Thứ Tư, 28 tháng 12, 2011

EM VÀ CHỊ



Chị chỉ mới có 3 tuổi. Em trai thì còn nhỏ hơn nữa, mới chừng gần 1 tuổi. Bố mẹ có việc đi vắng, đặt em nằm trên võng trong vườn nhà để chị trông. Thật không may là một tổ ong rơi trúng chỗ hai chị em. Cả bầy ong xúm lại đốt. Trong cơn nguy cấp, chị luôn miệng la hét em chạy, kêu cứu và đồng thời lấy thân mình che cho em khỏi bị ong đốt.

Bị hơn 4 chục nốt đốt của loài ong cực độc, chị đã không thể sống được. Cô bé đã mất trong một nỗ lực quên mình che chở cho em trai. May mắn là được chị che chở nên cậu em, dù cũng bị ong đốt nhưng ít hơn chị nhiều, nên đã được cứu qua cơn nguy kịch.

Chỉ mới 3 tuổi thôi, cái tuổi chưa thể ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của người lớn nhưng cô bé đã ý thức được bổn phận của người chị, của tình ruột thịt chảy trong huyết quản. Cô đã nhường cả cuộc sống tươi đẹp này cho em trai mình.

Đọc những dòng tin về cô bé, xem di ảnh của cô, xem ảnh cậu em trai chưa tròn tuổi đã qua cơn nguy kịch, nhưng vẫn còn phải nằm trong phòng cấp cứu với nhằng nhịt dây dợ quanh người, tôi chắc rằng nhiều người trong số chúng ta mắt nhòe đi trước màn hình.

Chỉ 3 tuổi thôi, nhưng cô bé dũng cảm quên mình cứu em, đã cho nhiều thế hệ người lớn chúng tôi bài học sâu sắc về tình yêu thương, sự chở che và hy sinh vô bờ bến vì những người ruột thịt thân yêu.



Thứ Hai, 26 tháng 12, 2011

VÁN CỜ 5 TỈ



Đó là con số tương đương với tầm 250 ngàn USD. Một con số mà tôi tin chắc rằng các Đại kiện tướng cờ quốc tế cũng còn phải mơ ước. Thông thường, tiền thường cho chức vô địch cờ vua thế giới cũng chỉ đến vậy. Các giải khác còn thấp hơn nhiều. Thậm chí có giải chỉ vài chục ngàn USD là người ta đã tung hô ghê lắm.

Mà muốn tham dự các giải đấy phải là các cao thủ võ lâm trong làng cờ năm châu bốn biển. Phải qua nhiều vòng tuyển chọn từ khu vực tới các bảng đấu. Tôi nhớ tới Karpop, Casparop, Alekhine, Bosvinick, Fisher… những đại cao thủ của làng cờ, bản thân họ có lẽ cũng chưa bao giờ được tham dự một giải cờ nào mà cứ mỗi ván ăn thua là cả một số tiền lớn kỷ lục đến như vậy.

Nhưng ở Việt Nam chúng ta thì đã có.

Đó là 2 ông quan tầm sở, ngành của một địa phương. Thoạt đầu thì mỗi ván vài chục, vài trăm triệu VND. Gần đây, toàn là những ván tầm 1 tỉ VND, thậm chí có ván tới 5 tỉ VND. Tổng số tiền ăn thua lên tới 22 tỉ VND, tức là hơn 1 triệu USD cả thảy. Nghe đâu, ông thua đã trả cho ông thắng được 5 tỉ VND, sau đó thì không trả nữa. Tranh chấp tới mức thuê cả đầu gấu, giang hồ tới xử.

Và điều gì đến, ắt phải đến. Hai ông quan sát phạt ấy đã bị công an bắt quả tang.

Điều còn đọng lại là một ông quan cấp sở, một ông tương đương thế, với mức lương tầm 5 triệu VND mỗi tháng, lấy đâu ra tiền nhiều như thế để chơi cờ? Và họ đã chơi từ lâu nay rồi sao giờ mới biết? Và với chức vụ thế, chẳng lẽ cả ngày họ không làm gì hay sao mà có thời gian cờ bạc đến thế nhỉ?



Thứ Ba, 13 tháng 12, 2011

BIỂU TÌNH KHỎA THÂN



Xem thông tin về các cuộc biểu tình khỏa thân ở trên thế giới mới thấy đúng là muôn hình vạn trạng. Để ủng hộ việc chống biến đổi khí hậu, người ta cởi quần áo. Để cổ động cho phong trào gìn giữ các loài vật trong sách đỏ, người ta cởi quần áo. Phản đối việc đấu bò tót nhiều bạo lực quá, người ta cởi quần áo. Rồi vớ vẩn nhất là phản đối trường hợp trường trung học nọ đuổi một nữ sinh vì tội mặc váy quá ngắn, người ta cũng trút bỏ toàn bộ xiêm y.

Còn gì để người ta sẵn sang cởi quần áo nữa nhỉ?

Rồi giật mình liên tưởng đến chuyện của bản thân đất nước mình. Người ta có đấu bò tót thì mình có chọi trâu. Giả sử để phản đối chọi trâu bạo lực, một nhóm các bà, các cô nhà mình cũng cởi quần áo thì sao nhỉ?

Rồi vụ con tê giác ở Cát Tiên là con tê giác cuối cùng, là con đánh dấu sự tuyệt chủng của loài này ở Việt Nam, vài ba bạn gái cũng khỏa thân thì tình hình sẽ như thế nào nhỉ?

Mặc váy ngắn, ngắn mấy ở ta cũng đã từng có. Hành vi làm biến đổi khí hậu, hủy hoại môi trường ta cũng có. Cứ theo tinh thần này mà các cô gái xinh đẹp của chúng ta cởi hết quần áo để phản đối thì bảo đảm nhiều bác phát mệt vì chưa biết giải quyết thế nào.

May thay là cho đến giờ này, các bà, các cô gái Việt Nam chưa sẵn sàng cho những hành động kiểu này. Nếu không thì…!



Đây là biểu tình chống vụ đuổi một học sinh mặc váy quá ngắn đến trường: Váy ngắn mà đã đuổi à? Ông thì cho tất cả đi luôn cho ngắn một thể!


Biểu tình phản đối KFC: Sao lại phản đối loại thức ăn nhanh này nhỉ? Chắc là các cô sợ mập quá đây. Vì nếu mập quá, muốn biểu tình kiều này chắc cũng không dám quá!


Biểu tình phản đối đấu bò tót: Ngắm bức hình này, ước gì xứ mình cũng có bò tót để đấu quá!


Biểu tình phản đối biến đồi khí hậu: Thôi thôi! Ông biến đổi khí hậu ơi, ông đi đi cho tôi nhờ!






Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

CÓ GÌ ĐÁNG SUY NGHĨ KHÔNG?



Sau khi cuộc bình chọn Vịnh Hạ Long kết thúc, một trong những điều người ta quan tâm nhất là Tổ chức New Open World nhận được bao nhiêu tiền từ những người Việt Nam hăng hái nhắn tin? Theo thống kê, có cả thảy 24 triệu tin nhắn của người dân Việt Nam cho cuộc bầu chọn này. Phí nhắn tin 630 VND. Như vậy, tổng số tiền thu được từ những tín đồ háo hức nhắn tin gần 15,2 tỉ VND.

Cái bánh này được phân chia như sau: Tổ chức New Open World nhận 300 VND cho mỗi tin nhắn, nên sẽ được bỏ túi 7,2 tỉ VND. Theo một thỏa thuận từ trước là khoản tiền này không bao gồm thuế và phí, nên có thể nói thực chất là New Open World đã bỏ túi vào khoảng 8 tỉ VND. Phần nhà mạng cũng là 300 VND nên tổng số thu cũng là 7,2 tỉ VND.

Vậy thì ai được lợi hơn cả sau khi Hạ Long thân yêu của chúng ta được cái danh hiệu một trong 7 kỳ quan thế giới do chính chúng ta tự phong cho mình? Tất nhiên là mấy bác New Open World ăn đẫm nhất, sau đó là nhà mạng và các công ty tổ chức sự kiện vào hùa ăn theo.

Cũng nên biết thêm rằng hầu hết các quốc gia không ngăn cản nhưng cũng chẳng khuyến khích công dân của họ tham gia cuộc bình chọn này. Vì suy cho cùng, nó cũng chỉ là một trong nhiều trò chơi vô thưởng vô phạt của cư dân mạng mà thôi.

Có điều gì đáng suy ngẫm sau sự kiện này không nhỉ?



Thứ Hai, 21 tháng 11, 2011

PHÍ KỲ QUAN



Không hiểu sao, ngay từ đầu, tôi vẫn cứ gờn gợn cái vụ nhắn tin bình bầu để Vịnh Hạ Long trở thành một trong 7 kỳ quan của thế giới. Gờn gợn vì tôi cứ suy nghĩ đơn giản là tại sao người Việt mình nhắn tin, nhắn nhiều tin để danh thắng của chính người Việt mình trở thành kỳ quan của thế giới? Tức là mình tự hát rồi tự khen hay hay sao?

Gờn gợn thế nhưng không lẽ lại nói lời đi ngược lại khí thế hừng hực của cả cộng đồng đang hăng hái tiến về phía trước. Thế nên đành im lặng. Rồi kết thúc cuộc bình chọn, Vịnh Hạ Long cũng được lọt vào danh sách 7 kỳ quan thiên nhiên của thế giới hiện đại. Vui thì vui thật, nhưng tôi lại nghĩ giá mà cái danh hiệu kỳ quan ấy được thế giới bình chọn thì hay hơn là chính chúng ta nhắn tin để tự chọn cho mình.

Chiều nay, đọc tin thấy thông báo Maldiver đã xin rút khỏi danh sách bầu chọn vì bị nhà tổ chức đòi 500 ngàn VND tiền quảng bá, Indinesia cũng từ chối khoản 10 triệu USD tiền quảng bá. Bỗng giật mình thon thót vì không biết liệu chúng ta đã phải tốn gì nhiều cho chiến dịch bầu chọn vừa rồi hay không? Và càng giật mình hơn vì nhóm các chuyên gia cao cấp làm ra cái event bầu chọn này lại dược dẫn đầu bởi một cựu giám đốc của Tổ chức UNESCO, một tổ chức mà từ lâu Mỹ đã từ chối tham gia.

Có lẽ cũng đã đến lúc phải suy nghĩ thật kỹ về những chiến dịch tự mình chấm điểm và bầu chọn cho mình như thế này.