Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011

ĐỒNG TIỀN THÁCH THỨC


1

Đêm của một sự kiện khá hoành tráng. Sự tụ hợp của những thương hiệu hàng đầu về hàng xa xỉ phẩm, thời trang, xe hơi và đồ nữ trang. Toàn là những thứ đắt khủng khiếp. Chiếc áo sơ-mi giá 1,200 USD có lẻ. Bộ đồ chơi golf gần 40,000 USD. Cặp nhẫn kim cương ngót tỉ đồng Việt Nam… Mà nói đâu xa, chỉ tấm vé mời tham dự thôi cũng gần 200 tiền Mỹ.

Đại khái là như thế! Đồ thì toàn hàng hiệu. Giá toàn xài tiền Mỹ, tiền Châu Âu. Một doanh nhân mua bộ đồ chơi golf. Một anh chàng sắm liền một lúc 2 chục chiếc sơ-mi… và một doanh nhân khác đặt mua chiếc xe trên 5 tỉ tiền Việt nhẹ nhưng người ta vừa mua chiếc Nokia 1110C. Cứ như thế, tiền được tung ra như rác, như thể chúng không phải kiếm được từ mồ hôi, nước mắt mà cứ như từ trên trời rơi xuống.

2

Khu đất vàng ở trung tâm thành phố mới có kế hoạch dỡ bỏ. Người ta sẽ xây nên ở đây một toà nhà sang trọng. Toà nhà chỉ được phép cao 5 tầng thôi, và theo thiết kế, sẽ gồm 21 căn hộ cao cấp dùng để bán. Các căn hộ có diện tích tương đối bằng nhau. Chúng sẽ được bán với cái giá khủng khiếp: 10,000 USD cho 1 m2 sàn sử dụng!

Và để có một căn hộ diện tích 150 m2 với 3 phòng ngủ, người ta sẽ phải bỏ ra 1,5 triệu USD, tầm trên 30 tỉ tiền Việt! Một số tiền khủng ngay cả với giới nhà giàu chứ đừng nói người bình thường. Nhưng chẳng là gì hết! Ngay cả khi khu đất chưa giải toả xong, theo thông báo, người ta cũng đã bán hết cả 21 căn hộ nói trên.

3

Tiền chẳng là gì cả! Đôi khi, tiền chỉ là phù du thôi. Nhưng cái phù du đó đang thách thức tất cả chúng ta. Bởi vì, bạn sẽ làm gì để có những số tiền khủng như thế nhỉ?



Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2011

LẠC CON



Các con tôi đều khá độc lập, ngay từ khi còn nhỏ. Cũng chính vì cái tính cách này mà cả hai con tôi đều đã dành cho bố mẹ một kỷ niệm thót tim, kỷ niệm khiến cho sau sự cố đó, vài thói quen của chúng tôi đã thay đổi. Thậm chí, tư duy về cuộc sống của gia đình tôi cũng đi theo một hướng khác.

Hồi con trai tôi học lớp 1. Chiều hôm đó, do bận một cuộc họp lãnh đạo công ty về cổ phần hóa, vợ tôi nhắn tin bảo tôi đón con. Thời ấy nhắntin còn tậm tịt lắm. Tôi không nhận được tin nhắn ấy nên chẳng để ý gì đến việc phải đón con vào lúc cuối ngày. Còn vợ tôi thì cứ yên trí rằng tôi đã làm việc ấy nên cũng chẳng bận tâm về con nữa.

Tan họp lúc gần 7 giờ tối, vợ tôi gọi tôi xem việc đón con như thế nào thì cả hai chúng tôi mới tá hỏa ra là vẫn mặc kệ con ở trường. Chúng tôi chạy bổ đến. Lớp đã tan từ lâu. Cả trường vắng ngắt, chỉ còn phòng bảo vệ sáng đèn. Không ai biết gì về con chúng tôi cả. Tôi gọi cho con gái đang học thêm ở lớp tiếng Anh để báo tin. Lát sau, con gái đến. Cả nhà tôi lùng sục suốt mấy dãy phố xung quanh trường nhưng tuyệt nhiên không một ai biết thông tin gì.

Vợ tôi còn bình tĩnh được chút ít, chứ tôi và con gái thì đã bắt đầu hoảng loạn. Lúc ấy, tôi có cảm giác mỗi bước đi như bị hụt xuống một cái hố sâu, mặc dù vỉa hè, đường phố hoàn toàn bằng phẳng. Con gái tôi khóc thút thít, vừa đi vừa mếu máo gọi tên em.

Chúng tôi gọi điện cho cô giáo chủ nhiệm để báo cáo sự việc và nhờ cô giúp đỡ. Bạn bè tôi được huy động đến. Các cô, các cậu và ông bà ngoại được khẩn cấp báo tin. Mỗi người tỏa đi một hướng tìm. Anh bạn tôi làm bên báo an ninh gọi điện tới trực ban hình sự để nhờ ngay lập tức thông báo nhận dạng chá đến các cơ sở của công an, phòng cháu bị bắt mang đi bán.

Cô giáo chủ nhiệm hớt hải chạy đến. Cô khuyên một ai đó nên về trực ở nhà. Kinh nghiệm của cô là phải có người trực ở nhà để nghe điện thoại hoặc biết đâu, có ai đó tới liên hệ. Con gái tôi được cử về nhà. Cháu vừa đi vừa khóc, gọi em suốt cả mấy con phố.

Gần nửa tiếng sau, vợ tôi nhận được điện thoại của con gái gọi từ nhà. Từ đầu tới giờ, vợ tôi không hề tỏ ra mất bình tĩnh. Vậy mà nghe điện thoại con gái xong, vợ tôi khóc thành tiếng: “Em đáng đứng cạnh con rồi phải không? Con mở cửa đưa em vào nhà. Cho em uống sữa nhé! Bố mẹ về ngay đây!”.

Thì ra là thế này…

Cậu ấm sứt vòi nhà tôi chờ mãi không thấy mẹ đến đón, bèn ra góc phố, thấy một chú xe ôm đang chờ ở đấy, cu cậu nhờ chú xe ôm đèo về nhà. Tình tiết này chúng tôi lạ nhất vì từ trước đến giờ, chưa bao giờ chúng tôi thấy cháu có vẻ nhớ được cái địa chỉ đầy phức tạp của nhà tôi ở ngày ấy.

Chú xe ôm chở về nhà thì chưa ai mở cửa. Cu cậu dẫn chú ấy sang quán nước chè chén của bác hàng xóm bên cạnh. Cậu tả một hồi, bác hàng xóm hiểu chuyện, định trả hộ tiền xe ôm nhưng chú ấy dứt khoát không lấy. Chị về nhìn thấy em, vứt cả xe đạp mà lao vào ôm em. Chợt nhìn thấy chị đang thút thít, cu cậu nói: “Sao mà chị khóc?”.

Về sau, cả nhà tôi hỏi rất nhiều về chú xe ôm nhưng không ai biết hết. Có thể, đó không phải là người xe ôm đứng cố định ở một chỗ. Tối hôm đó, anh chỉ tình cờ đứng nghỉ tạm ở đó và gặp con trai tôi mà thôi. Cũng có thể, vì một lý do nào khác mà anh nhất định không lấy tiền công mà bác hàng xóm định trả hộ nhà tôi. Nhưng là lý do gì thì mãi mãi chúng tôi không bao giờ được biết.

Sau sự cố ấy, vợ tôi thực hiện hai thay đổi quan trọng. Thay đổi thứ nhất là thôi không tham gia bất kể một hoạt động nào của công ty vào lúc cuối ngày, đồng thời, không bao giờ sử dụng nhắn tin vào các việc quan trọng của gia đình nữa. Thứ hai là một thời gian sau, vợ tôi nghỉ việc để chuyển sang một lĩnh vực khác hẳn.

Còn tôi, mặc dù theo phân công, không phải đón con ở trường về, nhưng cứ vào tầm 4 giờ hơn là tôi lại nhấc máy gọi cho vợ nhắc nhở đón con. Nhắc tới nỗi nhiều lần vợ tôi gắt om lên. Tôi thôi được vài ngày, xong rồi lại lặp lại như thế. Cho đến khi con lớn và không cần đến bố mẹ đưa đón nữa mới thôi.



Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2011

ĐƯA CON ĐI HỌC




Tôi thích đón con lúc tan trường. Đó là công việc mà tôi thích nhất vào lúc cuối ngày. Tuy nhiên, do hoàn cảnh riêng của gia đình, việc đón con đều do vợ tôi đảm nhận. Phần tôi là đưa con đi học. Từ khi con bắt đầu đi lớp mẫu giáo là chúng tôi đã có sự phân công tự nhiên như vậy. Đưa con đi học cũng có nhiều chuyện hay và cảm động. Nhiều chuyện cứ làm tôi nhớ mãi.

Hồi con học lớp 2, phải học tạm trong một căn nhà nhỏ ở Hàng Bè. Đây là một trong những con phố cổ nhỏ, hẹp và rất sầm uất. Đã thế, lại ở ngay trước cổng chợ (hồi đó còn chợ Hàng Bè). Mỗi sáng hai bố con tôi vào đây là hết sức vất vả. Đỗ được cái xe, vừa đưa con vào vừa phải ngoái lại để ý xe, sợ bố nào vặt mất cái gương hay bẻ cái gì đó thì nguy.

Một hôm, đang loay hoay giữa dòng người đông đúc để đưa con vào lớp, ngoái lại thì toàn bị che mất tầm mắt, chẳng nhìn thấy xe mình đâu. Bỗng một bố rất là quân khu, tóc tai bù xù, quần áo vằn vện, đang ngồi ở quán trà chén vỉa hè phả thuốc lào mù mịt khoát tay bảo tôi: “Đưa con vào đi, xe để đấy, tôi trông cho. Không sợ đâu!”.

Tôi cám ơn rối rít rồi đưa con vào lớp. Từ bấy, anh chàng quân khu ấy trở thành người trông xe tình nguyện cho bố con tôi mỗi sáng. Sáng đến, tôi đã thấy anh ngồi lù lù ở quán nước ấy rồi. Nhìn thấy bố con tôi, anh phẩy tay ra hiệu cứ đi đi. Tôi cũng cười cười cám ơn. Cứ thế thôi! Tôi chẳng biết tên anh là gì, ở đâu? Nhưng có việc này thì dần dần tôi biết. Anh là trùm sò lô đề ở khu chợ đó. Nghe đâu cũng kinh khủng lắm. Khi biết anh là ai, nhiều lúc tôi cũng ngại. Nhưng hoàn cảnh nó thế, cứ kệ cho anh trông xe hộ gần như suốt cả năm học ấy.

Sáng ấy thế nào mà đường phố lại tương đối vắng. Tôi đưa con vào lớp, lúc ra, anh nhìn tôi hỏi trống không: “Sáng nào cũng đưa con đi à?”. Tôi trả lời, cốt cho xong việc: “Vâng, tôi đưa cháu đi học. Chiều về thì mẹ cháu đón!”. Anh phẩy tay, nói giọng có vẻ thông cảm: “Ừ, đưa con đi cũng thích. Nhưng nếu được đón con thì thích hơn. Tôi được đón con. Thích hơn ông! Nếu hôm nào được đi đón con, nhớ mua cho nó cái gì lót tay nhé! Gói bỏng ngô thôi là nó thích lắm đấy!”.

Lần ấy, anh khiến tôi thực sự bất ngờ. Tôi chẳng bao giờ nghĩ một người đàn ông giang hồ, quân khu lại yêu thích cái việc cỏn con là đón con đi học về như thế. Và tôi chợt phát hiện ra một điều thú vị. Đó là tình cảm của cha mẹ dành cho con cái thật rộng lớn và không có bất kể một sự phân biệt nào, dù những người làm cha mẹ làm nghề gì, ở đâu và thuộc thành phần nào của xã hội?




Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2011

HOA ANH ĐÀO TỘI NGHIỆP



Mỗi năm một lần, vài cành hoa anh đào lại được đưa từ Nhật Bản vể trong một lễ hội truyền thống được mang tới Việt Nam, như một hoạt động mang tính quảng bá văn hóa và hữu nghị giữa hai nước. Và thật kỳ cục, năm nào cũng thế, người ta bứt cành, tỉa hoa, nhảy tót cả vào cành hoa để chụp ảnh. Và rất nhiều những hành động thiếu văn hóa khác nữa.

Còn nhớ, có năm, cứ mỗi cành anh đào, nhà tổ chức phải bố trí hai vệ sĩ trực tại chỗ để canh chừng. Vậy mà vẫn không thoát. Người ta đặt biển tuyên truyền, hô hào mọi người, năn nỉ ỉ ôi, rồi đe nẹt, dậm dọa nhưng rồi cũng chẳng ăn thua gì.

Năm nay cũng chả khác gì mấy. Ai đi qua trước cổng khu Trung tâm Triển lãm Giảng Võ trong hai ngày Thứ Bảy, Chủ nhật này thì phải tròn mắt vì không hiểu chuyện gì xảy ra. Hàng hàng, lớp lớp, người người đông như kiến cỏ, bu suốt từ ngoài cổng vào đến tận trong sân. Tất cả chỉ vì mấy cành hoa anh đào Nhật Bản. Người ta chen lấn nhau, dựng xe trên bãi cỏ, điềm nhiên lững thững giữa đường phố đông đúc xe cộ.

Tôi không dám chắc, nhưng trộm nghĩ, cái hiệu quả của quảng bá văn hóa, và năm nay, thêm ý nghĩa ủng hộ nhân dân Nhật Bản vì động đất, sóng thần, chẳng đạt được là bao. Chỉ có đơn vị nào làm cái event này là lợi lộc hơn cả mà thôi.



Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2011

ĐỪNG QUAY ĐẦU LẠI



Gần 6 năm trước, anh mua một miếng đất hơn trăm mét vuông ở một khu đô thị lớn gần trung tâm. Mua được nửa năm, giá cứ lên ầm ầm, anh quyết định bán. Hôm hẹn khách xem đất, anh choáng váng khi nhìn thấy khách là một người phụ nữ trẻ, đẹp đầy quyến rũ. Nhìn thấy anh, hình như cô nàng cũng… choáng.

Vài câu mặc cả, cuộc mua bán hoàn tất. Hai người hẹn ngay chiều hôm đó kết thúc cuộc mua bán. Buổi chiều, cô xem giấy tờ, làm hợp đồng, chuyển tiền vào tài khoản của anh và chính thức nhận miếng đất vào tay mình. Cô hồ hởi vì mua được miếng đất đẹp. Còn anh, anh cũng mừng ra mặt vì hưởng trọn khoản tiền lời hơn 12 tỉ VND.

Lúc chia tay nhau, anh chợt thoáng chút bâng khuâng. Biết đâu, sẽ chẳng bao giờ gặp lại nhau nữa. Nghĩ thế, anh nửa đùa nửa thật nói: “Em có được tự do không?”. Cô nhìn thẳng vào mắt anh: “Em tự do mà! Chẳng vướng bận và ràng buộc gì hết. Sao anh? Anh muốn gì à?”. Chẳng có nhiều thời gian, anh cưa thẳng: “Em đi với anh đi! Tối nay nhé! Không về nhà nữa có được không?”. Cô hơi ngần ngừ nhưng rồi cũng quả quyết: “Được anh ạ!”.

Họ đi ăn với nhau, xong rồi cùng ở lại trong căn phòng sang trọng của một khách sạn 5 sao gần trung tâm thành phố. Buổi tối hôm ấy, đúng, chỉ buổi tối hôm ấy thôi, anh đã không thể ngờ được rằng, chính nó đã làm cuộc đời anh thay đổi theo một hướng khác hẳn, suốt 6 năm trời.

Suốt 6 năm ấy anh vướng vào cô, vào lưới tình nhằng nhịt do cô vô tình hoặc cố ý giăng ra để “trói” anh. Cô tới tận cơ quan anh để đánh ghen, để dằn mặt bất kể người phụ nữ nào “dám” đến gần anh. Cô đi theo anh, như con hà bám chặt vào vỏ tàu, trong tất cả các chuyến công tác mà anh phải đi. Cô cấm đoán anh giao du với cả những người bạn cùng giới, vốn hay khuyên can anh đừng mê muội dính vào cô nữa.

Chỉ cần anh từ cơ quan về nhà cô muộn nửa tiếng là cô lồng lộn sục sạo tất cả những nơi anh có thể đến, để “tóm” cổ anh về nhà. Đang đi trên đường, thấy bóng xe ô-tô của anh là cô bám riết, canh chừng, rình mò xem có bóng hồng nào đi theo không? Tất cả những tên phụ nữ có trong phonebook điện thoại của anh cô đều trực tiếp gọi, giới thiệu với họ cô là vợ anh và đềnghị họ đừng liên hệ với anh nữa.

Cứ như thế, cuộc sống của anh bị kìm kẹp trong tù đầy hạnh phúc nghẹt thở của cô. Cứ như thế, cô nhốt anh lại, thật cẩn thận, trong lầu son gác tía của mộng vàng do cô tự mình huyễn hoặc xây dựng lên bằng niềm tin, bằng ý chí mông muội, điên cuồng và si dại đến mờ mắt.

Và phải gần 6 năm tù đầy như thế, anh mới tìm đường đến được với tự do. Một khoản tiền không nhỏ phải đền bù cho cô, để nuôi đứa con mà họ đang mâu thuẫn trong việc khẳng định là con chung của hai người. Một cái giá quá đắt phải trả cho uy tín của anh đã mất ở cơ quan mà dù có tiền rừng bạc bể cũng khó lòng mà lấy lại được.

Nhưng thôi, quan trọng gì đâu những thứ phù du đó. Cái chính là sự tự do đã có được từ ngày hôm nay. Từ ngày anh đủ dũng cảm, đủ can trường và cũng khéo léo vừa đủ để thu dọn quần áo, giày dép vứt vào trong cái valy to đùng, cái túi du lịch đại tướng, bước ra khỏi nhà.

Và anh tự nhủ, cái gì đã mất thì đã mất rồi. Tiếc cũng chẳng để làm gì. Tất cả cuộc sống tươi đẹp còn đang ở phía trước. Miễn là đừng bao giờ, đừng bao giờ nữa, dù chỉ một lần, quay đầu lại.