Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

TỬ TẾ




Tôi chưa đi xem chương trình nào trong Không Gian Âm Nhạc của Việt Tú, nhưng nghe nói dàn dựng công phu, thuộc dạng hàng làm kỹ và đặc biệt là chất lượng rất cao. Chẳng thế mà giá vé cao ngất ngưởng, thấp nhất cũng 1,5 triệu VND còn cao nhất tới 3 triệu VND. Giá cao thế mà đêm nào diễn cũng chật cứng. Trong bối cảnh các sản phẩm văn hoá không được đánh giá cao như hiện nay, hiển nhiên đó là dấu hiệu hết sức tích cực. Tất nhiên, ý tôi không định nói về tiền bạc.

Nhưng rồi Không Gian Âm Nhạc của Việt Tú cũng có sự cố nghiêm trọng. Số là trong chương trình tháng rồi, với chủ đề Đốt Lên Thành Lửa của Trần Thu Hà, lại diễn ra đúng lúc cô bị ốm. Đã ốm thì chớ, cô lại đang có bầu. Thu Hà cố gắng lắm, cô hát trong lúc đang ốm, đang mang bầu. Về tinh thần thì thật đáng khen, nhưng khổ thay, chất lượng nghệ thuật thì không thể chấp nhận được.

Hầu hết khán giả xem tối hôm ấy thông cảm với cô, với Việt Tú và cả với những người tổ chức nữa. Nhưng rõ ràng là họ buồn, thất vọng và cảm thấy không được phục vụ xứng đáng với tiền bạc và công sức đã bỏ ra.

Nhưng rồi ít ngày sau, tất cả những người đã mua vé và đến xem tối hôm ấy đều nhận được một thư xin lỗi, kèm theo đó là 3 phương án để họ lựa chọn. Một là họ có thể đi xem lại chương trình ấy của Thu Hà (đương nhiên là không phải trả tiền nữa). Hai là họ có thể đi xem chương trình kế tiếp (tất nhiên là một chương trình khác, mới và cũng không phải trả tiền) và cuối cùng, nếu không lựa chọn cả hai phương án trên, họ có thể nhận lại toàn bộ tiền vé đã mua.

Tôi không phải là khán giả của Đốt Lên Thành Lửa tối hôm ấy. Chỉ tình cờ nghe con gái kể lại, vì cô là người đã đến xem chương trình đó. Tôi rất cảm phục cách xử sự của Việt Tú, của Thu Hà và các bạn trong Ban Tổ chức chương trình. Là người làm kinh doanh, tôi biết là với quyết định ấy, các bạn đã chịu khá nhiều thiệt thòi. Nhưng chắc chắn sẽ lấy lại được rất nhiều niềm tin, sự yêu mến của công chúng.

Tôi biết Việt Tú, nhưng không quen anh, mặc dù công ty chúng tôi đã vài lần hợp tác với anh trong các chương trình ca nhạc truyền hình trực tiếp. Cách xử sự, như chữ của Trịnh Công Sơn, là tử tế. Vâng, làm kinh doanh mà tử tế là khó lắm. Nên cách làm của Việt Tú và các bạn anh rất đáng để suy ngẫm.



Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2011

ĐỐI TƯỢNG TRẢ TIỀN



Cô quen anh từ những ngày đầu tiên tới sinh sống và làm việc ở thành phố. Những ngày đầu tiên ấy cô phải tự lo tất cả. Từ văn phòng làm việc, căn hộ nhỏ để ở, phương tiện đi lại và những sinh hoạt cá nhân khác. Nhưng quan trọng nhất là văn phòng làm việc và căn hộ. Anh thì lại là nhân viên bán hàng của một công ty môi giới bất động sản. Họ quen nhau bắt đầu từ nhu cầu của cô.

Lần đầu nhìn thấy cô, anh cảm thấy mình có một thiện cảm đặc biệt thật tự nhiên. Gương mặt thanh tú, mái tóc bồng bềnh và cái eo thon thả cuốn hút anh. Giọng nói của cô trong trẻo, ríu rít như tiếng chim báo hiệu ban mai của một ngày mới trong những khu vườn xanh mướt quê anh.

Vài ngày sau, anh nhận được điện thoại của cô cám ơn sự quan tâm và tận tình của anh. Cô báo tin đã tự mình tìm được một văn phòng nhỏ xinh ở trung tâm thành phố, để anh không cần phải lo cho cô nữa. Nghe điện thoại, anh lại thêm một ngạc nhiên mới. Anh không nghĩ một cô gái trẻ trung, xinh đẹp như cô lại năng động đến thế.

Vài ngày sau, anh hẹn cô đi ăn. Thêm vài ngày nữa, họ café với nhau. Và cứ thế, thỉnh thoảng anh lại gọi, lại nhắn tin cho cô. Lúc thì ăn trưa, khi thì ngồi café với nhau sau giờ làm việc. Anh thích cô, thích cái kiểu cách nhẹ nhàng mà cá tính của cô. Hôm nào cô ốm là anh cảm thấy sốt ruột và lo lắng thực sự. Và từ những lần bồn chồn ấy, anh biết, anh cảm nhận được rằng mình phải dũng cảm nói với cô một chuyện…

Và anh hẹn cô, buổi tối hôm ấy, trong một nhà hàng Pháp, một nhà hàng Pháp đặc trưng của vùng ngoại ô Paris những năm Herto Malo viết Không Gia Đình.

Cô đến đấy, theo lời hẹn của anh. Chiếc váy xanh, màu xanh cô ban với hàng hạt cườm màu hổ phách thật đẹp. Anh nhìn cô, cảm thấy mình đang bị tức ngực, nghẹt thở, chẳng biết nói thế nào. Lần đầu tiên anh oán giận mình sao mà vụng về, ngờ nghệch và lúng đến thế.

Mọi chuyện rồi cũng qua đi. Anh dần dần lấy lại được sự tự tin. Với tinh thần kết thúc bữa ăn để cả hai cùng đến quán café quen thuộc, lần đầu tiên kể từ khi cả hai quen nhau, anh đề nghị được trả toàn bộ tiền, như một lời mời, một sự quan tâm đặc biệt tới cô. Và trái tim anh lại thêm một lần nghẹt thở nữa khi anh nghe cô nói: “Đừng anh, hãy để anh và em cùng chia nhau như mọi lần. Anh ơi, em muốn nói điều này, anh không phải là đối tượng trả tiền cho toàn bộ các bữa ăn như thế này của em đâu anh. Anh nhé! Hãy chia nhau đi. Mình sẽ chơi với nhau được lâu dài anh ạ!”.

Lúc bước ra khỏi quán ăn, anh thấy trong mình một cảm giác thất vọng hơn bao giờ hết. Hít một hơi thật sâu, anh tự an ủi rằng dù thế nào, anh cũng vẫn còn một cô em, một cô bạn gái tốt bụng, xinh đẹp và thông minh. Ít ra thì cũng là như vậy!



Thứ Ba, 20 tháng 9, 2011

KHÔNG VỘI ĐƯỢC ĐÂU!



Tôi thường xuyên lái xe đi làm hàng ngày. Vì cứ phải chầm chậm đi theo các con đường đông nghịt người của Thủ đô nên lâu dần, tôi có thói quen quan sát những xe bên cạnh. Có thời kỳ, tôi rất thích thú ngắm những chiếc xe độc đến từ Anh, Mỹ, Đức. Có lúc lại quan tâm nhiều đến những chiếc xe độ. Rồi để ý đến người lái xe…

Gần đây nhất, tôi phát hiện ra những dòng chữ được những chủ xe ghi cảnh báo xung quanh xe. Cũng độc đáo không kém gì bản thân những chiếc xe mà nó còn mang đến cho người đi đường phút giây thư giãn, thỏa mái. Chép ra đây vài slogan như vậy để mọi người cùng đọc. Bạn nào có điều kiện thì chịu khó bổ xung nhé!

XE NỮ LÁI MỚI
Câu này chắc là để nhắc nhở rằng người lái là nữ, mới lái. Bố nào chiều vợ, chiều người yêu thế không biết chứ!

MỚI LÁI, XIN HẾT SỨC THÔNG CẢM!
Bác nào nhát thế chứ. Đã trương ra cái biển mới lái lại còn mong mọi người hết sức thông cảm nữa.

CỨ TỪ TỪ!
Tất nhiên là phải từ từ rồi. Phố đông như kiến cỏ thế làm sao mà đi nhanh được.

ĐỪNG…!
Đừng đâm vào đuôi xe tôi. Đừng hấp tấp mà tai nạn. Đừng cáu nếu phải chờ đợi. Đừng gì nữa nhỉ?

XIN ĐỪNG HÔN TÔI!
Câu này được dùng từ lâu, từ thời bao cấp thì phải. Lời nhắc nhở nhẹ nhàng và vui tính.

CÒI TO CHO VƯỢT!
Câu này cũng lâu rồi. Chứ thời buổi này, ai khuyến khích bóp còi to nữa đâu!

HÀ NỘI, KHÔNG VỘI ĐƯỢC ĐÂU!
Câu này mới nhất. Mới nhìn thấy sáng nay. Vui phết! Lời nhắc nhở mọi người là Hà Nội đông lắm. Đi đứng không vội được đâu.



Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2011

11 NĂM VÀ 3 THÁNG



Hôm ấy là một ngày của Mùa Hè đã từ rất xa, sau buổi tập văn nghệ ở trường về, cô cùng anh hẹn nhau ăn kem bên bờ Hồ Tây lộng gió. Lúc dựng xe, vô tình, anh vít một cành cây đang rủ trước mặt làm cô giật mình, ngả đầu vào ngực anh. Mùi thơm như gió thoảng từ mái tóc dài óng mượt của cô khiến anh ngây ngất. Cảm giác không thể nào quên được.

Thời gian ngắn sau, cô nhận lời yêu anh. Khi nhắc lại kỷ niệm lần hẹn nhau bên bờ Hồ Tây hôm ấy, họ cùng ước hẹn rằng sẽ lấy ngày ấy làm ngày tình yêu của cả hai, cái ngày đầu tiên họ yêu nhau. Cô hứa với anh rằng, dù mai sau có vật đổi sao dời thế nào cô vẫn cũng sẽ chỉ yêu anh và lấy anh mà thôi.

Lời hứa ấy, cô chẳng bao giờ quên, dù đã hơn 11 năm trời đằng đẵng. Dù đã bao biến động mà cả hai phải trải qua. Dù cũng đã không ít lần sóng gió.

Học xong phổ thông, họ cùng nộp đơn thi vào đại học. Cả hai đều không đậu. Cô xin vào học một trường trung cấp thương mại. Ra trường, cô làm nhân viên bán hàng của một siêu thị. Thời gian sau, qua bạn bè giới thiệu, cô đến làm việc ở một công ty xuất nhập khẩu văn hóa. Công việc và thu nhập không thể nói là mỹ mãn nhưng yên bình và tốt đẹp.

Anh xin vào học một khóa về sửa chữa ô tô-xe máy. Tốt nghiệp khóa học, anh vào làm việc cho một xưởng sửa chữa ô-tô tư nhân. Thu nhập tùng tiệm, đủ cho nhu cầu của một chàng thanh niên trưởng thành. Hàng tuần, cứ chiều thứ 7, sau khi tan xưởng, anh về nhà cơm nước, thay đồ. Tối đến xách chiếc xe máy tầm tầm chở người yêu đi chơi.

Vài năm qua đi. Hai bên gia đình đều bóng gió nói đến chuyện cưới xin. Cả hai mới giật mình nghĩ tới bao nhiêu mối lo. Nào nhà cửa, gia đình, con cái, xe pháo, tích lũy… mà với thu nhập hiện tại, không sao có thể lo được. Từ đấy, ý tưởng về hướng đi khác của cuộc đời luôn luôn nung nấu trong anh.

Rồi qua bạn bè, họ hàng giới thiệu, anh đầu quân đi thi làm thợ bậc cao cho một công ty của Úc. Lời hứa hẹn của nhà tuyển dụng từ Úc rằng nếu được sang bên ấy, chỉ 2 năm sau, anh sẽ được đón vợ sang, sẽ được vay tiền mua nhà và với một số điều kiện nhất định, anh sẽ được định cư. Tất nhiên, khi đó thì vợ anh cũng sẽ được tiêu chuẩn ấy.

Suy đi tính lại mãi, anh đầu quân cho công ty ấy. Qua vài vòng tuyển dụng, anh đạt yêu cầu. Ngày lên đường, cô tiễn anh ra tận sân bay. Nắm chặt tay anh, cô nói: “Anh đi yên tâm. Đừng lo gì ở nhà cả. Em sẽ chờ anh về cưới em. Cứ đi đi anh nhé! Em biết anh đi là vì em mà!”.

Năm đầu tiên qua đi. Anh lao vào công việc. Tiền làm ăn tích cóp, anh mua được chiếc xe hơi cũ. Quen vài mối làm ăn, anh bắt đầu liên hệ để thực hiện mục đích chính của mình là xin nhập tịch. Tiêu chuẩn thì có đủ rồi nhưng hình như vấn đề nhập tịch bắt đầu cho thấy có những dấu hiệu không dễ dàng.

Thời gian cứ thế trôi đi. Đã gần 4 năm kể từ khi anh đến Úc. Việc nhập tịch ngày càng khó khăn. Thậm chí gần như là không thể nữa. Anh ở thế ở cũng dở mà về cũng không xong. Lo cho người yêu sang thì lại càng mịt mờ. Chẳng biết làm thế nào, anh đành viết thư về cho mẹ: “Mẹ ạ, chắc là việc của chúng con không xong rồi. Con vẫn phải ở lại đây và chưa biết đến khi nào về. Bạn con thì không nên chờ nữa mẹ ạ! Mẹ cũng là phụ nữ, mẹ biết phải nói với bạn con thế nào. Mẹ giúp con nhé!”.

Ít lâu sau, cô có một người bạn trai mới. Anh ngỏ lời lấy cô chỉ sau 3 tháng quen nhau. Cũng chẳng biết nên quyết định thế nào nữa. Gia đình thì thúc ép. Bạn bè cũng khuyên can. Cuối cùng cô gật đầu đồng ý. Ngày ra phường đăng ký, cô như người đi trên mây. Chẳng biết mình nghĩ gì, đang làm việc gì nữa. Tình yêu trong cô đã chết từ lâu sau nhiều tháng năm dài mỏi mòn chờ đợi.

Hôm trước ngày cưới, cô vẫn cười nói với tất cả mọi người nhưng ít ai biết được trong cô đang thật nhiều giông gió. Buổi tối hôm đó, thật muộn, cô ngồi tĩnh lặng trước bàn máy tính trong phòng riêng. Cô mở máy, click vào một địa chỉ email mà từ vài tháng qua cô đã không mở nữa. Lấy hết can đảm, cô viết vài dòng.

“Anh của em,
Ngày mai là ngày cưới của em. Có tin được không? Có thể tin được không rằng ngày cưới của em lại không phải cũng là của anh. Ngày mai em sẽ thuộc về người khác. Sẽ chẳng bao giờ là của anh nữa. Anh có nhớ chiều hôm đó ở Hồ Tây không? Đã hơn 11 năm rồi đấy. Anh có nhớ không?

Em chẳng có điều kiện quan tâm đến anh nữa. Anh nhớ giữ gìn sức khỏe. Làm lụng, dành dụm được chút ít lưng vốn rồi lo mà về anh ạ! Đừng lo cho em. Em tự lo được cho bản thân mình. Hôm trước em qua nhà, bác vẫn khỏe. Bác nhớ anh lắm. Chỉ muốn anh về lấy vợ thôi. Bác nói tiếc em vô cùng.

Ngày mai em sẽ thuộc về người khác. Đó là công việc mà một người con gái phải làm thôi anh ạ! Một công việc thôi. Anh cứ hiểu thế anh nhé!

Em của anh!”


Thứ Ba, 13 tháng 9, 2011

MƯỜI LĂM NĂM



Đang làm việc yên ổn với vị trí cán bộ chủ chốt của một công ty lớn trong ngành văn hóa, theo đề nghị của Lãnh đạo, anh lên đường vào Sài Gòn gây dựng Chi nhánh ở trong đó. Tuổi còn trẻ, lại năng động trong kinh doanh, anh xách va ly lên đường, bỏ lại vợ và con trai ở Hà Nội. Chút nuối tiếc ngậm ngùi rồi cũng qua đi. Vợ chồng an ủi nhau rằng giờ bay qua bay lại hai miền cũng dễ, tháng nào chẳng gặp nhau.

Vào Sài Gòn, anh làm tất cả từ đầu. Thuê văn phòng, tuyển nhân viên, mua sắm thiết bị, kết nối viễn thông… Nói tóm lại là làm mọi thứ để một văn phòng có thể hoạt động được. Ngày lăn lộn ở văn phòng, ăn trưa cùng nhân viên. Tối về cơm bình dân rồi vào phòng trọ ngủ. Công việc quen dần, thu nhập khấm khá, anh thuê hẳn phòng nhỏ trong một khách sạn để ở. Nhờ thế mà cuộc sống cũng đỡ chật vật.

Hồi đầu, tháng tháng anh ra Hà Nội một lần. Sau vì công việc ngày càng nhiều hơn, phần vì đã quen thông thổ với thành phố mới, các chuyến về nhà thưa dần. Các bar, nhà hàng… tiếng tăm của thành phố, hầu như không nơi nào anh không đến. Cuộc sống độc thân, lại có tiền, tối nào anh cũng đến đấy kiếm chén rượu, ngắm cảnh ngắm người.

Tiền kiếm được nhiều hơn. Người mới quen cũng nhiều hơn. Những nơi chốn xa hoa cũng được đến nhiều hơn. Rồi không biết từ lúc nào, anh thấy sợi dây ràng buộc với gia đình không còn bền chặt như trước nữa. Vợ anh dường như cũng hiểu. Chị chăm chút cho việc nuôi dạy đứa con trai khôn lớn, không hỏi han, ta thán điều gì.

Cái gì đến, sẽ phải đến. Anh chị không chia tay nhau nhưng sống ly thân. Họ coi nhau như hai người bạn. Có dịp anh gửi tiền về cho con trai. Nhiều tiền hơn, anh xây cho chị và con trai cái nhà mặt phố. Còn anh, anh cứ lần lượt sống với vài người phụ nữ, như vợ chồng, hay nói theo cách của thanh niên bây giờ, là còn hơn cả vợ chồng.

Mười năm năm đã trôi qua…!

Chi nhánh anh gây dựng, theo nhiều biến động của đời sống kinh doanh, đã không còn hoạt động nữa. Anh lại quay trở lại Hà Nội làm việc ở trụ sở chính của công ty. Công việc khác lạ. Một vài thế hệ cán bộ nhân viên đã đi qua. Anh không sao hòa đồng được với những người mới. Đành xin nghỉ hưu sớm. Ngày quyết định nghỉ, ngồi uống vài chén rượu với những người bạn thân, mắt anh mờ đi vì xúc động.

Mười lăm năm, từ bàn tay không gây dựng nên chi nhánh một công ty với biết bao thành công, để rồi từ đó, lại về lại tay trắng. Mười lăm năm, anh về lại mái nhà mình đã xây nên cho vợ con, tự thấy cuộc sống ít nhiều gượng gạo, đành chọn cho mình một nơi chốn khác. Mười lăm năm thật dài nhưng cũng thật ngắn ngủi. Vừa mới ngày nào mà đã như xa lắc xa lơ!

Mười lăm năm đã trôi qua…!