Thứ Hai, 25 tháng 6, 2012

TẨY CHAY VÀ CHẢNH




Cộng động mạng đang xôn xao về việc một nhà tuyển dụng, chê sinh viên Đại học Ngoại thương là chảnh, nên đã từ chối nhận vào làm việc. Tất nhiên, vì lý do tế nhị, trên dòng tuyền dụng chỉ ghi là “do một số yếu tố, chúng tôi không tuyền dụng sinh viên tốt nghiệp đại học ngoại thương”.

Là người đã từng tiếp xúc với các bạn sinh viên ngoại thương, và cũng đã đôi ba lần đến nói chuyện tại đây, tôi nhận thấy có lẽ nên dũng cảm thừa nhận rằng, lời nhận xét của nhà tuyển dụng nói trên cũng không phải là không có ít nhiều cơ sở.

Ngày từ năm học thứ 2, thứ 3, nhiều bạn đã đi làm thêm ở trung tâm này, công ty nọ. Hầu hết sinh viên ngoại thương đều khá ngoại ngữ, năng động nên dễ xin việc làm thêm. Mà người sử dụng lao động thì thích thuê người giỏi, trả lương cao mang tính thời vụ, ít phải chịu đựng họ, vì người giỏi thì hay cá tính mạnh, chiều họ khó lắm.

Cho nên, theo tôi biết, sinh viên ngoại thương ngay từ khi còn đang học, đã có thể kiếm được việc tốt, lương cao. Đó là điều có thật. Nhưng cũng có một sự thật này nữa, đó là ít có người sử dụng lao động nào muốn gắn bó với sinh viên ngoại thương dài lâu, và bản thân sinh viên ngoại thương cũng không muốn gắn bó với ai lâu dài cả.

Khi phỏng vấn, hầu như bạn sinh viên ngoai thương nào cũng đặt yếu tố môi trường làm việc, sự thăng tiến, niềm ham thích công việc nên hàng đầu. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm của tôi, tiền là yếu tố các bạn ấy quan tâm nhất. Người sử dụng lao động rất dễ “câu” sinh viên ngoại thương bằng lương cao. Nhưng những người sử dụng lao động có kinh nghiệm đều biết rằng, chỉ cần chỗ khác “câu” cao hơn một ít là lại mất các bạn ấy ngay.

Một bạn sinh viên ngoại thương tôi quen, sau khi ra trường, trong 3 năm đầu tiên, bạn ấy nhảy qua 5 chỗ làm việc. Chỗ nào cũng trả lương khá cao so với mặt bằng chung, nhưng chẳng chỗ nào bạn ấy hài lòng cả. Có lần bạn ấy chia sẻ với tôi rằng năm thứ 2 làm thêm ở trung tâm em đã kiếm mỗi tháng cả chục triệu. Nay đi làm nghiêm túc, gấp vài lần số đó mới hợp lý chứ. Bạn ấy không sao hiểu được là thu nhập mùa vụ khác hẳn với thu nhập thường xuyên.

Nhưng không phải bạn nào cũng vậy. Một bạn khác tôi cũng quen trong một lần đến nói chuyện tại đây. Nhân lúc bạn ấy đọc câu “a rolling stone gathers no moss” và dịch cho tôi ý nghĩa của nó, tôi đã khuyên bạn ấy nên theo câu châm ngôn ấy mà hành động khi đi kiếm việc và xác định hướng đi trong những năm đầu tiên mới ra trường. Giờ bạn này cũng khá thành công.

Ngoại thương là trường tốt, có tên tuổi và nhất là có thương hiệu. Nhưng nó chỉ là bệ đỡ cho các bạn sinh viên khi ra trường thôi. Thành đạt hay không, lại là một câu chuyện không dễ dàng ở phía trước.





6 nhận xét:

  1. Ồ, có vụ này hả anh? Hihi... bên em đang có 1 cô cựu SVNT đang đưa đơn mãi mà hem được nhận nè :-P

    Trả lờiXóa
  2. Ơ, comt rồi mà mất là seo?

    Bên em đang có cô cựu sinh viên ĐHNT nộp đơn mãi mà hem được nhận đấy :-P

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ừ, dạo này blogspot làm sao ấy. Bên em hình như cũng rất thích DHNT mà, đúng không?

      Xóa
  3. Em thích câu cuối của anh quá. Cũng có khi thành công sớm lại là trở ngại sau này.

    Trả lờiXóa
  4. Hội bằng tuổi em học ĐHNT thì đắt giá thôi chứ không chảnh.

    Thế mới biết đào tạo nhà mình lệch lạc anh nhỉ, có kiến thức mà chẳng có thái độ làm việc đúng. Cũng phải có vài nhà tuyển dụng như vậy để các bạn ấy về lại đúng vị trí của mình.

    Em thích hội tây ở chỗ nó bắt học cả đạo đức hành nghề, tuy vẫn chỉ là lý thuyết nhưng ít ra cũng định ra đâu là nên đâu là không nên.

    Trả lờiXóa
  5. Có khi là đa số thôi chứ nhỉ. Tẩy chay chung thế thì những bạn ĐHNT tố chất tốt cũng bị tẩy chay theo sao?

    Trả lờiXóa