Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2011

MÙI CỎ



Từ khi rời khỏi làng quê đi học, đi bộ đội, rồi trải qua nhiều lĩnh vực công tác khác nhau, tôi vẫn cố gắng những khi có thể là về quê thăm bố mẹ, anh em, bạn bè, họ hàng làng xóm. Thời gian trong quân ngũ, cả năm có khi chẳng được về một lần. Sau này chuyển sang dân sự, những kỳ về quê thường đều đặn hơn.

Nhưng rất ít, thậm chí hầu như chưa lần nào tôi được thực sự trở lại những kỷ niệm của thời chăn trâu cắt cỏ hồi tấm bé. Đơn giản là những lần tôi về, ít có dịp được đi khắp cánh đồng làng. Mà nếu có, thảng một năm đôi lần, nó cũng lại rơi vào những ngày nắng ráo, hanh khô. Đâu có giống như ngày nào thuở nhỏ.

Sát Tết năm nay.

Tôi về thắp nén hương trên mộ ông nội, bà nội, bà trẻ, mộ mẹ tôi như đã bao năm rồi tôi vẫn làm thế, để mời ông bà và mẹ về ăn Tết. Ngày rét cắt da cắt thịt giữa mênh mông cánh đồng làng. Cô em dâu dọn dẹp cỏ lác đã héo khô vì cái hanh của Mùa Đông từ vài tháng. Khói trắng bốc lên và dường như có gì đó khiến tôi bâng khuâng đến nao lòng. Gì thế nhỉ? Lòng tôi tự hỏi.

Và rồi tôi chợt nhận ra cái mùi ấy, cái mùi vốn thân thuộc vô vàn với tôi suốt cả những ngày ấu thơ đói rét năm nào. Mùi cỏ. Đúng rồi, mùi cỏ. Mùi cỏ cháy thơm lừng ru tôi vào những kỷ niệm đẹp đẽ của đồng quê ngày ấy. Mùi cỏ cháy làm ấm lòng tôi những ngày đông giá rét đã từ rất lâu. Mùi cỏ cháy dỗ những giấc mơ của cậu bé nhà quê phong phanh áo mỏng giữa chiều đông năm nào.

Tôi kéo mũ, mặc kệ những cơn gió lạnh buốt lùa vào sống mũi cay xè, hít thật mạnh, thật sâu, để thêm một lần đươc về với kỷ niệm của tuổi thơ mình.



Thứ Bảy, 29 tháng 1, 2011

MÈO LÀ MỘT GIỐNG HÙM




Từ bao giờ, tôi chẳng còn nhớ nữa. Chỉ nhớ là đã lâu lắm rồi, hồi tôi còn trẻ, có lần được bố tôi đọc cho nghe bài thơ này. Bài thơ vịnh một con mèo. Tên bài thơ tôi cũng không nhớ. May là thuộc được gần như toàn bộ.


Có thể nói trong các bài thơ về mèo, bài viết về mèo, bài này là hay và gần gũi nhất. Mèo được cả người lớn và trẻ con quý mến bởi sự hiền lành, thân thiện nhưng anh dũng và gan dạ. Nhân dịp năm mèo, chép lại ra đây để các bạn cùng thưởng thức nhé. Tôi không nhớ, không, chính xác là không biết tác giả là ai. Bạn nào biết, làm ơn chú thích giùm.


Mèo là một giống hùm bé tí
Thân hình nhỏ nhen nhưng chí khí chẳng nhỏ nhen

Nó không vũ phu như giống chó đê hèn

Giả mặt ngoài hiền vờ quân tử


Ta hãy nhìn dáng nó đi ra chiều tư lự

Khinh khỉnh trông đời bằng nửa con ngươi

Nó tìm nơi cao ráo để nằm ngơi

Bộ phè phỡn như một ngài trưởng giả
Nó sống trong phong lưu nhàn hạ

Bữa cơm thường không thịt cá dửng dừng dưng


Trông mặt mà bắt hình dung

Trong giống thú nó chừng cao thượng nhất

Phò nhà chủ cơm ăn chuột bắt
Nó chẳng chui luồn khuất tất một ai

Ai vuốt ve nó cũng vuốt ve chơi

Ai trở mặt nó tức thì trở mặt

Dưới bàn chân nhung liền gương vuốt sắc
Cào kẻ xấu chơi rồi lảng phắt nhảy ra xa



Thứ Ba, 25 tháng 1, 2011

HÀNG HÀNG LỚP LỚP




Có đi trên đường Hà Nội mấy ngày này mới thấy hết thảm cảnh ùn tắc, chen lấn ở hầu như tất cả các tuyến phố. Xe máy đi lên vỉa hè, người đi bộ len lỏi dưới lòng đường. Thôi thì đủ cách, miễn làm thế nào đi được thì đi. Chợt nhớ mấy câu thơ "Hàng hàng lớp lớp người người. Trơ như tượng đá giữa trời sắt son...". Đúng là nhiều khi đứng chôn chân như tượng giữa đường phố đông đúc.

Post mấy tấm hình của các bạn bên báo VnExpress để mọi người dễ hình dung những ngày cận Tết này ở Hà Nội. Giá mà ai cũng như mình, không mua bán gì thêm so với ngày thường, không có bất cả một hoạt động nào khác với ngày thường, chắc Tết cũng đỡ tắc đường phần nào.

1. Cảnh sát cũng đành đứng nhìn dòng người cuồn cuộn mà bất lực





2. Bạn không thể đoán được đây là đường Giải Phóng, đúng không?





3. Các bác xe buýt là chẳng sợ ai? Vậy mà giờ cũng đứng ì một chỗ ngậm ngùi.





4. Khu vực Ga Hà Nội. Bác nào mà sắp đến giờ tàu chạy thì chắc là hết hồn!





5. Đường Láng Hạ mình về hàng ngày đây. Hôm nào cũng đủ 1 giờ đồng hồ cho hơn 6,5 cây số.




6. Xe máy chỉ có thể đi với trình độ siêu hạng mới len được qua hàng ô tô như thế này.




7. Đêm xuống rồi vẫn chưa hết tắc đâu nhé! Đừng có mà tưởng bở!





Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2011

ĐÚNG GIỜ




Nói thật là tôi ít khi thấy người Việt mình đúng giờ ở các cuộc hẹn, các cuộc họp và ở tất cả những chỗ nào thuộc về tập thể.

Có lần chúng tôi hẹn nhau đi chơi theo một chương trình du lịch hè của công ty. Hẹn 8 giờ có mặt, nhưng đúng vào giờ hẹn, cái giờ mà tất cả mọi người đều thống nhất định ra ấy, tôi chỉ thấy vẻn vẹn có 8 người trên tổng số gần 3 chục người lẽ ra đã phải ở đấy.

Lần khác, chúng tôi dự một cuộc hội thảo ngành. Giấy mời ghi 14 giờ, vậy mà khi chúng tôi đến mới chỉ thấy lác đác vài người. Tôi còn nhớ buổi hội thảo hôm đó chính thức khai mạc vào tầm 15 giờ có lẻ. Và lạ thay là chẳng thấy chủ toạ nói một lời nào về hơn 1 giờ đồng hồ bị muộn kia. Ai cũng điềm nhiên cho rằng hiển nhiên nó phải như vậy.

Gần đây nhất và buồn cười nhất là tôi được mời dự một đám cưới ở Sài Gòn. Giấy mời ghi 17 giờ. Một người bạn tôi nói nếu anh không muốn phải chờ đợi thì chừng 18 giờ 30 hoặc 18 giờ 45 hãy đến. Đến sớm quá chẳng có ai đâu, ngay cả cô dâu chú rể cũng chưa đến luôn. Tôi hỏi đến sớm quá là mấy giờ thì người bạn nói thản nhiên rằng đến đúng giờ là đến sớm quá đấy!

Nhưng điển hình nhất là đi làm muộn. Tôi đã từng làm việc với vài bạn rất là lạ. Có bạn đi làm muộn kinh niên. Nghĩa là hầu như không hôm nào đi đúng giờ cả. Công ty trợ giúp bằng cách lùi giờ làm việc xuống, bạn ấy vẫn đi muộn. Có người nói vui, giá mà giờ làm việc bắt đầu vào lúc 10 giờ sáng thì bạn ấy vẫn đi muộn thôi.

Nhưng đấy là chỉ ở những đơn vị Việt Nam, công ty Việt Nam thôi. Những nơi ấy chỉ có người Việt với người Việt thôi. Chứ ở đơn vị nào, công ty nào có bóng dáng mấy ông Tây là tình hình khác hẳn.

Một cô ở chỗ tôi chúa trùm đi muộn, thậm chí còn nghỉ thẳng vài ngày. Vậy mà sau khi chuyển tới một văn phòng đại diện, cô ấy khác hẳn. Như thể một người vừa được lột xác. Đi làm rất đúng giờ, rất nghiêm túc. Quay về công ty cũ làm nốt thủ tục cũng ba chân bốn cẳng, mắt trước mắt sau về cho kịp giờ, chẳng bù cho ngày trước, chỉ cần có lý do là đi thẳng.

Hồi còn làm ở một toà soạn báo, chúng tôi luôn luôn được chứng kiến một nghịch cảnh. Tờ tiếng Việt chỉ người Việt với nhau thì giờ giấc rất buồn cười. Ông đến sớm, ông đến muộn, thậm chí cả ngày không đến cũng chẳng sao. Trong khi tờ tiếng Anh, vì có mấy bác chuyên gia nước ngoài làm việc, các bạn Việt Nam nhà mình rất là quy củ. Đi làm chuẩn. Ra về chuẩn. Trong giờ đi đâu, làm gì cũng rất chuẩn.

Vì sao lại như vậy?

Thật khó trả lời một cách chính xác là vì sao? Tôi nghĩ có thể do thói quen, do tính ỷ lại hoặc đơn giản là sư thiếu tôn trọng chính bản thân mình đã ngấm vào máu thịt. Cũng có thể do những nguyên nhân gì khác nữa thì lại phải tuỳ từng hoàn cảnh mới có thể biết được.

Và tôi luôn trăn trở về điều này. Bởi vì luôn luôn tôi muốn giờ giấc phải được tuân thủ một cách quy lát. Chúng ta thường nghe nói giờ giấc không quan trọng, cái chính là hiệu quả công việc. Ý muốn nói cần gì phải đi làm đúng giờ, miễn là hiệu quả công việc tốt là được.

Cá nhân tôi, tôi không nghĩ thế. Bởi vì sau nhiều năm quản lý và quan sát, tôi đúc kết được rằng những người nghiêm túc về giờ giấc, nghiêm túc về kỷ luật lao động luôn luôn là những người đạt hiệu quả làm việc cao nhất. Còn những ai làm việc kiểu amateur thì kết quả đạt được, nếu có, cũng chỉ là nhất thời trong một giai đoạn nào đó mà thôi.

Chuyến công tác lần này, tôi được cơ quan bố trí ở một khách sạn 5 sao. Sáng đi làm việc, gần trưa quay về, thấy có một hội thảo về nguồn nhân lực. Ghé vào nghe “chùa” ít phút. Thật thấm thía khi đọc một câu note to tướng trên tập tài liệu của ai đó.

“Nếu ở công ty bạn có những người thường xuyên đi muộn về sớm, thường xuyên tận dụng thời gian để làm việc riêng thì chỉ có thể có 2 lý do. Thứ nhất là những người này không có việc làm, họ đang rất rảnh rỗi. Nếu có thì lỗi này thuộc về người quản lý. Thứ hai là trong team ấy đã có ai đó lười và không chịu làm việc. Lỗi này thuộc về bản thân người lao động”.

Đọc xong, ngẫm nghĩ và thấy rằng xác đáng nhất thì phải khẳng định cả hai nguyên nhân trên, nếu có, đều thuộc về lỗi của người quản lý mới đúng!



Thứ Hai, 17 tháng 1, 2011

NHỮNG CON TEM MỎNG



Ngày nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của kỹ thuật và công nghệ viễn thông, tôi và bạn đều có thể nhấc máy điện thoại và chỉ trong giây lát, ta đã nói chuyện được với người thân cách xa hàng chục ngàn cây số. Chẳng những thế, nếu cần, bạn có quyền ngồi trước videophone (điện thoại truyền hình) để vừa nói vừa thấy được hình ảnh của người tiếp chuyện. Nhưng những con tem mỏng manh dán lên góc mỗi chiếc phong bì, gói trọn niềm tâm sự vẫn là điều không thể thiếu đối với mỗi người. Người ta đã đoan chắc rằng những con tem kia sẽ chẳng bao giờ chết, nếu tình yêu muôn thuở vẫn còn những điều không dễ nói bằng lời...

Lịch sử phát triển của ngành tem đã được 150 năm có lẻ và quê hương của con tem đầu tiên trên thế giới là xứ Ecosse thuộc Anh. Lúc bấy giờ vào khoảng năm 1838, ông Roland Hill, một công chức cao cấp của Cơ quan bưu chính nước Anh, nhân một chuyện tình cờ đã phát minh ra cách dán tem lên mỗi chiếc phong bì cần gửi đi.

Trước đó, trên thế giới chỉ biết đến duy nhất một phương thức gửi thư không tem và người nhận phải trả cước phí. Mỗi khi đụng phải trường hợp người nhận không muốn nhận thư là nhân viên bưu điện toát mồ hôi hột, không biết làm cách nào để thu cước. Giá mà gặp thời buổi “yêu công nghiệp” như hiện nay, các cặp tình nhân khi tan vỡ cứ cố tình làm suy yếu sinh lực (tài chính) của nhau bằng cách gửi đi vô tội vạ những bức thư “không ảnh hưởng gì đến hoà bình thế giới” thì chắc ngành bưu chính chỉ còn nước sập tiệm. May thay, hồi ấy, người ta chỉ quen trả thù tình yêu bằng đấu súng và đấu kiếm, nên ngành bưu chính vẫn sống khoẻ, dù gặp không ít trường hợp người nhận từ chối quyền nhận thư của mình.

Sau năm 1838, Roland Hill đệ trình Chính phủ Anh một đề án về việc phát hành tem dán lên bì thư để giải quyết vấn đề thu cước phí trước. Đầu năm 1840, đề án này được chuẩn y và ngày 6-5-1840, con tem đầu tiên của thế giới ra đời. Con tem giá mặt 1 Penny, in hình Nữ hoàng Victoria đen- trắng. Sự tiện lợi cuả con tem trong việc thu cước phí trước đã được toàn thể Châu Âu và sau này là cả thế giới nhiệt liệt hưởng ứng.

Năm 1844, con tem đầu tiên của nước Pháp ra đời. Năm 1852 đến nước Bỉ và hàng loạt những nước khác. Khi nghĩ ra việc in và phát hành các con tem, Roland Hill chỉ đơn giản tính đến việc giải quyết vấn đề thu phí trước. Chính ông cũng không ngờ rằng được là mình lại là người khởi xướng một trong những bộ môn nghệ thuật thu hút niềm say mê của hàng triệu người: Nghệ thuật sưu tầm và chơi tem. Ngày nay, mục tiêu phát hành tem để thu cước phí đã trở thành thứ yếu. Mục đích chính của nó là giải quyết vấn để tuyên truyền và làm kinh tế. Có những quốc như Butan chẳng hạn, tới 90% doanh thu bán tem là cho các đối tưọng sưu tầm, chỉ 2,5% dùng làm cước phí.



Thứ Năm, 13 tháng 1, 2011

NGƯỜI HÀ NỘI



Hai người phụ nữ gặp nhau tại trụ sở Toà án Nhân dân của một quận trung tâm Thành phố Hà Nội. Một người là đại diện của đơn vị Nhà nước lớn ở Thành Phố Hồ Chí Minh, chúng ta hãy gọi là chị Sài Gòn. Còn người kia đang là giám đốc tài chính của một công ty tư nhân nhỏ ở Hà Nội, đơn giản sẽ được gọi là cô Hà Nội.

Họ đến theo triệu tập của Toà án, với nội dung là hoà giải một vụ tranh chấp hợp đồng kinh tế giữa 2 đơn vị vốn đã tồn tại nhiều năm về trước. Theo thông lệ, những vụ gặp gỡ kiểu này thực chẳng vui vẻ gì. Bà đại diện Nhà nước, thường theo thói quen “bắt nạt” mấy bà tư nhân nhỏ. Còn bà tư nhân cũng chẳng dễ gì thoả hiệp vì là tiền túi của mình, là máu thịt của mình, đâu có dễ gì nhường nhịn cho người khác.

Nhưng bầu không khí hôm ấy lại khác hẳn.

Cô giám đốc tài chính công ty tư nhân trình bày những khó khăn của đơn vị mình, những trục trặc từ bản thân nội bộ đối tác nhiều năm về trước khiến sự việc không được giải quyết. Trình bày xong, cô thẳng thắn đề xuất một giải pháp mà những người trong giới kinh doanh hay nói là “biết điều”.

Chị đại diện đơn vị Nhà nước lớn của Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận thiện chí, cũng như những góp ý về đơn vị mình trong quá khứ đã khá lâu. Hai bên trao đổi thêm một số vấn đề và nhất trí phương án giải quyết đã được đề ra.

Ra khỏi sân Toà án, chị Sài Gòn nán lại vài phút, chị nói với cô Hà Nội: “Trời đất ơi! Sao mà Hà Nội lạnh thế hả em? Chị không thể nào chịu nổi, lại không mang đủ áo rét. Sợ quá! Lần đầu tiên được ra Thủ đô mà không có dám bước chân ra khỏi khách sạn luôn”.

Cô Hà Nội nắm tay chị, hỏi tên và địa chỉ khách sạn. Cô nói: “Chị không quen đâu. Mà năm nay Hà Nội cũng rét quá nữa. Nghe giọng chị là em biết chị viêm họng đến nơi rồi đấy. Chị về khách sạn đi!”.

Gần tiếng đồng hồ sau.

Cửa phòng khách sạn của chị Sài Gòn có tiếng gõ cửa. Như không tin vào mắt mình, chị thấy cô Hà Nội đang đứng trước mặt. “Em mang cho chị cái áo len và lọ mứt gừng. Chị mặc áo cho ấm. Nhớ ngậm mứt gừng nhé! Hơi cay, nhưng sẽ ấm, và không bị viêm họng đâu!”.

Món quà bình dị, nhưng thật bất ngờ. Chị Sài Gòn nắm chặt tay cô Hà Nội: “Con gái Hà Nội chu đáo thế! Sao em nhiệt tình với chị quá vậy! Mai mốt vô Sài Gòn em gọi chị nha! Về lần này, chị sẽ báo cáo với Lãnh đạo là người Hà Nội tử tế lắm, chu đáo lắm. Sẽ không tranh chấp gì với Hà Nội nữa đâu. Hồi nào có điều kiện, mình lại hợp tác với nhau nha!”.



Thứ Tư, 12 tháng 1, 2011

NGỦ MÙA ĐÔNG




Mùa Đông của hơn 32 năm về trước. Trong đống giấy báo cũ của chế độ Sài gòn, anh tình cờ tìm thấy một bài thơ ngắn. Tên bài thơ là gì, anh cũng không nhớ. Tác giả cũng là một cái tên lạ, xa lạ, chẳng thể nào sánh được với Nguyên Sa, Phạm Tất Nhiên, Du Tử Lê, Chinh Yên...

Bài thơ là nỗi tiếc thương khôn cùng một Mùa Thu vàng đẹp đẽ đã qua đi tự bao giờ. Giữa Mùa Đông u ám của con phố mù sương ngoài kia, giữa cái đơn côi, của một người lẻ bóng trong quá cafe cũ kỹ, mộc mạc trong này.

Hơn 32 năm. Một thoáng nhớ lại ngày nào, trong một ngày Mùa Đông tê tái của Hà Nội đáng hứng chịu cái lạnh 6 độ C và những cơn mưa phùn buồn thảm, xa mờ ngút ngát...

Ngủ Mùa Đông phố mù sương
Rưng rưng cánh lá mưa buồn cuối găm

Ngủ vườn xưa buốt từ tâm
Lá rơi phiền muộn nẻo thầm tịch liêu

Ngủ dòng mê tím thềm rêu
Xác xơ lời bướm mộng chiều phù du

Ngủ Mùa Đông nuối Mùa Thu
Hồn xin làm đám mây mù bên song!