Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2011

LẠC CON



Các con tôi đều khá độc lập, ngay từ khi còn nhỏ. Cũng chính vì cái tính cách này mà cả hai con tôi đều đã dành cho bố mẹ một kỷ niệm thót tim, kỷ niệm khiến cho sau sự cố đó, vài thói quen của chúng tôi đã thay đổi. Thậm chí, tư duy về cuộc sống của gia đình tôi cũng đi theo một hướng khác.

Hồi con trai tôi học lớp 1. Chiều hôm đó, do bận một cuộc họp lãnh đạo công ty về cổ phần hóa, vợ tôi nhắn tin bảo tôi đón con. Thời ấy nhắntin còn tậm tịt lắm. Tôi không nhận được tin nhắn ấy nên chẳng để ý gì đến việc phải đón con vào lúc cuối ngày. Còn vợ tôi thì cứ yên trí rằng tôi đã làm việc ấy nên cũng chẳng bận tâm về con nữa.

Tan họp lúc gần 7 giờ tối, vợ tôi gọi tôi xem việc đón con như thế nào thì cả hai chúng tôi mới tá hỏa ra là vẫn mặc kệ con ở trường. Chúng tôi chạy bổ đến. Lớp đã tan từ lâu. Cả trường vắng ngắt, chỉ còn phòng bảo vệ sáng đèn. Không ai biết gì về con chúng tôi cả. Tôi gọi cho con gái đang học thêm ở lớp tiếng Anh để báo tin. Lát sau, con gái đến. Cả nhà tôi lùng sục suốt mấy dãy phố xung quanh trường nhưng tuyệt nhiên không một ai biết thông tin gì.

Vợ tôi còn bình tĩnh được chút ít, chứ tôi và con gái thì đã bắt đầu hoảng loạn. Lúc ấy, tôi có cảm giác mỗi bước đi như bị hụt xuống một cái hố sâu, mặc dù vỉa hè, đường phố hoàn toàn bằng phẳng. Con gái tôi khóc thút thít, vừa đi vừa mếu máo gọi tên em.

Chúng tôi gọi điện cho cô giáo chủ nhiệm để báo cáo sự việc và nhờ cô giúp đỡ. Bạn bè tôi được huy động đến. Các cô, các cậu và ông bà ngoại được khẩn cấp báo tin. Mỗi người tỏa đi một hướng tìm. Anh bạn tôi làm bên báo an ninh gọi điện tới trực ban hình sự để nhờ ngay lập tức thông báo nhận dạng chá đến các cơ sở của công an, phòng cháu bị bắt mang đi bán.

Cô giáo chủ nhiệm hớt hải chạy đến. Cô khuyên một ai đó nên về trực ở nhà. Kinh nghiệm của cô là phải có người trực ở nhà để nghe điện thoại hoặc biết đâu, có ai đó tới liên hệ. Con gái tôi được cử về nhà. Cháu vừa đi vừa khóc, gọi em suốt cả mấy con phố.

Gần nửa tiếng sau, vợ tôi nhận được điện thoại của con gái gọi từ nhà. Từ đầu tới giờ, vợ tôi không hề tỏ ra mất bình tĩnh. Vậy mà nghe điện thoại con gái xong, vợ tôi khóc thành tiếng: “Em đáng đứng cạnh con rồi phải không? Con mở cửa đưa em vào nhà. Cho em uống sữa nhé! Bố mẹ về ngay đây!”.

Thì ra là thế này…

Cậu ấm sứt vòi nhà tôi chờ mãi không thấy mẹ đến đón, bèn ra góc phố, thấy một chú xe ôm đang chờ ở đấy, cu cậu nhờ chú xe ôm đèo về nhà. Tình tiết này chúng tôi lạ nhất vì từ trước đến giờ, chưa bao giờ chúng tôi thấy cháu có vẻ nhớ được cái địa chỉ đầy phức tạp của nhà tôi ở ngày ấy.

Chú xe ôm chở về nhà thì chưa ai mở cửa. Cu cậu dẫn chú ấy sang quán nước chè chén của bác hàng xóm bên cạnh. Cậu tả một hồi, bác hàng xóm hiểu chuyện, định trả hộ tiền xe ôm nhưng chú ấy dứt khoát không lấy. Chị về nhìn thấy em, vứt cả xe đạp mà lao vào ôm em. Chợt nhìn thấy chị đang thút thít, cu cậu nói: “Sao mà chị khóc?”.

Về sau, cả nhà tôi hỏi rất nhiều về chú xe ôm nhưng không ai biết hết. Có thể, đó không phải là người xe ôm đứng cố định ở một chỗ. Tối hôm đó, anh chỉ tình cờ đứng nghỉ tạm ở đó và gặp con trai tôi mà thôi. Cũng có thể, vì một lý do nào khác mà anh nhất định không lấy tiền công mà bác hàng xóm định trả hộ nhà tôi. Nhưng là lý do gì thì mãi mãi chúng tôi không bao giờ được biết.

Sau sự cố ấy, vợ tôi thực hiện hai thay đổi quan trọng. Thay đổi thứ nhất là thôi không tham gia bất kể một hoạt động nào của công ty vào lúc cuối ngày, đồng thời, không bao giờ sử dụng nhắn tin vào các việc quan trọng của gia đình nữa. Thứ hai là một thời gian sau, vợ tôi nghỉ việc để chuyển sang một lĩnh vực khác hẳn.

Còn tôi, mặc dù theo phân công, không phải đón con ở trường về, nhưng cứ vào tầm 4 giờ hơn là tôi lại nhấc máy gọi cho vợ nhắc nhở đón con. Nhắc tới nỗi nhiều lần vợ tôi gắt om lên. Tôi thôi được vài ngày, xong rồi lại lặp lại như thế. Cho đến khi con lớn và không cần đến bố mẹ đưa đón nữa mới thôi.



26 nhận xét:

  1. Thèng ku Thắng nhà anh khá lắm đấy. Em thích nó ở tính tự tin, họat bát, và thông minh. Em thấy ku Thắng có tương lai sau này hơn bố nhiều lắm đấy. Anh cứ bảo nó ko biết ăn nói, nhưng đi với em có một buổi mà nó nói năng chửng chạc, xử sự ra dáng một quý ông Hà Nội chính gốc nhé. Chả bù bố nó, lúc nào cũng rên rĩ mình hem phải là dân Hà Nội gốc.

    Trả lờiXóa
  2. Với tính tự lập của Thắng thì khi xa gia đình ( đi du học chẳng hạn) thì anh chị k cần phải lo nhiều.

    Trả lờiXóa
  3. Em cũng thấy thằng ku nhà anh rất được. Nó có suy nghĩ riêng và không ngần ngại bộc lộ ý nghĩ của mình. Đàn ông là phải tự lập và độc lập.

    Trả lờiXóa
  4. Đúng là cha mẹ nhỉ, có những nỗi lo giống nhau.

    Em cũng bị gọi điện thoại nhắc vào những giờ nhất định đấy ạ.

    Cu nhà anh sau vụ đó bố mẹ nhìn với con mắt tự hào hơn đấy nhỉ.

    Trả lờiXóa
  5. Em nghĩ chắc em hiểu được cảm giác của anh chị khi "sự cố" trên xảy ra. Em có lần để lạc con ở sân bay Hàn quốc. Em nhớ cảm giác lúc đó thế giới biến mất trước mắt mình, chỉ còn lại duy nhất là sự đau khổ bóp nghẹt tim mình, hic hic :(

    Trả lờiXóa
  6. em thì chưa bị như thế, nhưng nếu là em chắc cảm giác cũng vậy, chắc y chang như chị Polka Dots mô tả ở trên

    Trả lờiXóa
  7. Cậu chàng này khá quá.
    Vào blog nhà bác này chơi thi thoảng gặp kẻ hay lên mặt dạy đời, nghĩ mà tội nghiệp. Cái giống không ra gì hay thế.

    Trả lờiXóa
  8. Hic... Nhà nào có bé trai thể nào cũng gặp những lúc toát mồ hôi như này :-(

    Trả lờiXóa
  9. Lu: Hì, anh hay rền rĩ không phải là người Hà Nội gốc lắm hả em? À, Thắng chờ em về để đi ăn đấy nhé!

    Trả lờiXóa
  10. Phung Tran: Nhà anh, sau vụ cho chị Thắng đi Tây Ban Nha, giờ rất là sợ cho Thắng đi du học đấy nhé! Hic

    Trả lờiXóa
  11. VMC: Nhất trí với em ngay. Đàn ông phải biết độc lập và tự lập!

    Trả lờiXóa
  12. like2chat: Em cũng bị nhắc thế hả? Anh thì nhát lắm, suốt ngày lo lắng. Biết thế là không tốt nhưng không bỏ được em ạ!

    Trả lờiXóa
  13. Polka Dots: Trời, lạc mất con ở giữa sân bay hả em? Sợ lắm đấy! Anh à, cả con gái anh cũng làm anh một vố sợ khiếp vía nữa cơ. Hi, nhưng thôi, lúc khác sẽ kể!

    Trả lờiXóa
  14. Đàm Hà Phú: Em chưa bị thế thì tốt. Và đừng bao giờ bị thế nhé! A có một kinh nghiệm: Vào chỗ đông người, để con đi một mình, mình chắc chắn phải biết nơi đến của con, liên hệ với ai, số điện thoại như thế nào...? Và một kn nữa: Em viết số điện thoại của em, của Thắm, của nhà mình... vào một mảnh giấy và để trong cặp của con, trong túi áo... những lúc cho con đi theo lớp trong các buổi dã ngoại nhé!

    Trả lờiXóa
  15. Titi: Chắc là Tí nhà em cũng đã cho mẹ vài vố lo thót tim rồi, đúng không?

    Trả lờiXóa
  16. Phải: Cám ơn bạn! Đoạn sau bạn nói gì thì tôi lại không hiểu!

    Trả lờiXóa
  17. Em có 1 biện pháp be bé, đi làm 1 cái lắc tay cho bé đeo (bằng inox) trên đó khắc tên + số di động + địa chỉ nhà của bé. Dạy bé có gì thì theo địa chỉ trên đó, nhờ chở về dùm. NGoài ra, luôn nhớ nằm lòng là có đi lạc thì tìm chú công an lập tức, nhờ chú chở về. Con em 4t và em dạy bé thuộc lòng như thế. Cầu trời cho em không giờ rơi vào cảnh của bác. Con trai bác khá quá.

    Trả lờiXóa
  18. rita: Kinh nghiệm của bạn rất là hữu ích. Bạn nào có con nhỏ nên tham khảo. Cám ơn bạn về lời khen nhé!

    Trả lờiXóa
  19. Anh Thụy : thì rõ là thế còn gì? blog của anh lúc nào cũng mở đầu tự giới thiệu rằng, tôi xuất thân con nhà nông, vợ tôi là gái Hà Nội phố chính hiệu con nai vàng.
    Trong khi đó, ku Thắng thì tự tin từ đầu khi mới gặp chị Lu, hắn đã sở hửu tính cách dân Hà Nội gốc phố cổ rồi nhe.

    OK, anh nhắn là chị Lu sẽ đi ăn với ku Thắng, tìm xem chỗ nào ngon và lịch sự giới thiệu cho chị Lu. À, còn nữa, anh bẩu Thắng cứ mua game chơi đi, free. Chị Lu sẽ bảo trợ hem tính tiền. Còn ku bố, nếu mua mấy cái applications méc tiền thì chị Lu sẽ tính ;))

    Trả lờiXóa
  20. Sợ nhất là vụ để lạc con anh Thụy à. Double check trong những vấn đề liên quan đến đưa đón con cái là điều nên làm. Sợ lắm anh ơi.

    Trả lờiXóa
  21. Nhím nhà em luôn nhớ số nhà, số điện thoại củ bố mẹ, ông bà phòng khi lạc. Nhưng nói chung là vẫn lo lắm.Ku nhà anh như vậy là rất bản lĩnh đấy

    Trả lờiXóa
  22. Lu: Hì, giờ thì anh hết la lối vụ không phải người Hà Nội rồi nhé!
    Thắng khoái game, nhưng anh cũng không cho mua nhiều. Chơi nhiều hại mắt lắm!
    Hà hà, lần này, nếu mua được con iPad 2 hoặc iPhone 5, anh sẽ mở tài khoản và tự trả được tiền ở trong nước rồi nha!
    Ok em, applications của bố Thụy thì phải trả tiền rồi!

    Trả lờiXóa
  23. HPLT: Đúng là double check, nhưng đôi khi mình lại quên mất chứ. Hic

    Trả lờiXóa
  24. Mecghi: Nhà anh 2 đứa. Chị nó cũng đã từng "tặng" bố mẹ một pha thót tim hồi gần 3 tuổi. Lần nào tiện anh sẽ kể.

    Trả lờiXóa
  25. anh Thụy : hà hà, tháng 9 nì em sẽ là người xử dụng Iphone 5 trước anh. Ipad 2 đang hot hàng bên Mỹ, đợi 2 tháng nữa nó có 16 GB mua bên này rẻ hơn, tội gì anh mua bên nhà cho bị chặt chém giá gấp đôi?
    Lúc này nó thiếu hàng nên cứ ép bà con mua 32GB, ko cần phải mua dung lượng cao mần chi đâu anh, Ipad 2 chạy ngầu hơn Ipad 1.

    Trả lờiXóa
  26. Hihi. Em cũng có lần về trễ không thấy con đâu hồi ấy bạn ấy còn học mẫu giáo. Hớt hải về nhà thì thấy bạn ấy ở nhà rồi. Hóa ra bạn ấy nhớ số điện thoại nhờ bác bảo vệ gọi về nhà cho ông, ông lại nhờ bác hàng xóm đi đón. Sao thời của mình bố mẹ chả bao giờ đón mà vẫn ổn nhỉ.

    Trả lờiXóa