Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2011

PHÍA SAU LỖI LẦM



Hình ảnh về hai anh công an, một là Cảnh sát cơ động, một là Cảnh sát giao thông, đánh lộn nhau giữa phố, được một người dân quay lại và đưa lên mạng. Đó là đoạn video clip mà cộng đồng mạng xôn xao mấy ngày nay.

Hậu quả của nó là anh cảnh sát giao thông thì tạm thời phải nằm trực ở cơ quan để phục cụ cơ quan điều tra làm việc. Còn anh cảnh sát cơ động thì bị khai trừ khỏi Đảng, bị tước quân tịch công an nhân dân và bị khởi tố, tạm giam 2 tháng. Phải nói là vô cùng nặng nề!

Tôi không bình luận gì về lỗi lầm của ai và tội lỗi ấy đến đâu. Việc đó đã có các cơ quan pháp luật lo và chắc chắn sẽ làm tốt. Điều tôi day dứt mãi lại bắt đầu từ một chi tiết nhỏ. Đó là người bố của anh cảnh sát cơ động. Ông cũng là một sĩ quan công an của một đơn vị nào đó thuộc Bộ Công an.

Sau khi vụ đánh lộn xảy ra, anh cảnh sát cơ động chạy về nhà mách bố. Cả hai bố con cùng phóng xe đến Trụ sở của Đội Cảnh sát giao thông, nơi làm việc của anh cảnh sát giao thông kia để làm cho ra nhẽ. Tại đây, có vài lời to tiếng, xô xát. Sau đó, người ta tước được con dao bấm của anh cảnh sát cơ động. Tôi nghĩ, to chuyện nhất chính là chi tiết này.

Nếu bố của anh cảnh sát cơ động biết kiềm chế bản thân mình và con mình, ông sẽ xử sự thế nào nhỉ?

Chắc chắn là ông sẽ không cùng con lên “chiến đấu” tiếp với anh cảnh sát giao ngay tại trụ sở của anh ta như thế. Ông sẽ yêu cầu con mình ở nhà, để bản thân mình đến xin lỗi anh cảnh sát giao thông và cấp trên của anh ta. Dù bất kể trường hợp nào, đánh lộn với cảnh sát đang làm nhiệm vụ là điều không thể chấp nhận được. Hơn nữa, là sĩ quan trong ngành, ông hẳn biết rõ hậu quả trầm trọng đến nhường nào của hành động thiếu kiểm chế ấy.

Tôi chợt nhớ đến bố tôi ở quê…!

Hồi chúng tôi còn nhỏ, ít khi nào va chạm với ai lắm. Nhưng nếu có va chạm với bạn bè, hàng xóm, bao giờ bố tôi cũng gọi ngay về. Ông đóng cửa lại, bắt anh em chúng tôi ngồi im và nghe trình bày xem lỗi tại ai. Và kỳ lạ thay, dù là lỗi hoàn toàn không phải từ phía chúng tôi đi chăng nữa, ông cũng giữ chúng tôi không cho ra ngoài để hầm hè tiếp. Bao giờ ông cũng nói: “Thôi con ạ! Các cụ ngày trước có nói “một sự nhịn là chín sự lành”. Mai mốt, bố sẽ nói chuyện với bố mẹ các bạn ấy!”.

Nghe cụ phân xử kiểu ấy, nhiều lần chúng tôi ấm ức lắm nhưng đành chịu. Lớn lên, tiếp xúc nhiều, va chạm nhiều, càng nhiều tuổi, chúng tôi càng nhận ra rằng nhường nhịn là điều rất nên làm, trong mọi trường hợp, đặc biệt là ở những nơi công cộng.

Ngẫm lại chuyện ngày trước, nghĩ về chuyện hôm nay, mới hay, phía sau lỗi lầm của những đứa con, dù muốn hay không, bao giờ cũng là một phần trách nhiệm không nhỏ của cha mẹ!



16 nhận xét:

  1. Ôi, sao dạo này các entry của A toàn lầm lỡ với lỗi lầm như thế đấy? Đọc xong mà cũng thấy... chột ý! hic!

    Trả lờiXóa
  2. cả cảnh sát, công an cũng thế này, thảo nào dân đen, cứ đụng đến là đâm, giết nhau để giải quyết.
    Thương thay cái xh này :(

    Trả lờiXóa
  3. Đạo đức nghề nghiệp anh ạ. Nếu có điều đó thì sẽ không bị cảm giác 'có quyền lực' biến con người ta thành côn đồ.
    Em nói thật, cái clip này không phải là clip về các cá nhân trong ngành CA khiến cộng đồng mạng xôn xao nhiều nhất trong đợt rồi.

    Trả lờiXóa
  4. Đây gọi là văn hóa thích sân si : chửi cho sướng, đập cho hả, xong rùi xin lỗi nếu nó còn sống. Trường hợp, nó ngũm rùi thì tới case --> sự hối hận muộn màng.

    Trả lờiXóa
  5. Quả thực là em có tí bi quan như bạn Nặc danh kia, nhưng xã hội đúng là loạn, những người làm công việc giữ cho an ninh xã hội mà còn như thế thì không biết nói làm sao nữa !

    Người chồng cũ của em là một người rất thích giải quyết mọi chuyện bằng bạo lực, cứ xích mích với ai anh ta cũng muốn ăn miếng trả miếng, không đánh đấm được thì dùng thủ đoạn, rồi kiện tụng các kiểu. Em không hiểu tại sao có những người thích nuôi hận trong lòng đến thế, không biết là vì điều gì.

    Ngày trước, khi mới quen nhau, em còn là sv trường Luật, anh ấy là sv Bkhoa, trong lớp em có một chàng cũng để ý em và vì ở cùng KTX, nên hay tìm cách giúp đỡ em nhiều thứ. anh ấy thì ở xa, thỉnh thoảng đến thăm em, anh chàng kia ghen nên tìm cách gây gổ với lý do là anh í cố tình rọi đèn xe vào mặt... thế rồi sau đó anh í kéo cả một đội quân sv BK qua, phá cổng KTX trường em lúc nửa đêm, tìm cách xử anh kia :)). Kết quả là anh í phải xin lỗi Ban giám hiệu Trường em, làm ảnh hưởng đến cả em nữa.

    Lúc đó em cũng chỉ nghĩ đó là chút nông nổi của tuổi trẻ, bỏ qua cho anh ấy... nhưng sau này, em nhận thấy, em đã kết hôn nhầm người, vì đó là tính cách, rất khó sửa đổi. Và quan trọng là người ta không nhận ra mình sai, chỉ thích chứng tỏ sức mạnh.

    Sau này em muốn chia tay, thì anh ấy hận em kinh người, sự hằn học ấy em vẫn còn bị ám ảnh. Tụi em cũng không thể làm bạn. Trong khi, em và anh bạn cùng lớp vẫn là bạn bè.

    Em kể chuyện này không ý gì- ví dụ như là nói k hay về người cũ, chỉ là chút trải nghiệm rất thấm thía của riêng em. Tuy nhiên, em không cho kết hôn với anh í là "trái tim lầm lỡ" :)), mà là nhờ anh ấy, em học được bài học về lòng vị tha :D :D.

    Sân si cũng là xuất phát từ lòng tham, tham quyền lực, tham thể hiện sức mạnh bản thân mình, suy cho cùng là để có được mọi thứ nhiều hơn.

    Chết rồi cũng nằm xuôi hai tay thôi, phải không anh ? :)

    Trả lờiXóa
  6. Huyền Nga: Chắc lại có vài lần lầm lỡ nào đó nên chột dạ chứ gì? Hi

    Trả lờiXóa
  7. Nặc Danh: Bạn có hơi bi quan quá không?

    Trả lờiXóa
  8. Lana: Lại còn cả những clip khác nữa hả em? Hơn cả cái này nữa hả?

    Trả lờiXóa
  9. Lu: Với một vài cá nhân thì đúng em ạ! Nhưng với số đông thì không đâu. Nhưng quả thực đây là một hình ảnh không thể chấp nhận được!

    Trả lờiXóa
  10. mèo điệu: Thực ra thì đánh nhau vì bạn gái, vì người yêu ở cái thời sinh viên thì về một mặt nào đó, cũng có thể thông cảm ít nhiều em ạ! Nhưng thích dùng vũ lực vào các quan hệ xã hội thường ngày, đặc biệt là quan hệ gia đình và quan hệ công cộng là anh ghét lắm! A cho rằng khó mà có thể chấp nhận được.
    Ừ, không phải trái tim lầm lỡ! Hì, em nhớ bài trước phải không? Cũng là học phí phải trả em ạ!
    Em nói chết rồi cũng nhắm mắt xuôi tay làm anh nhớ "Những Gì Sẽ Mang Theo Vào Cõi Chết" và "Khúc Thụy Du". E nghe lại hai bài này đi nhé!

    Trả lờiXóa
  11. E thấy câu kết là hay nhất ạ'
    Phía sau lỗi lầm của những đứa con, dù muốn hay không, bao giờ cũng là một phần trách nhiệm không nhỏ của cha mẹ!
    Cha mẹ nên là tấm gương để con cái soi vào.
    Con cái là hình ảnh phản chiếu của cha mẹ!

    Trả lờiXóa
  12. em đọc tin bài trên mạng thấy bất bình ở chỗ, hai bố con sau khi làm mất trật tự ở trụ sở CA phường liền bị đánh trả thì ông bố la lên "chúng tôi cũng là CA, tại sao các anh lại đi đánh chúng tôi?" Trời ơi, nếu nói như bác ấy thì chỉ có dân thường bị CA đập thôi, còn bác ấy và con trai là CA nên được...miễn.

    Trả lờiXóa
  13. Đúng òi, hình thành tính cách của một con người phần lớn là ở gia đình. Trong gia đình mà các thành viên quan tâm tới nhau thì dễ tạo tính cách tình cảm, chu đáo. Có thành viên nào nóng tính thì y như rằng con cũng thừa hưởng tính nóng... và ngược lại.

    Theo em, câu "cha mẹ sinh con giời sinh tính" là không đúng đâu. Tất cả tính cách của con cái là ảnh hưởng từ những người thân cận nhất á :-)

    Trả lờiXóa
  14. Hsiang: Cám ơn em! Đúng thế mà!

    Trả lờiXóa
  15. O Xuân: Thực ra thì đây là trường hợp cá biệt thôi em ạ! Chứ cũng không hẳn công an ai cũng hống hách thế hết đâu. Vụ này, anh thấy ngành Công an xử nghiêm đấy chứ, thậm chí, anh thấy còn hơi bị nghiêm khắc quá!

    Trả lờiXóa
  16. Titi: Con cái ảnh hưởng thì đúng quá rồi, vì chỉ ảnh hưởng thôi nên các cụ mới nói "cha mẹ sinh con giờ sinh tính" mà!

    Trả lờiXóa