giờ thăm nuôi, cậu ngồi bên bố lặng thinh. Cậu vân vê vạt áo tù của bố mà chẳng nói gì. Gương mặt rắn rỏi đầy nghị lực dường như đã làm cậu già dặn hơn rất nhiều..

Anh thì ôm con, nước mắt ngắn dài. Anh chợt nhận ra một điều lâu nay mình không để ý. Đó là mẹ đã già, đã yếu quá rồi. Run rẩy, anh nói với con trai: “Bà đã già rồi, bà yếu lắm. Con ở nhà nhớ là thay mặt bố chăm sóc bà. Bà có ốm, con ra trạm xá xã báo các chú các cô ở đấy. Nhà hết tiền mà bà ốm nặng, con bảo bà bán cái miếng đất Mỏ Phượng của nhà mình đi. Bán bao nhiêu là bà biết đấy. Khi nào được về nhà, bố con mình sẽ làm việc rồi để dành tiền mua lại con nhé!”. Cậu bé nhìn bố gật gật đầu.

Hàng năm, con anh đều theo bà lên thăm bố vào dịp cuối năm. Anh vui mừng vì con đã lớn, đã đi học và điều làm anh yên tâm nhất là bà con, chòm xóm vẫn qua lại, vẫn chia sẻ và giúp đỡ hai bà cháu rất nhiều. Anh đâu biết rằng cậu con trai bé bỏng của anh hầu như không được biết gì đến các thú chơi của trẻ mới lớn. Cậu cùng bà chăm sóc vườn nhà, nhỏ cỏ, tát nước đám ruộng phần trăm, đi gọi thợ cày, thợ cấy mỗi khi mùa đến. Đi mua phân đạm, thuê người phun thuốc trừ sâu… Nói tóm lại là với sự hướng dẫn của bà, cậu làm đủ các thứ việc mà một đứa trẻ ở lứa tuổi cậu không bao giờ phải làm.

Bốn năm sau nữa

Cái Tết Nguyên Đán đã gần kề. Anh lập nhiều thành tích trong trại và có tên trong đợt đặc xá. Buổi sáng hôm nhận quyết định ra trại trước thời hạn, anh thấy lòng mình phơi phới hơn bao giờ hết. Anh thay quần áo, nhận số tiền trợ cấp ít ỏi và chuẩn bị lên xe của trại để ra bến xe về nhà. Bước ra khỏi cổng, anh không tin vào mắt mình nữa. Con trai anh đứng đó, nhỏ bé nhưng chững chạc và tự tin. Lần đầu tiên trong đời, cậu lao tới ôm chầm lấy bố.

Anh như cảm thấy mình khuỵu xuống. Anh gục đầu vào lòng con trai khóc như mưa. Anh nói như hét lên: “Con ơi, bố về với con, với bà rồi. Bố có lỗi với con nhiều lắm. Bố đã làm con khổ nhục từ khi con còn bé tí, từ khi con cần có bố ở bên cạnh nhất. Bố xin lỗi con, bố xin lỗi con! Bà đâu rồi con?”. Cậu con trai bé bỏng của anh, lần đầu tiên kể từ khi hai bố con gặp nhau, cũng chan hòa nước mắt. Cậu đỡ bố dậy và nói: “Bố đứng dậy đi. Bố đừng xin lỗi con thế! Bà ở ngoài kia. Bà đi cùng con từ sáng sớm cơ. Nhưng bà say xe quá nên phải ngồi nghỉ. Bố đừng khóc nữa không bao nhiêu người đang nhìn đây này”.

Anh đưa tay quệt nước mắt như một đứa trẻ rồi đứng lên. Nghe con nhắc, anh mới nhìn ra xung quanh và chợt nhận thấy tất cả mọi người đang nhìn hai bố con anh. Một vài người dường như quá xúc động, vội quay mặt đi giấu những giọt nước mắt, từ bao giờ đang chảy dài trên má.





Thứ Năm, 11 tháng 2, 2010

SỢ NGHỈ TẾT



- Bên anh nghỉ Tết đến bao giờ?
- Đến mùng 9 Tết. Ngày thứ 2 của tuần kế tiếp thì đi làm.
- Nghĩ đến vụ nghỉ Tết liền tù tì 10 ngày mà nẫu cả người anh ạ! Thoạt đầu, Sếp định cho nghỉ từ ngày 25 Tết cơ, sau nằn nì mãi, hết ngày 28 mới phải nghỉ. Trời đất ơi, làm cái quái gì cho hết được 10 ngày ngồi đực ở nhà ra bây giờ đây anh.
- Các cậu chỉ được cái lắm chuyện. Những năm trước thì quàng quạc ra mà đòi nghỉ. Giờ người ta cho nghỉ thì lại nằng nặc đòi đi làm là sao?
- Thằng nào đòi nghỉ hả anh? Làm gì có chuyện ấy. Có mà thằng ấy thần kinh, chập mạch thì mới đòi nghỉ lâu thế chứ. Bọn em đang sợ phát khiếp ra đây này. Cả phòng đã bàn là mua vài thùng Vodka chia nhau. Mỗi thằng 10 chai. Mỗi ngày làm 1 chai. Ngủ dậy là tu. Tu xong say là ngủ. Ngủ dậy lại tu. Kiểu gì đến lúc hết rượu, tỉnh táo thì cũng đến ngày được đi làm rồi.
- Nghe cậu nói mà thê thảm quá. Nghỉ ở nhà tốt chứ sao! Sau thời gian dài làm việc mệt nhọc, căng thẳng, có thời gian mươi ngày nghỉ ngơi, lấy lại sức lực là quá tốt chứ sao lại kêu ca, phàn nàn thế.
- Không đâu anh ơi! Bọn em đã hội thảo phòng và nhận thấy rằng, nghỉ lâu thế, thực sự là chẳng lợi lộc gì đâu. Anh chờ đấy, em sẽ send file bảng tổng kết đi làm hay nghỉ cho anh xem nhé!

Đi làm được lương năng suất, đương nhiên là cao hơn. Nghỉ ở nhà, chỉ được lương cơ bản, thấp hơn. Vậy là càng nghỉ, càng đói.
Đi làm việc này, việc kia, giao tiếp người này người khác, cuộc sống thêm năng động, nhiều màu sắc. Ở nhà thì suốt ngày nghe vợ dạy học về tinh thần lao động, về đạo đức đàn ông, về trăm thứ bà rằn khác. Căng thẳng hơn nhiều chứ có được relax gì đâu.
Phụ nữ nghỉ Tết là phải làm ô-sin, thay cho ô-sin về quê ăn Tết. Mà nhiều ô-sin về quê và về thằng, không lên nữa, báo hiệu sang đầu năm mới còn mệt mỏi dài dài để lo kiếm người thay thế.
Nghỉ Tết là phải về quê. Mà về quê là rất mệt cái vụ tàu xe, ăn uống. Về quê lại phải đi hết nhà này, nhà khác, chào hỏi hết người này người khác mà chẳng biết cấp bậc, chức vụ của họ như thế nào?
Đi làm thoát khỏi cảnh suốt ngày phải nhìn thấy mẹ chồng, hoặc nhăn nhó khó chịu, hoặc cấm cảu chua ngoa. Nghỉ nhiều, cứ thưởng thức đủ ngần ấy món của mẹ chồng cũng đã gầy người, còm cõi.
Thỉnh thoàng gặp nhau còn hào hứng, còn lãng mạn. Nghỉ nhiều, ngày nào vợ chồng cũng nhìn thấy nhau, mà phần lớn lại nhìn thấy nhau trong hình hài không được ngon lành cho lắm (quần áo nhàu nhĩ, tóc tai bờm xơm, dép lê quèn quẹt…) thì thật là hết chịu nổi.
Tối ở nhà chơi với con thì còn thích, chứ nghỉ liền chục ngày, lúc nào con cái cũng nhèo nhẽo sau lưng, hoặc là bú mớn lẹt phẹt cả ngày, thật là chán như… con gián.

Và hàng lô hàng xốc những lý do khác nữa. Thế cho nên, xu thế chung bây giờ là rất sợ bị Sếp cho nghỉ Tết. Phán đoán của giới thạo tin là năm tới, nếu muốn kỷ luật nhân viên nào, hoặc muốn cho nhân viên nào một bài học đau thương, Sếp sẽ cho nghỉ Tết thật dài.




Thứ Tư, 10 tháng 2, 2010

ANH EM RUỘT THỊT



Tôi có một người cô khá thân thiết. Từ khi cô còn trẻ, chúng tôi đã thân với cô. Đi chơi, ăn kem, tâm tình, nói chuyện… phải nói là hợp nhau lắm. Vì thế, đời sống tình cảm vốn khá phức tạp của cô, tôi hiểu hết ngọn nguồn.

Có với nhau đến 3 mặt con, hai vợ chồng cô vẫn quyết định chia tay nhau. Ngày ấy, chúng tôi buồn lắm. Thương các em nữa. Nhất là đứa con gái út. Nhưng rồi cũng phải tặc lưỡi. Chuyện tình cảm làm sao mà ép buộc được. Hơn nữa, đấy lại là chuyện của người lớn, chúng tôi là trẻ con, không nên, và cũng không được phép xen vào.

Cả nhà tôi ai cũng phản đối. Đúng là đường quang không đi, đâm quàng bụi rậm. Tưởng là thôi nhau rồi, cô lấy ai sáng giá, giàu có cho đành. Đằng này, cô kết luôn với một chú bỏ việc Nhà nước, ra chợ giời Thịnh Yên buôn bán. Chú cũng đã có ba con, toàn con trai, và cũng buôn bán ở chợ giời cùng với chú. Dưới con mắt của cả nhà tôi, cái dân chợ giời là không chơi được. Láo toét, lừa lọc như chảo chớp, nói tục, chửi bậy thì không ai bằng. Nhưng cô tôi ngang ngạnh lắm. Đành chịu!

Lấy nhau một thời gian, hai sự kiện quan trọng xảy ra đối với cô. Sự kiện thứ nhất là cô sinh một em trai nữa. Vậy là cả hai vợ chồng cô chú có 7 con. Như cách nói của nhà tôi là 3 con anh, 3 con tôi và 1 con chúng ta. Cũng may mắn, các em cũng đều đã lớn nên không ở chung với cô chú, chỉ có em con chung là ở cùng thôi. Cũng đỡ phức tạp!

Sự kiện thứ hai là chợ giời nằm trong xu thế chuyển biến chung, làm ăn khó dần, Cuối cùng, cô chú cũng suy sụp và lâm vào cảnh khó khăn chồng chất. Hai vợ chồng mâu thuẫn lớn. Rốt cuộc, cũng chia tay nhau nốt. Khi chia tay nhau, của cải hầu như chẳng có gì, chỉ có cái nhà chuồng chim mà mặt bằng nhỉnh hơn hai chục mét vuông chút ít.. Cô chú nhanh chóng thống nhất cô ở tầng dưới với con trai, chú ở tầng trên. Tất nhiên, con thì ở với ai thì ở.

Thời gian lâu lâu sau, chú bị bệnh mất.

Một thời gian nữa, khu vực nhà cô chú nằm trong diện giải tỏa cho một công trình công cộng của Nhà nước. Cái nhà chuồng chim ấy, do thuộc hai số hộ khẩu nên đương nhiên được đền bù hai căn hộ ở một khu tái định cư khá tiếng tăm của thành phố. Hai căn hộ bỗng dưng lại có giá trị đáng kể. Cô nhận căn hộ, bán ngay và lấy tiền mua được một cái nhà mặt ngõ khá đẹp. Còn thừa một ít hai mẹ con làm vốn.

Căn hộ thứ hai mang tên chú. Chú đã mất nên những người thừa kế là 3 con riêng và 1 con chung đương nhiên được hưởng. Cô bảo con trai: “Thôi con ạ! Quên cái suất của con đi. Chẳng cần đâu. Mẹ cứ trông 3 ông con của bố mày, dân chợ giời chính hiệu. Đầu gấu lắm! Chắc chẳng nhả cho con đồng nào đâu. Chúng nó ghét mẹ lắm! Mình cứ coi như không hề có suất ấy cho đỡ nặng lòng con ạ!”.

Một thời gian sau, cậu con trai cô nhận được điện thoại của ông anh cùng cha khác mẹ gọi đến nhà riêng nói chuyện. Phân vân đôi chút, cậu trao đổi với mẹ và mặc dù mẹ rất ái ngại, cậu vẫn quyết định đến. Cậu nói: “Gì thì gì mẹ ạ, con với các anh ấy vẫn là anh em ruột thịt, vẫn phải đi lại với nhau. Con cứ đến xem sao!”.

Hóa ra, đấy là một cuộc họp gia đình giữa bốn anh em trai lộc ngộc. Ông anh cả nói: “Các em đều biết là bố mất, có để lại cho anh em mình nửa cái nhà, giờ được đền bù một căn hộ. Anh đã tham khảo, nếu bán, cũng được ngót tỉ bạc. Anh nghĩ, anh mình đều là ruột thịt với nhau. Giờ anh quyết định chia làm bốn phần. Mỗi anh mình một phần. Các em thấy thế nào?”.

Cả ba anh đưa mắt nhìn cậu. Quyết định của các anh làm cậu hết sức bất ngờ và cảm động. Tiền thì quý nhưng vào hoàn cảnh hiện tại, cậu không thấy phải quan tâm lắm vì cậu đã có một căn hộ cùng với mẹ. Cái chính là quyết định chia thừa kế của bố như thế có nghĩa là các anh thừa nhận cậu là em ruột, là anh em chung một dòng máu của mình. Sau khi bố mất đi, cậu buồn và thấy mình cô đơn nhiều lắm. Bây giờ, đứng giữa ba người anh vẫn còn có gì đấy ít nhiều ngăn cách, cậu thấy mình phải bày tỏ quyết tâm xóa bỏ cái hố ngăn cách ấy.

Nghĩ vậy, cậu đứng lên, nói rành rọt: “Em không có ý kiến gì hết. Anh cả đã quyết vậy, phận làm em, em cám ơn anh, cám ơn các anh nữa. Và cho em xin phần các anh chia cho. Có điều, em còn trai trẻ, chưa có gia đình, chưa phải lo vợ con gì. Em cũng đã được một căn hộ cùng với mẹ em rồi. Vì thế, em xin các anh cho các cháu mỗi đứa một ít, lấy tiền sắm cái xe máy mà đi học, đi làm”.

Sau nhiều năm biến động tình cảm từ ghét bỏ, hằn học, xa lánh. Lần đầu tiên, bốn anh em ngồi vào mâm rượu do bà chị dâu chuẩn bị khá tươm tất. Mở chai Vodka Hà Nội, ông anh cả khề khà: “Thôi các chú, làm một chén cái đã. Chú út có lòng thế, anh thay mặt các cháu cám ơn chú! Tết này, chúng nó được vi vu xe máy. Chắc là thích lắm đấy. Chiều 30 anh chị làm Tất niên, các chú cho các cô và các cháu lại ăn cơm. Anh sẽ giới thiệu các cháu với chú. Chúng nó cũng phải biết là chú út cho chúng nó món quà hoành tráng thế chứ!”.