Thứ Hai, 21 tháng 12, 2009

CHẾ NGỰ CẢM XÚC


Chưa hết ấm ức về việc Đội tuyển U23 Việt Nam thua đau ở Vientian trận chúng kết SEAGAME vừa qua, nhóm bạn của anh đặt vấn đề: Vì sao mà chúng ta lại thua?

Năm 1998, cũng trận chung kết Tiger Cup, sau khi ta vượt qua Thailand với tỉ số 3-0, thế nào mà rốt cuộc lại thua đau Singapore bằng một bàn thua rất là vớ vẩn. Năm nay cũng thế, rõ ràng là ta ăn đứt người Mã, nhưng rồi cũng là thua đau bởi một bàn thua còn vớ vẩn hơn.

Sao thế nhỉ?

Ai đó nói, thì ông Chủ tịch Liên đoàn đã chẳng nói rồi đấy thôi. Chúng ta thua là vì tinh thần. Áp lực của hàng chục ngàn người từ Việt Nam tràn sang ngồi trên Sân vận động Trung tâm Quốc gia Lào. Áp lực bệnh thành tích phải thắng bằng mọi giá và nhất là ai đó, thường hay liên tưởng đến lòng tự hào dân tộc, tinh thần chiến thắng và cả sự tự hào của Tổ quốc nữa.

Bấy nhiêu cái đè lên đôi vai, lên đôi chân của các chàng trai mới bước vào tuổi 20. Quả thực là rất rất nặng nề. Và vấn đề là làm cách nào để chế ngự được cảm xúc?

Các vận động viên của chúng ta, tại các đấu trường thể thao, khi chiến thắng, thay vì phải vui mừng, thì hầu như người nào cũng khóc lóc ầm ĩ. Nước mắt nước mũi giàn giụa. Gương mặt nhăn nhó vì mếu máo. Nhìn họ trên TV hay trên ảnh minh họa ở các trang báo mới tội nghiệp làm sao! Tôi nhớ mãi một cô vận động viên lên nhận Huy chương vàng, mình quấn cờ Tổ quốc mà khóc như ri, mặt rúm ró trông thật khổ sở và xấu xí.

Có lẽ, đó là biểu hiện trái ngược hẳn với cảm xúc thật sự của mỗi người bình thường lúc đó. Thông thường, người ta cười vì niềm vui chiến thắng, buồn vì nỗi đau thua trận. Đó là cảm xúc thật giản dị, thật con người và cái chính là cảm xúc thật.

Một người bạn tôi hỏi: “Vận động viên của chúng mày thua cũng khóc, thắng cũng khóc. Vậy lúc nào họ cười?”. Tôi chẳng biết trả lời ra sao nữa. Còn một anh bạn khác thì thống kê rằng chúng ta thua thì thường rất hay cay cú (cả vận động viên lẫn cả giới truyền thông) và lầm lì. Còn thắng là khóc, khóc như thể vừa bị ai đánh mắng, chửi bới gì đó.

Hãy cười lên khi vui, khi chiến thắng. Hãy khóc thật to khi thua trận, khi gặp nỗi buồn đau. Phải sống thật với cảm xúc của mình. Bài học đầu tiên về chế ngự cảm xúc có lẽ là phải biết những điều đơn giản như vậy!

free hit counters
free hit counters

2 nhận xét:

  1. Em nghe được câu này, chia sẻ với anh:
    Dân mình không có thói quen nói thật suy nghĩ của bản thân. Toàn che chắn, rào trước đón sau, loanh quanh, mập mờ, không rõ ý. Thế nên khóc hay cười cũng là một thói quen, chẳng biết mình khóc đúng hay khóc sai, cười đúng hay cười sai nữa cơ :-(

    Trả lờiXóa
  2. Thôi, ai muốn khóc thì khóc, muốn cười thì cười bác ạ. Xã hội thế mới đa dạng.

    Trả lờiXóa