Thứ Sáu, 30 tháng 4, 2010

THỜI TRANG LÒ SO



Một kênh truyền hình phát sóng trực tiếp chương trình ca nhạc liên quan đến một ngày kỷ niệm lớn thì phải. Lâu lắm rồi, tôi mới lại xem một chương trình cúng cụ kiểu như thế. Mấy vị quan chức phát biểu. Khán giả vỗ tay nhiệt tình. Cảm động. Tận đáy lòng. Keo sơn. Phát triển… Toàn những hình dung từ to lớn. Mà nghe thật là quen.


Nhưng thôi. Giá mình mà phải lên phát biểu thì chắc là cũng nói như vậy thôi. Có khi còn không được như vậy nữa. Nhưng điều đáng nói ở đây là chương trình văn nghệ mà cái đinh của nó là chương trình thời trang áo dài do một nhà may tiếng tăm tài trợ.


Đã thành lệ, cứ làm cái gì liên quan đến việc quảng bá Việt Nam là người ta mang áo dài ra trình diễn, bất chấp nó có hợp lý hay không? Áo dài, Nón lá, hai cái đó suốt nhiều năm dài được ngành du lịch xem như cái phao cứu sinh, mỗi khi phải thực hiện các đợt quảng bá hình ảnh đất nước ra năm châu bốn biển.


Lần này cũng vậy. Cũng vấn những tà áo dài. Các cô, không, có lẽ phải gọi là các chị thì đúng hơn, vốn là diễn viên của một Nhà hát ca múa nhạc tên tuổi trình diến.


Thật tội nghiệp cho những tà áo dài trong buổi tối hôm nay. Các đường may nhăn nhúm. Vạt áo là vội và là ẩu, vẫn còn nguyên nếp gấp như lò so. Cũng thật tội nghiệp cho những người mẫu bất đắc dĩ, chắc đã qua vài lần sinh nở, với cái eo không được khả dĩ lắm, đang cố gắng đi đi lại lại trên sân khấu chật hẹp.


Có lần, tôi được xem một chương trình thời trang của các bạn ở hải ngoại. Người mẫu của họ mặc áo dài của Nhà vẽ kiểu Tường Khuê. Quần áo rực rõ, là ủi rất cẩn thận. Người mẫu vừa trình diễn vừa hát, rất có thể là playback thôi, bài Tình Khúc Cho Em của Lê Uyên Phương. Hay và thật là sinh động!


Giá mà trong buổi biểu diễn tối nay, Nhà tổ chức mời mấy cô người mẫu chuyên nghiệp, rất là dễ kiếm và rất rẻ, và thuê người là ủi quần áo cẩn thận, chắc mất mấy chục ngàn, thì mọi chuyện có thể đã khác. Nhưng thôi, nếu làm được thế thì nói để làm gì nhỉ?



Thứ Tư, 28 tháng 4, 2010

ANH HAY CHÚ?



Một trong những khó khăn nhất đối với các bạn sinh viên mới ra trường, hoặc đơn giản là các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn nữ, đó là cái cách xưng hô với người lớn tuổi trong môi trường làm việc ở văn phòng, công ty, nhà xưởng.

Gặp một ông sếp, một bác công nhân già… hơn dứt điểm tuổi mình thì tương đối dễ rồi. Cứ chào hỏi bằng bác, bằng chú, xứng là cháu. Thế là xong! Hay thì chưa hẳn đã hay nhưng ít ra thì cũng thấy ổn. Xương nhất là các đối tượng gọi anh xưng em thì hơi già mà gọi chú, gọi bác xưng cháu thì lại trẻ quá. Gặp trường hợp này, nhiều bạn trẻ lúng túng chẳng khác gì gà mắc tóc.

Còn nhớ, cách đây không lâu, một Trường Đại học ở TP. Hồ Chí Minh có tổ chức hẳn một cuộc hội thảo về vấn đề này với cái tên khá kêu. Đó là “Xưng tôi, được không?”. Tinh thần của cuộc hội thảo là Có thể và có nên gọi là anh và xưng tôi trong các quan hệ đồng nghiệp ở cơ quan, dù đối tượng là lớn tuổi hay còn trẻ. Hội thảo khá sôi nổi, nhiều ý kiến tranh luận lắm. Nhưng rồi chẳng đi đến đâu vì mỗi người một phách. Ý kiến thì nhiều nhưng quan điểm lại thiếu sự tập trung. Không kết luận được là nên như thế nào!

Có nguời nói, bà con gì đâu mà gọi chú, gọi bác, xưng con xưng cháu chứ? Cứ gọi tất tần tật bằng anh và xưng em đi cho nó bình đẳng. Đây là cơ quan, chứ có phải gia đình đâu mà chú bác. Bình đẳng từ cách xưng hô thì mới bình đẳng được trong công việc, hội họp, phát biểu, tranh luận . Nghe cũng không phải là không có lý.

Nhưng ý kiến khác thì lại bảo, một em mới ra trường, trẻ măng thế, thậm chí còn kém tuổi cả con gái người ta mà gọi người ta bằng anh, xưng em, nó cứ xách-mé và mẹ mìn thế nào ấy. Nhất là đám các bà tầm tầm mà nghe các em gọi chồng mình bằng anh xưng em ngọt xớt thì thế nào cũng xốn con mắt. Chưa làm việc gì cả mà đã gây mất cảm tình với người ta thế thì có mà làm ăn, hợp tác với nhau thế quái nào được nữa.

Sau nhiều năm, tôi nhận ra một điều giản dị thế này: Ở công ty tôi đang làm việc, các bạn trẻ dù mới ra trường, hay từ công ty khác chuyển đến, những ai xưng hô khá thoải mái với người lớn tuổi, mà tôi là một trong số những người như vậy, là anh em, thì xem ra, hầu hết trong số họ là những người khá tự tin, cởi mở và nhất là có tính độc lập rất cao. Nhiều người trong số họ thành đạt ở ngay trong công ty tôi và khi chuyển đi, họ cũng thành đạt ngay ở trong môi trường mới nữa. Các bạn rón rén, ấp úng trong cách xưng hô, ít người thành công lắm.

Xem ra, với hàng loạt các ngôi nhân xưng phức tạp và bộn bề trong ngôn ngữ tiếng Việt, các bạn trẻ mới ra trường của chúng ta lại thêm một thử thách nữa không dễ gì vượt qua!




Thứ Ba, 27 tháng 4, 2010

HỘI VUI VẺ



Mới sáng ngày ra, một lô việc bực mình và căng thẳng. Đang ngồi café sáng, bỗng bị một cậu nhân viên cũ đến ám quẻ, huyên tha huyên thuyên toàn USD, EU… Làm kinh doanh, lúc nào cũng tiền tiền bạc bạc chán quá rồi. Tưởng là sáng sớm tinh sương được yên thân một chút, ai dè bị luôn một quả tạ chiếu.


Về cơ quan phải soạn ngay cái công văn cãi nhau với ông Bưu điện cậy thế Nhà nước định bắt nạt. Xử lý một ông đối thủ cạnh tranh chơi trò bẩn với khách hàng của mình. Lại bị một bố tinh tướng từ Sài Gòn ra gặp, nói là để hợp tác làm ăn, ai dè cứ phải chường mặt ra nghe ông ấy khoe mình có tới 8 công ty, quen biết tầm cỡ vỗ vai bồm bộp với một lô Bộ trưởng, Thứ trưởng… Chán không để đâu hết!


Bỗng nhận được điện thoại:\
- Anh ơi! Trưa nay Hội Vui Vẻ tổ chức sinh hoạt ở số 6 Lê Phụng Hiểu. Anh tới nhé!
- Quá hay! Anh sẽ đến. Đóng góp thế nào ấy nhỉ?
- Thì tùy thôi mà. Nhưng anh đến rồi sẽ phổ biến. Hihi!


May quá là cuối cùng cũng nhận được it ra là một tin vui. Gần trưa kiếm chai rượu tầm tầm mang tới. Gần hai chục người, đủ các thành phần. Mấy anh vốn từng là cán bộ cao cấp, mấy cô cậu nhân viên trẻ trung mới vào làm. Thật là vui!


Ngồi bên này bàn, nâng ly rượu, nghe hai bạn thanh niên đối diện nói chuyện với nhau. Một người thì chẳng cuộc vui nào vắng mặt. Người kia thì lần đầu tiên tham gia Hội Vui Vẻ, cô làm ở một Công ty liên doanh với Nhật Bản vừa chuyển về, vẻ mặt nghiêm trọng hỏi:


- Anh ơi! Thế Câu lạc bộ mình sinh hoạt đinh kỳ một tháng một lần hả anh?
- Không! Định kỳ quái gì đâu em. Đã gọi là Hội Vui Vẻ thì cứ vui vẻ là sinh hoạt thôi. Có định kỳ định kiếc gì đâu.
- Thế kinh phí đóng góp bao nhiêu hả anh?\
- Kinh phí gì đâu. Vui vẻ mà. Em đóng bao nhiêu thì đóng thôi! Không thì cũng chẳng sao!


Hay thật! Vui vẻ thì đóng góp. Vui vẻ thì sinh hoạt. Không thì thôi. Giá mà cuộc đời này, cái gì cũng dễ dàng như thế thì hay biết mấy nhỉ? Chẳng có gì là nghiêm trọng cả. Vài ly rượu vào rồi thì cái gì cũng trở nên nhỏ bé hết. Có thật như thế không?


Thật đấy chứ! Nhưng những giây phút say sưa để lãng quên được thì lại rất ngắn ngủi. Còn lại toàn là quãng thời gian tỉnh táo dài dằng dặc. May thay, thỉnh thoảng lại có sinh hoạt của Hội Vui Vẻ. Nếu không thì…!



Chủ Nhật, 25 tháng 4, 2010

NÓI NGỌNG, VIẾT NGỌNG



Năm thứ 2 đại học. Trong tiết học vật lý cao cấp, anh được gọi lên bảng để giải quyết một bài tập khá hóc búa. Bài toán được anh xử lý tươm tất, song kỳ lạ thay, ở phía dưới lớp, dường như có tiếng ai đó xì xào, cười đùa. Rất nhỏ thôi, nhưng anh vẫn biết. Chỉ có điều, anh không biết các bạn đang cười là cái gì thôi! Lúc xuống đến chỗ ngồi, chỉ vài cái nheo mắt là anh biết ngay: Tật nói ngọng chữ l thành chữ n của anh.

Thế đấy! Thật là phát ngượng. Vậy mà chẳng biết làm thế nào. Anh sinh ra ở vùng quê mà cả làng, cả xã đều nói thế. Lâu rồi anh quên mất chứ chưa biết chừng, cô giáo cũng nói ngọng nốt ấy chứ! Cả mười mấy năm trời, kể từ lần đầu tiên biết cất tiếng nói cho đến ngày vào đại học, anh vẫn nói thế.

Tan học, anh lững thững bước về ký túc xá. Chợt như có ai đang nói cái gì đó rất nhẹ ở phía sau. Anh quay lại. Cô bạn gái anh quý mến nhất đang ở sát ngay sau lưng. Anh đứng lại, cười cười. Bạn bảo: “Bạn nhớ lúc làm bài vật lý ấy không? Bạn giỏi lắm! Nhưng đừng nói ngọng nữa nhé! Học khó thế mà còn học giỏi được. Sửa cái tật nói ngọng cũng phải sửa được chứ!” Anh cười: “Tôi sẽ cố gắng. Lâu quá, quen mất rồi. Khổ thế chứ!”

Rồi anh hỏi bạn thật kỹ. Ví dụ nhé! Con lợn mà nói đúng là như thế nào? Ở quê anh, trong đám cỗ, cả làng chỉ biết nói con nợn thôi. Bạn hướng dấn anh. Đây nhé, nói thế này mới đúng. Uốn lưỡi lên nào! Có phân biệt được tôi nói thế nào không? Tốt lắm! Tập đi nhé!

Hôm sau, anh dúi vào tay bạn một lá thư viết vội. Hồi hộp lắm! Hết giờ ra chơi, chẳng thấy bạn nói gì. Cuối giờ sáng, bạn viết vội một mảnh giấy nhỏ đặt vào tay anh trước khi lên xe đạp về nhà. Mảnh giấy viết: “Bạn giỏi lắm! Bạn viết rất là hay và đặc biệt là viết rất đúng. Bạn chỉ nói ngọng thôi, chứ không hề viết ngọng. Như thế, sửa sẽ nhanh thôi. Cố gắng lên nhé!”.

Trời đất ơi! Tưởng nói ngọng đã là hết hơi rồi. Ai dè, lại còn viết ngọng nữa à! Mà viết ngọng là gì nhỉ? Thôi kệ, mình không viết ngọng là được rồi!

Từ đấy, sáng nào anh cũng thức dậy sớm, tập thể dục chân tay và tập luôn thể dục bằng việc nói đủ 30 lần câu Lão Lang Lên Làng Liêm Lấy Lòng Lợn Luộc. Chưa đầy 1 tháng sau, các bạn trong lớp cực kỳ ngạc nhiên vì anh đã hoàn toàn khỏi cái kiểu ngọng líu ngọng lô nhà quê kia rồi.

Cô bạn thân phấn khởi lắm. Cô vui ra mặt. Có lần cô hỏi: “Bạn có biết, bạn nói ngọng thế mà vì sao cả năm thứ nhất không ai cười gì bạn không?”. Anh giật mình: “Không biết! Vì sao?”. “Vì người ta coi thường bạn, coi như bạn sẽ chẳng bao giờ bén mảng được đến cái thế giới của dân thành phố ở đây. Hiểu không? Tức là không thèm chơi ấy. Nhưng vì bạn giỏi, không ai coi thường. Thế người ta mới cười đấy. Cười nghĩa là người ta còn yêu bạn đấy. Biết không ? ».

Gần 32 năm sau, anh mới biết thế nào là viết ngọng. Hóa ra, viết ngọng sửa khó hơn nói ngọng rất nhiều. Viết ngọng là không hiểu từ, nó thuộc về kiến thức. Nói ngọng thì chỉ là thể hiện sai từ ấy mà thôi, nó thuộc về vấn đề kỹ thuật phát âm.

Chiều thứ 7, thấy các bạn công ty viết quotation cho khách hàng, trong đó có 2 từ làm anh giật nảy mình : Chúng thưởngTrương trình. Đúng ra thì đó là 2 từ Trúng thưởng Chương trình. Các bạn đã viết thành chúng trong từ quần chúngtrương trong từ trương tuần, trương phềnh.

Tự nhiên anh cáu um lên. Đành rằng cái đấy mà gửi cho khách hàng thì chắc là phải xấu hổ lắm lắm. Nhưng thực sự thì các bạn đã ai được nghe một lời bảo ban nhẹ nhàng như anh ngày trước đâu nhỉ ? Đấy là chưa kể, viết ngọng sửa khó hơn nói ngọng rất nhiều !




Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2010

CÁI BẰNG VÀ CÁI NGHỀ



Sau vài câu thăm hỏi xã giao như tất cả các cuộc gặp gỡ lần đầu tiên khác, anh phụ trách giáo vụ của Trung tâm Đạo tạo Truyền hình hỏi:
- Anh muốn tìm một người như thế nào?
- Tôi muốn một người biết quay phim và dựng tốt. Chúng tôi đang hợp tác sản xuất vài chương trình và đã đến lúc phải đầu tư để chủ động khâu này.
- Cần có bằng cấp gì không ạ?
- Ở, bằng cấp gì hả anh? Bằng quay phim và dựng phim thì đương nhiên là cần rồi.

Anh phụ trách phân bua:
- Đấy đấy! Gay go nhất ở chỗ chúng tôi là cái đấy đấy anh ạ! Chúng tôi đào tạo kỹ thuật viên quay phim và dựng hình. Nhưng chỉ có một cái chứng chỉ khi họ hết khóa học, không có bằng cấp gì hoành tráng đâu. Nhiều người trong số họ thậm chí còn chưa tốt nghiệp đại học nữa. Anh có nhất thiết phải tuyển người có bằng đại học không?
- Không, cái tôi nhất thiết cần là họ phải quay tốt, dựng tốt, có kinh nghiệm anh ạ! Thế thôi! À, mà anh bảo là không có đào tạo hệ đại học cho quay phim, dựng hình. Vậy cái bằng đại học anh nói ở trên là bằng đại học gì đấy hả anh?
- Đủ cả anh ạ! Gần gũi nhất với nghề thì có thể coi là cái bằng liên quan đến sân khấu, điện ảnh. Còn thì anh em đến đây học đa phần là bằng cử nhân kinh tế, quản trị kinh doanh. Thôi thì đủ cả, có cả mấy bố có bằng đại học tại chức về địa chất nữa cơ.
- Thế thì cái bằng ấy có giúp ích gì cho tay nghề của họ đâu. Đúng không anh?
- Đúng thế! Nghề thì không giúp gì được, nhưng lại giúp cho cái khâu thăng tiến sau này. Không có cái mác đại học, chẳng lẽ suốt đời làm thằng quay phim à? Cũng phải có cái bằng người ta mới cất nhắc, bổ nhiệm chứ.
- Thế nhưng đi học quay phim mà không làm thằng quay phim thì làm thằng gì? Tôi nghĩ, học quay phim thì ước mơ cao cả nhất là trở thành một tay máy giỏi mới đúng chứ!
- Thôi anh ạ! Không đơn giản như anh nghĩ đâu. Mà nói chuyện này thì dài dòng lắm. Ở mình nó thế, đã đi học là gia đình, dòng họ… đều mong con cháu không phải lao động chân tay, không phải vất vả cực nhọc, rồi được cất nhắc chức này, ghế kia… Có ai mong con cháu có được cái nghề vững vàng đâu. Nhiều bậc phụ huynh nói với tôi rằng cái câu “ruộng đất đề huề không bằng có nghề trong tay” là không phù hợp nữa rồi. Nghề thì có giỏi đến mấy cũng chỉ đi làm thuê thôi. Giờ phải làm ông chủ, làm sếp ghế gộc đàng hoàng mới oách, mới hoành tráng, mới nhiều bổng lộc.

Thì ra là như vậy. Cái bằng và cái nghề là hai chuyện khác biệt, và đôi lúc, chẳng liên quan gì đến nhau cả.