Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

NGÀY CỦA EM



Đang chưa có gì viết để tặng chị em blogger nhân ngày hôm nay 20-10 thì đọc được bài viết hay hay trên mạng Đàm Gia của mình. Có cái gì đó vui vui, mà lại giống phụ nữ ơi là giống. Nghĩ bụng có viết cũng chắc cũng chẳng hay bằng, bèn đưa lên đây làm quà tặng các bạn nữ nhà mình.

Chúc mọi người trẻ trung, xinh đẹp, năng động và thành đạt. Chúc những ước mơ đẹp nhất, những niềm hy vọng đẹp nhất, những mái tóc đẹp nhất, những bộ váy áo đẹp nhất, những đôi giày đẹp nhất sẽ luôn là của các bạn.


NGÀY CỦA EM

Hôm nay là ngày của em, em
muốn đi đâu?
Sao cũng được anh ạ! Tùy
anh!

Anh đưa em đi ăn nhé!
Em ăn ở nhà rồi

Hay mình đi xem phim nhé?
Em không thích xem phim
đâu...

Anh đưa em đi xem ca nhạc
vậy, đang có đêm nhạc Trịnh
Công Sơn...
Em chả thích nhạc Trịnh..

Hay đi uống cafe nhé!
Uống cafe tối mất ngủ chết,

Thì em uống sinh tố..
Thôi, em đang no...

Hay lên dạo bờ hồ?
Đi bộ mỏi chân lắm ..

Đi hát Karaoke nhé?
Có hai người đi hát ngại lắm.

Vòng xe đi lượn ngắm phố
phường vậy?
Ai lại đi lòng vòng trên đường
thế anh...

Hay thế này, thuê cái nhà nghỉ
tâm sự nhé!
Ơ cái anh này, lại vớ vẩn rồi...

Thế giờ... em muốn đi đâu...
Tùy anh thôi, em thế nào cũng
được !



Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

XÓM LIỀU



Hà Nội có một vài nơi được gọi là Xóm Liều. Một trong những nơi đó là “Quân Khu Thanh Lương-Thanh Nhàn”. Có lẽ đây là “quân khu” nổi tiếng nhất trong các Xóm Liều ở Hà Nội. Nhắc tới nó là ai cũng phải ngại. Nào cờ bạc, đĩ điếm, ma túy… Nghe thôi đã phát chán. Vậy mà hơn 6 năm liền, nhà tôi ở giữa cái thủ phủ của Xóm Liều này.

Vợ chồng tôi vốn ở nhờ nhà ông bà ngoại, rồi thì bạn bè, anh em. Dành được một món, chúng tôi quyết định mua đất xây nhà. Ngắm nghía đủ kiểu. Chỗ đẹp thì đắt quá, không đủ tiền. Chỗ đủ tiền thì lại xấu quá. Cuối cùng, không hiểu giời xui đất khiến thế nào, tôi ưng một mảnh đất ở Hồ Đình, nằm giữa Thanh Lương. Vợ tôi thoạt đầu không thích, nhưng rồi nghe tôi rỉ rả mãi cũng đành gật đầu.

Ngày xây nhà, cả xóm kéo đến xem. Cứ rí rách, lúc thì mất ít xi-măng, khi thì đi toi cái búa, cái đục. Thậm chí đến lúc vào ở rồi, nhà tôi còn mất cả cái quạt hút gió trên tận đỉnh nóc nhà. Được vài tháng, cái xe máy để ở khoảng sân trống trước nhà cũng bị người ta leo qua tường rào vào vặt trụi lủi cả cái cụm đèn và đồng hồ công-tơ-mét. Cả nhà tôi nản quá, nhưng thay đổi cả một cái nhà đâu phải chuyện dễ.

Tôi thường gửi xe ô-tô cách đấy chừng cây số. Mỗi chiều đi làm về là phải đi bộ, len lỏi qua những đám anh chị đang bài bạc, đầu-đít… để về nhà. Lần ấy, từ xa xa đã thấy một đám đang hò hét inh ỏi. Lúc tôi đến gần, một cậu nhảy ra chặn đường, chìa ra tờ giấy bạc và nói: “Chào đại ca, đại ca xem giúp em xem đây là số 1 hay số 4?”.

Đám này đang chơi đầu-đít. Tờ giấy bạc đã cũ, số 1 hay số 4 nhìn không rõ nữa. Tôi ái ngại: “Tôi xin lỗi, mắt tôi kém, chẳng may tôi nói sai, phiền các bạn lắm. Thôi, các bạn hỏi người khác đi!”. Cả đám thấy tôi nói thế cười ồ lên. Vẫn cậu đang cầm tờ bạc giải thích: “Báo cáo đại ca, thấy đại ca từ xa, bọn em đã nhất trí là thế này: Cứ đại ca nói số nào thì nó là số đó. Đại ca bảo số 1 thì nó là số 1. Đại ca phán số 4 thì nó là số 4. Kể cả đại ca không thèm nhìn vào hàng số này phán cũng được.

Tôi xác nhận với cả đám: “Có phải thật thế không?”. Tất cả đồng thanh trả lời: “Đúng thế! Xin đại ca phán cho một phát”. Tôi nhìn dòng chữ trên tờ bạc nói: “Theo tôi thì nó là số 1”. Nghe xong câu trả lời của tôi, vài bố nhảy cẫng lên rò hò. Mấy ông còn lại tiu nghỉu. Nhân tiện, tôi tranh thủ: “Nhà tôi ở đây, mọi người để ý giúp nhé! Dịp vừa rồi mất mấy thứ lặt vặt, vợ con tôi càu nhàu tôi ghê quá!”. Một ông nói: “Đại ca yên tâm! Lâu lâu cho đàn em bao thuốc lá là được thôi!”.

Lạ thay, từ bấy nhà tôi tuyệt nhiên chẳng mất vặt cái gì bao giờ nữa. Thú thật là tôi cũng không nhớ mặt hết cả đám chơi đầu-đít hôm ấy. Dăm bữa nửa tháng, nếu tiện, tôi lại dúi vào tay ông nào đó bao Vina. Vậy mà đâu ra đấy. Thế mới lạ.

Giờ thì tôi không còn ở đấy nữa. Nhà tôi đã bán và chuyển đến một khu đô thị sáng sủa hơn. Cứ mỗi lần có dịp đi ngang khu nhà cũ, buồn vì đã hơn 7 năm rồi mà cái khu vực ấy vẫn chẳng cải thiện được bao nhiêu. Nhớ lại nhiều chuyện, nhưng chuyện chơi đầu-đít của đám thanh niên hôm ấy là một trong những chuyện tôi nhớ nhất.



Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2011

GIỮA NHỮNG TIN NHẮN



Giật mình khi đọc bài viết với cái tít thật cuốn hút “Có phải chúng ta đang ngu đi giữa các tin nhắn?”. Bài viết công bố số liệu nghiên cứu của một Công ty nghiên cứu thị trường có tiếng tăm ở Hoa Kỳ, rằng học sinh trung học trung bình mỗi tháng nhắn chừng 4000 tin. Như thế mỗi ngày một em nhắn hơn 130 tin. Một con số kỷ lục.

Tác giả kể lại chuyện xảy ra khi dẫn đoàn học sinh tham quan một địa danh nổi tiếng, như là Kỳ quan Thế giới hiện đại. Tất cả các em học sinh trung học trong đoàn đều lăm lăm điện thoại và chúng hối hả nhắn tin, cũng như chờ đợi tin trả lời. Khi hướng dẫn viên nói về Kỳ quan này, tác giả phát hiện ra rằng hầu hết các em học sinh chỉ lắng nghe trong khoảng thời gian ngắn ngủi giữa hai tin nhắn.

Người ta ít khi đọc cái gì nữa vì những tin nhắn. Người ta không tập trung, không lắng nghe gì nữa giữa những tin nhắn. Người ta cũng chẳng suy nghĩ gì nữa giữa những tin nhắn. Cái chính là nhắn đi và chờ đời trả lời. Và khoảng thời gian giữa chúng người ta mới dành chút ít để lắng nghe. Phải chăng chúng ta đang ngu đi giữa những tin nhắn như vậy?

Ngu đi thì chưa chắc. Nhưng trở lên ngơ ngác hơn, trở lên thiếu tập trung hơn, dần dần hình thành thói quen không nghe ai cả, không đọc gì cả, chỉ lăm le chuyện phiếm thì là chuyện có thật, là chuyện chắc chắn.

Tôi để ý các bạn trẻ ở cơ quan tôi, ở những nơi tôi tiếp xúc và làm việc, hiện tượng nhắn tin như vừa nói ở trên là khá phổ biến. Có bạn hầu như cả ngày chỉ nhăm nhe nhắn tin và chờ đợi tin nhắn. Tôi đi đến một nhận xét rằng các bạn thuộc tuýp này rất thích dành thời gian cho chuyện phiếm, thích giao tiếp, thích bàn luận, nhưng là bàn luận và giao tiếp chuyện tầm phào không liên quan gì đến những vấn đề có ích lợi cụ thể.

Tin nhắn cuốn người ta đi, lấy mất của người ta rất nhiều thời gian và trí lực. Vậy mà hầu như chẳng đem lại cho người ta cái gì có ích lợi cụ thể cho việc học hành, lao động, tích luỹ kiến thức. Trên tinh thần ấy, liệu có thể vote một phiếu cho tác giả bài viết “Chúng ta đang ngu đi giữa những tin nhắn” hay không?