Thứ Tư, 8 tháng 6, 2011

PHÁP LÝ CHÁU NỘI



Đó là một phiên toà hình sự thật buồn. Phiên toà xét xử cuộc chia ly đầy nước mắt của một cặp vợ chồng có thời gian được coi là biểu tượng hạnh phúc của bà con lối phố. Họ sống với nhau đã 12 năm. Có 2 con, một trai một gái. Đứa con trai lớn 11 tuổi, còn con nhỏ bắt đầu vào lớp 1.

Mâu thuẫn vợ chồng bắt đầu từ vài năm nay. Anh chồng hiền lành nhưng có vẻ gì đấy nhu nhược, cục tính. Anh thường xuyên bị vợ nói là người không có trách nhiệm với vợ con. Đã cờ bạc, rượu chè lại còn lòng thòng trai gái. Anh chồng thì nói vợ ghê gớm, lăng loan và không chung thuỷ. Đại khái là như vậy. Cũng vì cảnh gia đình bố mẹ hay hầm hè nhau như thế nên cả 2 đứa trẻ gần như sống với bà nội ở ngay gian nhà gần đó.

Trong một lần xô xát, hai bên cầm gậy gộc lao vào nhau. Anh chồng trượt chân, lãnh trọn một gậy tổ bố của chị vợ lực lưỡng. Anh trở thành người tàn tật, không còn khả năng lao động. Thậm chí, vào lúc ra toà, anh còn hầu như không tự chủ được một số hành vi của mình. Cũng vì thương tật ấy mà chị vợ mắc trọng tội, ngay với chồng của mình.

Thoạt đầu, hết thảy những ai tham dự phiên toà, nhất là họ hàng hai bên, đều chỉ quan tâm đến bản án hình sự sẽ dành cho chị. Nhưng rồi, một tờ giấy của luật sư bên chồng được trưng ra, cả phiên toà nhốn nháo. Hầu như tất cả họ hàng bên nội đều gục xuống tuyệt vọng.

Đó là tờ giấy xét nghiệm AND. Nó chứng minh rằng cả 2 đứa con của vợ chồng anh đều không phải là con của anh, không phải dòng máu của anh. Nói tóm lại, hai đứa trẻ là con riêng của chị vợ, với ai thì chắc là chỉ có chị biết mà thôi.

Ai đó trách luật sư sao lại có thể trưng ra cái kết quả giám định ấy vào thời điểm nhạy cảm thế này, khi mà 2 đứa trẻ đã lớn, đã ý thức được hậu quả ghê gớm của cái kết luận giám định cay đắng ấy. Người thì bảo đưa ra là đúng rồi. Mới hai năm rõ mười. Từ giờ đừng có chối nhé! Đúng là tu hú đẻ nhờ!

Rồi phiên toà cũng đến lúc kết thúc. Đại diện người bị hại được phát biểu trước khi toà tuyên án. Bà nội là người được mời. Bà gạt nước mắt, dõng dạc: “Tôi là người ít học nên không biết gì về cái kết luận giám định kia. Tôi chỉ mới vừa được giải thích. Nhưng tôi không tin. Làm sao có thể chắc được sợi tóc mang đi xét nghiệm là tóc của con trai tôi. Làm sao có thể chắc được máu là máu của hai cháu tôi. Và có chắc rồi thì ai có thể khẳng định khi xét nghiệm không có nhầm lẫn?”.

Rồi bà xúc động đứng hẳn lên gần chỗ chủ toạ. Bà giơ lên 2 tờ giấy: “Nhưng có một điều chắc chắn không thể nghi ngờ, không thể nhầm lẫn. Đó là giấy khai sinh của 2 cháu. Tôi là người đích thân đứng khai cho chúng khi chúng mới sinh ra. Tôi không thể nhầm. Hơn nữa, giấy khai sinh có con dấu của cơ quan chính quyền Nhà nước. Vì thế, nó là cơ sở pháp lý duy nhất chỉ ra rằng cả 2 đứa là cháu nội tôi. Bố mẹ chúng có lỗi lầm, có tội, bố mẹ chúng phải chịu tội. Nhưng các cháu là cháu nội tôi. Vì thế, bất luận thế nào, chúng cũng sẽ phải được về sống với tôi”.

Hết thảy mọi người đều lặng đi, cố giấu những dòng nước mắt. Chỉ mình bà, tay cầm 2 tờ giấy khai sinh đang run lên bần bật. Bà lao xuống phía dưới, nơi 2 đứa trẻ cũng đang khóc nức nở. Cả 2 anh em gục đầu vào lòng bà. Còn bà, bà đưa tay ôm chặt cả 2 đứa, như thể sợ chúng sẽ vụt đi đâu mất khỏi tầm tay bà ngay bây giờ.



10 nhận xét:

  1. Nhiều khi, sự thật, sự quá rõ ràng, sự tỉnh quoeo đến vô tình của sự việc đã giết chết cái đẹp thực sự của cuộc sống. Việc không phải dòng máu ruột rất có thể là chứng cứ để vô số ngừi thích trắng đen rõ ràng giết chết niềm yêu thương sâu sắc mà con người dành cho nhau bấy lâu nay.
    May thay trong trường hợp này ta không thấy điều ấy :-) > Mấy ai biết được rằng yêu thương thực sự là yêu thương vô điều kiện :-)

    Trả lờiXóa
  2. Đúng như Titi nói, sự rành rọt quá đôi khi gây đau lòng. Nhưng tòa án là cần mọi điều rành rọt, dù khô khan.
    Nếu 'giá như' thì chỉ mong đừng có những điều chạm tới tình đừng phải mang ra soi ở tòa án.

    Trả lờiXóa
  3. Em quan niem giong ba em, "con ai cung la con, vi chung no la tre em can su yeu thuong va lo lang". Em cung theo truyen thong cua ba em, "con nuoi cung la con, vi do la mot con nguoi". Khoai nhan vat "ba noi", da ngon lanh dung ra nhan "chau nuoi".

    Trả lờiXóa
  4. đây là một vụ khá hy hữu, nhưng đem những đứa trẻ ra làm lý lúc này thật là nhẫn tâm

    Trả lờiXóa
  5. Titi: Đúng thế, yêu thương thực sự thì chẳng bao giờ có điều kiện gì kèm theo cả!

    Trả lờiXóa
  6. Lana: Vụ này, dù lý là đúng, nhưng nói thật là anh rất không thích việc trưng ra cái giấy giám định ấy em ạ!

    Trả lờiXóa
  7. Lu: Bà nội là nhân vật khiến anh cảm động viết bài này đấy!

    Trả lờiXóa
  8. Đàm Hà Phú: Hoàn toàn đồng ý với em!

    Trả lờiXóa
  9. Trẻ con cần xem xét dưới một khía cạnh khác, bởi đó nhà những mầm non dễ tổn thương nhất. THương bà nội quá.

    Trả lờiXóa
  10. rita: Lâu lắm mới thấy bạn! Đúng thế, mang trẻ con ra để phán quyết chuyện người lớn thật đáng trách!

    Trả lờiXóa