Thứ Năm, 31 tháng 12, 2009

MÙA HOA CẢI VÀNG



Tôi thích hoa hồng. Nhưng tôi dốt về các loài hoa. Đã là hoa hồng thì hoa gì tôi cũng thích. Người ta nói có năm bảy loại hồng. Hồng đỏ cho tình yêu. Hồng trắng cho cha mẹ. Hồng vàng cho bè bạn… Gần đây, tôi nghe nói nhiều về hoa hồng xanh. Không phải là thứ hoa hồng trắng được tô màu xanh đâu. Mà là hoa hồng xanh thứ thiệt cơ. Nhưng tôi chưa nhìn thấy tận mắt bao giờ. Nói tóm lại, đã là hoa hồng thì miễn bàn, màu gì tôi cũng thích. Và thích hơn cả là hoa hồng dây, loại mà bây giờ hay gọi là hoa hồng ta, hoa hồng có mùi thơm.

Thích hoa hồng là thế, nhưng loài hoa làm tôi luôn bần thần, gợi nhiều cảm xúc lại là một loài hoa rất bình thường. Hoa cải! Hoa của cây rau cải mà nhà quê vẫn trồng để ăn và đem bán. Vào dịp cuối năm âm lịch, hoa cải nở vàng rực khắp cánh đồng rau. Nhưng bông hoa vàng nối tiếp nhau bất tận đong đưa trong gió. Màu xanh của lá. Mùa vàng của hoa. Thấp thoáng những con ong hút mật và đâu đó, bóng dáng các cô thôn nữ.

Kỷ niệm về hoa cải vàng đối với tôi là những ngày học lớp 5 trường Yên Thường. Tôi ở tập thể với các thày cô cấp 1 nhưng lại học ở trường cấp 2. Bếp ăn tập thể có bác cấp dưỡng già phúc hậu lắm. Bác nấu ăn rất ngon. Ngoài giờ học, bác là người bầu bạn duy nhất của tôi. Nếu hôm nào bác về sớm là tôi chẳng biết chơi với ai. Ăn cơm xong là tôi đóng cửa, ngồi một mình trong căn phòng rộng mênh mông của ngôi đình làng được dùng tạm làm trường học. Các bạn bằng tuổi tôi sợ phát khiếp, không ai dám đến chơi vì sợ ma.

Một hôm rảnh, bác dẫn tôi xuống tận nơi trồng rau. Đó là những doi trồng rau ở bãi bồi của Sông Hồng. Lần đầu tiên trong đời, thằng bé 11 tuổi là tôi nhìn thấy một khung cảnh đẹp đẽ và thơ mộng đến thế. Cả một vùng vàng rực hoa cải nở trong nắng sớm mùa đông. Một vùng hoa tưởng như bất tận trong mắt một đứa trẻ luôn phải chịu cảnh đói ăn và rách mặc. Những cánh hoa vàng lung linh ngời sáng. Tôi yêu những bãi bồi ven sông, yêu những người nông dân chân lấm tay bùn. Những người làm ra mùa hoa cải rực rỡ trong cái nắng hanh mùa đông từ dạo ấy.

Mùa hoa cải vàng trên bãi bồi ven Sông Hồng thuở thiếu thời. Mùa hoa cải vàng trên cánh đồng Làng Dâu năm ấy. Những mùa hoa cải vàng của làng quê Việt Nam. Tôi yêu và nhớ biết bao mỗi độ đông về.



Thứ Tư, 30 tháng 12, 2009

DÒNG TIN NHẮN TÌNH CỜ



Gần 4 năm trước, buổi sáng một ngày đầu tuần, trong một quán café đầu phố Lý Thường Kiệt, máy điện thoại báo hiệu tin nhắn mới. Anh cầm máy. Một dòng tin nhắn hiện trên màn hình nhỏ xíu: “Tao vừa hẹn được rồi. Chiều mai mày qua, tao với mày cùng đến nhé! Nhớ đấy! Không là toi đấy nhé! Hẹn mãi mới được ông ấy đấy!”. Số máy lạ! Chắc là nhầm. Chợt thấy vui vui, anh nhắn lại: “Nhầm rồi bạn ơi! Nhắn lại đi nhé! Nếu không có ai qua thì nhớ bảo để tôi qua nhà vậy nhé!”.


Vài dòng tin nhắn qua lại. Cô nhắn tin lại xin lỗi vì nhầm máy. Anh lịch sự nói chẳng sao đâu, tôi cũng hay nhầm thế mà! Thế rồi không hiểu sao, một tuần sau, anh nhận được dòng tin nhắn, cũng từ số điện thoại ấy: “Nếu anh rảnh, qua đây đi, em đãi anh café vì tội nhầm máy hôm trước”.


Tò mò, anh đến nơi hẹn. Cả hai đều chẳng biết mặt mũi nhau ra sao. Vài lần nháy máy, anh ngồi xuống trước mặt cô. Cả hai đều có vẻ bất ngờ. Cô thì không nghĩ người nhầm máy lại là anh. Còn anh thì hơi choáng vì cô xinh đẹp, trẻ trung và thật hay chuyện. Vài câu giới thiệu xã giao của hai bên. Ly café đá ngọt thật có lý trong một ngày nóng nực đầu hè…


Tất cả rồi cũng qua đi, qua đi! Chẳng bao giờ họ gặp nhau nữa, nhắn tin nữa. Lần gặp gỡ đầu tiên, cũng là lần gặp gỡ cuối cùng. Họ cũng chẳng biết gì, có thông tin gì về nhau nữa.


Hôm nay. Cũng một ngày đầu hè nóng bức. Anh lại nhận được dòng tin nhắn từ cái số máy tình cờ nhầm lẫn 4 năm về trước. Quán café với cái tên quen thuộc. Ly café đá ngọt, chai nước khoáng trong suốt. Vẫn như ngày nào, chẳng có gì khác trước. Sự xuất hiện của cô vẫn làm cho anh đôi chút choáng váng. Chỉ có điều, theo một hướng hoàn toàn khác cảm xúc của 4 năm về trước.


Chẳng còn nét gì của cô gái xinh đẹp ngày nào. Chẳng còn gì nữa hết. Cô đã lấy chồng. Có 2 con. Tháng ngày bươn chải với công việc của một bà chủ cửa hàng thể thao trên một con phố sầm uất. Thời gian, sự tất bật lo toan và nhiều lý do khác nữa đã lấy đi của cô gần hết những gì của 4 năm về trước. Chỉ còn giọng nói cuốn hút, lối nói chuyện hồ hởi không thay đổi của cô là an ủi anh phần nào, trong lần gặp gỡ sau gần 4 năm bặt tin của cô mà thôi.





Thứ Ba, 29 tháng 12, 2009

BỐ ĐÃ GIÀ



Bố ra chơi. Sáng Chủ nhật, anh dẫn bố đến một quán phở trên phố cổ. Quán phở đã có từ cách đây gần 2 chục năm, ngày anh còn làm phóng viên của một tờ báo kinh tế lớn. Quán phở bình thường, chỗ ngồi chật chội và mọi người muốn ăn thường phải đứng chờ một ai đó sắp xong. Đại khái như kiểu “xí” chỗ trước vốn rất phổ biến thời còn bao cấp.

Bát phở được gọi ra. Thêm đĩa quẩy nhỏ, ít hành trần và mấy miếng chanh tươi. Anh nhìn bố, háo hức vì niềm vui chắc mẩm bố sẽ rất thích bát phở, thích cái không khí chật chội của quán ăn và nhất là trong cái nhàn tản của một sáng cuối tuần, được thưởng thức bát phở Hà Nội “chính cống” không pha tạp chút nào cái mùi vị công nghiệp của “phở máy lạnh”.

Nhưng rồi có cái gì đó ở bố khiến anh phân vân. Bố không thích à? Không phải, chắc chắn là như thế! Anh biết, phở là một trong những món ăn mà bố thích nhất. Không lẽ nào! Hay bố thấy quán này không được sang trọng? Lại càng không? Hay là…? “Không ngon hả bố?”. “Không con ạ! Ngon lắm! Con cứ ăn đi!”.

Thế là rõ rồi! Có điều gì đó khiến bố không thật sự thoải mái. Anh linh cảm thấy điều đó. Nhưng thôi, đằng nào thì cũng đã đưa bố đi ăn rồi!

Lúc ngồi uống café, bố nói nhỏ với anh: “Bố muốn về nhà con ạ! Tự nhiên, bố không thích ăn ở quán nữa. Giá bát phở vừa rồi mà ở nhà mình thì hay biết mấy”. “Vậy hả bố? Có phải người ta phục vụ không được nhiệt tình, hay quát tháo khách, đúng không bố?”. “Không con ạ! Tự nhiên bố thấy thế thôi! Bố không thích cái không khí ồn ào, chật chội ở quán xá nữa”.

Anh nhìn bố, có điều gì đó làm anh ngạc nhiên. Một thoáng nghĩ lướt qua trong đầu. Kỷ niệm với bố từ nhiều năm về trước.

Năm ấy, anh học lớp 9. Nghỉ hè 2 tháng, anh xin vào làm ở đội dân công tăng cường cho công trình xây dựng Trạm bơm Tân Chi. Công việc mệt lắm. Nhưng vui thật là vui. Lần đầu tiên anh biết vác đất “kéo”, gánh bằng cả 2 vai và nhất là sau 2 tháng nghỉ hè, thế nào cũng có vài tạ thóc đỡ mẹ. Bố thì làm Đội trưởng Đội dân công chuyên trách, cũng đang làm việc ở cùng công trường.

Hết 2 tháng hè. Anh phải từ biệt Đội tăng cường của mình, trở về làng ôn thi đại học. Bố lấy xe đạp Phượng Hoàng của Đội đưa anh ra Bắc Ninh. Tiện xe, bố chở cả hai bố con đến một cái quán cắt tóc, gội đầu do một cô tên là gì, lâu rồi anh cũng quên mất. Hai bố con cắt tóc, gội đầu. Sau này anh mới biết, thời đó, con gái mà làm chủ hiệu cắt, gội như thế thì cả tỉnh, cả miền Bắc chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Cắt tóc xong, bố gọi ở quán bên cạnh 2 bát miến gà. Trời đất ơi, sao mà ngon thế! Chưa bao giờ anh được ăn một bát miến ngon đến thế! Lúc trả tiền, anh tròn xoe mắt: 3 đồng! Anh biết, bát miến vừa ăn đắt gấp cả năm, bảy lần một bát phở bình thường ở thị trấn. Anh biết, vào thời đó, bố thực sự là hào hoa, ăn chơi, mới dám gọi bát miến như thế cho con ăn.

Bát miến đấy, anh chẳng bao giờ quên. Anh vẫn thường tự nhủ, khi nào có tiền, sẽ mời bố ăn một cái gì đó thật đắt tiền, thật ngon, thật đặc biệt. Đơn giản là anh chỉ muốn bố hiểu rằng con trai bố cũng không phải tay xoàng!

Nhưng đủ bao nhiều lần mời bố đi ăn, là đủ bấy nhiêu lần bố kiên quyết không ăn, không cho gọi những món sơn hào hải vị đắt tiền. Đã có lúc, anh ngồi giải thích với bố rất lâu nhưng rồi bố vẫn không đồng ý.

Cho đến Chủ nhật này. Anh chỉ gọi một bát phở bình thường của phố cổ Hà Nội. Một thức đặc sản mà không phải ai đến đây cũng tìm được chỗ ngon để mà ăn. Nhưng rồi bố cũng không hưởng ứng.

Có một cái gì đó thoáng qua thôi, nhưng khiến anh chợt hiểu. Bố đã già rồi. Dù có không muốn nghĩ đến, anh vấn phải nhìn thẳng vào sự thật đang ở ngay trước mặt anh thôi. Bố đã già thật rồi. Cái hòa hoa, phong nhã, cái sôi nổi và hào hùng của bố đã chẳng còn được như ngày nào. Bố chỉ thích ở dưới mái nhà của mình. Cái không gian nhỏ, hẹp nhưng đầm ấm và riêng tư.

Anh cầm tay bố: “Mình về đi bố! Bố con mình qua chỗ này, con mua bố chai rượu thuốc nhé! Bố thích không?”. “Mày đúng là con trai bố. Mua cho bố đi. Mấy hôm rồi, bố sợ mấy chai bia, sợ cái rươu Tây đầy mùi nước hoa của mày quá!”


Thứ Hai, 28 tháng 12, 2009

QUỸ ĐEN CỦA BẠN




Điện thoại bàn đổ chuông réo rắt. Anh nhấc máy. Hóa ra đầu dây là một người bạn thân. “Ừ, tớ đây! Tối nay à? Tớ có nhà, vợ chồng cậu sang nhé! Ừ tớ biết rồi, nhưng tớ sang gặp cậu nhé! Có việc chứ sao nữa. Tớ sang ngay nhé! Vẫn quán nước bên căng-tin Công an đối diện ấy”.

Cuộc điện thoại là lời hẹn của bạn tối nay đến nhà có lời mời đám cưới cậu con trai đầu. Đặt máy xuống. Anh chợt bâng khuâng. Đúng là đã lâu quá rồi. Những kỷ niệm của gần 35 năm trước bỗng chốc hiện về.

Năm ấy. Anh học lớp 3 Trường Phan Đình Phùng. Gần tan giờ trưa, cô chủ nhiệm thông báo Trường Thể dục Thể thao bên cạnh có lớp năng khiếu cho bạn nào muốn chơi cầu lông. Chơi tuần 2 buổi chiều thứ 5 và Chủ nhật. Ai muốn chơi thì đăng ký. Anh sốt sắng giơ tay. Cả lớp chỉ có 4 bạn. Và điều khiến anh ngạc nhiên nhất là bạn cũng đăng ký. Anh ngạc nhiên vì trong lớp bạn rất ít nói. Vẻ mặt lúc nào cũng buồn buồn, trầm ngâm như ông cụ non.

Buổi tập trung học cầu lông đầu tiên, anh mới nói chuyện thân mật với bạn. Rồi chẳng biết run rủi thế nào, hai đứa càng ngày càng thân nhau. Anh vẫn thế, vui vẻ, hòa đồng và hay nói. Bạn thì khác, ít nói, lúc nào cũng buồn buồn. Thế mà lại thân được nhau mới lạ chứ!

Cứ thế theo nhau, lên lớp 4, rồi lớp 5. Một ngày, hai đưa đi nhặt sấu chín, mỏi chân quá, ghé vào quán làm cốc chè đỗ đen. Lần đầu tiên, bạn kể chuyện về mình. Bố bạn mất trong một tai nạn lao động. Mẹ đã bỏ cả 4 chị em đi lấy người khác. Cả mấy chị em kéo nhau về sống với bà nội. Đã khó khăn, lại càng thêm khó khăn. Chị cả đã đi làm công nhân. Một chị học Trung cấp Tài chính Phúc Xá. Một chị đang học lớp 9. Bạn là con trai duy nhất trong cái gia đình bất hạnh và đau thương ấy.

Chiều hôm ấy, anh chẳng biết nói gì để an ủi bạn. Vốn hay nói là thế mà suốt buổi, anh im như thóc. Thương bạn quá mà chẳng biết nói thế nào. Tối về anh nói với mẹ: “Mẹ à, bạn vẫn chơi cầu lông với con ấy, bố bạn ấy mất rồi, Mẹ cũng bỏ đi…”. Rồi anh kể lại câu chuyện buổi chiều. Mẹ hỏi: “Con có thương bạn không?”. Anh trả lời không một chút do dự: “Con thương bạn. Con quý và hợp bạn ấy lắm. Bạn ấy thân với con nhất đấy mẹ ạ!”.

Theo yêu cầu của mẹ, anh rủ bạn đến nhà chơi vào chiều ngày Chủ nhật tuần ấy. Bạn ăn cơm với cả gia đình anh. Vui. Đầm ấm, Nhưng anh biết, bạn vẫn có vẻ gì đấy ngại ngùng, giữ ý. Sau lần ấy, anh chủ động đến chơi và ăn cơm với mấy bà cháu bạn. Hai gia đình bắt đầu hiểu và để ý đến tình bạn có gì đấy đặc biệt của hai cậu con trai.

Bố anh làm Giám đốc một công ty lớn ở Hà Nội. Mẹ làm cán bộ quản trị đời sống của một công ty xe khách. Thời bao cấp ngày ấy, gia đình anh hầu như chẳng thiếu một thứ gì. Thỉnh thoảng, theo hướng dẫn của mẹ, anh khéo léo cho bạn cái áo mới, miếng vải, suất tem phiếu lẻ, đôi dép nhựa gia công, cái mũ len nhà máy…

Bạn thì khó khăn là thế nhưng học giỏi nhất nhì lớp. Anh còn nhớ, anh luôn luôn hãnh diện và tự hào về bạn. Cả hai đứa chẳng mấy khi rớt xuống khỏi 10 bạn đứng đầu lớp. Theo nhau đến lớp 10. Rồi thi tốt nghiệp, thi đại học. Bạn trúng tuyển vào Kiến trúc. Anh đủ điểm đi Liên Xô học. Lần đầu tiên sau gần 7 năm sát cánh bên nhau, hai đứa chia tay nhau suốt 5 năm trời.

Rồi bạn tốt nghiệp đại học. Anh về nước nhận công tác. Lại vẫn thế, vẫn thân thiết nhau như ngày nào. Có người yêu, họ giới thiệu cho nhau và hai cô gái xa lạ cũng mau chóng làm thân khi biết được bạn trai họ thân nhau đến như thế. Rồi thành vợ thành chồng, sinh con đẻ cái. Những đứa con của 2 gia đình theo thời gian lớn lên, thành những chàng trai, cô gái. Chúng cũng biết tình bạn của 2 ông bố và đặc biệt trân trọng.

Bước vào cái căn-tin quen thuộc. Sau một hồi hàn huyên về đám cưới cậu con trai, anh mở cặp đưa cho bạn một cái phong bì. “Tớ có chục triệu, cậu cầm lấy cho tớ đỡ một tay lo cho con trai”. “Sao nhiều thế! Tớ cũng lo được rồi mà. Xin cậu một ít thôi!”. “Thôi, cậu cứ cầm lấy đi. Hôm nọ tớ sang thấy con trai đang dọn dẹp cái tầng 3 làm phòng tân hôn. Cu cậu có vẻ thèm thuồng một cái tủ mới. Cậu cầm lấy, mua cho con đi. Con trai nó cũng phải giữ sĩ diện với lũ bạn gái của vợ chứ!”.

Tiễn anh ra vỉa hè. Chợt thấy anh có vẻ lúng túng, bạn hỏi: “Cậu có chuyện gì à?”. “Hì hì! Không, có chuyện gì đâu. Nhưng thôi, cậu đừng nói gì về số tiền tớ đưa cho cậu! Coi như là quỹ đen của tớ. Tối cậu sang, thế nào cô ấy nhà tớ cũng sẽ đưa cho vợ chồng cậu vài triệu để lo đám cưới cho con. Tớ nghe thấy ấy giáo lên thế từ mấy hôm trước cơ. Cậu cứ cầm như bình thường nhé! Đừng có mà nói là tớ đưa gì cho cậu đấy. Cứ thế nhé! Tớ về đây!”.

Thứ Hai, 21 tháng 12, 2009

CHẾ NGỰ CẢM XÚC


Chưa hết ấm ức về việc Đội tuyển U23 Việt Nam thua đau ở Vientian trận chúng kết SEAGAME vừa qua, nhóm bạn của anh đặt vấn đề: Vì sao mà chúng ta lại thua?

Năm 1998, cũng trận chung kết Tiger Cup, sau khi ta vượt qua Thailand với tỉ số 3-0, thế nào mà rốt cuộc lại thua đau Singapore bằng một bàn thua rất là vớ vẩn. Năm nay cũng thế, rõ ràng là ta ăn đứt người Mã, nhưng rồi cũng là thua đau bởi một bàn thua còn vớ vẩn hơn.

Sao thế nhỉ?

Ai đó nói, thì ông Chủ tịch Liên đoàn đã chẳng nói rồi đấy thôi. Chúng ta thua là vì tinh thần. Áp lực của hàng chục ngàn người từ Việt Nam tràn sang ngồi trên Sân vận động Trung tâm Quốc gia Lào. Áp lực bệnh thành tích phải thắng bằng mọi giá và nhất là ai đó, thường hay liên tưởng đến lòng tự hào dân tộc, tinh thần chiến thắng và cả sự tự hào của Tổ quốc nữa.

Bấy nhiêu cái đè lên đôi vai, lên đôi chân của các chàng trai mới bước vào tuổi 20. Quả thực là rất rất nặng nề. Và vấn đề là làm cách nào để chế ngự được cảm xúc?

Các vận động viên của chúng ta, tại các đấu trường thể thao, khi chiến thắng, thay vì phải vui mừng, thì hầu như người nào cũng khóc lóc ầm ĩ. Nước mắt nước mũi giàn giụa. Gương mặt nhăn nhó vì mếu máo. Nhìn họ trên TV hay trên ảnh minh họa ở các trang báo mới tội nghiệp làm sao! Tôi nhớ mãi một cô vận động viên lên nhận Huy chương vàng, mình quấn cờ Tổ quốc mà khóc như ri, mặt rúm ró trông thật khổ sở và xấu xí.

Có lẽ, đó là biểu hiện trái ngược hẳn với cảm xúc thật sự của mỗi người bình thường lúc đó. Thông thường, người ta cười vì niềm vui chiến thắng, buồn vì nỗi đau thua trận. Đó là cảm xúc thật giản dị, thật con người và cái chính là cảm xúc thật.

Một người bạn tôi hỏi: “Vận động viên của chúng mày thua cũng khóc, thắng cũng khóc. Vậy lúc nào họ cười?”. Tôi chẳng biết trả lời ra sao nữa. Còn một anh bạn khác thì thống kê rằng chúng ta thua thì thường rất hay cay cú (cả vận động viên lẫn cả giới truyền thông) và lầm lì. Còn thắng là khóc, khóc như thể vừa bị ai đánh mắng, chửi bới gì đó.

Hãy cười lên khi vui, khi chiến thắng. Hãy khóc thật to khi thua trận, khi gặp nỗi buồn đau. Phải sống thật với cảm xúc của mình. Bài học đầu tiên về chế ngự cảm xúc có lẽ là phải biết những điều đơn giản như vậy!

free hit counters
free hit counters

Chủ Nhật, 20 tháng 12, 2009

GA XÉP MAI LÂM


Tốt nghiệp đại học, anh vào bộ đội và được biên chế vào Binh đoàn 318 Dịch vụ Khai thác Dầu khí, đóng quân tại Vũng Tàu. Cảm giác ban đầu của người lính xa nhà, theo tàu quân sự đi suốt chiều dài đất nước làm anh chẳng bao giờ quên. Anh chưa bao giờ được đi xa đến thế. Chưa bao giờ được nghe nhiều giọng nói đến thế. Chưa bao giờ thấy buồn đến thế!

Tàu càng đi, anh càng xa Hà Nội, càng chẳng có hy vọng một ngày nào đấy quay về. Ba lô trên vai. Vài bộ quần áo. Vẻn vẹn 32 đồng bạc trong túi quần và lời hẹn tháng lương đầu tiên lĩnh ở đơn vị mới. Thế là lên tàu. Cách Sài Gòn 167 cây số. Ga xép Mai Lâm. Chẳng còn một đồng nào. Anh đi suốt cả đoàn tàu và tìm được một gương mặt quen quen để vay tiền. Cái gương mặt quen quen ấy không có tiền cho anh vay, nhưng nói với anh rằng cứ về đơn vị tớ đã, tớ sẽ có đủ tiền mua cho cậu một cái vé xe đò về Vũng Tàu.

“Đã bao năm rồi, bạn có vẻ quen quen ngày ấy, bạn có còn nhớ tôi không? Bạn có nhớ, lúc chúng mình xuống Ga Bình Triệu, bạn đã đưa tôi về đơn vị bạn ở Hốc Môn. Mình đã ăn tối rồi ngủ ở nhà khách đơn vị bạn. Và bạn đã lấy đồng tiền cuối cùng chơi một tấm vé xổ số. Sáng hôm sau, mình cùng đi ăn sáng. Thế nào mà tấm vé số ấy lại trúng. Giải thưởng nhỏ lắm nhưng bạn vẫn chia đôi. Tôi về Vũng Tàu và mình chẳng bao giờ gặp nhau nữa. Bây giờ, bạn ở nơi đâu?”.

Gần 2 năm sau, anh được điều từ Vũng Tàu lên vùng đất đỏ Bà Rịa nhận nhiệm vụ mới. Nhiệm vụ khai thác đá cung cấp cho các công trình quân sự và dân dụng. Ngày ở công trường đá. Tối sinh hoạt Trung đoàn Bộ. Tối nào anh cũng trốn doanh trại đi uống café. Quán Thanh Nga. Cô bé Dung “chuối hột”. Nhà thờ nhỏ với buổi lễ sớm Chủ nhật hàng tuần. Bản nhạc Đêm buồn tỉnh lẻ. Tối liên hoan hôm ấy, cô bé “chuối hột” chặn anh từ ngoài cổng: “Mai anh về thành phố. Em chúc anh thượng lộ bình an nha!”. Lời chúc đầu tiên giọng con gái miền Nam anh được nghe, dành riêng cho anh. Hai tháng sau anh quay lại, cô bé đã theo gia đình về Sài Gòn. Chẳng bao giờ gặp lại nữa.

Hơn một năm sau, anh rời quân ngũ, quay về Hà Nội, thành phố gắn bó suốt những tháng năm đại học đẹp đẽ nhất. Ở nơi này, nhiều ước mơ của anh đã thành hiện thực, nhiều hy vọng đẹp nhất đã thành hoa trái. Chỉ có những kỷ niệm của một thời quân ngũ, vốn chẳng có chố đứng nào trong cái thành phố chật chội và bon chen này, là còn giông gió mãi trong anh mà thôi.

Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2009

CÂU CHUYỆN PHỤ CẤP


Giới truyền thông mấy ngày qua ì xèo vệ vụ lương và phụ cấp của mấy vị Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty Kinh doanh Vốn Nhà nước SCIC quá cao. Nghe đâu cả tỉ bạc, thậm chí vài tỉ bạc một năm. So với mặt bằng lương hiện nay thì con số đó quả là hàng khủng. Tuy nhiên, có lẽ điều bức xúc nhất là phụ cấp của Chủ tịch.

Lý do sự quan tâm đặc biệt của công luận tới phụ cấp của ông Chủ tịch chắc hẳn là ở chỗ ông đang là Bộ trưởng của một bộ. Người ta ngầm hiểu rằng ông Chủ tịch là Bộ trưởng rồi mà lại hưởng phụ cấp Chủ tịch nữa thì chắc là vớ bở lắm.

Thế rồi, dư luận dường như đã tạm hài lòng khi đích thân ông Chủ tịch lên truyền hình điều trần về việc này. Hóa ra phụ cấp của ông chỉ là 2 triệu VND một tháng. Có nghĩa là 24 triệu VND một năm thôi, chứ đâu có phải tiền tỉ như thiên hạ vẫn hiểu lầm. Sau vụ này, hầu hết những ai quan tâm và có thể là chính ông Chủ tịch nữa, cũng đã thở phào nhẹ nhõm.

Riêng tôi, tôi lại nghĩ khác.

SCIC là siêu Tổng Công ty vì nghiễm nhiên nó được chuyển giao quản lý phần vốn gần 50 ngàn tỉ VND. Là siêu Tổng Công ty như thế, quản lý nó không phải chuyện đùa. Chủ tịch một siêu Tổng Công ty như thế mà phụ cấp chỉ có 2 triệu VND một tháng, ngang bằng với lương của một nhân viên tạp vụ ở công ty tư nhân nhỏ xíu thì điều gì sẽ xảy ra?

Một là với mức phụ cấp như vậy, về phần tập thể, SCIC đã thiếu tôn trọng quá đáng vị Chủ tịch khả kính và vô cùng quan trọng của mình. Trả phụ cấp cho Chủ tịch như vậy, hẳn SCIC không quan tâm đến chuyện tiết kiệm, mà chỉ là muốn giữ điều tiếng cho vị Chủ tịch của mình. Làm kinh doanh mà lại lẫn lộn với tư duy của hoạt động đoàn thế như vậy, liệu có ổn không?

Hai là với tư cách Chủ tịch, với phụ cấp như vậy, liệu ông có an tâm, có dành toàn tâm toàn ý và nói thật là, liệu ông có trân trọng và thực sự dành tâm huyết cho cái đơn vị đã trả ông mức phụ cấp bèo như vậy không?

Có câu nói Business is Business. Người ta không thể coi Kinh doanh là bất cứ thứ gì khác ngoài Kinh doanh. Mà đã kinh doanh là phải rõ ràng. Làm nhiều đãi ngộ nhiều. Làm ít đãi ngộ ít. Không làm thì người ta cho mình cũng không lấy. Mà đã làm thì người ta không trả, hoặc trả không đúng mình cũng phải đòi cho bằng được, cho bằng đủ.

Câu chuyện phụ cấp của ông Chủ tịch ở một siêu Tổng Công ty có phần tài sản quản lý gần 50 ngàn tỉ VND cho ta nhiều suy nghĩ là vậy!

Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2009

NGHỊCH LÝ CỦA ƯỚC MƠ


Tôi thích bóng đá theo một kiểu khá đặc biệt: Rất sợ sự ồn ào. Không đánh cá và nhất là không bàn luận ầm ĩ. Từ nhỏ, tôi đã thích xem bóng đá trong sự tĩnh lặng. Gặm nhấm những nỗi đau khi đội bóng yêu quý của mình bị thua và mỉm cười sau mỗi chiến thắng.

Những năm trước, khi bóng đá nước nhà còn nhiều tiêu cực, chẳng bao giờ tôi xem. Nhưng vài năm trở lại đây, tôi thích bóng đá Việt Nam lắm. Và thích nhất là đội tuyển. Trong những huấn luyện viên nước ngoài thì tôi khoái nhất ông Karl Wegang người Đức nhưng yêu thích nhất thì có lẽ là ông Calisto hiện nay.

Chiều tối nay không hiểu sao, tôi cứ linh cảm rằng đội tuyển của chúng ta không chiến thắng được. Không phải tôi không tin các bạn trẻ và ông Tô đâu. Nhưng chẳng biết vì sao tôi cứ có một liên tưởng kỳ lạ đến đội tuyển bóng đá Liên Xô ngày trước. Có vẻ gì đấy chúng ta rất giống họ. Cứ thắng, thắng dễ, thắng oanh liệt rất nhiều trận. Nhưng trận quan trọng nhất, trận có giải, có huy chương, có Cúp thì thế nào cũng thua. Thế mới khổ!

Một người bạn tôi có một thống kê thật buồn cười. Một sự liên tưởng vừa có vẻ gì đấy cay đắng, lại vừa có phần hài hước. Đó là bóng đá và các cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam .

Chúng ta thực sự khát khao một danh hiệu Hoa hậu cho một cô gái Việt Nam nào ở tất cả các giải thi Hoa hậu của thế giới. Khao khát đến mức độ các phương tiện truyền thông của chúng ta nói hơi quá, tuyên truyền hơi quá về các cuộc thi này. Vậy mà rốt cuộc, cái mà chúng ta có được giải cao nhất lại chính là giải dành cho nam giới. Gọi là Nam Vương hay Nam Hậu gì đó. Hình như cái này, một bạn tên là Ngô Tiến Đoàn đã giành được.

Bóng đá thì lại khác hẳn. Cả nước khao khát danh hiệu Vô địch Bóng đá nam. Vậy mà chúng ta cứ giành được danh hiệu Vô địch Bóng đã nữ liên tục. Nhớ lại chiều tối qua, các cô gái của chúng ta đá đủ 120 phút, rồi vào sút phạt đền. Thailand thua chổng vó. Nhìn Kim Hồng, Kim Chi sút bóng mới thật khủng khiếp. Bóng đi như tên bắn. Thailand không thua mới là lạ!

Mới hay, chúng ta cứ ước mơ, nhưng ước mơ nào cũng đầy những nghịch lý vừa buồn cười, vừa rơi nước mắt!

Thứ Tư, 16 tháng 12, 2009

TÌNH YÊU VĨNH CỬU


Gần 7 năm trước…
Ký túc xá một trường trung cấp ở Hải Phòng …

Phòng tập thể 5 cô gái đang sống yên bình, sáng hôm ấy, một cô gái xinh đẹp xuất hiện trước cửa phòng xin được ở cùng. Đang thừa một giường. Có người xin ở cùng quá tốt. Đỡ phần nào khoản tiền thuê mà 5 cô vẫn phải trả hàng tháng. Vì thế, cả 5 cô gật đầu đồng ý ngay.

Cô mới đến rất xinh đẹp, cao ráo và trắng trẻo hệt như nhưng cô đang làm PG cho mấy hãng mỹ phẩm vẫn thường xuất hiện ở các event trong trường. Cô có đôi mắt thật buồn và hay lấm lét nhìn xuống. Ở với nhau vài ngày, chị em gái với nhau, thật khó có thể giấu nổi chuyện gì. Cô mau chóng thú nhận rằng mình đang có bầu. Mà cậu bạn trai thì đã mau chóng chối bỏ trách nhiệm và đi mất dạng từ mấy tuần trước.

Cùng con gái xa nhà, các cô dễ thông cảm với cô bạn mới. Từ đó, họ quan tâm và chăm sóc nhau theo cái cách của đám nữ sinh viên nghèo xa bố mẹ, phải tự lo mọi thứ cho cuộc sống riêng của mình.

Đến kỳ sinh nở, cả 5 cô tíu tít lo cho bạn mình vào bệnh viện. Trong 5 cô gái, A là người Thủy Nguyên. Cô sống tình cảm nhất và ngày thường, cô hay gần gũi, động viên bạn. Khi bạn nằm viện chờ sinh nở, A liên tục gọi điện vào máy bạn trai của bạn, người được cho là tác giả của đứa bé sắp sinh. Gọi mãi nhưng không có ai trả lời.

A khéo léo và cương quyết tìm bằng được nhà cậu bạn trai kia ở một tỉnh miền trung. Tìm được đến nhà, cô thông báo toàn bộ sự việc và yêu cầu bố mẹ của cậu bạn phải có trách nhiệm với cô bạn gái đang ngày sinh nở. Miễn cưỡng theo cô ra bệnh viện, ông bố vạch tã đứa nhở vừa sinh, thở dài và bảo với A: “Cô thông cảm. Nhà tôi đã có tới 6 thị mẹt rồi, chưa có đứa cháu trai nào hết. Vì thế, con bé này… tôi không thể…”.

Nói xong, ông để lại một ít tiền và đi thẳng…

Ngày ra viện, hai mẹ con lại về căn phòng ký túc xá chật hẹp và nghèo của mấy chị em. Nhưng rồi quy định của Ban Quản trị, vì điều kiện học hành, các cô không thể để cho hai mẹ con cô ở mãi được. Gần 2 tháng sau, hai mẹ con cô đành rời bỏ căn phòng nhiều kỉ niệm đó để về quê.

Gần 1 năm sau…

Một buổi chiều đi học về, cả 5 cô lại thấy hai mẹ con cô bạn đứng trước cửa phòng. Cô bạn nói: “Tớ đưa cháu lên chơi vài ngày. Tuần sau bà ngoại cháu lên đón để tớ xin học tiếp”. Cả phòng lại tíu tít đón 2 mẹ con.

Chiều hôm sau, khi từ lớp học trở về. Các cô thấy con bé đang nằm khóc thút thít. Mành giấy viết vội để bên cạnh: “Tớ gửi các cậu con gái. Tớ đi đây. A ơi, chăm sóc con gái nhé! Kiếp này, tớ đội ơn cậu!”. Đọc xong mảnh giấy, các cô ngẩn người hiểu rằng vậy là từ nay trên đầu mình phải đội thêm cả một bi kịch bỏ rơi con của một người mẹ trẻ.

Mọi người trong phòng xúm lại lo cho con bé con. A thân và quý nó nhất, mọi người nhất trí A là mẹ nó. Các cô còn lại là mẹ nuôi. Cảnh sinh viên nghèo, lo sữa, bột, thuốc thang méo mặt. Nhiều lần phải đứng giữa lớp quyên góp tiền bạc và vật chất để chăm con bé.

Ngày ra trường, mỗi cô đi một nơi. Bịn rịn chia tay nhau và chia tay con nuôi. Ai cũng rơi nước mắt. A mang theo con bé đã gần 4 tuổi về quê Thủy Nguyên của mình. Hàng xóm người thông cảm, kẻ xì xào hay là con riêng của A trong một lần lầm lỡ nào đó. Mẹ A vốn là một nhà giáo vốn hiền lành, đức độ. Bà thương con nhưng cũng buộc phải khuyên con gái: “Mẹ thương con và cháu nhưng con gái phải lo phận mình con ạ! Hay là con gửi cháu và Trung tâm bảo trợ xã hội của Thành phố vậy?”.

Bạn trai của cô thì đưa ra điều kiện dứt khoát :”Hoặc là anh, hoặc là con bé. Em hãy chọn một thôi!”. Nhiều đêm suy nghĩ, cô gầy rộc cả người. Gần 2 tháng mà sút tới 10 cân. Khuya hôm ấy, cô ngồi bên bàn máy tính viết một email dài gửi bạn trai. Cô yêu anh, cám ơn anh rất nhiều về giúp đỡ của anh trong những năm tháng yêu nhau. Cuối thư cô mong anh tha lỗi bởi vì cô không có cách lựa chọn nào khác. Cô phải nuôi con bé đã gọi cô bằng mẹ gần 4 năm nay, con bé đã như một phần máu thịt của cô.

Ngày cho con bé đi học mẫu giáo. Người ta hỏi cô tên nó là gì? Khai sinh của nó đâu? Giấy chứng sinh đâu? Cô lo cuống quít. Giấy chứng sinh thì có. Khai sinh thì không ? Khai nó là con nuôi thì người ta hỏi ai cho? Giấy tờ đâu? Có ai làm chứng không? Cô hối hả lo giấy tờ. Tìm lại các bạn làm chứng thì dễ, nhưng tìm ra ai lo cho nó cái giấy khai sinh? Không có ai đứng ra khai cho nó cả. Cô bần thần cả người. Nhà trường thông cảm, vẫn cho con bé đi học còn giấy tờ thì làm sau. Còn thời gian cho cô. Khi con bé đi học lớp 1 mà không có những giấy tờ ấy thì mới chết!

Mãi rồi cô cũng gặp may. Có một người đàn ông thông cảm với hoàn cảnh của cô. Anh đồng ý kết hôn với cô và nhận con bé con làm con, đứng ra khai sinh cho nó. Mọi chuyện được giải quyết chóng vánh. Mẹ con cô có một chỗ dựa tinh thần tuyệt vời. Vài tháng sau khi cưới, cô có bầu. Niềm hạnh phúc thật lớn lao. Ai biết chuyện cô cũng mỉm cười viên mãn với lời động viên cô đúng là “ở hiền gặp lành”.

Nhưng rồi niềm hạnh phúc mong manh ấy cũng tuột khỏi tầm tay cô…

Trong một lần về quê chồng lo đám cỗ, ai đó bỗng nói vu vơ một câu chết người: “Con bé con ấy đâu có phải là con nuôi của nó. Tôi thấy nó giống mẹ nó như tạc. Nuôi nấng gì, chắc lại con riêng với thằng nào, giấu chồng nên mới nói thế!”. Lời nói vu vơ ấy như nhát dao cứa vào con tim chồng cô, vào những người ruột thịt nhà chồng. Mọi nghi ngờ đổ xuống đầu cô. Và họ bỗng thấy sao mà đúng thế. Con nuôi mà giống nhau thế à? Con nuôi mà quất quít nhau thế à? Ai mà dở hơi đi nuôi con nuôi khi còn hơ hớ là con gái thế chứ! Mà sinh viên nghèo kiết xác, nuôi làm sao được con nuôi? ...

Lạnh nhạt.Nghi ngờ. Bầu không khí nặng nề phủ nên cái gia đình nhỏ bé của cô. Nó lên đến đỉnh điểm khi cô cương quyết không cho con bé con cho ai cả. Không gửi nó đi đâu hết. Cô dứt khoát không chịu rời xa nó theo yêu cầu của nhà chồng. Cuối cùng, hai bên cũng tìm ra một giải pháp. Đó là đưa con bé và cô đi thử AND.

Buổi sáng hôm đó ở Viện AND quốc gia, nhà chồng và cô cùng con bé con đi thử AND. Khi cán bộ xét nghiệm đưa lưỡi dao lam vào tay cô lấy mẫu máu, cô thấy ngón tay mình cứng đờ không có cảm giác gì nhưng tim cô thì đau nhói như đang rỉ máu. Khi cán bộ cứa lưới lam vào tay con bé, giọt máu đỏ chảy ra, cô loạng choạng đứng không vững rồi ngất luôn. Tỉnh dậy, cô dắt tay con gái ra về, mặc cho bà cán bộ dúi vào tay cô tờ quyết định xác nhận rằng con bé con hoàn toàn không cùng huyết thống với cô. Nó thực sự là con nuôi của cô.

Sau lần xét nghiệm ấy, nhà chồng được giải tỏa nỗi hiềm nghi. Nhưng với cô thì tình cảm đã chẳng còn gì nữa. Lên bàn đẻ, sinh đứa con đầu lòng của mình, chỉ có mẹ cô và đứa con gái đã hơn 6 tuổi chờ cô ở bên ngoài. Gia đình nhà chồng cũng đến thăm nhưng ngượng ngùng và bẽ bàng. Họ để lại một ít tiền rồi ra về. Không ái dám ở lại nói một câu nào.

Sau lần sinh nở ấy, cô đã lên Hà Nội làm việc và sinh sống. Phòng trọ nhỏ, còn nghèo nhưng ngăn nắp và ấm cúng của 3 mẹ con cô lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười, tiếng khóc trẻ thơ. Con bé con mới 6 tuổi nhưng già dặn hơn nhiều cái tuổi của nó, bởi nó đã cùng mẹ đi qua biết bao đau đớn và thăng trầm của những năm tháng đầu đời.

Có một lần, buổi tối khi kèm con gái học, bài học dạy trẻ về lòng biết ơn mẹ cha công sinh thành, giáo dưỡng. Cô nhìn con gái, cười và dịu dàng nói với con, và có thể là tự nhủ cả với lòng mình nữa: “Con có biết, chỉ tình yêu của mẹ con mình là vĩnh cửu thôi không?”