Thứ Hai, 1 tháng 2, 2010

BÀ LÃO BÁN BÁO



Khu tập thể nhỏ nằm lọt thỏm trong con phố cổ đông đúc. Cả khu có cái sân nhỏ chung nhau, là nơi tập trung hầu hết các bà chủ nhà, ô-sin và đôi khi, là chỗ thông báo, đăng đàn giải thích của cả bác tổ trưởng nữa. Những cư dân ở đây khá thân tình và cởi mở.

Chiều tối hôm ấy, bác tổ trưởng mau mồm mau miệng dẫn một bà tầm ngoài 60 đến từng căn hộ giới thiệu. Bà cụ hiền lành, gương mặt phúc hậu, từ tốn trình bày với từng chủ hộ mục đích của mình. Bà về nghỉ hưu đã lâu, giúp đỡ con cháu trong nhà. Giờ các cháu đã lớn, đi học hết cả, ở nhà một mình cũng buồn nên bà làm thêm công việc đưa báo đến tận nhà cho những ai có nhu cầu.

Có bác tổ trưởng dẫn đi, lại thêm phần cả nể người già, hầu như nhà nào cũng đặt một vài đầu báo. Bắt đầu từ đấy, cứ sáng sáng, bà phát báo mang báo đến từng căn hộ, nhà nào có người thì đưa tận tay, nhà nào đi vắng thì nhét qua khe cửa. Một tuần sau, bà xin tạm ứng tiền báo cho tháng đầu tiên.

Sự việc cứ thế trôi đi. Đến quý tiếp theo, bà phát báo đã trở thành chỗ khá thân tình của cái Khu tập thể lắm lời và thân thiện ấy. Đầu quý, bà trình bày với các hộ là có chút khó khăn về tài chính nên muốn mọi người tạm ứng trước tiền báo của tháng. Hầu như nhà nào cũng đồng ý. Cũng dễ hiểu, bà đã có uy tín với mọi người, lại là người có tuổi, ai cũng muốn đỡ đần bà ít nhiều.

Gần chục ngày qua đi. Buổi chiều muộn hôm ấy, cái sân nhỏ của Khu tập thể bỗng xôn xao tin bà già phát hành báo không đến đưa báo như thường lệ. Một vài người nói với nhau như tự nhủ: “Thôi thì nhà người ta có việc. Thông cảm! Không ăn thì chết chứ không đọc báo có ai chết đâu!”.

Nhưng rồi hôm sau, hôm sau nữa, bà phát hành báo cũng không đến. Lần này thì lừa đảo thực sự rồi. Một vài bà mạnh mồm chất vấn bác tổ trưởng: “Cái con mẹ ấy ông moi ở đâu ra thế hả? Nó tạm ứng tiền rồi bùng mất. Rõ ràng là có âm mưu từ đầu. Ông bị lừa rồi, làm chúng tôi cũng vạ lây”.

Bác tổ trưởng ú ớ vì chính bác cũng biết bà già ấy một cách rất tình cờ. Gọi vào số điện thoại di động thì thấy ò í e suốt. Mấy cô cậu thanh niên xem số rồi cười ầm lên: “Bác ơi là bác, đây là số sim khuyến mại. Chúng cháu đứa nào cũng có vài cái. Bác bị ăn quả lừa rồi bác ơi!”.

Một tuần qua đi. Cả khu cũng đã quên dần sự kiện bà già phát hành báo biệt vô âm tín. Cũng chẳng ai muốn nhắc lại nữa. Thời buổi này, không cẩn thận, quá tin người thì ăn quả đắng là phải thôi. May mà số tiền của mỗi nhà cũng không lớn.

Tối muộn hôm ấy…

Một cô gái nhỏ nhắn, mặc bộ đồ sẫm màu, ngập ngừng bấm chuông nhà bác tổ trưởng. Cửa mở, sau vài lời giới thiệu, bác hiểu ngay sự việc. Tần ngần giây lát, bác nói: “Thôi, cháu chờ bác ở đây, bác sẽ đi mời các nhà đến cho cháu thưa chuyện. Như thế tốt hơn là bác lại dẫn cháu đi từng nhà”.

Khi mọi người đã đến đầy đủ, cô gái bắt đầu câu chuyện của mình bằng một lời xin lỗi, dù rằng lời xin lỗi của cô có vẻ hơi muộn mằn.

Cô là con gái của bà phát hành báo vẫn đưa báo đến cho các hộ. Mẹ cô không may mất đột ngột sau một cơn tai biến. Bà chẳng kịp dặn lại con cháu điều gì. Tang gia bối rối, mọi người chỉ tập trung lo việc hậu sự cho mẹ chu tất. Công việc xong xuôi, mấy bố con ngồi họp gia đình, bố cô mới nhớ lại là mẹ vẫn đến đưa báo ở Khu tập thể ấy và đã tạm ứng tiền của một số hộ gia đình.

Cô tìm lại cuốn sổ giao nhận báo, tạm ứng tiền của mẹ và theo đó, tính toán số tiền đã tạm ứng, đã giao báo của từng nhà và tối nay, cô thay mặt mẹ xin lỗi ông bà, cô bác và anh chị vì sơ suất của gia đình đã không báo lại ngay. Cô cũng xin được hoàn lại số tiền đã ứng nhưng chưa đưa báo cho các hộ.

Câu chuyện thật bất ngờ khiến mọi người im lặng mãi. Chẳng ai nói được câu nào. Rồi thì bác tổ trưởng cũng phải cất lên tiếng nói đầu tiên. Bác thay mặt cho cả Khu tập thể có lời chia buồn đến gia đình, đồng thời cũng an ủi cô không phải xin lỗi, và cũng đừng băn khoăn gì về mấy đồng tiền báo ấy nữa. Bác nói: “Nếu cháu không thể bố trí đưa báo được cho các bác nữa thì các bác sẽ xin lại tiền. Còn nếu bố trí được thì cố gắng thay mẹ đưa báo. Cũng là lấy chỗ đi lại với nhau. Nếu bận đi làm thì tối đến đưa cũng được”.

Tiến cô gái ra về. Mấy bà mạnh mồm, từng làm ầm ĩ với bác tổ trưởng, giờ lại có phần tẽn tò. Một bà nói: “Thật là phúc đức! Cả mẹ lẫn con, ai cũng nhẹ nhàng, phúc hậu, chu đáo thế!”.

Câu chuyện trên đây, ở một khu tập thể nhỏ của Hà Nội. Những con người ấy, kẻ còn, người mất, nhưng những tờ báo vẫn hàng ngày đến tay hết thảy các hộ. Người ta chờ đón mỗi sáng, mỗi tối, nhiều khi không phải là tờ báo mỏng manh vô tri vô giác nữa, mà là chờ đón một con người, một gia đình đã từng nhiều năm gắn bó với nhau bởi một sự làm quen tình cờ, bắt đầu từ bác tổ trưởng già ngày nào.



6 nhận xét:

  1. Cái kiểu phán đoán bên ngoài câu chuyện này em gặp thường ngày như cơm bữa à. Em bực nhất cái tính chưa rõ câu chuyện trong ruột thế nào thì người ta (nhất là phụ nữ) thường hay đoán già đoán non, thêm mắm dặm muối, cuối cùng là dạy đời "sống phải thế này...xử phải thế kia..."...nghe mà bắt chán cái lỗ tai, vì cái kiểu thích cải tạo thiên hạ, của những cái miệng vợ thèng đậu hay chót chét. Hà...entry này của anh làm em nhớ đến bài viết NHÀ THỔ của em. Em viết cũng vì tính hậu đậu, hay nói, vụng về của các bà vợ "thèng đậu" đã vô tình làm mất hạnh phúc của mình do tật xấu này. Thôi hôm nay em moi ra post lại chơi ;))

    Trả lờiXóa
  2. Lâu lâu anh kể mấy chuyện này, kể thường xuân để nhắc nhở về sự "tử tế", vốn dĩ đang dần trờ nên hiếm hoi

    Trả lờiXóa
  3. Lu: Chuyện này bình thường thôi, nhưng cảm động. Nó là một câu chuyện thật em ạ!

    Trả lờiXóa
  4. DHP: Đúng là sự tử tế đang dần trở nên hiếm hoi!

    Trả lờiXóa
  5. Không rõ ở nơi khác thế nào chứ ở bên mình em thấy con người thường hay nghĩ đến mặt xấu trước khi nghĩ đến mặt tốt của sự vật, sự việc. Hic...nguyên nhân vì sao thì em hong rõ. Hic...

    Trả lờiXóa
  6. Titi: Và nhìn đâu, người ta cũng hay nhìn cái mặt trái của nó trước. Thế mới khổ chứ!

    Trả lờiXóa