Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

MIẾNG MỒI CỦA TRUYỀN THÔNG



Vụ tóm được quả tang các em người mẫu, sinh viên bán dâm có vẻ làm cho nhiều người hả hê. Thế là hai năm rõ mười rồi. Từ nay hết chối bay chối biến. Cứ làm ra vẻ cao sang lắm ấy. Rồi cũng phải bán vốn tự có thôi. Đừng có mà lên mặt nữa nhé!

Nhưng rồi qua vài ngày hả hê, người ta bống phải bình tĩnh mà nghĩ lại: Cái vụ dở hơi này như thế nào nhỉ? Một số người không hài lòng khi nếu đích danh, thậm chí đưa cả hỉnh ảnh cô người mẫu lên mặt báo. Làm như thế là ác quá, chặn hết cả nẻo về của người ta. Cuộc đời, ai chẳng có lỗi lầm. Gì thì gì, cũng phải chừa cho người ta một con đường chứ!

Một số người khác lại yêu cầu phải đưa cả tên tuổi đại gia nào đã mua dâm mới công bằng. Đã lên án thì sao lại chỉ lên án người bán được, phải lên án cả người mua nữa chứ. Phải cho các bố lắm tiền nhiều của một phen ê mặt thì mới chừa cái thói xấu ấy. Không có người mua, làm sao các em ấy bán được!

Tôi lại nghĩ khác.

Mại dâm là tệ nạn, nếu chúng ta cứ nhất định phải gọi đó là tệ nạn, đã có từ ngàn năm nay, và tôi đoan chắc rằng nó cũng sẽ tồn tại thêm cả ngàn năm nữa. Nó chỉ mất đi khi con người hết nhu cầu về khoản đó mà thôi. Nếu chúng ta cứ cương quyết dẹp bỏ nó thì nó sẽ ẩn mình vào bóng tối với những giao dịch bán-mua mờ ám. Bệnh tật sẽ có cơ hội lan truyền. Thói xấu, lừa đảo, chăn dắt cũng sẽ có dịp phát triển.

Vậy tại sao chúng ta không quản lý nó? Tôi nhớ đã có lần một vị đại biểu quốc hội từng đề cập đến vấn đề này nhưng rồi sự việc chưa đi đến đâu. Bắt các em đăng ký, có giấy khám bệnh, giấy chứng nhận sức khỏe… để quản lý cho tốt. Công khai một khu vực nào đó cho phép hành nghề. Tôi còn nhớ ai đó từng nói: “Cái tốt được quản lý sẽ tốt hơn. Còn cái xấu, nếu quản lý chặt cũng sẽ bớt xấu đi”.

Làm như thế, chúng ta sẽ khỏi phải tranh luận xem việc đưa tên và hình ảnh các em lên mặt báo là nên hay không nên? Rồi vì sao không đưa cả tên tuổi người mua lên mặt báo cho công bằng với các em ấy? Và cũng chẳng ai phải băn khoăn, thương cảm khi một vài trường hợp quá đáng đang bị làm mồi ngon cho giới truyền thông xâu xé như hiện nay.



Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

1 THẾ KỶ QUẢNG CÁO VIỆT




Các bạn đồng nghiệp báo Đất Việt có một sưu tầm thật thú vị, đó là các mẫu quảng cáo được in trong một tờ tạp chí xuất bản từ năm 1927 tại Việt Nam. Đã gần một thế kỷ trôi qua, nhiều mẫu quảng cáo trong số này có thể vẫn được xem là bài học giá trị cho các CD (Creative Director) ở các công ty quảng cáo và truyền thông ngày nay. Mẫu phía trên là maquet quảng cáo xưởng ảnh của ông Khánh Kỳ thành lập ở Hà Nội năm 1907. Rất ấn tượng!

1- Trung tâm Mua sắm Charner ở Sài gòn. Ngày nay, bạn có thể tới Charner Cafe trên đường Nguyễn Huệ để nhớ về cái tên này, dù có lẽ chúng chẳng liên quan gì đến nhau nữa.





2 - Nước ngọt đóng chai, một sản phẩm đồ uống thời thượng ngày ấy. Bây giờ thì cũng chưa hết mode nhưng nhiều người, đặc biệt là phụ nữ đã không còn thích thú nữa.





3 - Trụ sở Tổng Công ty Tài chính thuộc địa Pháp, môt kiến trúc đặc trưng của Pháp. Tôi không biết tòa nhà này bây giờ ở đâu? Thật tiếc!





4 - Công ty Brossard và Mopin, Công ty tài chính lâu đời nhất xứ Đông Dương.





5 - Chiếc ô Tây, một thứ hàng hiệu xa xỉ ngày ấy. Tú Xương còn có cả một bài thơ Ô Tây rất hay. Mẫu quảng cáo này thật đáng học hỏi!





6 - Maquet quảng cáo Khách sạn Cung điện Labiang ở Đà Lạt. Có lẽ minh họa ấn tượng lại là thú đi săn thì phải!





7 - Siêu xe thời thuộc địa được quảng cáo như thế này. Xa hoa và diêm dúa. Nhưng chắc cũng chằng là gì so với siêu xe của các đại gia bây giờ.





8 - Mẫu quảng cáo của Hãng dược phẩm Louis Sarreau thành lập năm 1920. Các đại gia dược bây giờ cứ nên bắt chước style này mà làm maquet cũng khá hiệu quả đấy chứ!





9 - Maquet quảng cáo một số mặt hàng thịt tươi sống. Hơi thô, nhưng hiệu quả!





10 - Cái này thì hơi xa lạ nhưng lại là một trong những sản phẩm xuất khẩu đặc trưng của chúng ta hiện nay: các mặt hàng cao su, làm từ cao su tự nhiên.





11 - Quảng cáo Nhà băng Đông Dương. Đơn giản, trang nhã và hiệu quả!





12 - Maquet quảng cáo một cửa hàng đồ cổ. Rất ấn tượng và hoàn toàn có thể sử dụng không cần chỉnh sửa cho thời đại ngày nay.






Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012

NỘP ĐƠN LẤY CHỒNG



Hàng ngàn lá đơn của các cô gái đồng trinh gửi vào một Câu lạc bộ để xin được lấy chồng. Sự việc có vẻ lạ kỳ, nhưng thực ra thì cũng không có gì khó hiểu lắm. Câu lạc bộ ở đây là Câu lạc bộ của các đại gia nhiều tiền lắm của. Thành viên của nó là những ông chủ giàu có, đang sống độc thân và nhiều người trong số đó đang muốn lấy vợ.

Các quý ông này bận bịu quá, không có thời gian để đi tìm các em gái trẻ đẹp. Nhiều ông mải làm ăn, mải cái gì nữa thì chẳng biết, từ lâu đã quên cả việc phải cưa cẩm một em như thế nào. Thôi thì đành thành lập ra một bộ phận nhân sự chuyên lo việc này. Thế là người ta bắt đầu gửi thư quảng cáo, thư mời đi khắp những nơi có thể. Chẳng mấy chốc mà bộ phận đã nhận được cả ngàn lá đơn.

Nghe đâu, việc tuyển chọn phải qua 5 vòng khá nghặt nghèo. Tất cả các cô sau khi qua 5 vòng tuyển sẽ được chuyển toàn bộ cho các ông chủ xem. Họ chọn ai thì bộ phận nhân sự sẽ bố trí buổi gặp mặt giữa 2 người để “chốt hạ”.

Câu chuyện trên đây cho ta thấy điều gì? Người ta có thể dành rất nhiều thời gian cho công việc, cho làm ăn, cho kiếm tiền. Nhưng để dành thời gian cho tình yêu, cho chuyện vợ chồng thì không phải ai cũng có thể, nhất là các đại gia.

Ai đó nói lấy nhau mà không có tình yêu thì không có hạnh phúc. Có thật thế không, khi mà người ta có thể lấy nhau chỉ bằng một lá đơn nộp cho bộ phận nhân sự?



Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

BẠO HÀNH TÌNH YÊU



1

Người vợ bị chồng nghi ngoại tình cùng lúc với 5 người đàn ông, đã mang ra tra tấn suốt nhiều ngày liền. Anh ta đánh vợ bằng đủ những thứ gì vớ được từ ống nước, thắt lưng, cán chổi, đến ghế gộc, que sắt, cán dao. Bị đánh tới liệt giường liệt chiếu, tới nguy hiểm đến tính mạng mà anh chồng vũ phu vẫn không thôi.

Những trận đòn thù như vậy đã liên tục nhiều năm và có truyền thống. Nhưng lần này là ghê gớm nhất, hậu quả nặng nề nhất.

Hàng xóm, người thân, hội phụ nữ… đã bằng mọi cách cứu chị vợ ra khỏi cơn bạo hành mất nhân tính, đưa chị đến bệnh viện chữa bệnh, rồi đến nhà tình thương để lánh nạn. Chồng bị bắt, bị truy tố.

Bỏ mặc tất cả những lời khuyên can của người thân, lời tư vấn của hội phụ nữ, lời phân tích lý-tình của luật sư, của hết thảy những ai quan tâm, chị vợ vẫn tha thiết… xin tha cho chồng để hai vợ chồng được nhanh chóng về đoàn tụ. Đã nhiều lần xin như vậy, đã nhiều lần đoàn tụ như vậy, để rồi đã nhiều lần bạo hành cứ nối tiếp xảy ra, mà lần sau, bao giờ cũng tàn khốc hơn lần trước.

Nhưng kệ, chị vẫn kiên trì xin như thế….

2

Hai vợ chồng đã sống với nhau được hơn 20 năm. Đã có với nhau hai mặt con đủ nếp tẻ. Con lớn cũng đã 18 tuổi. Vậy mà liên tục trong những năm đó, chị cứ ăn đòn của chồng như vồ đập đất. Đi làm về chậm: Đánh! Đi chợ về quên mua đồ nhậu: Đánh! Chồng đi nhậu về muộn, vợ cằn nhằn: Đánh! Cứ liên tục “năm ngày ba trận” như vậy.

Lần này là lần khủng khiếp nhất. Chồng treo ngược hai chân vợ lên, cứ thế là đập, đập gãy cả cánh tay, hộc cả máu mũi. Các con lao vào can thiệp cũng không xong. La hét báo hàng xóm sang cứu, hàng xóm sang cũng chẳng ăn thua gì. Báo công an đến, anh chồng mới chịu thôi.

Người ta đưa chị đi khám thương. Công an bắt giam anh chồng vũ phu để làm án, đưa ra xét xử. Ngay cả hai đứa con cũng một lòng đề nghị cơ quan công an giam bố không thì mẹ cháu chết mất. Người ta đã làm mọi thứ có thể để ngăn chặn tội ác, nhưng làm không được. Nguyên nhân cơ bản lại xuất phát từ chính người vợ.

Nằm viện điều trị hơn 1 tuần, về nhà là chị làm đơn xin ngay cho chồng được tại ngoại, xin không truy cứu trách nhiệm hình sự. Cơ quan công an bó tay, dọa nạt anh chồng mấy câu rồi đành làm thủ tục cho về.

3

Những câu chuyện như thế vẫn xảy ra hàng ngày ở đâu đó trên đất nước mình. Chúng ta vẫn hô hào chống bạo lực gia đình, đẩy lùi cái ác. Nhưng liệu có chống được không nếu cái ác vẫn được bao bọc, vẫn được cưu mang bởi chính những người phụ nữ, những nạn nhân của tội ác này?

Có người bảo đó là lòng vị tha vô bờ bến của tình yêu. Người khác lại bảo đó là sự ngu ngốc đang đồng lõa cùng cái ác. Quan niệm nào là chính xác?

Và chúng ta phải đặt tên nó là gì cho đúng với bản chất của sự việc đây?



Thứ Hai, 14 tháng 5, 2012

QUẢ NGỌT CHO MAN XANH



Tôi chưa thấy một mùa giải nào ở 5 giải quốc gia hàng đầu Châu Âu lại kịch tính như giải Vô địch bóng đá Anh mùa này. Kịch tính đến trận cuối cùng, hiệp đấu cuối cùng và phút cuối cùng.

Trận cuối cùng, chỉ cần thắng đội gần cuối bảng thôi là Man Xanh sẽ vô địch. Ai cũng nghĩ thắng lợi là hiển nhiên. Nào là lợi thế sân nhà Etihad, nào là sự vượt trội về đẳng cấp và cả đội hình gồm nhiều hảo thủ trong mơ. Nào là cả mùa này thì 18 trận trước đá sân nhà thắng 17 trận, chỉ hòa 1, chưa thua trận nào.

Vậy mà vào trận, mãi chẳng ghi được bàn. Đã thế, bên sân The Light, MU lại đang có bàn thắng. Cứ giữ nguyên như thế, Man Xanh sẽ tèo. Rồi thì bàn thắng cũng được ghi. Man Xanh dẫn 1-0. Vui chưa được bao lâu thì vào đầu hiệp 2, đội khách đã gỡ hòa. Ít phút sau, Man Xanh lại còn được đá hơn 1 người. Loắng ngoắng thế nào để đội khách ghi thêm bàn nữa, thành ra lại bị dẫn 2-1.

Thế là cứ đá và đá. Đá mãi, sút mãi, không tài nào ghi được bàn gỡ hòa chứ đừng nói chiến thắng. Thật không thể nào hiểu nổi. Giữ bóng tới hơn 80%. Chỉ đá hầu như nửa sân. Vậy mà không sao ghi được bàn thắng.

Hết giờ thi đấu chính thức. Chẳng có gì khả quan hơn. Vẫn thế! Vẫn đang bị thua 2-1 như thế. Ở sân The Light phía bên kia, sau phút bù giờ thứ 2, MU đã rời sân với chiến thắng 1-0. Họ giỏng tai lên nghe tin từ bên này. Thời gian bù giờ là 5 phút, 2 phút đã trôi qua rồi. Đến phút thứ 3. Dzecko đánh đầu gỡ hòa 2-2. Cổ động viên MU ở The Light thót tim, nhưng vẫn chưa có gì sợ. Tỉ số hòa 2-2 thì Man Xanh vẫn “chết”.

Nhưng rồi phút bù giờ thứ 4, Baloteli, dù đã ngã, vẫn cố hết sức gạt bóng tới chân đồng đội ở vị trí thuận lợi. Aguero chỉnh bóng một nhịp, sút tung lưới đối phương. Dấu chấm hết cho những nỗ lực của MU. Ở The Light, MU nín lặng, không thể nào tin được.

Cũng như nhiều triệu tín đồ bóng đá trên toàn thế giới, tôi mong muốn Man Xanh chiến thắng, đơn giản chỉ vì không muốn MU già cỗi và ít đổi mới cứ vô địch mãi. Vì thế, cũng như nhiều cổ động viên Man Xanh, tôi mong muốn họ chiến thắng, nhưng đúng là không thích một tí nào cái cách chiến thắng của họ. Nó làm cho tất cả những ai yêu mến bóng đá hồi hộp đến nghẹt thở và tiềm ẩn nguy cơ đau tim.

Bạn đừng bao giờ tuyệt vọng. Đừng bao giờ bi quan, dù hoàn cảnh thực tế có tồi tệ đến đâu đi chăng nữa. Các cầu thủ của Man Xanh, với lòng quả cảm vô song, đã chiến đấu đến tận phút cuối cùng, giây cuối cùng và niềm hy vọng cuối cùng để giành chiến thắng.

Tôi thích Mancini của Man Xanh, thích Guadiola của Barca, những huấn luyện viên tài năng nhưng đặc biệt khiêm tốn, ít nói về mình. Ngay khi trận đấu kết thúc, trả lời phỏng vấn kênh Sky Sport HD, Mancini nói: “Tôi không biết phải nói gì vào lúc này. Bởi vì bản thân tôi còn đang chưa hiểu chuyện gì vừa xảy ra. Chức vô địch của Man City thật ngọt ngào và tôi xin tặng nó cho các cổ động viên của Man City, những người đã phải chờ đợi quá lâu để có nó”.



Thứ Năm, 10 tháng 5, 2012

SUKHOI SUPERJET GẶP NẠN



Chiếc máy bay phản lực dân dụng được cho là tối tân của Nga Sukhoi SuperJet 100 gặp nạn ở Indonesia. Nghe nói 50 người, gồm cả phi hành đoàn 8 người Nga đã thiệt mạng. Chuyến bay biểu diễn của Sukhoi trong hành trình giới thiệu với khách hàng Châu Á. Theo đó, sau khi kết thúc chuyến bay biểu diễn này, Sukhoi sẽ về Việt Nam để bay giới thiệu với Việt Nam và Lào.

Thông tin trên khiến tôi nhớ lại vài kỷ niệm liên quan đến máy bay Nga.

Ngày trước, phổ biến nhất trong dòng máy bay dân dụng ở Việt Nam là TU-130, TU-134 của Nga. Hầu như, hình như không phải hầu như nữa, mà là không hề có bất kể một máy bay Boeing hay Airbus nào. Mãi sau này, khi bắt đầu mở cửa, chúng ta mới có Boeing và Airbus.

Có lần tôi hỏi một người bạn làm ở Vietnam Airlines rằng có phải máy bay Nga không an toàn bằng Airbus và Boeing không, thì được anh giải thích rằng không hề. Đó chỉ là sự kỳ thị rơi rớt lại của thời kỳ chiến tranh lạnh mà thôi. Anh nói rằng một khi đã đạt tiêu chuẩn của ICAO, tôi không nhớ chính xác tên này có phải là Tổ chức Hàng không Quốc tế hay không, thì các loại máy bay là an toàn như nhau.

Tôi tin là như vậy, nhưng hồi đó, vì công việc, tôi hay phải tiếp xúc với các bạn Việt kiều về quê tìm hướng làm ăn. Rất nhiều anh chị Việt kiều khi ra phòng vé đều đưa ra yêu cầu là chỉ đặt chuyến nào bay bằng Airbus hoặc Boeing. Nghe có vẻ không tin, nhưng quả thực hồi đó rất nhiều người có yêu cầu như vậy.

Cá nhân tôi thì không đến mức ấy, nhưng có lần từ Quảng Châu về Hà Nội, tôi được đi trên máy bay TU-134 của Nga. Ngồi cạnh cửa sổ, nghe tiếng máy bay như bộc phá nổ bên cạnh, rồi nhìn những mảnh nhựa cạnh cửa sổ cứ rung lên bần bật, kêu rèn rẹt cũng thấy hơi bị hãi. Nhưng nghĩ lại lời cam kết của anh bạn nên cố xóa đi ấn tượng nói trên.

Sau tai nạn ở Don Muang Thái Lan năm 1988 một thời gian, Vietnam Airlines, lúc đó là hãng hàng không duy nhất của Việt Nam, tuyên bố thay toàn bộ đội bay, không dùng máy bay của Nga nữa. Tôi không biết quyết định thay thế này có phải do máy bay Nga không an toàn bằng các loại máy bay mang quốc tịch Mỹ và Pháp hay không?

Người Nga đã có nhiều thành công trong lĩnh vực hàng không. Họ là người đầu tiên phóng Spunick vào quỹ đạo, đưa Lunakhot lên mặt trăng. Nhưng xem ra, còn nhiều vất vả lắm mới có thể giành được lòng tin của thế giới này trong lĩnh vực hàng không dân dụng.