Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2011

ĐÚNG GIỜ




Nói thật là tôi ít khi thấy người Việt mình đúng giờ ở các cuộc hẹn, các cuộc họp và ở tất cả những chỗ nào thuộc về tập thể.

Có lần chúng tôi hẹn nhau đi chơi theo một chương trình du lịch hè của công ty. Hẹn 8 giờ có mặt, nhưng đúng vào giờ hẹn, cái giờ mà tất cả mọi người đều thống nhất định ra ấy, tôi chỉ thấy vẻn vẹn có 8 người trên tổng số gần 3 chục người lẽ ra đã phải ở đấy.

Lần khác, chúng tôi dự một cuộc hội thảo ngành. Giấy mời ghi 14 giờ, vậy mà khi chúng tôi đến mới chỉ thấy lác đác vài người. Tôi còn nhớ buổi hội thảo hôm đó chính thức khai mạc vào tầm 15 giờ có lẻ. Và lạ thay là chẳng thấy chủ toạ nói một lời nào về hơn 1 giờ đồng hồ bị muộn kia. Ai cũng điềm nhiên cho rằng hiển nhiên nó phải như vậy.

Gần đây nhất và buồn cười nhất là tôi được mời dự một đám cưới ở Sài Gòn. Giấy mời ghi 17 giờ. Một người bạn tôi nói nếu anh không muốn phải chờ đợi thì chừng 18 giờ 30 hoặc 18 giờ 45 hãy đến. Đến sớm quá chẳng có ai đâu, ngay cả cô dâu chú rể cũng chưa đến luôn. Tôi hỏi đến sớm quá là mấy giờ thì người bạn nói thản nhiên rằng đến đúng giờ là đến sớm quá đấy!

Nhưng điển hình nhất là đi làm muộn. Tôi đã từng làm việc với vài bạn rất là lạ. Có bạn đi làm muộn kinh niên. Nghĩa là hầu như không hôm nào đi đúng giờ cả. Công ty trợ giúp bằng cách lùi giờ làm việc xuống, bạn ấy vẫn đi muộn. Có người nói vui, giá mà giờ làm việc bắt đầu vào lúc 10 giờ sáng thì bạn ấy vẫn đi muộn thôi.

Nhưng đấy là chỉ ở những đơn vị Việt Nam, công ty Việt Nam thôi. Những nơi ấy chỉ có người Việt với người Việt thôi. Chứ ở đơn vị nào, công ty nào có bóng dáng mấy ông Tây là tình hình khác hẳn.

Một cô ở chỗ tôi chúa trùm đi muộn, thậm chí còn nghỉ thẳng vài ngày. Vậy mà sau khi chuyển tới một văn phòng đại diện, cô ấy khác hẳn. Như thể một người vừa được lột xác. Đi làm rất đúng giờ, rất nghiêm túc. Quay về công ty cũ làm nốt thủ tục cũng ba chân bốn cẳng, mắt trước mắt sau về cho kịp giờ, chẳng bù cho ngày trước, chỉ cần có lý do là đi thẳng.

Hồi còn làm ở một toà soạn báo, chúng tôi luôn luôn được chứng kiến một nghịch cảnh. Tờ tiếng Việt chỉ người Việt với nhau thì giờ giấc rất buồn cười. Ông đến sớm, ông đến muộn, thậm chí cả ngày không đến cũng chẳng sao. Trong khi tờ tiếng Anh, vì có mấy bác chuyên gia nước ngoài làm việc, các bạn Việt Nam nhà mình rất là quy củ. Đi làm chuẩn. Ra về chuẩn. Trong giờ đi đâu, làm gì cũng rất chuẩn.

Vì sao lại như vậy?

Thật khó trả lời một cách chính xác là vì sao? Tôi nghĩ có thể do thói quen, do tính ỷ lại hoặc đơn giản là sư thiếu tôn trọng chính bản thân mình đã ngấm vào máu thịt. Cũng có thể do những nguyên nhân gì khác nữa thì lại phải tuỳ từng hoàn cảnh mới có thể biết được.

Và tôi luôn trăn trở về điều này. Bởi vì luôn luôn tôi muốn giờ giấc phải được tuân thủ một cách quy lát. Chúng ta thường nghe nói giờ giấc không quan trọng, cái chính là hiệu quả công việc. Ý muốn nói cần gì phải đi làm đúng giờ, miễn là hiệu quả công việc tốt là được.

Cá nhân tôi, tôi không nghĩ thế. Bởi vì sau nhiều năm quản lý và quan sát, tôi đúc kết được rằng những người nghiêm túc về giờ giấc, nghiêm túc về kỷ luật lao động luôn luôn là những người đạt hiệu quả làm việc cao nhất. Còn những ai làm việc kiểu amateur thì kết quả đạt được, nếu có, cũng chỉ là nhất thời trong một giai đoạn nào đó mà thôi.

Chuyến công tác lần này, tôi được cơ quan bố trí ở một khách sạn 5 sao. Sáng đi làm việc, gần trưa quay về, thấy có một hội thảo về nguồn nhân lực. Ghé vào nghe “chùa” ít phút. Thật thấm thía khi đọc một câu note to tướng trên tập tài liệu của ai đó.

“Nếu ở công ty bạn có những người thường xuyên đi muộn về sớm, thường xuyên tận dụng thời gian để làm việc riêng thì chỉ có thể có 2 lý do. Thứ nhất là những người này không có việc làm, họ đang rất rảnh rỗi. Nếu có thì lỗi này thuộc về người quản lý. Thứ hai là trong team ấy đã có ai đó lười và không chịu làm việc. Lỗi này thuộc về bản thân người lao động”.

Đọc xong, ngẫm nghĩ và thấy rằng xác đáng nhất thì phải khẳng định cả hai nguyên nhân trên, nếu có, đều thuộc về lỗi của người quản lý mới đúng!



28 nhận xét:

  1. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  2. Trong cơ quan, công ty, nếu đi muộn trở thành căn bệnh, thì rõ ràng đó là lỗi của người quản lý. Anh còn nhớ bác P.H. - sếp cũ của anh em mình không? Thời bác ấy lãnh đạo, mọi thứ đều đúng giờ răm rắp. Một số bác trong cơ quan đặt cho bác ấy cái nickname là "ông tây giả". Hehe.

    Trả lờiXóa
  3. Anh đăng bài này thật đúng với tâm trạng gần đây của em khi phải làm việc chung với một số bạn luôn luôn đi trễ. Khổ cái là mỗi lần trễ mỗi lần có một lí do khác nhau hoặc là không nêu lí do. Ngán quá mấy vụ này anh ạ.

    Trả lờiXóa
  4. ối, CQ em á, toàn người Việt hết mà đúng giờ kinh khủng nhé. Do người đứng đầu đấy anh ạ.

    Trả lờiXóa
  5. Em cũng nghĩ do người quản lý anh ạ!
    Chỗ em trước đây đi làm muộn 15 - 20 phút vẫn chẳng khác người đứng giờ, trong giờ cứ lý do tiếp khách là lượn cafe thoải mái cuối tháng vẫn lĩnh lương như người nghiêm túc :((
    Từ khi sếp mới lên cứ 4 lần trong tháng muộn 1' trừ 5% lương thì chẳng thấy ai đi muộn nữa, mà phụ trách phòng cũng nhàn hẳn không phải nói đi nói lại vấn đề giờ giấc trong các cuộc họp giao ban nữa :D

    Trả lờiXóa
  6. Sau bài viết này, có lẽ tiền trừ lương đi làm muộn, ko đúng giờ, của công ti con cá mập sẽ được nâng lên.
    Lí do, vật giá leo thang, đồng tiền bị lạm phát, giờ giấc bị lạm phát, nên mức trừ lương đi trễ cũng sẽ lạm phát...cho hợp thời thượng =))

    Trả lờiXóa
  7. Bên mình chưa sử dụng thẻ bấm giờ sao anh Thụy?

    Trả lờiXóa
  8. Mình làm việc với người Nhật.Đúng giờ là điều tiên quyết.Chứng tỏ mình tôn trọng đối tác và người khác!

    Trả lờiXóa
  9. Chuyện này quả thật là căn bệnh kinh niên, truyền từ thế hệ này qua thế hệ kia. Chỗ em nhiều bạn của thế hệ năng động 8X cũng đi làm muộn như thường. Chán ghê.

    Trả lờiXóa
  10. Trừ tiền nhiều rồi mà vẫn nhiều người đi muộn, hichic

    Trả lờiXóa
  11. Ghé thăm bạn,chúc ngày cuối tuần vui nhé!

    Trả lờiXóa
  12. VMC: Anh nhớ bác ấy! Và thích kiểu làm việc quy lát như thế!

    Trả lờiXóa
  13. jimmy: Người hay đi trễ thì lý do họ nói ra, phần lớn là nói dối đấy em ạ!

    Trả lờiXóa
  14. PTN: Đúng là do người đứng đầu. Thế nên anh mới càng phải lo nghĩ. hic

    Trả lờiXóa
  15. MẸ. MỐC VÀ MÍT: Bên anh cũng phạt ghê lắm mà chưa thuyên giảm được mấy. Hic

    Trả lờiXóa
  16. Lu: Thu được kha khá em ạ! Nhưng chẳng ăn thua. Cái mình muốn nhất là mọi người đi làm nghiêm túc thì chưa được.

    Trả lờiXóa
  17. HPLT: Thẻ không ăn thua đâu em ạ! Em biết mà, họ nhờ nhau quẹt cả đống thẻ. Hic

    Trả lờiXóa
  18. Quang Đông: Tôi lúc nào cũng ủng hộ sự nghiêm túc, nhất là nghiêm túc về thời gian.

    Trả lờiXóa
  19. Lana: Càng 8X, 9X càng hay đi muộn em ạ!

    Trả lờiXóa
  20. NADIA: Hay tại cái gì nữa em nhỉ?

    Trả lờiXóa
  21. hehe, anh nói chính xác quá, nhất là câu xác định "lỗi của người quản lý"

    Trả lờiXóa
  22. chỗ em làm việc theo sản phẩm, đi sớm muộn gì cứ sản phẩm tốt là được. Nhiều hôm em đi sớm còn bị diễu cơ đấy hic hic...

    Trả lờiXóa
  23. Em luôn nhớ ở HN em có hai người anh luôn điềm đạm nở nụ cười với cuộc sống.Một người chị luôn dung hoà mọi cảm xúc anh ạ!
    Em chúc anh chị và gia đình mọi điều may mắn!

    Trả lờiXóa
  24. Đàm Hà Phú: Chắc chắc là do người quản lý rồi em!

    Trả lờiXóa
  25. Titi: Lĩnh vực em làm lại khác hẳn so với dân kinh doanh em ạ! vì thế, nó phù hợp với phong cách làm việc như em nói!

    Trả lờiXóa
  26. Vừng, đúng òi, làm ở đâu, nghề gì sẽ qui định phong cách làm việc của bạn. Vì vậy, các bạn bên anh cần biết rõ và làm theo phong cách làm việc do công ty anh đề ra nếu còn muốn làm việc hiệu quả ở đó :-)

    Trả lờiXóa