Thứ Tư, 16 tháng 12, 2009

TÌNH YÊU VĨNH CỬU


Gần 7 năm trước…
Ký túc xá một trường trung cấp ở Hải Phòng …

Phòng tập thể 5 cô gái đang sống yên bình, sáng hôm ấy, một cô gái xinh đẹp xuất hiện trước cửa phòng xin được ở cùng. Đang thừa một giường. Có người xin ở cùng quá tốt. Đỡ phần nào khoản tiền thuê mà 5 cô vẫn phải trả hàng tháng. Vì thế, cả 5 cô gật đầu đồng ý ngay.

Cô mới đến rất xinh đẹp, cao ráo và trắng trẻo hệt như nhưng cô đang làm PG cho mấy hãng mỹ phẩm vẫn thường xuất hiện ở các event trong trường. Cô có đôi mắt thật buồn và hay lấm lét nhìn xuống. Ở với nhau vài ngày, chị em gái với nhau, thật khó có thể giấu nổi chuyện gì. Cô mau chóng thú nhận rằng mình đang có bầu. Mà cậu bạn trai thì đã mau chóng chối bỏ trách nhiệm và đi mất dạng từ mấy tuần trước.

Cùng con gái xa nhà, các cô dễ thông cảm với cô bạn mới. Từ đó, họ quan tâm và chăm sóc nhau theo cái cách của đám nữ sinh viên nghèo xa bố mẹ, phải tự lo mọi thứ cho cuộc sống riêng của mình.

Đến kỳ sinh nở, cả 5 cô tíu tít lo cho bạn mình vào bệnh viện. Trong 5 cô gái, A là người Thủy Nguyên. Cô sống tình cảm nhất và ngày thường, cô hay gần gũi, động viên bạn. Khi bạn nằm viện chờ sinh nở, A liên tục gọi điện vào máy bạn trai của bạn, người được cho là tác giả của đứa bé sắp sinh. Gọi mãi nhưng không có ai trả lời.

A khéo léo và cương quyết tìm bằng được nhà cậu bạn trai kia ở một tỉnh miền trung. Tìm được đến nhà, cô thông báo toàn bộ sự việc và yêu cầu bố mẹ của cậu bạn phải có trách nhiệm với cô bạn gái đang ngày sinh nở. Miễn cưỡng theo cô ra bệnh viện, ông bố vạch tã đứa nhở vừa sinh, thở dài và bảo với A: “Cô thông cảm. Nhà tôi đã có tới 6 thị mẹt rồi, chưa có đứa cháu trai nào hết. Vì thế, con bé này… tôi không thể…”.

Nói xong, ông để lại một ít tiền và đi thẳng…

Ngày ra viện, hai mẹ con lại về căn phòng ký túc xá chật hẹp và nghèo của mấy chị em. Nhưng rồi quy định của Ban Quản trị, vì điều kiện học hành, các cô không thể để cho hai mẹ con cô ở mãi được. Gần 2 tháng sau, hai mẹ con cô đành rời bỏ căn phòng nhiều kỉ niệm đó để về quê.

Gần 1 năm sau…

Một buổi chiều đi học về, cả 5 cô lại thấy hai mẹ con cô bạn đứng trước cửa phòng. Cô bạn nói: “Tớ đưa cháu lên chơi vài ngày. Tuần sau bà ngoại cháu lên đón để tớ xin học tiếp”. Cả phòng lại tíu tít đón 2 mẹ con.

Chiều hôm sau, khi từ lớp học trở về. Các cô thấy con bé đang nằm khóc thút thít. Mành giấy viết vội để bên cạnh: “Tớ gửi các cậu con gái. Tớ đi đây. A ơi, chăm sóc con gái nhé! Kiếp này, tớ đội ơn cậu!”. Đọc xong mảnh giấy, các cô ngẩn người hiểu rằng vậy là từ nay trên đầu mình phải đội thêm cả một bi kịch bỏ rơi con của một người mẹ trẻ.

Mọi người trong phòng xúm lại lo cho con bé con. A thân và quý nó nhất, mọi người nhất trí A là mẹ nó. Các cô còn lại là mẹ nuôi. Cảnh sinh viên nghèo, lo sữa, bột, thuốc thang méo mặt. Nhiều lần phải đứng giữa lớp quyên góp tiền bạc và vật chất để chăm con bé.

Ngày ra trường, mỗi cô đi một nơi. Bịn rịn chia tay nhau và chia tay con nuôi. Ai cũng rơi nước mắt. A mang theo con bé đã gần 4 tuổi về quê Thủy Nguyên của mình. Hàng xóm người thông cảm, kẻ xì xào hay là con riêng của A trong một lần lầm lỡ nào đó. Mẹ A vốn là một nhà giáo vốn hiền lành, đức độ. Bà thương con nhưng cũng buộc phải khuyên con gái: “Mẹ thương con và cháu nhưng con gái phải lo phận mình con ạ! Hay là con gửi cháu và Trung tâm bảo trợ xã hội của Thành phố vậy?”.

Bạn trai của cô thì đưa ra điều kiện dứt khoát :”Hoặc là anh, hoặc là con bé. Em hãy chọn một thôi!”. Nhiều đêm suy nghĩ, cô gầy rộc cả người. Gần 2 tháng mà sút tới 10 cân. Khuya hôm ấy, cô ngồi bên bàn máy tính viết một email dài gửi bạn trai. Cô yêu anh, cám ơn anh rất nhiều về giúp đỡ của anh trong những năm tháng yêu nhau. Cuối thư cô mong anh tha lỗi bởi vì cô không có cách lựa chọn nào khác. Cô phải nuôi con bé đã gọi cô bằng mẹ gần 4 năm nay, con bé đã như một phần máu thịt của cô.

Ngày cho con bé đi học mẫu giáo. Người ta hỏi cô tên nó là gì? Khai sinh của nó đâu? Giấy chứng sinh đâu? Cô lo cuống quít. Giấy chứng sinh thì có. Khai sinh thì không ? Khai nó là con nuôi thì người ta hỏi ai cho? Giấy tờ đâu? Có ai làm chứng không? Cô hối hả lo giấy tờ. Tìm lại các bạn làm chứng thì dễ, nhưng tìm ra ai lo cho nó cái giấy khai sinh? Không có ai đứng ra khai cho nó cả. Cô bần thần cả người. Nhà trường thông cảm, vẫn cho con bé đi học còn giấy tờ thì làm sau. Còn thời gian cho cô. Khi con bé đi học lớp 1 mà không có những giấy tờ ấy thì mới chết!

Mãi rồi cô cũng gặp may. Có một người đàn ông thông cảm với hoàn cảnh của cô. Anh đồng ý kết hôn với cô và nhận con bé con làm con, đứng ra khai sinh cho nó. Mọi chuyện được giải quyết chóng vánh. Mẹ con cô có một chỗ dựa tinh thần tuyệt vời. Vài tháng sau khi cưới, cô có bầu. Niềm hạnh phúc thật lớn lao. Ai biết chuyện cô cũng mỉm cười viên mãn với lời động viên cô đúng là “ở hiền gặp lành”.

Nhưng rồi niềm hạnh phúc mong manh ấy cũng tuột khỏi tầm tay cô…

Trong một lần về quê chồng lo đám cỗ, ai đó bỗng nói vu vơ một câu chết người: “Con bé con ấy đâu có phải là con nuôi của nó. Tôi thấy nó giống mẹ nó như tạc. Nuôi nấng gì, chắc lại con riêng với thằng nào, giấu chồng nên mới nói thế!”. Lời nói vu vơ ấy như nhát dao cứa vào con tim chồng cô, vào những người ruột thịt nhà chồng. Mọi nghi ngờ đổ xuống đầu cô. Và họ bỗng thấy sao mà đúng thế. Con nuôi mà giống nhau thế à? Con nuôi mà quất quít nhau thế à? Ai mà dở hơi đi nuôi con nuôi khi còn hơ hớ là con gái thế chứ! Mà sinh viên nghèo kiết xác, nuôi làm sao được con nuôi? ...

Lạnh nhạt.Nghi ngờ. Bầu không khí nặng nề phủ nên cái gia đình nhỏ bé của cô. Nó lên đến đỉnh điểm khi cô cương quyết không cho con bé con cho ai cả. Không gửi nó đi đâu hết. Cô dứt khoát không chịu rời xa nó theo yêu cầu của nhà chồng. Cuối cùng, hai bên cũng tìm ra một giải pháp. Đó là đưa con bé và cô đi thử AND.

Buổi sáng hôm đó ở Viện AND quốc gia, nhà chồng và cô cùng con bé con đi thử AND. Khi cán bộ xét nghiệm đưa lưỡi dao lam vào tay cô lấy mẫu máu, cô thấy ngón tay mình cứng đờ không có cảm giác gì nhưng tim cô thì đau nhói như đang rỉ máu. Khi cán bộ cứa lưới lam vào tay con bé, giọt máu đỏ chảy ra, cô loạng choạng đứng không vững rồi ngất luôn. Tỉnh dậy, cô dắt tay con gái ra về, mặc cho bà cán bộ dúi vào tay cô tờ quyết định xác nhận rằng con bé con hoàn toàn không cùng huyết thống với cô. Nó thực sự là con nuôi của cô.

Sau lần xét nghiệm ấy, nhà chồng được giải tỏa nỗi hiềm nghi. Nhưng với cô thì tình cảm đã chẳng còn gì nữa. Lên bàn đẻ, sinh đứa con đầu lòng của mình, chỉ có mẹ cô và đứa con gái đã hơn 6 tuổi chờ cô ở bên ngoài. Gia đình nhà chồng cũng đến thăm nhưng ngượng ngùng và bẽ bàng. Họ để lại một ít tiền rồi ra về. Không ái dám ở lại nói một câu nào.

Sau lần sinh nở ấy, cô đã lên Hà Nội làm việc và sinh sống. Phòng trọ nhỏ, còn nghèo nhưng ngăn nắp và ấm cúng của 3 mẹ con cô lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười, tiếng khóc trẻ thơ. Con bé con mới 6 tuổi nhưng già dặn hơn nhiều cái tuổi của nó, bởi nó đã cùng mẹ đi qua biết bao đau đớn và thăng trầm của những năm tháng đầu đời.

Có một lần, buổi tối khi kèm con gái học, bài học dạy trẻ về lòng biết ơn mẹ cha công sinh thành, giáo dưỡng. Cô nhìn con gái, cười và dịu dàng nói với con, và có thể là tự nhủ cả với lòng mình nữa: “Con có biết, chỉ tình yêu của mẹ con mình là vĩnh cửu thôi không?”

12 nhận xét:

  1. Bài viết thật tuyệt vời. Nếu đây là "người thật việc thật" bạn nên cho biết cụ thể để mọi người chia sẻ chứ?

    Trả lờiXóa
  2. Câu chuyện vô cùng cảm động. Mình tìm được 2 links này. Mình vô cùng cảm thông và muốn gặp người mẹ trẻ đầy lòng nhân hậu nhưng lại không được số phận mỉm cười. Có cách nào để liên lạc được với cô ấy xin cho biết với?

    http://tintuc.xalo.vn/001026223575/quot_ba_me_quot_sinh_vien_va_dua_con_bi_bo_roi.html

    http://mobi.tuoitre.com.vn/tianyon/Index.aspx?ArticleID=352499&ChannelID=89

    Trả lờiXóa
  3. Cô này hình như đã có lần lên chương trình Người xây tổ ấm của VTV.

    Trả lờiXóa
  4. Đúng rồi! Chuyện thật về cô giáo Nga ở Hải Phòng mà!

    Trả lờiXóa
  5. Lana đã liên lạc được với Nga. 3 mẹ con cô ấy hiện tại sống ở Hải Phòng. Bé em 22 tháng tuổi. Bé Trang đã đi học lớp 1, kỳ vừa rồi cháu được học sinh giỏi. Mẹ Nga ở chung giúp trông cháu. Nga hiện nay nhận một công việc trái nghề ở HN và theo học đại học hệ tại chức của trường DDHSP1 HN, mỗi tuần cô lên trường một lần cho việc học.
    Nga tâm sự sau khi có bài báo viết về cô, có một thày hiệu trưởng một trường PT ở Hà nội đề nghị được giúp đỡ, nhận cô về trường với mức lương 1tr7/tháng. Nhưng vì 2 con còn quá nhỏ, không có nhà ở HN, cô đành không nhận cơ hội đó. Một lần lên HN, cô đã đến cổng trường PT ấy và khóc vì tiếc cho cơ hội không thể nắm bắt...

    Trả lờiXóa
  6. Thú thực là mình rất cảm động về câu chuyện này. Định bụng đi Hải Phòng cùng với vài người bạn (có cùng nguyện vọng) sẽ đến thăm cô Nga và hai cháu. Cám ơn Lana đã chia sẻ!

    Trả lờiXóa
  7. Vậy khi nào cùng thiết kế chuyến đi TĐM nhé. Chúng ta không có nhiều tiền thì cũng có tấm lòng và sự cảm thông, chia sẻ.

    Trả lờiXóa
  8. OK bạn! Tôi sẽ nhắn lại bạn trước khi đi nhé!

    Trả lờiXóa
  9. Em đền đây để nói lời cảm ơn anh Thuydamminh và toàn thể anh chị trong ngôi nhà ấm áp này. Kính chúc các anh chị cùng gia đình sức khoẻ và hạnh phúc tròn vẹn.

    Trả lờiXóa
  10. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  11. Nga Pham Thuy: Anh và cả nhà cám ơn em ấy chứ! Em ghé thường xuyên nhé! Hẹn em và cả nhà một offline gần đây!

    Chúc mẹ con em sức khỏe và niềm vui!

    Trả lờiXóa
  12. Bui Van Hung - 0914003424lúc 12:45 10 tháng 5, 2010

    Em Nga that su la mot dien hinh cua nguoi phu nu tuyet voi, duc hy sinh cao ca. Toi nguong mo! Kho khan da qua roi.Chuc 3 me con suc khoe va gap nhieu may man.

    Trả lờiXóa