Thứ Ba, 22 tháng 2, 2011

TIN ĐẸP


Tháp Hòa Phong được xây bằng gạch mộc nằm trên vỉa hè bờ Đông của Hồ Gươm. Tháp vốn rất quen thuộc với người Hà Nội. Nhưng đã từ lâu, những dòng chữ thiếu ý thức trên tháp cứ chằng chịt mãi theo thời gian.

Vì thế, không ít người đã phải ngạc nhiên vì hành động của bốn cô gái trẻ. Bốn nữ sinh đại học vai vẫn còn đeo ba lô, tay cầm bông gòn chăm chú tẩy từng vết bút xóa xấu xí trên mình ngôi tháp cổ.

Anh Uwe Schwarten, một du khách người Đức chứng kiến sự việc và đã hào hứng tham gia. Anh nói rằng đây là lần đầu tiên anh tới Việt Nam. Theo anh, một di tích quý như thế này không đáng bị đối xử như thế. Uwe Schwarten ca ngợi điều tốt đẹp mà các cô gái này đang làm, rất đáng yêu!.

Dòng tin này làm tôi liên tưởng đến hầm bộ hành Kim Liên ngày trươc. Chỉ ngay sau khi khánh thành, hai bên tường hầm đã bị bôi bẩn và vẽ chằng chịt. Nhưng rồi một nhóm các bạn sinh viên tự nguyện mang sơn sơn lại toàn bộ những chỗ bị bôi bẩn, để chúng ta vẫn thấy hầm đẹp như ngày hôm nay.

Cám ơn bạn Quỳnh Anh đã đưa tin và ảnh về sự kiện nhỏ nhưng ý nghĩa thật lớn này. Và hơn hết cám ơn bốn bạn nữ tướng Kiều Anh, Thanh Mai, Hạnh và Nga đã có cử chỉ thật đẹp, khiến cho cả người lớn chúng tôi cũng phải học tập.




Thứ Hai, 21 tháng 2, 2011

KHÔNG THỂ TIN



Tôi quan tâm đến vụ anh nhà báo ở Long An bị đốt chết không phải ở khía cạnh hình sự, vụ án, sự tò mò. Đơn giản vì tôi đã từng là nhà báo, đã có thời gian khá dài làm báo. Vì thế tôi chăm chú theo dõi. Và suốt cả quá trình hơn tháng qua, điều tôi mong mỏi nhất là nhanh chóng tìm được kẻ thủ ác, lấy lại công bằng và làm dịu đi phần nào đau đớn của những người thân của anh.

Điều tôi mong mỏi nhất đã tới, kẻ thủ ác đã phải lộ diện. Nhưng thật không thể nào tin được, thủ phạm của tội ác tày trời ấy lại chính là người vợ!

Tôi không tin được, bởi làm sao có thể tin người đã từng đầu gối tay ấp với anh bao nhiêu năm trời, lại có đủ can đảm ra tay đốt chết anh một cách tàn nhẫn và thâm độc đến như vậy? Làm sao có thể tin được một người lạnh lùng cả tháng trời thề thốt đủ kiểu rằng không liên quan gì đến cái chết của anh, bỗng hiện nguyên hình là kẻ ác?

Phúc đức tại mẫu. Cha ông ta ngàn đời đã dạy như vậy. Trong gia đình, người phụ nữ là quan trọng nhất. Để giữ nếp nhà. Để nuôi dạy con cái. Để tạo mái ấm gia đình. Nhưng phụ nữ đã đam mê cờ bạc, đam mê trò đỏ đen thì một ngày nào đó, việc gì mà họ chẳng dám làm.

Buồn và cay đắng làm sao!



Thứ Sáu, 18 tháng 2, 2011

TRƯỜNG XƯA LỐI VỀ



Hoàng Phương-Phi Vũ viết bài này đã từ rất lâu. Kỷ niệm của một chàng trai lần đi qua trường cũ, bâng khuâng nhớ lại mối tình học trò thuở cắp sách năm nào. “Chiều nay anh đi ngang qua ngôi trường cũ. Nhớ kỷ niệm thuở nào, hồn thương lên xanh xao, bơ vơ vùng nước mắt khóc cuộc tình tàn phai”. Có gì đó nhẹ nhàng những đớn đau, hư vô nhưng hiện hữu trong mỗi chúng ta.

“Ngày xưa em thơ ngây, môi hồng còn đam mê hương nồng hoa tình ái. Bây giờ, biết tìm em chốn nào, mùa về ve gọi dầu chỉ là mình nhớ mình thương”. Ai đã chẳng từng hơn một lần nghẹn ngào chia tay bạn học mỗi độ hè về, người lên lớp chuyển trường, người ở lại nhớ nhung. Người ra thành phố, người về vùng quê. Sang năm lớp mới, biết có còn gặp lại?

Tôi nghe bài hát này lần đầu tiên trong một chương trình ca nhạc lớn ở Sài gòn đã từ rất lâu. Bài hát hay nhưng thật lạ là ít phổ biến. Người ta biết Nỗi Buồn Hoa Phượng của Thanh Sơn, đương nhiên rồi. Người ta cũng biết Hoa Phượng, Về Lại Trường Xưa, Mong Ước Kỷ Niệm Xưa… những ca khúc xuất sắc về thời học trò, nhưng Trường Xưa Lối Về thì ít người biết lắm. Có lẽ cũng ít như những mối tình thuở học trò chẳng mấy khi được người ta nhớ lai.

Mời mọi người nghe bài hát này và dành một khoảnh khắc nhớ lại mối tình đầu của mình, những mối tình đầu đẹp nhưng ít khi thành hoa thành trái. “Thôi em, anh xin em đừng buồn. Thôi em, anh xin em đừng buồn. Định mệnh chia hai lối, chúng mình mỗi người ngậm ngùi chọn một lối đi”.







Thứ Năm, 17 tháng 2, 2011

KHỐN KHỔ XIN ẤN




Thật không thể nào hiểu nổi người ở đâu ra mà đông đến như vậy. Lễ khai ấn Đền Trần năm nay, nghe đâu Ban Tổ chức đã chuẩn bị phát miễn phí tới 50 ngàn ấn. Số lượng nhiều thế những có lẽ vẫn chẳng ăn thua gì so với nhu cầu của cả biển người ngoài kia.

Vì thế mà người ta chen lấn xô đẩy nhau đến ngất xỉu để vào cho bằng được nơi phát ấn, mà phải là nơi chính cơ, thế mới thiêng, mới tốt. Người ta bất chấp tất cả để có bằng được ấn Đền Trần. Có rồi thì làm gì nhỉ? Tôi chắc là trong biển người đang xô đẩy nhau bẹp ruột ngoài kia, hẳn không ít người chưa chắc đã trả lời được câu hỏi ấy.

Cứ như vài thông tin đọc được ở trước Đền Trần, tôi nghĩ là ấn tín của Nhà Trần, khai mở vào đầu năm để nhắc nhở các bậc quan lại, chuẩn bị thật tốt cho công việc của một năm mới, làm được nhiều điều có ích cho dân. Với tinh thần ấy, chắc là ấn Đền Trần, nếu thiêng, thì thiêng nhất với đội ngũ công chức, viên chức thôi. Chắc ít có ý nghĩa với dân thường.

Nhưng bây giờ, ấn Đền Trần lại khiến cho người ta nghĩ rằng các Đức Ngài sẽ phù hộ cho thăng quan tiến chức, cho phát tài phát lộc… ít ngườii nghĩ đến cái ý nghĩa sâu xa của các bậc tiền nhân dành cho ngày khai ấn. Và nếu Đức Ngài có thiêng thật, chắc cũng không sao chấp nhận được cảnh chen lấn, tranh cướp nhau để có được ân huệ của Ngài như vậy.