Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2010

ĐIỀU GÌ ĐỂ NÂNG CỐC?




Chỉ còn vài tiếng nữa là tới năm mới. Chẳng phải là năm Âm lịch để phải kiêng kem, phải nhờ người xông đất, phải kén tuổi, phải làm lễ… nhưng lại là năm mà người ta hay nghĩ tới công việc nhiều nhất. Và tự nhiên anh nghĩ tới điều gì đã làm được trong năm qua, đáng được coi là lý do để nâng cốc mừng năm mới nhất nhỉ?

Bộ phim dài 124 tập hoàn thành và kết thúc tốt đẹp? Được một cái bằng khen to tướng và bộ phim luôn đứng ở vị trí thứ 2, thứ 3 trong một cuộc bình chọn giải thưởng lớn vì tình yêu Hà Nội. Cũng có thể! Lấy cái này làm lý do nâng cốc năm mới là quá xứng đáng rồi.

Nhưng còn gì hơn nữa không?

Một chương trình talkshow mang phong cách mới lạ gần như hoàn toàn sẽ lên sóng vào đúng ngày đầu tiên của năm mới. Thật là một sự trùng hợp tình cờ. Một bản tin hàng ngày được sản xuất trong bối cảnh hết sức hạn chế về nhiều thứ.

Nhưng còn gì khác nữa không? Đáng để anh vui mừng, hay về một phía khác, đáng để anh phải đau đớn hơn nữa không?

Hình như có!

Môt công ty gần như bị “tiêu diệt” hoàn toàn. Công ăn việc làm coi như trắng xóa. Chỉ vẻn vẹn còn 5 nhân lực. Tài liệu bị bới tung, bị lấy mất, bị tiêu hủy. Một số nợ khổng lồ trút lên đầu… Những ánh mắt thiếu thiện cảm của đối tác, sự ngờ vực của các đơn vị trong ngành. Chưa bao giờ anh phải đối mặt với một khó khăn lớn đến như thế!

Nhưng chỉ sau chưa đầy 6 tháng, những gì tưởng không thể vượt qua đã bị đẩy lùi. Anh và các bạn đã đi qua từ khó khăn này, đến hết khó khăn khác. Phần vì may mắn, phần vì được bạn bè tin cậy đỡ một tay, và hơn ai hết, đó là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của những người ở lại và cả những người mới đến.

Người mới đến, tự tay nhận lại cái cơ ngơi vừa lộn xộn, vừa mục nát của những người vứt lại đấy để ra đi, thực sự là những người dũng cảm nhất. Người ở lại, thấy đống đổ nát, thấy cảnh đào ngũ xảy ra hàng ngày mà vẫn ở lại, thực sự là những người càng dũng cảm.

Cám ơn tất cả các bạn và các em!

Cùng nhau vực lại được cái công ty này, như những gì chúng ta đang có, có đáng là lý do để nâng cốc chúc mừng năm mới không?

Đáng chứ, và xứng đáng nhất!

Cheers!



Thứ Tư, 29 tháng 12, 2010

TRÊN SÂN GA



Bài Những cuộc chia lìa trên sân ga của thi sĩ đồng quê Nguyễn Bính dù ở bản nào, cũng kết thúc bằng khổ

“Những chiếc khǎn màu thổn thức bay.

Những bàn tay vẫy những bàn tay.

Những đôi mắt ướt tìm đôi mắt.

Buồn ở đâu hơn ở chốn này?”.

Trong suốt nhiều năm qua, hầu như không thấy ai thắc mắc gì. Có lần, cách đây tầm hơn chục năm gì đó, tôi có đọc một bài viết về Tống Biệt hành của Thâm Tâm Nguyễn Tuấn Trình, nội dung chủ yếu tác giả nhắc đến một khổ thơ, nghi là của Tống Biệt hành bị thất lạc. Ghép khổ thơ ấy vào thấy ngang phè phè. Chẳng mang hơi hướng gì của thơ Thâm Tâm cả.

Đọc bài viết xong, tôi có viết bài “Nhân Tống Biệt hành, nói về Những cuộc chia lìa trên sân ga”. Nội dung bài viết tỏ ý không tán thành khổ thơ ghép thêm vào Tống Biệt hành. Tuy nhiên, nhân sự kiện này, bày tỏ việc tìm thấy một khổ thơ cuối cùng của Những cuộc chia lìa trên sân ga mà tôi đoan chắc là của Nguyễn Bính.

Bài viết đăng trên Báo Thanh Niên, nhận được khá nhiều ý kiến tán thành của bè bạn gần xa. Khổ thơ đó tiếp ngay sau khổ thơ trên, và kết thúc bài thơ. Đó là

“Tôi đã từng chờ những chuyến xe.
Đã từng đưa đón kẻ đi về.
Sao nhà ga ấy sân ga ấy.
Chỉ để cho lòng dấu biệt ly?”.

Tôi biết được khổ thơ cuối cùng ở đâu, thực ra, cũng chẳng nhớ nữa. Tôi nghĩ, Những cuộc chia lìa trên sân ga được nhiều thế hệ yêu thích, cả một thời gian dài không xuất bản mà chỉ chép chuyền tay. Thất lạc cũng là điều khó tránh khỏi. Chưa kể, biết đâu, bản thân nhà thơ, trong một lần tái bản ngày trước, đã bỏ đi, hoặc quên mất thì sao?

Bài viết được bạn Tiến Thanh, giờ đang làm Tổng Biên tập một tờ báo lớn mang đến tận tay một khoản nhuận bút khá lớn vào thời ấy. Tiến Thanh hào hoa và làm thơ khá hay. Vì thế, được bạn ấy mang nhuận bút đến tận nơi tôi tự hào lắm.

Chính vì điều này, tra trên google cũng thấy bài thơ bị thiếu mất khổ cuối cùng. Chưa kể, ngay cả tên bài thơ cũng có nhiều thay đổi. Những bóng người trên sân ga. Những cuộc chia lìa trên sân ga. Có lẽ, cái tên sau có lý hơn.

Mạnh dạn chép ra đây, như một món quà cho các bạn yêu thơ!

NHỮNG CUỘC CHIA LÌA TRÊN SÂN GA

Những cuộc chia lìa khởi tự đây
Cây đàn sum họp đứt từng dây
Những đời phiêu bạt thân đơn chiếc
Lần lượt theo nhau suốt tối ngày.

Có lần tôi thấy hai cô gái
Áp má vào nhau khóc sụt sùi
Hai bóng chung lưng thành một bóng
"Đường về nhà chị chắc xa xôi?"

Có lần tôi thấy một người yêu
Tiễn một người yêu một buổi chiều
Ở một ga nào xa vắng lắm
Họ cầm tay họ bóng xiêu xiêu.

Hai người bạn cũ tiễn chân nhau
Kẻ ở trên toa kẻ dưới tàu
Họ giục nhau về ba bốn bận
Bóng nhoà trong bóng tối từ lâu.

Có lần tôi thấy vợ chồng ai
Thèn thẹn đưa nhau bóng chạy dài
Chị mở khǎn giầu anh thắt lại:
"Mình về nuôi lấy mẹ, mình ơi."

Có lần tôi thấy một bà già
Đưa tiễn con đi trấn ải xa
Tầu chạy lâu rồi bà vẫn đứng
Lưng còng đổ bóng xuống sân ga.

Có lần tôi thấy một người đi
Chẳng biết về đâu nghĩ ngợi gì
Chân bước hững hờ theo bóng lẻ
Một mình làm cả cuộc phân li.

Những chiếc khǎn màu thổn thức bay
Những bàn tay vẫy những bàn tay
Những đôi mắt ướt tìm đôi mắt
Buồn ở đâu hơn ở chốn này?

Tôi đã từng chờ những chuyến xe
Đã từng đưa đón kẻ đi về
Sao nhà ga ấy sân ga ấy
Chỉ để cho lòng dấu biệt ly?



Thứ Bảy, 25 tháng 12, 2010

THƯỞNG TẾT



Đã thành thông lệ, cứ vào dịp cuối năm Dương lịch, lại bắt đầu xôn xao chuyện tiền thưởng Tết trong các doanh nghiệp. Nơi ít, nơi nhiều, tiền thưởng Tết đôi khi không chỉ là tiền, nó còn là niềm vui, sự tự hào và về phía ngược lại, nó lại làm người ta tủi thân, tủi phận.

Trở về quê nhà sau một năm tha phương, hàng triệu công nhân các khu công nghiệp, khụ chế xuất phần lớn được hưởng mức tiền thưởng Tết vài triệu VND. Không lớn, cũng không quá nhỏ. Thêm ít tích lũy trong năm là có thể có quà cho mẹ già, em nhỏ. Chai rượu bình dân cho bố, cho ông, tấm áo ấm cho bà, cho mẹ.

Nhưng sẽ biết ăn nói thế nào, biết lấy gì cho mẹ, cho em nếu tiền thưởng Tết chỉ vẻn vẹn 30 ngàn VND như một đơn vị sản xuất song mây tre ở một tỉnh miền Trung vừa công bố. Nó trái ngược hẳn, ở một thái cực khác hẳn với mức tiền thưởng của một đơn vị khác gần 271 triệu VND. Sự chênh lệch lên tới hơn 9000 lần. Niềm hạnh phúc, sự tủi thân và những gì gì nữa, không ai có thể biết, không ai có thể cảm nhận được hết bằng chính những người trong cuộc.

Thêm một năm nữa sắp sửa đi qua. Thêm một lần nữa cái giàu, cái nghèo được đẩy vào một cuộc chiến không cân sức. Và lại thêm một lần nữa, đồng tiền làm tất cả chúng ta phải chịu thử thách!



Thứ Năm, 23 tháng 12, 2010

CÓ ĐÁNG KHÔNG?




Buổi tối đi làm về. Chợt nhớ phải chạy qua K-Mart mua mấy món đồ linh tinh. Thật là ngại ngùng. Ô tô thì đã để trong tầng hầm, lấy ra lấy vô, đi một đoạn ngắn, chẳng bõ. Nhưng đi bộ thì lại quá xa. Đang phân vân thì chị bảo: “Anh lấy xe máy của con gái mà đi! Đỡ lếch thếch, khổ thân!”. “ Thôi, xe máy xe móc, lại phải chụp cái mũ của nợ lên đầu. Chán lắm!”. “Cứ đi đi, không phải đội đâu. Trong khu đô thị, làm gì có công an đâu mà sợ!”.

Thôi thì liều một phát. Anh lấy xe máy, phóng loăng quăng trong khu đô thị, vòng ra K-Mart. Thích thật! Gió mát táp vào mặt. Lâu lắm rồi anh mới được tận hưởng cảm giác này. Bỗng nhận ra, khá nhiều cô cậu thanh niên cũng đang đèo nhau không mũ bảo hiểm. Những mái tóc bồng bềnh bay theo làn gió. Hay thật! Một hình ảnh quen thuộc đã mất đi từ lâu: Những tà áo dài, những mái tóc ngang vai bay bay theo làn gió chiều mát rượi.

Đẹp thật!

Nhưng rồi phải đội mũ bảo hiểm. Người nào người ấy cứ như phi hành gia vũ trũ đang đi bộ ngoài không gian ấy. Có an toàn hơn? Có thật sự cần thiết như cái ông Tây vớ vẩn nào đó đang gào lên, có nhất nhất cần thiết như Dương Tử Quỳnh vẫn đến cổ động không nhỉ?

Có thể!

Nhưng mà xấu quá! Bất tiện quá! Mà cơ bản là xấu quá! Ra đường cô nào cũng giống cô nào? Chán chết đi được. Má có đỏ, môi có hồng, mắt có sắc như dao cau, tóc có đen như gỗ mun thì cũng để làm quái gì đâu nhỉ?

Thật sự có thêm một tí an toàn thì cái tí đấy liệu có đáng không?



Thứ Tư, 22 tháng 12, 2010

KỸ NĂNG SỐNG




Gần một năm về trước, tình cờ tôi đọc được bức thư của cậu học sinh lớp 8 ở TP. Hồ Chí Minh, bức thư được đăng trên một tờ báo của thành phố. Thư khá dài, tâm tư nhiều nhưng điều làm tôi nhớ nhất là câu hỏi của cậu: “Mẹ ơi, có nhất thiết con phải học giỏi như mẹ mong muốn không?”. Câu hỏi ấy làm tôi chú ý và tôi đã đọc đi đọc lại bức thư ấy nhiều lần. Tôi không nhớ nguyên văn nhưng tinh thần của nó là như thế này:

“Mẹ ơi, con biết mẹ luôn
mong muốn con học giỏi, để học kỳ nào con cũng đứng thứ nhất thứ nhì lớp. Vậy mà con lại không làm được điều đó, dù con biết mẹ buồn. Nhưng mẹ ơi, nếu mẹ các bạn ấy cũng muốn các bạn học giỏi để đứng nhất nhì lớp như mẹ, thì các bạn nào sẽ đứng ở những hàng tiếp theo hả mẹ?

Con có thể cố gắng để học giỏi như mẹ mong muốn nhưng nhiều lúc con nghĩ, có nhất thiết phải học giỏi như thế không hả mẹ, trong khi dù có học giỏi đến thế, cũng vẫn còn quá nhiều điều con chưa biết. Một buổi picnic sẽ phải tránh xa nơi có hồ nước cho an toàn vì con không biết bơi? Khi sang đường thì đường một chiều phải để ý thế này, đường hai chiều phải để ý thế khác? Làm thế nào để đối mặt với sợ hãi? Những hiểu biết về giới tính mà chẳng ai dạy con? Cách tránh xa nạn bạo lực học đường và nếu không tránh được nó thì làm cách nào nếu mình bị cuốn vào?

Và còn nhiều điều khác nữa mẹ ạ! Mà những cái đó lại quá cần đối với chúng con ngay bây giờ. Vì thế, con có nhất thiết phải học giỏi để đứng thứ nhất, thứ nhì lớp không trong khi những điều nhỏ nhặt nhưng quá cần thiết ấy chúng con lại không biết, không được dạy?”.

Bức thư ấy làm tôi băn khoăn day dứt mãi. Thế là ý tưởng về một chương trình truyền hình mang tên Kỹ Năng Sống ra đời. Tôi đã nhờ nhiều chuyên gia, bè bạn giúp sức để hoàn thành đề án. Và sau nhiều bước chuẩn bị, Kỹ Năng Sống sẽ chính thức lên sóng VTV3 vào 8 giờ 30 sáng Thứ Bảy, ngày 1 tháng 1 năm 2011 này. Mời các bạn xem biểu tượng, nghe bài hát của chương trình và nhất là đón xem và góp ý cho chúng tôi nhé!