Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2011

EM GÁI



Nhà đông anh em, nhưng anh và cô hợp nhau hơn cả. Anh thứ 2 còn cô thứ 4. Từ lúc còn nhỏ ở quê hai anh em đã thân nhau. Có thể vì cả hai đều có một điểm chung, đó là hợp mẹ. Cũng có thể vì anh hay chiều em gái, mà cô thì là một trong hai cô em gái trong cái gia đình đầy đặc con trai ấy nên lẽ dĩ nhiên là hợp nhau mà thôi.

Có lần cô bị ho dai dẳng, mẹ bảo anh cõng em ra trạm xá xã để khám và tiêm thuốc. Thấy em bị tiêm đau, anh thương quá. Lúc về qua chợ, anh rút đồng 1 hào được mừng tuổi để dành từ lâu còn mới cứng, mua cho cô 2 cái kẹo bột. Ai dè, ăn cái kẹo ấy vào, vết tiêm bị tấy đỏ, em khóc suốt đêm làm anh lo quay quắt không ngủ được. Sự cố này là kỷ niệm mà anh không thể nào quên.

Học xong phổ thông, trúng tuyển vào đại học, anh rời làng quê bắt đầu cuộc sống mới. Tốt nghiệp đại học, anh vào bộ đội, rồi chuyển ngành về công tác tại một xí nghiệp ở Hà Nội. Cũng trong ngần ấy năm, hết thảy anh em trong gia đình anh trưởng thành, người đi thoát ly công tác, người vào bộ đội. Ai cũng xây dựng gia đình, con cái đầm ấm. Chỉ có mình cô, tốt nghiệp phổ thông xong là ở lại quê nhà.

Mẹ mất, cô càng buồn. Tới năm 31 tuổi cô vẫn ở nhà một mình với bố. Ở quê mà tuổi ấy chưa chồng là muộn mằn lắm. Có lần anh về chơi, cô bảo: “Thôi chắc em chẳng lấy chồng nữa. Cứ ở thế này với bố cũng tốt. Sau này, cháu nhà anh lớn, anh cho một đứa về quê ở với em nhé!”. Anh nắm tay cô động viên: “Em phải lấy chồng chứ! Em yên tâm, thế nào mẹ cùng phù hộ cho anh em mình. Thế nào em cũng gặp được người tử tế em ạ!”.

Rồi qua mối lái của bà chị dâu cả, cô nên vợ nên chồng với chàng thanh niên nghèo ở một xã trung du, gần quê của chị. Ngày cưới cô, cả nhà vui lắm. Tối hôm trước, anh về, hai anh em dẫn nhau ra bờ ruộng sau nhà, nơi mà hồi thơ ấu, anh và cô hay bắt châu chấu ở đấy. Anh đặt vào tay cô chiếc nhẫn vàng 2 chỉ: “Em đi lấy chồng xa, anh chẳng còn gặp thường xuyên được nữa. Anh có chút vốn liếng cho em. Gặp việc gì khó khăn, cứ bán đi mà dùng. Trời cho làm ăn được, anh lại mua cho cái khác. Đừng tiếc, đừng cố để dành nhé!”.

Sau lần sinh con đầu, cô bị bệnh nấm ở mắt khá nặng. Lần nữa mãi rồi cũng phải xuống Hà Nội chữa. Vào Viện mắt Trung ương, làm thủ tục xong, cô nhờ đứa cháu bên chồng gọi điện cho anh. Anh tất tả tới Viện. Gặp anh, cô nắm tay anh khóc: “Em vừa làm thủ tục xong. Phải nằm viện chừng 1 tuần. Toàn thuốc đắt tiền thôi. Anh cố lo cho em nhé! Lần này em lại làm khổ anh rồi!”.

Cuộc sống cứ thế trôi đi. Giờ anh đã ngoài 50 tuổi, tóc đã muối nhiều hơn tiêu. Cô trẻ hơn anh 5 tuổi nhưng xem chừng tóc bạc hơn, lam lũ hơn nhiều. Được cái con cái đã khôn lớn, ít nhiều đỡ đần được mẹ. Kinh tế cũng khám khá dần. Những ngày gian khó đã qua. Mỗi lần giỗ mẹ, anh đã không còn phải chờ cô ở đầu làng, dúi vào tay cô ít tiền, để lát nữa, cô đưa món tiền ấy gửi giỗ cho bố nữa.

Lần gặp mới rồi, lúc chia tay, anh bảo: “Lâu rồi anh chẳng cho em cái gì. Em cầm lấy môt ít mà tiêu nhé!”. Cô cười thật tươi: “Anh cho em nhiều thế! Giờ em cũng đã mát mặt rồi. Cũng đã có của ăn của để. Anh đừng lo cho em như ngày trước nữa. Anh vất vả vì em quá nhiều rồi!”. Lần đầu tiên anh thấy cô từ chối, nhưng sự từ chối của cô lại làm anh vui. Anh khoát tay: “Thế là mừng rồi em ạ! Em cứ cầm lấy. Chủ nhật này bảo cháu nào nó đèo ra thị xã, sửa mái đầu, nhuộm tóc đi em nhé! Các cháu đã khôn lớn, cũng đã đến lúc em nên chăm sóc cho bản thân mình nữa chứ!”.



6 nhận xét:

  1. Em thích entry này. Có thể nó là câu chuyện riêng, cũng thể nó chung cho rất nhiều gia đình, anh - em, chị - em, và luôn là những câu chuyện rất đẹp.

    Trả lờiXóa
  2. Em chẳng có anh, thiệt thòi quớ :-(

    Trả lờiXóa
  3. Em thích entry mà A kể chuyện của A như thía lày lày. E chẳng thích A kể chiện của người khác, hic!

    Trả lờiXóa
  4. Lana: Anh em ruột thịt thì nhà nào cũng thế em ạ! Thương yêu nhau mà!

    Trả lờiXóa
  5. Titi; Không có anh thì em đã có em trai. Như nhau thôi em!

    Trả lờiXóa
  6. Huyen Nga: OK em, sẽ không kể chuyện của người khác nữa nhé!

    Trả lờiXóa