Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

NGÀY 30 THÁNG 7



Trên tất cả các giấy tờ liên quan đến tính pháp lý của cá nhân, tôi sinh ngày 30 tháng 7. Nhưng thực tế thì lại không phải như vậy. Ngày sinh chính xác của tôi thì mẹ khi còn sống, chỉ nhớ rằng tôi sinh vào ngày Rằm tháng 5 âm lịch. Theo tinh thần ấy, tra lịch vạn niên là ngày 20 tháng 6.

Nhưng đã nhiều năm nay, bạn bè, người thân đều đinh ninh ngày sinh của tôi là 30 tháng 7. Sự đinh ninh ấy thành lối mòn, thành thói quen, khiến bản thân tôi cũng tưởng là như thế. Và tất nhiên, ngày 30 tháng 7 là ngày sinh của tôi. Từ khi ra học ở Hà Nội, cái ngày ấy mới được bạn bè quan tâm thật sự, và nó trở thành dịp để mọi người chúc mừng sinh nhật.

Còn ngày 20 tháng 6? Cái ngày mà mẹ sinh ra tôi thật sự thì sao? Và vì sao tôi lại phải đổi ngày sinh của mình?

Tôi đi học sớm một tuổi. Thường thì người ta 6 tuổi vào vỡ lòng. Tôi thì 5 tuổi đã bắt đầu đi học. Số là anh cả tôi đi học muộn mất một năm, do cái năm đủ tuổi anh lại bị ốm dài, ông nội tôi quyết định để anh đi học muộn cho chắc ăn.

Khi anh đi học lớp vỡ lòng, tôi cứ nhất quyết đi theo. Thế là ông nội đành phải nói chuyện với cô giáo cho tôi ngồi ké ở lớp. Hết học kỳ 2, cô thấy tôi học được nên mới chính thức ghi tên vào sĩ số của lớp. Từ đấy, tôi theo đủ các lớp để đến được hết lớp 4. Đến cái lớp này thì rắc rối mới xảy ra.

Ngày ấy lớp 4 thi 2 lần. Thi hết cấp 1 và có bằng tiểu học. Tôi thi hết cấp đỗ ngay. Sau đó, phải thi chuyển cấp để học ở cấp 2. Thi chuyển cấp tôi cũng đỗ. Nhưng lên cấp 2, quy chế lúc đó không chấp nhận cho đi học trước tuổi. Vì thế, tôi đứng trước nguy cơ phải nghỉ chăn trâu ở nhà 1 năm để sang năm học tiếp.

Đúng lúc đó thì bố tôi gặp một bác bạn cũ, vốn là Hiệu trưởng một trường cấp 1 ở ngoại thành Hà Nội. Bác cố vấn như thế này: Làm lại giấy tờ để tôi đủ tuổi. Bác sẽ xin cho vào học lớp 5 ở trường cấp 2 cùng chỗ với bác. Vì là Hiệu trưởng trường cấp 1, bác quen biết bên cấp 2 và có thể xin được. Chỉ xin ké người ta nửa năm thôi. Sau đó, với bộ hồ sơ mới, tôi lại xin chuyển trường ngược lại về trường làng học. Thế là xong!

Bố tôi nghe theo cách đó. Thế là tôi khăn gói từ cậu học sinh nhà quê thành học sinh cấp 2 Hà Nội đàng hoàng. Nhưng chỉ nửa năm thôi. Ngày ấy tôi còn nhỏ lắm, nhưng nửa năm học ấy là kỷ niệm chẳng bao giờ quên. Tôi được học nhạc lý, mỹ thuật là những môn mà chỉ học sinh Hà Nội mới được học. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ như in quãng thời gian nửa năm đẹp đẽ đầy ước mơ ấy của mình.

Sau khi về trường làng học, tôi cứ thế theo cho đến hết cấp 2, rồi cấp 3. Rồi thì tốt nghiệp phổ thông. Thi vào đại học và đậu Đại học Bách khoa Hà Nội. Về cái sự học ở các cấp này, tôi có nhiều chuyện lắm. Nhưng thôi, có lẽ sẽ kể những chuyện đó vào lúc khác có điều kiện hơn.

Ngày 30 tháng 7 là do tự tôi làm ra, tự tôi kê khai ra vào buổi chiều năm ấy, trên cái bàn học cũ kỹ của lớp 4 trường làng tôi. Vì sao lại là ngày 30 tháng 7 mà không là ngày khác? Nhiều bạn biết chuyện đã từng hỏi tôi câu ấy nhưng tôi không sao trả lời được. Làm sao mà một thằng bé chưa đầy 10 tuổi lại có thể trả lời được một câu hỏi khó đến thế. Tôi ghi ngày 30 tháng 7 một cách tự nhiên và nó là ngày sinh của tôi về mặt pháp lý. Thế thôi!

Về phần mình, năm nào tôi cũng nhớ ngày 20 tháng 6 và tôi tự kỷ niệm ngày sinh thật của mình theo một cách riêng biệt. Sáng hôm ấy, tôi thường ngồi café và nhớ về mẹ. Năm nay, tôi nhớ về ngày hôm ấy, đã từ rất xa, mẹ đặt chiếc ghế con ra ngoài sân và ngồi bắt chấy cho tôi. Tôi nhớ khôn nguôi hình ảnh ấy ở mẹ. Nhớ cả mùi áo nâu sồng mẹ mặc hôm đó nữa. Như thể mới chỉ ngày nào đó rất gần đây mà thôi!



Thứ Năm, 28 tháng 7, 2011

MÓN HÀNG QUA MẠNG



Một vài món hàng độc được mua qua mạng. Đơn giản là mua trên website của một hãng chuyên cung cấp những mặt hàng ấy ở Hongkong. Với người khác thì có lẽ chẳng có gì đặc biệt, nhưng với anh, món hàng ý nghĩa lắm. Ý nghĩa nhất là lần đầu tiên anh thực hiện một giao dịch như vậy. Lần đầu tiên mua hàng, trả tiền mà anh không biết mặt người bán, không lấy hàng ngay. Nói tóm lại là tiền đã trả nhưng hàng thì phải chờ.

Anh sốt ruột lắm. Khi mua hàng, theo tư vấn của chuyên gia ngân hàng, anh chọn một website có uy tín. Và để an toàn tuyệt đối, không, chính xác hơn là để có mất cũng đỡ tiếc, anh đặt vài món nhỏ nhỏ, giá trị không đáng là bao. Bụng bảo dạ, thôi thì một liều ba bảy cũng liều. Có mất, cũng được ít kinh nghiệm.

Nhưng rồi gần 2 tuần sau, anh nhận được kiện hàng. Hàng chuyển từ Hongkong theo đường máy bay. Qua bưu điện, đã được Hải quan kiểm tra và sau đó, được nhân viên bưu điện chuyển tới tận tay anh vào một buổi sáng đầu tuần. Anh rất vui, hân hoan như thể vừa nhận được một món quà bất ngờ nào đó, chứ không phải là nhận được món hàng mình mua, phải trả bằng tiền của mình.

Nhưng rồi niềm hân hoan của anh chẳng được bao lâu. Món hàng ấy, ít có giá trị về tiền bạc, nhưng nó lại được đặt hàng theo mong muốn của một người bạn thân. Khi anh thông báo về vụ giao dịch mua hàng qua mạng, bạn anh cũng hồi hộp chẳng kém gì anh. Nhưng vào ngày nhận được nó, đúng hơn là sau ngày nhận được nó chỉ một ngày thôi, mong muốn của bạn đã theo một hướng khác hẳn rồi.

Và vì thế, vào cuối buổi chiều này, anh chợt nghĩ, có thể món hàng kia sẽ cứ xếp xó ở đấy, bởi vì biết đâu, nó sẽ chẳng bao giờ còn được dùng đến nữa.



Thứ Ba, 26 tháng 7, 2011

BÀ MẸ GIO LINH



Tôi nghe bài hát này đã từ lâu nhưng không hiểu sao, mãi tới gần đây, tôi mới thực sự thấy ngấm, thấy thấm và thấy cảm bài hát này. Một trong những ca khúc nổi tiếng của Phạm Duy thời tiền chiến. Một ca khúc mà theo tôi, chưa bao giờ tinh thần cách mạng được thể hiện cao cả đến thế!

Bà mẹ vùng quê Gio Linh rực lửa, có người con trai đêm đêm đi đánh giặc Pháp. Một ngày kia, anh bị giặc bắt và mang ra chợ chặt đầu hòng khủng bố tinh thần cách mạng, yêu nước của những người dân trong vùng. Mẹ biết được, mang khăn gói đi lấy đầu con trai về. Lòng quặn đau nhưng nuốt nước mắt vào trong, mẹ lo hậu sự cho con trai chu tất.

Và rồi, một lần nào đó, những người lính đồng đội với con qua nhà, mẹ nấu nước, luộc khoai cho ăn, như để bớt nhớ người con trai đã hy sinh anh dũng của mình. Lời kết của bài hát là lời nhắn của mẹ với đàn con nhớ ghé qua nhà chơi.

Bài hát chỉ giản dị thế thôi. Giai điệu mộc mạc, như kể chuyện, như thủ thỉ, tâm tình chia sẻ. Phạm Duy đã thật sự đưa ca khúc lên đỉnh cao với điệu hò ngắn, xuyên suốt cả bài hát. Chính cái âm hưởng của làn điệu hò thấm đẫm chất dân ca này đã làm cho ca khúc viết về nỗi đau thương khôn tả, nhưng lại không có sắc màu của bi lụy, tang thương.

Nghe lại Bà Mẹ Gio Linh vào những ngày này, chợt miên man tự hỏi: “Phạm Duy viết bài này hẳn là phải dựa trên một câu chuyện có thật ở Gio Linh. Và nhân vật anh dân quân hy sinh anh dũng kia cũng là một hình mẫu có thật. Phạm Duy vẫn còn đây. Nhân chứng sống vẫn còn đây. Có ai đó men theo câu hát này, tìm lại một tấm gương anh hùng có thật để đền ghị Nhà nước phong danh hiệu Tổ quốc ghi công cho anh nhỉ?”.




Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2011

GƯƠNG MẶT CHÍNH TRỊ GIA



Tôi không thích chính trị. Chỉ đơn giản là tôi không thích thôi. Và vì không thích nên tôi ít quan tâm đến các chính trị gia. Điều thu hút tôi nhất là gương mặt của họ. Đúng hơn thì đó là điều mà tôi quan tâm duy nhất ở họ.

Chẳng hạn tôi thích bác Võ Văn Kiệt, Lê Đức Anh vì hai bác này tướng mạo rất là oai phong, hùng dũng. Tôi thích bác Nguyễn Tấn Dũng vì phong cách quyết đoán. Làm chính trị mà quyết đoán là quý lắm. Đại khái là như thế! Và cũng chỉ thế thôi. Tức là cái thích ở tôi hoàn toàn là từ cảm tính cá nhân của tôi.

Với tinh thần ấy, tôi tự cho rằng cả 5 vị Chánh, Phó Chủ tịch Quốc hội kỳ này đều rất là ổn. Ba vị Phó cũ tôi không nói nữa. Bác Nguyễn Sinh Hùng thì tôi đã từng phỏng vấn hồi bác còn làm Cục trưởng Kho Bạc Nhà nước. Nói chung là người hiền lành, dễ gần và rất xởi lởi với giới truyền thông.

Nhưng người tôi muốn nói tới hơn cả là bà Kim Ngân. Tôi nhớ bà đang làm Bộ trưởng Bộ Lao Động -TBXH. Sở dĩ tôi nhớ tình tiết này vì đã có thời kỳ tôi từng làm phóng viên hợp đồng của tờ Tạp chí Lao Động-Xã Hội của Bộ.

Ấn tượng lớn nhất của tôi đối với bà Kim Ngân là lúc nào cũng thấy bà thật đẹp, thật sang và thật là phụ nữ. Mái tóc uốn bồng bềnh hợp với khuôn mặt. Gương mặt thanh tú, nụ cười thật là duyên. Tội nghĩ rằng hồi trẻ, chắc bà đẹp lắm. Khi còn là cô thiếu nữ Kim Ngân, chắc nhiều chàng chết, nhiều chàng bị thương quá.

Làm chính trị là mệt mỏi và căng thẳng lắm. Nhất là lại làm cán bộ cấp cao của một nước. Vậy mà bà vẫn dành thời gian để làm đẹp được cho mình, mà lại làm đẹp một cách cầu kỳ, kỹ lưỡng nữa. Thực sự là tôi ngưỡng mộ bà về vấn đề này lắm.

Chợt chạnh lòng nghĩ đến nhiều bạn nhân viên nữ. Nhiều bạn chẳng bận bịu gì, cũng không làm gì quá căng thẳng và có rất nhiều thời gian. Vậy mà ăn mặc, trang điểm rất cẩu thả, đại khái. Giá mà các bạn thấy bà Kim Ngân trong tấm ảnh này, chắc không thể không suy nghĩ đến bản thân mình.





Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2011

LƯƠNG 20 TỈ VND



Không ít người phát sốt khi đọc thông tin CEO của Ngân hàng thương mại cổ phần lên tới 20 tỉ VND mỗi năm. Thậm chí, có ông chủ ngân hàng còn nói đã có lúc trả tới 30 tỉ VND mỗi năm. Một con số khổng lồ mà tôi nghĩ rằng ở nhiều nước phát triển cũng không trả lương cao tới mức ấy.

Có tin được không?

Nếu bạn đã từng đọc bài Cám cảnh tiền thưởng Tết nhân viên ngân hàng thì chắc sẽ đầy sự hoài nghi về mức lương khủng mà tôi vừa nói ở trên. Hoài nghi như vậy, nhưng tôi vẫn nghĩ, có thể có mức lương ấy đã từng được trả cho ai đó. Có nghĩa là nó hoàn toàn có thể có thật.

Nhưng tôi không tin số tiền ấy thuần tuý là tiền lương theo đúng nghĩa. Tức là tiền công trả cho một người làm công ăn lương, vì những hiệu quả mà họ làm ra cho ông chủ ngân hàng, chính xác hơn là những ông chủ ngân hàng.

Ở thời buổi mà đồng tiền được dùng làm thước đo cho nhiều chuẩn mực, số tiền ấy có lẽ phải được hiểu không chỉ là tiền lương, nó còn là tiền làm PR cho chính cái ngân hàng ấy, tiền làm hàng cho chủ ngân hàng. Tôi nghĩ, hai khoản này là lớn nhất.

Còn tiền lương thực sự, theo đúng nghĩa của tiền lương thì chắc là ít thôi. Chúng ta được biết lương của Tổng Giám đốc một Hãng hàng không ở Việt Nam tầm 150 triệu VND đã gây xôn xao như thế nào? Chúng ta cũng đã từng nghe nói đến lương chuyên gia cao cấp của Hàn Quốc làm việc tại Việt Nam là 10,000 USD mỗi tháng đã gây xúc động ra làm sao?

Và nhiều trường hợp khác nữa. Nhưng tôi tin, mức lương đó thực sư là lương. Nó không bao hàm một khoản nào khác lương cả. Nó không làm hàng cho ai hết. Và cũng không bao gồm cả khoản tiền khoe mẽ của giới chủ. Nó là lương, được trả cho những lao động chất lượng cao ở Việt Nam.

Tôi không tin lắm vào năng lực của nền kinh tế mình đủ trả và cần phải trả đến mức lương 20 tỉ VND, 30 tỉ VND mỗi năm. Và tôi cũng không tin lắm vào thị trường sức lao động ở nước mình có hàng hoá sức lao động đáng cái giá ấy.