Thứ Tư, 29 tháng 12, 2010

TRÊN SÂN GA



Bài Những cuộc chia lìa trên sân ga của thi sĩ đồng quê Nguyễn Bính dù ở bản nào, cũng kết thúc bằng khổ

“Những chiếc khǎn màu thổn thức bay.

Những bàn tay vẫy những bàn tay.

Những đôi mắt ướt tìm đôi mắt.

Buồn ở đâu hơn ở chốn này?”.

Trong suốt nhiều năm qua, hầu như không thấy ai thắc mắc gì. Có lần, cách đây tầm hơn chục năm gì đó, tôi có đọc một bài viết về Tống Biệt hành của Thâm Tâm Nguyễn Tuấn Trình, nội dung chủ yếu tác giả nhắc đến một khổ thơ, nghi là của Tống Biệt hành bị thất lạc. Ghép khổ thơ ấy vào thấy ngang phè phè. Chẳng mang hơi hướng gì của thơ Thâm Tâm cả.

Đọc bài viết xong, tôi có viết bài “Nhân Tống Biệt hành, nói về Những cuộc chia lìa trên sân ga”. Nội dung bài viết tỏ ý không tán thành khổ thơ ghép thêm vào Tống Biệt hành. Tuy nhiên, nhân sự kiện này, bày tỏ việc tìm thấy một khổ thơ cuối cùng của Những cuộc chia lìa trên sân ga mà tôi đoan chắc là của Nguyễn Bính.

Bài viết đăng trên Báo Thanh Niên, nhận được khá nhiều ý kiến tán thành của bè bạn gần xa. Khổ thơ đó tiếp ngay sau khổ thơ trên, và kết thúc bài thơ. Đó là

“Tôi đã từng chờ những chuyến xe.
Đã từng đưa đón kẻ đi về.
Sao nhà ga ấy sân ga ấy.
Chỉ để cho lòng dấu biệt ly?”.

Tôi biết được khổ thơ cuối cùng ở đâu, thực ra, cũng chẳng nhớ nữa. Tôi nghĩ, Những cuộc chia lìa trên sân ga được nhiều thế hệ yêu thích, cả một thời gian dài không xuất bản mà chỉ chép chuyền tay. Thất lạc cũng là điều khó tránh khỏi. Chưa kể, biết đâu, bản thân nhà thơ, trong một lần tái bản ngày trước, đã bỏ đi, hoặc quên mất thì sao?

Bài viết được bạn Tiến Thanh, giờ đang làm Tổng Biên tập một tờ báo lớn mang đến tận tay một khoản nhuận bút khá lớn vào thời ấy. Tiến Thanh hào hoa và làm thơ khá hay. Vì thế, được bạn ấy mang nhuận bút đến tận nơi tôi tự hào lắm.

Chính vì điều này, tra trên google cũng thấy bài thơ bị thiếu mất khổ cuối cùng. Chưa kể, ngay cả tên bài thơ cũng có nhiều thay đổi. Những bóng người trên sân ga. Những cuộc chia lìa trên sân ga. Có lẽ, cái tên sau có lý hơn.

Mạnh dạn chép ra đây, như một món quà cho các bạn yêu thơ!

NHỮNG CUỘC CHIA LÌA TRÊN SÂN GA

Những cuộc chia lìa khởi tự đây
Cây đàn sum họp đứt từng dây
Những đời phiêu bạt thân đơn chiếc
Lần lượt theo nhau suốt tối ngày.

Có lần tôi thấy hai cô gái
Áp má vào nhau khóc sụt sùi
Hai bóng chung lưng thành một bóng
"Đường về nhà chị chắc xa xôi?"

Có lần tôi thấy một người yêu
Tiễn một người yêu một buổi chiều
Ở một ga nào xa vắng lắm
Họ cầm tay họ bóng xiêu xiêu.

Hai người bạn cũ tiễn chân nhau
Kẻ ở trên toa kẻ dưới tàu
Họ giục nhau về ba bốn bận
Bóng nhoà trong bóng tối từ lâu.

Có lần tôi thấy vợ chồng ai
Thèn thẹn đưa nhau bóng chạy dài
Chị mở khǎn giầu anh thắt lại:
"Mình về nuôi lấy mẹ, mình ơi."

Có lần tôi thấy một bà già
Đưa tiễn con đi trấn ải xa
Tầu chạy lâu rồi bà vẫn đứng
Lưng còng đổ bóng xuống sân ga.

Có lần tôi thấy một người đi
Chẳng biết về đâu nghĩ ngợi gì
Chân bước hững hờ theo bóng lẻ
Một mình làm cả cuộc phân li.

Những chiếc khǎn màu thổn thức bay
Những bàn tay vẫy những bàn tay
Những đôi mắt ướt tìm đôi mắt
Buồn ở đâu hơn ở chốn này?

Tôi đã từng chờ những chuyến xe
Đã từng đưa đón kẻ đi về
Sao nhà ga ấy sân ga ấy
Chỉ để cho lòng dấu biệt ly?



19 nhận xét:

  1. Thi sĩ đồng quê anh Thuỵ ơi (ngay dòng 1 ợ).

    Trả lờiXóa
  2. PTN: Cám ơn em! Anh sửa ngay rồi. Hì!

    Trả lờiXóa
  3. Anh à, nhớ cả cái vụ lì xì trong comt của em ở bài trước đấy nhé.

    Trả lờiXóa
  4. Haizzz...

    Người đi đi mãi, tôi buồn lắm!
    Nhưng chẳng chịu đi, tôi lại rầu...

    Trả lờiXóa
  5. Anh ơi em nghiêng về phía cho rằng bài thơ của Nguyễn Bính kết thúc ở 'buồn ở đâu hơn ở chốn này', có thể vì từ lâu em đã thuộc version chỉ kết ở đó, mà em lại khá bảo thủ (lười đổi những gì đã thuộc). Cũng vì em thấy về ý thì hợp (rất hợp) nhưng về vần thơ/ vần đoạn thì khúc cuối không hẳn ăn nhập với bài thơ.

    Trả lờiXóa
  6. Bài hay quá anh Thụy ơi. "Những đôi mắt ướt tìm đôi mắt"
    Chia ly là cảnh tượng đau lòng nhất, chắc những ai đã từng trải qua mới hiểu anh hén.

    Trả lờiXóa
  7. Em cũng thích bài Tống Biệt Hành của Thâm Tâm, nhưng em cũng thích một bài khác, có đoạn này mà em thuộc luôn
    Hôm qua đưa tháng Ba lên tàu
    Cái gì xui nhớ cái gì đâu
    Chút mưa chút nắng ùa trong mắt
    Tiếng hụ còi thôi đủ nhói đau.

    Trả lờiXóa
  8. Tôi cũng đồng ý kiến với Lana, loại thơ bảy chữ, mỗi khổ 4 câu này rất chú trọng về vần điệu và cả thanh âm. Vì vậy khổ kết cũ là chuẩn không cần chỉnh (giống hệt khổ mở đầu,các chữ cuối câu 1,2,4 cùng vần, chữ cuối cùng thanh huyền vừa như lắng đọng những tình cảm dâng trào trong bài, vừa tiện cho việc...ngâm thơ, hìhì). Về ý thì câu hỏi tu từ " sao nhà ga ấy sân ga ấy, chỉ để cho lòng dấu biệt ly?" có vẻ không logic với nhận xét có tính khẳng định ngay từ câu đầu "Những cụôc chia lìa khởi sự đây"

    Trả lờiXóa
  9. Lỗi thằng đánh máy "những cuộc chia lìa khởi tự đây", sorry.

    Trả lờiXóa
  10. em thấy thêm khổ kia vào bài thơ tự nhiên dở đi, thường hẳn. Kết như cũ ổn rồi, các bác nhỉ ?

    Trả lờiXóa
  11. Buồn quá! Nguyễn Bính có tâm hồn khoáng đạt, hài hước, thẳng thắn , thơ của ông dân dã, có xót xa đấy nhưng ít khi buồn thê thảm thế này lắm.

    Trả lờiXóa
  12. PTN: Hì, vụ ấy anh không quên đâu mà em!

    Trả lờiXóa
  13. Lu: Chà chà, em định đua tài cũng Nguyễn Bình hả?

    Trả lờiXóa
  14. Lana: Hoá ra là em đọc hơi bị kỹ, đúng không? Anh cũng thấy thú vị, như một sự giả định thôi. A chỉ nhớ khổ cuối cùng anh biết khi còn học ở Đại học Bách khoa Hà Nội, nhưng vì sao thì anh cũng k còn nhớ chính xác nữa.

    Trả lờiXóa
  15. moon: Em nên biết thêm câu này. Nhất Linh Nguyễn Tường Tam có nói: "Chia ly thì bao giờ cũng buồn nhưng buồn nhất vẫn là người ở lại". Vì thế, người lên tàu không buồn bằng người ở dưới tàu đâu em ạ!

    Trả lờiXóa
  16. Korolbo: Bạn phân tích rất là kỹ. Như tôi đã nói trong reply với Lana, tôi biết được khổ đó rất tình cờ. Ngay cả người chép cho tôi cũng không dám khẳng định mà!

    Trả lờiXóa
  17. Đàm Hà Phú: Nhà thơ mà bình thì chịu rồi. Hì!

    Trả lờiXóa
  18. Titi: Thê thảm hả em? Buồn thì đúng rồi, đâu có thê thảm lắm đâu em!

    Trả lờiXóa