Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

CÓ GÌ ĐÁNG SUY NGHĨ KHÔNG?



Sau khi cuộc bình chọn Vịnh Hạ Long kết thúc, một trong những điều người ta quan tâm nhất là Tổ chức New Open World nhận được bao nhiêu tiền từ những người Việt Nam hăng hái nhắn tin? Theo thống kê, có cả thảy 24 triệu tin nhắn của người dân Việt Nam cho cuộc bầu chọn này. Phí nhắn tin 630 VND. Như vậy, tổng số tiền thu được từ những tín đồ háo hức nhắn tin gần 15,2 tỉ VND.

Cái bánh này được phân chia như sau: Tổ chức New Open World nhận 300 VND cho mỗi tin nhắn, nên sẽ được bỏ túi 7,2 tỉ VND. Theo một thỏa thuận từ trước là khoản tiền này không bao gồm thuế và phí, nên có thể nói thực chất là New Open World đã bỏ túi vào khoảng 8 tỉ VND. Phần nhà mạng cũng là 300 VND nên tổng số thu cũng là 7,2 tỉ VND.

Vậy thì ai được lợi hơn cả sau khi Hạ Long thân yêu của chúng ta được cái danh hiệu một trong 7 kỳ quan thế giới do chính chúng ta tự phong cho mình? Tất nhiên là mấy bác New Open World ăn đẫm nhất, sau đó là nhà mạng và các công ty tổ chức sự kiện vào hùa ăn theo.

Cũng nên biết thêm rằng hầu hết các quốc gia không ngăn cản nhưng cũng chẳng khuyến khích công dân của họ tham gia cuộc bình chọn này. Vì suy cho cùng, nó cũng chỉ là một trong nhiều trò chơi vô thưởng vô phạt của cư dân mạng mà thôi.

Có điều gì đáng suy ngẫm sau sự kiện này không nhỉ?



Thứ Hai, 21 tháng 11, 2011

PHÍ KỲ QUAN



Không hiểu sao, ngay từ đầu, tôi vẫn cứ gờn gợn cái vụ nhắn tin bình bầu để Vịnh Hạ Long trở thành một trong 7 kỳ quan của thế giới. Gờn gợn vì tôi cứ suy nghĩ đơn giản là tại sao người Việt mình nhắn tin, nhắn nhiều tin để danh thắng của chính người Việt mình trở thành kỳ quan của thế giới? Tức là mình tự hát rồi tự khen hay hay sao?

Gờn gợn thế nhưng không lẽ lại nói lời đi ngược lại khí thế hừng hực của cả cộng đồng đang hăng hái tiến về phía trước. Thế nên đành im lặng. Rồi kết thúc cuộc bình chọn, Vịnh Hạ Long cũng được lọt vào danh sách 7 kỳ quan thiên nhiên của thế giới hiện đại. Vui thì vui thật, nhưng tôi lại nghĩ giá mà cái danh hiệu kỳ quan ấy được thế giới bình chọn thì hay hơn là chính chúng ta nhắn tin để tự chọn cho mình.

Chiều nay, đọc tin thấy thông báo Maldiver đã xin rút khỏi danh sách bầu chọn vì bị nhà tổ chức đòi 500 ngàn VND tiền quảng bá, Indinesia cũng từ chối khoản 10 triệu USD tiền quảng bá. Bỗng giật mình thon thót vì không biết liệu chúng ta đã phải tốn gì nhiều cho chiến dịch bầu chọn vừa rồi hay không? Và càng giật mình hơn vì nhóm các chuyên gia cao cấp làm ra cái event bầu chọn này lại dược dẫn đầu bởi một cựu giám đốc của Tổ chức UNESCO, một tổ chức mà từ lâu Mỹ đã từ chối tham gia.

Có lẽ cũng đã đến lúc phải suy nghĩ thật kỹ về những chiến dịch tự mình chấm điểm và bầu chọn cho mình như thế này.



Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2011

SÁCH ĐIỆN TỬ



Một người bạn gửi cho đường link với lời nhắn rằng có ở trong này khoảng 10 ngàn đầu sách tiếng Việt. Có thể down về đọc thoải mái. Nhận link nhưng bụng bảo dạ, mấy cái đồ đọc miễn phí thì ăn thua gì. Chắc toàn những sách vớ vẩn, chẳng ai thèm xem.

Cuối giờ chiều rảnh rỗi, mở đường link bạn gửi. Đúng là dung lượng tròn 1GB và toàn bộ số đầu sách tầm 10 ngàn cuốn, được phân thành các chuyên mục rõ rang. Giật mình khi thấy đủ cả sách Đông Tây kim cổ.

Tiểu thuyết cổ điển nước ngoài có Ba Người Lính Ngự Lâm, Bác sĩ Zivago, Tội Ác Và Trừng Phạt… rồi các tác phẩm hiện đại như Trăm Năm Cô Đơn, Miền Đất Quả Vàng, Đất Dữ, Xa Mạc Tư Khoa, Đến Bờ Bến Mới… thôi thì đủ loại. Văn cổ muốn xem Bằng Đằng Giang Phú của Trương Hán Siêu bản dịch tiếng Việt, bản Nôm cổ… có hết, thậm chí là nguyên bản luôn.

Chỉ 1 GB thôi, đã gần 10 ngàn đầu sách, đủ một người ham truyện đọc cả đời không hết. Nhớ lại ai đó nói rằng tầm mươi năm nữa, báo giấy sẽ chết. Tin được hay không thì chưa biết, nhưng qua vụ sách điện tử này, chắc chắn sách in cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị thôn tính rất lớn.

Chợt thấy thương biết bao những cuốn sách mua được từ từng hào lẻ chắt chiu thuở còn cắp sách tới trường!



Thứ Ba, 15 tháng 11, 2011

FESTIVAL SEX



Không thể tin được một quốc gia “khắt khe” như Trung Quốc lại cho tổ chức Lễ hội Sex tại Quảng Châu hôm 12 tháng 11 vừa rồi. Lại càng không thể tin được đây là lần thứ 9 lễ hội này được tổ chức. Người ta làm gì, biểu diễn gì, trưng bày gì ở cái lễ hội đặc biệt này nhỉ?

Tại lễ hội, người ta sẽ tổ chức các cuộc triển lãm đồ dùng, thuốc uống và các biện pháp làm đẹp liên quan tới đời sống tình dục. Ngày đầu tiên, mở màn cho lễ hội là phần trình diễn của các nghệ sỹ đến từ nhiều quốc gia với đủ loại tiết mục đặc sắc như múa bụng, múa cột, khiêu vũ thoát y…

Cũng tại lễ hội này, người ta có thể tìm thấy những gian hàng trưng bày dụng cụ phòng the, đồ chơi dành cho người lớn, sản phẩm hỗ trợ và tăng cường năng lực tình dục cho phái mạnh… Với cách giới thiệu sản phẩm thật ấn tượng người mẫu trẻ mặc bikini tạo dáng khêu gợi.

Khách tham gia cũng có thể thưởng thức phần biểu diễn đồ ngủ sexy táo bạo với sự thể hiện của các hot girl đình đám. Những gương mặt quen thuộc với cư dân mạng Trung Quốc lần lượt xuất hiện trong lớp váy ren mỏng tang, trang phục xuyên thấu,gợi tình. Màn body paiting trực tiếp với sự tham gia của các người mẫu chuyên nghiệp chỉ mặc quần chip và niu bra màu da người đứng trên sân khấu khiến cho nhiều khách nam giới bỏng mắt.

Một thông tin khác, Trung Quốc hiện có 26 Nhà máy liên doanh chuyên sản xuất dụng cụ phòng the để xuất đi khắp thế giới. Đầu tiên các nhà máy này chỉ được phép xuất khẩu nhưng từ vài năm nay, họ được bán ở thị trường nội địa với một vài điều kiện quản lý kèm theo.

Ước một ngày nào đó có thể tổ chức được ở Việt Nam lễ hội này. Và một ngày nào đó, các hot girl và hot boy của chúng ta được tự do biểu diễn các tiết mục yêu nhau để đông đảo khách tham gia có thể xem và cuồng nhiệt cùng họ.

Sẽ hỏi xem phải xin phép ai? xin phép cơ quan nào để có thể mang được cái lễ hội này về Việt Nam? Tin chắc rằng với xu thế cởi mở hiện nay, khả năng được phép là rất có thể.



Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2011

NHỮNG NGÀY ĐÃ QUA



Hàng ngàn tấm ảnh được anh lưu giữ không biết tự bao giờ. Những ngày đầu tiên quan tâm đến chụp ảnh. Hiệu ảnh nhỏ ở thị trấn quê anh. Một tấm hình đen trắng kỷ niệm ngày học lớp 9 trường huyện. Dịp hè, anh xin đi làm phó nhỏ thợ mộc. Lần đầu tiên có được ít tiền, anh ghé vào hiệu ảnh chụp một "pô". Vậy mà 36 năm đã trôi qua!

Rồi công trường trạm bơm Tân Chi ngày ấy. Những buổi tối hò đối đáp. Cô bạn gái mới quen. Hôm chia tay để về thi đai học, anh có chụp với cô và các bạn một tấm. Giờ đâu rồi ấy nhỉ? Đã lâu lắm rồi chẳng thấy nó nữa. Mất rồi, mất vĩnh viễn rồi chẳng thể nào tìm lại được.

Đây là tấm hình chụp cùng với công nhân đào than lậu khi đi viết bài về Than Thổ Phỉ. Kia là tấm chụp ở thượng nguồn Sông Lô với bài Mùa Đông Thứ Hai Ở Hà Giang. Tấm này hồi đi làm Tạp Chí Biển... Và biết bao nhiêu tấm hình khác nữa.

Hồi ấy, phim Kodak mỗi cuộn 36 kiểu. Cứ mỗi đợt công tác anh lại làm vài cuộn. Phim tráng xong mang rửa, đăng báo một vài tấm, còn thì giữ lại. Lâu lâu xem, cũng thấy ít nhiều thú vị. Về sau, máy ảnh kỹ thuật số ra đời, chẳng ai đi rửa ảnh làm gì nữa. Những tấm ảnh lưu giữ vì thế ít dần.

Nhưng vẫn còn cả trăm tấm từ khi công ty của anh bắt đầu...

Tấm ảnh về những ngày đầu tiên gian khó. Những nhân viên đầu tiên, giờ đã chẳng còn ai ở lại cùng anh nữa. Đã có gần một chục người thành đạt ở các lĩnh vực khác nhau. Ảnh hội nghị khách hàng, ảnh đại hội công đoàn, ảnh nhận bằng khen của Bộ, của Thành phố, ảnh những chuyến nghỉ hè của công ty... Lâu quá rồi, đã gần 15 năm trôi qua. Nhiều cô nhân viên xinh đẹp giờ đã là bà mẹ 2 con. Nhiều chàng trai giờ đã thành những ông bố thật đạo mạo.

Thời công nghệ hiện đại, lưu giữ ảnh chẳng cần những tấm hình như thế này nữa. Anh chọn lọc mãi, chọn lọc mãi, giữ lại cho mình hơn trăm tấm, còn thì đành bỏ đi. Những ảnh tư liệu, ảnh phong cảnh, ảnh pic-nic, đành thế vậy. Chỉ có những con người, không, chính xác hơn là những người bạn thì cất lại.

Có 3 thứ không bao giờ trở lại: Tên đã bay, lời đã nói và những ngày đã qua!