Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2011

TẦM NÃ CÁI ÁC



Không thể tin được tội ác ghê tởm như thế lại có ở xã hội chúng ta, ở thời đại văn minh này. Một tiệm vàng vùng trung du, bỗng dưng bị kẻ ác đột nhập giết hết cả nhà. Hai vợ chồng chủ nhà, cháu gái mới 18 tháng tuổi. Cũng còn chút may mắn là chị của cháu, mới đang học lớp 3, chưa đầy 8 tuổi thoát chết, hiện đang nằm viện với một bàn tay bị chém đứt rời vừa được nối lại.

Những kẻ thủ ác phải có trái tim của loài rắn mới có thể ra tay tàn độc như vậy.

Bình thường, tôi rất không thích đọc những tin tức liên quan đến án mạng, đến cái ác. Mỗi sáng ngồi café, tôi thường hay đọc nhất tin thể thao, tin du lịch, những bài viết về văn hoá, nghệ thuật và cuối cùng, những tin liên quan đến nghề nghiệp của tôi.

Nhưng trong những ngày này, tôi xem hầu như tất cả tin tức ở các báo, với mong mỏi tầm nã và tóm được những con rắn độc mang bộ mặt người kia. Tôi rất muốn chúng bị bắt càng nhanh càng tốt. Tôi muốn chúng phải chịu những đau đớn gấp nhiều lần những nạn nhân vô tội của chúng đã từng phải gánh chịu.

Lần đầu tiên, hiếm hoi, tôi thích những mẩu tin kiểu này, với lòng khắc khoải và lo lắng khôn nguôi!




Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011

SẢN XUẤT TRẺ CON



Thoạt nghe tin về việc hơn một chục cô gái Việt được một đường dây đưa sang Thái Lan đẻ thuê chắc hẳn ai cũng phẫn uất và lên án. Gần 9 tháng mang nặng đẻ đau, vậy mà đẻ xong lại thành con của người khác với cái giá 5,000 USD thì làm sao mà chấp nhận được. Rồi thì cứ theo cái đà này, mọi chuyện sẽ đi đến đâu nữa. Không chừng, mai này, người ta lập cả xưởng sản xuất trẻ con cũng nên.

Tôi cũng nghĩ thế, và cũng chung một niềm xúc động như vậy. Nhưng rồi chẳng hiểu sao, thấy dư luận ồn ào mãi, mình cũng phải bỏ công tìm hiểu kỹ xem cái dịch vụ này nó thế nào?

Thì ra là có một Công ty nào đó, hình như tên là Công ty Baby 101 của Thái Lan, có tư cách pháp nhân hẳn hoi, được luật pháp Thái bảo hộ và dịch vụ của nó là như vậy. Là tìm các cặp vợ chồng hiếm muộn ở Thái và các quốc gia khác, cung cấp dịch vụ mang thai hộ và đẻ thuê. Nói tóm lại, ở Thái Lan thì dịch vụ này là hợp pháp và nó được một công ty cung cấp đàng hoàng. Các cô gái Việt sang đó là để làm dịch vụ cho họ, hưởng tiền công sau khi công việc hoàn thành.

Nhưng khổ nỗi, cái dịch vụ mang thai hộ và đẻ thuê này lại được coi là bất hợp pháp ở Việt Nam.Chính xác ra thì chưa chắc nó đã bị coi là bất hợp pháp, vì nghe đâu, chỉ là luật pháp không cho phép chứ không phải là bị cấm. Nhưng thôi, vấn đề là Thái Lan thì cho phép, chúng ta thì chưa. Vì thế, bình luận gì, tôi nghĩ cũng nên cẩn trọng một chút cho phải lẽ.

Điều đáng nói hơn cả là nhiều cô gái khi được giải cứu về Việt Nam, một số cô đã sinh con. Xét nghiệm AND thì những đứa con do các cô sinh ra hoàn toàn không phải huyết thống của các cô. Nói một cách chính xác, chúng không phải là con đẻ của các cô. Ngay trong lúc này, bố mẹ thật của chúng cũng đang có nguyện vọng xin lại. Và ở Việt Nam, các cô hiện đang được tạo điều kiện là nếu muốn nuôi đứa trẻ, các cô hoàn toàn có quyền. Còn nếu muốn trả lại cho bố mẹ thật của chúng, các cô cũng được tạo điều kiện.

Ngẫm ra, khoa học y học đã tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực chiến đấu với nạn vô sinh, mang lại hạnh phúc cho bao nhiêu cặp vợ chồng hiếm muộn hoặc vì lý do này hay lý do khác, đã không thể có con theo các cách thông thường mà người ta có thể làm.

Tôi nghĩ, người ta có thể hiến máu cho nhau, có thể hiến tặng cả tinh trùng và nhiều bộ phận của cơ thể. Mục đích cao cả nhất là để cứu người, mang lại hạnh phúc cho đồng loại bị thiệt thòi hơn mình. Vậy thì vì sao lại không thể mang thai và đẻ hộ? Nếu cấm, liệu chúng ta có khắt khe quá không?

Giả sử rằng có hai cô bạn gái thân nhau. Một cô hoàn toàn bình thường, cô kia thì không thể sinh con. Họ muốn giúp đỡ nhau qua cái dịch vụ mang thai và đẻ hộ thì có được không? Nếu được thì, nói khác đi và trên quan điểm rộng hơn, dịch vụ này vì sao lại không được phép nhỉ? Nó hoàn toàn vì mục tiêu nhân văn cao cả mà. Tất nhiên, cũng như nhiều dịch vụ khác, nó cũng phải có nguồn thu và lợi nhuận ít nhiều để duy trì và phát triển.

Và nếu cần phải tranh thủ ý kiến của cộng đồng, tôi nghĩ, cứ hỏi những người phụ nữ xem nên hay không nên là chính xác nhất!




Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2011

ĐIỆU VALSE BA-BỐN



Cuối năm cấp 2, trường tổ chức cắm trại và liên hoan văn nghệ. Cái đinh của chương trình là điệu múa của các bạn gái. Nhạc nền là bản nhạc khá phổ biến ngày ấy, bản nhạc theo điệu valse ba-bốn. Đấy là thày giáo hướng dẫn bảo thế, chứ anh và các bạn chẳng ai biết cái điệu ấy là điệu gì.

Trong nhóm các bạn gái múa có chị. Chị hơn anh một tuổi, xinh xắn và nổi tiếng là đanh đá của lớp, của cả cái trường cấp 2 ngày ấy nữa là khác. Chị không thân với anh lắm, nhưng chị quý anh, hay bênh vực anh vì trong lớp, anh là đứa hiền lành và ít nói nhất. Bất kể một tranh chấp gì, anh đều nhịn và sẵn sàng nhận phần thiệt thòi hơn. Chị thì không thế, nếu thấy bất công cho anh, chị sẽ nhảy xổ ra can thiệp tức thì. Các bạn trai cũng phải lè lưỡi, khiếp vía.

Buổi tối hôm ấy, tiết mục múa của các bạn gái rất sôi động và cuốn hút. Thật không may, chị đánh rơi chiếc khăn lụa màu hồng, vật được sử dụng trong điệu múa ấy, ngay trên sân khấu, lúc đang chuẩn bị kết thúc tiết mục. Tất cả người xem ồ lên tiếc nuối vì thế nào cái lỗi ấy cũng bị trừ điểm.

Buổi biểu diễn kết thúc. Chị chạy ào xuống cánh gà, chạy thật xa cái sân khấu dân dã ồn ào ấy rồi gục đầu vào một bờ tường khóc như mưa. Những giọt nước mắt tức tưởi. Tiếng nấc nghẹn ngào không cất được thành lời.

Không ai biết chị ở đấy cả., Không ai biết chị đang đau khổ như thế nào. Trừ một người. Đấy là anh. Anh lủi thủi đến gần cô bạn học mà thường ngày, không bao giờ anh “dám” đến gần, dám nói chuyện, mặc dù anh biết, chị luôn dành cho anh một tình cảm đặc biệt.

Chẳng biết phải hành động thế nào, anh nói: “Thôi đừng buồn nữa bạn ạ! Cái khăn ấy nó rơi nhưng bạn nhặt lại nó rất là dẻo, có ai biết đâu. Nhiều bạn xem cùng tôi còn tưởng đấy là một động tác của điệu múa ấy cơ mà. Bạn về trại đi, mọi người và thày giáo đang chờ đấy!”. Nói thế là hết, anh đứng ngẩn người ra không biết nói thêm gì nữa. Lát sau, chị gạt nước mắt đi cùng anh về trại của lớp.

Gần 40 năm đã trôi qua!

Chị học hết cấp 2 rồi không đi học tiếp nữa. Ở nhà làm thêm nghề phụ, lấy chồng, sinh con đẻ cái. Cuộc sống bình yên, tốt đẹp. Giờ đã có hai cháu ngoại. Sắp tới còn có cả cháu nội nữa. Đã hơn 53 tuổi, lên chức bà khá lâu nhưng chị vẫn giữ được nét sắc sảo, mặn mà của cô học trò xinh xắn ngày nào.

Còn anh, học hết cấp 2, lên cấp 3 trường huyện rồi vào đai học. Đi bộ đội, chuyển ngành, làm công chức rồi làm báo, làm kinh doanh. Nỗ lực cố gắng cùng với may mắn anh cũng có được ít nhiều thành công. Thảng đôi khi về quê, anh cũng hỏi thăm chị nhưng chẳng gặp mặt.

Cho đến lần này, chị qua nhà anh ở quê, gửi cho anh tấm thiếp cưới cậu con trai. Khi bố anh chuyển cho anh tấm thiếp cưới, nghĩ thế nào, anh quyết định qua xóm bên thăm chị. Họ gặp lại sau nhiều chục năm chỉ nghe tin về nhau mà không hề gặp mặt.

Chị vẫn thế, vẫn cười thật tươi, vẫn đanh đá như hồi học cấp 2 ngày nào. Chị bảo anh: “Tôi nghe bác nói nhiều về bạn lắm. Có lần tôi nói với bác rằng thế nào bạn cũng thành công, vì bạn chu đáo và khéo léo lắm. Bạn có biết vì sao tôi nói thế không? Vì cái buổi biểu diễn văn nghệ mà tôi làm rơi khăn, mất điểm thi đua của cả lớp mình ấy. Chẳng ai đến động viên, an ủi tôi một lời. Chỉ có mỗi bạn, thường ngày nhát như thỏ đế thế mà hôm ấy lại gan cóc tía đến thế chứ! Bạn làm tôi không thể quên được cái kỷ niệm ấy đấy!”.

Anh nhìn chị, thật cảm động. Anh không thể ngờ được cô bạn gái cùng lớp, một cô thôn nữ chính hiệu lại nhớ cái chi tiết nhỏ nhặt ấy đến thế. Anh từ tốn nói: “Bạn cũng cho tôi một bài học đấy. Lúc ấy ở bên dưới, tôi phục nhất là cái động tác bạn uốn người nhặt chiếc khăn lên tiếp tục múa ấy. Bạn làm dẻo thế không biết chứ! Đúng là có lỗi, biết lỗi và biết cách sửa nó thật khéo thì cũng đáng khen lắm bạn ạ!”.

“Người ta hay quên đi những thành công mà thường chỉ nhớ nhất những thất bại, những lỗi lầm mình đã trải qua. Và người đáng khâm phục nhất là người biết sửa được lỗi lầm ấy một cách hoàn hảo, như điệu múa rơi khăn và nhặt lại của bạn đấy bạn ạ!




Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2011

GIẢI THƯỞNG DOANH NHÂN



- Bằng nhiều nguồn thông tin có được, và nhất là sự giới thiệu từ một cơ quan có uy tín, thay mặt Ban Tổ chức, chúng em trân trọng mời anh tham gia Giải thưởng Phong Cách Doanh Nhân do Công ty em tổ chức vào tháng tới này.

- Đó là Giải thưởng gì hả em?

- Giải thưởng dành cho các doanh nhân tiêu biểu. Ban Tổ chức gồm các cơ quan có uy tín. Tham gia giải thưởng này, anh sẽ cùng các thành viên Phong Cách Doanh nhân gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Sau khi xét duyệt, Ban Tổ chức sẽ trao giải phong cách doanh nhân cho những đại biểu đoạt giải theo các tiêu chí nhất định.

- Nhưng anh có phải là doanh nhân đâu. Đầu tiên anh là bộ đội, sau là viên chức, rồi là nhà báo hợp đồng, rồi thì đi làm kinh doanh theo kiểu bị hoàn cảnh xô đẩy. Doanh thu của cả công ty anh một năm không bằng giá trị cái xe hơi mà Sếp em mua cho vợ đi chợ hàng ngày. Nói anh là doanh nhân là anh ngượng rồi đấy, lại còn doanh nhân tiêu biểu nữa thì chết à!

- Anh đừng tự ti như thế! Thực ra thì bên em, các chuyên gia đánh giá anh rất cao. Vì thế, em mới được cử thay mặt Ban Tổ chức mời anh. Với hy vọng chắc chắn rằng anh sẽ là một trong những người được giải Phong Cách này.

Mình cũng đã nghe nói về cái Giải thưởng này. Thực ra là một Công ty truyền thông tập hợp tầm 100 doanh nhân. Họ gọi đó là doanh nhân tiêu biểu. Tổ chức một buổi gặp mặt tại một khách sạn sang trọng nào đó để giao lưu, sinh hoạt, chụp ảnh rồi đưa lên tạp chí… Tóm lại cũng là Vui Là Chính. Vui Là Chính (VLC) thì tất nhiên là không sao rồi, nhưng cũng cần phải làm rõ vài việc.

- Vậy thế này nhé! Anh sẽ tham gia với hai nội dung rõ ràng như sau: Thứ nhất là tham gia buổi sinh hoạt giao lưu với tất cả các doanh nhân được mời. Buổi tham gia đó hết bao nhiêu phí, anh sẽ đóng góp. Tuy nhiên, em cho anh xin bản chi phí cho buổi đó. Thứ hai là cái giải thưởng. Bên em phải bảo đảm rằng việc tham gia xét giải thưởng, dù có trúng hay không, anh và các thành viên khác cũng sẽ không phải trả bất kể một khoản phí nào cho cái giải đấy.

Cô gái ngần ngừ

Nhưng bên em đã có chủ trương vận động các thành viên tham gia mỗi người đóng góp 20 triệu VND. Ai trúng giải thì 80 triệu VND anh ạ! Anh thông cảm. Cũng phải có chi phí cho Ban Tổ chức. Hơn nữa, Cơ quan đứng đầu giải thưởng không có kinh phí. Bên em phải tự lo hết tất cả. Cho nên cũng là chuyện bắt buộc thôi.

Thế đấy! Quả là bài toán khó rồi đây. Nếu là bạn, bạn có tham gia không? Nếu tham gia, bạn có tự hào khi nhận được cái giải thưởng đó không? Nếu không muốn tham gia thì bạn sẽ nói như thế nào nhỉ?




Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2011

VANG CON CỌP



- Chào anh, em là nhân viên Công ty Con Cọp, chuyên về các thương hiệu vang nổi tiếng của thế giới. Bên em, Ban Giám đốc muốn được qua bên anh giới thiệu một số loại vang hảo hạng, trong khuôn khổ chương trình giới thiệu cho các cá nhân VIP. Xin anh bố trí thời gian cho bọn em!

- OK em! Anh sẽ có ý kiến để Bộ phận Hành chính bố trí một số anh, chị em ngồi nghe nữa nhé! Tuy nhiên, em cho anh biết rõ, mục đích là giới thiệu rượu vang, hay mục đích là bán rượu. Nếu giới thiệu, anh sẽ bố trí người ngồi nghe. Nếu bán rượu, anh sẽ hỏi hộ em luôn xem có ai mua không?

- Không, bên em chỉ giới thiệu thôi và quan trọng nhất là chỉ muốn giới thiệu cho một mình anh thôi. Đây là chương trình dành cho VIP mà anh. Chỉ một mình anh ngồi nghe thôi.

- Thế cũng được! Mặc dù hơi ngần ngừ, cuối cùng mình cũng đồng ý.

Hai ngày sau. Có hai chàng thanh niên ăn mặc chải chuốt, bảnh bao, xách một hộp bằng nhôm to tướng tới văn phòng. Sau màn giới thiệu ngắn gọn, hai chàng mở hộp nhôm, đặt lên trên bàn mình ba chai vang Hoa Kỳ tổ bố. Rót ra một cái ly đã chuẩn bị sẵn, một chàng bảo mình, nhẹ nhàng, nhưng giọng như ra lệnh:

- Mời anh thử một ngụm!

Mình thử một phát. Thế là không thoát ra được nữa.

Bắt đầu được nghe. “Đây là một trong những loại vang thượng hảo hạng của miền Trung Tây Hoa Kỳ. Nấu từ một loại nho quanh năm ở trên triền núi cao…“

Rồi thì phải nghe. “Nho này quả mọng nước, có vị chát rất đặc trưng mà chỉ ở miền Trung Tây Hoa Kỳ mới có. Không có một vùng nào trên thế giới này có thể có được…”

Rồi đến màn bị nghe. “Hậu vị của nó thật đặc biệt. Anh uống xong sẽ thấy vị ngọt, chát, đậm, sâu lắng… lắng đọng mãi. Ai mà không nhận thấy cái đó thì thực là hoài của và không biết thưởng thức…”

Bắt đầu ù hết cả tai…

Rồi cuối cùng là màn đấu võ với mình. Vì…

“Bọn em thực sự chỉ còn có 3 thùng thôi. Cho nên ngoài các chú, các anh đã lấy mỗi người vài thùng (dẫn ra một số những cái tên rất hoành tráng mà mình không tiện kể ở đây), bọn em đặc biệt nhất định chỉ dành 3 thùng còn lại cho anh (mặc dù trước đấy đâu có biết mình là ai đâu). Mỗi thùng 9,8 triệu VND. Thế chốt thế anh nhé!”

Tất nhiên là mình không thể lấy một đống vang tổ bố thế được. Lấy thế có mà tắm vang, gội đầu bằng vang cũng còn lâu mới dùng hết. Nhưng bị hai chàng này “trì” một cách thậm tệ. Nhẹ nhàng nói không thể được. Thôi thì chẳng đặng, đành phải rành rọt phân tích.

“Anh có ý kiến thế này nhé! Thứ nhất là bên em, theo như lịch hẹn, sẽ là một buổi giới thiệu vang chứ không phải là bán vang. Hai cái này khác nhau. Và anh cũng đã có vài lần dự những buổi giới thiệu rượu rồi. Người giới thiệu và người bán là khác nhau. Thậm chí, trong buổi giới thiệu rượu ấy, muốn mua, người ta cũng không bán ở đấy em ạ!

Thứ hai là nếu em bán thì cũng được, mặc dù nó đã không đúng với tinh thần set up buổi này từ đầu. Tuy nhiên, anh có thể thấy rằng không vấn đề gì. Nhưng em bán còn anh thì mua. Anh đâu có nhu cầu nhiều đến như vậy. Anh chỉ có thể mua theo nhu cầu thôi chứ em! Đúng không?

Và cuối cùng, anh cho em biết một bí mật này. Anh phải kiêng rượu. Kiêng dứt điểm, không mơ tưởng đến được nữa. Ở cơ quan, tên anh được gọi là gì em biết không? Là Thụy sư đấy! Tức là phải ăn uống như sư ấy! Anh đang khổ quá đây này!”

Cuối cùng thì buổi giới thiệu, kiêm bán vang cũng kết thúc tốt đẹp. Từ bấy mình đâm sợ. Cứ ai gọi điện set up giới thiệu rượu là mình khiếp. Cho đến cuối giờ sáng nay.

- Chào anh, em là nhân viên Công ty Con Hươu, chuyên về các thương hiệu vang nổi tiếng của thế giới. Bên em, Ban Giám đốc muốn được qua bên anh …!

- Cám ơn em! Anh bị tiểu đường, bị viêm gan mãn tính siêu vi B, da vàng như củ nghệ. Nghe thấy em nói rượu là anh đã phát ốm rồi. Nhưng anh vẫn thích nghe giới thiệu rượu. Nếu bên em chỉ định giới thiệu…!

Chưa nghe thấy hết, đã thấy cô nhân viên cúp máy tự bao giờ!