Thứ Ba, 16 tháng 2, 2010

ĐÂU CHỐN PHỒN HOA?



Tối Mùng Một Tết, dạo một vòng xe hơi quanh Hồ Gươm xem thiên hạ Tết nhất thế nào, chợt nhận ra một điều: Hà Nội mình là Thủ đô của một đất nước hòa bình đã tròn 35 năm, kể từ năm 1975 thống nhất toàn quốc. Vậy mà Hà Nội mình quê quá, mộc mạc và có vẻ gì đấy lam lũ quá.


Ngoài mấy ngày Tết Hồ Gươm giăng đèn hoa lỗng lẫy, còn lại là gần như đêm nào cũng tối thui. Vài ngọn đèn đường leo lắt. Nhưng tán cây, những vỉa hè nhập nhoạng vài ngọn đèn đường mờ ảo, cũ kỹ và tội nghiệp làm sao!


Nghe nói phải làm thế để tiết kiệm điện. Phải tập trung nguồn năng lượng ấy cho sản xuất, cho kinh doanh. Và để tắt đi gần hết, bóc đi gần hết những dây đèn lộng lẫy ấy, cả Hà Nội mỗi tháng tiết kiệm được tầm 1,3 tỉ VND tiền điện. Các ông chuyên viên tính toán rằng, như thế cả năm cũng đã tiết kiệm được gần 16 tỉ VND. Đất nước còn nghèo, cũng là việc làm cần thiết và đáng kể.


Có đúng như vậy không?


Tôi không dám chắc con số trên là đúng. Nhưng nếu có thấp hơn hoặc cao hơn thì có lẽ cũng không nhiều. Vậy thì để làm gì nhỉ? Mà có nhất thiết thành phố Thủ đô ngàn tuổi của một đất nước đã thái hòa 35 năm nay, phải chịu đựng như thế không?


Người ta thường nói kinh kỳ là chốn phồn hoa. Dù anh trí thức, chị công nhân, anh thợ cơ khí hay bác nông dân quanh năm đầu tắt mặt tối, thì khi ra Thủ đô, họ cũng muốn thấy, muốn được hưởng cảnh phồn hoa đô hội đất kinh kỳ. Tôi dám đoan chắc rằng chẳng có một bác nông dân nào khi ra Hà Nội chơi về lại ca ngợi ngoài ấy người ta tiết kiệm điện lắm, tối cũng tối thui như ở làng quê mình cả.


Thủ đô không phải chỉ của người Hà Nội, mà là Thủ đô của cả nước, của cả gần 90 triệu người dân Việt Nam. Mấy bác Hà Nội, dù có hưởng ứng phong trào tiết kiệm như thế nào đi chăng nữa thì cũng đừng quên đây là đất Thủ đô, phải làm sao cho ra dáng một Thủ đô văn minh, giàu có, lịch lãm và chút ít ăn chơi. Phải biết làm sang cho Thủ đô của mình chứ.


Và đơn giản nhất là hãy làm cho Hồ Gươm, trái tim của Hà Nội ngày nào, đêm nào cũng đẹp đẽ, lộng lẫy như đêm Mùng Một Tết. Ít ra thì cũng phải là như vậy!



18 nhận xét:

  1. Em cũng thích Hồ Gươm lộng lẫy, nói thật với anh chứ ngày bình thường nhìn cái tháp rùa tối thui thấy mà chán.

    Trả lờiXóa
  2. Té ra có cái vụ tiết kiệm điện này thật hả bác :)

    Trả lờiXóa
  3. Lại vụ biết riết rồi, khổ lắm, nói mãi...bác Thụy ơi. Em mạn phép bác bổ xung thêm: HN là Thủ đô 1 quốc gia có 86 triệu dân đấy (chính xác k nhỉ), to lắm lắm đấy, oai lắm lắm đấy. Và HN cũng vừa "nới rộng" ra, cũng to lắm đấy, oai lắm đấy.

    Nhưng HN đã, đang, và có thể vẫn thiếu cái đầu kéo 1 toa tàu. Cái số tiền gọi là tiết kiệm kia chỉ là muỗi so với những cái cực kỳ lãng phí mà HN không được phép công bố trên báo chí chính thống.

    Trả lờiXóa
  4. Nước mình nghèo, quê là đúng rồi. Thủ đô còn chưa bằng cái Thị tứ ( còn thua cả thị trấn) của Trung Quốc nữa.
    Nghèo, quê về bề ngoài chốn đô thị còn đỡ, cái khổ nhất là quê mùa về mặt tâm hồn của rất nhiều người VN ý anh ạ :P

    Trả lờiXóa
  5. Lại so sánh với nhwuxng cây cầu bắc qua sông Hàn ở Đà Nẵng. Mỗi tối là một festival đèn màu tráng lệ chiếu lung linh xuống mặt sông. Lần vào Đà Nẵng cả đoàn ai cũng trầm trồ - ngưỡng mộ. Người Đà Nẵng dẫn du khách qua ngắm những câu cầy của họ với đầy vẻ tự hào.

    Đúng thật là khác nhau ở cái đầu của 'cái đầu kéo' (đồng ý với MC3)

    Trả lờiXóa
  6. Ở các nước tư bản thì ngược lại đèn nhìn phát ngợp. Đứng trên cầu vượt nhìn xuống thì cả một rừng thảm đèn chi chít như hoa vàng. Cũng khó nói được anh ơi, VN mình vẫn là một trong những nước nghèo trên thế giới mà. Em về thấy mức sống và sinh họat của dân mình còn thiếu thốn nhiều lắm.

    Trả lờiXóa
  7. HwoangNguyen: Tất nhiên rồi, Hà Nội gì mà tối thui, rồi lại nghe mấy ông khoe khoang là mỗi tháng tiết kiệm được hơn 1 tỉ tiền điện. Nản vô cùng!

    Trả lờiXóa
  8. Ivu: Có mà, chỉ có điều anh không nhớ chính xác số tiền tiết kiệm được hàng tháng thôi. Con số 1,3 tỉ VND là con số anh nhớ đã xem được ở trên báo nào đó. Tiền phong thì phải!

    Trả lờiXóa
  9. MC3: Rất chính xác! Nếu anh không nhầm, sau khi sát nhập, Hà Nội mình là Thủ đô lớn thứ 6 của thế giới. Nhưng còn lạc hậu lắm!

    Trả lờiXóa
  10. Dứa: Em nói rất đúng! Anh bổ sung thêm: Quê mùa về mặt tâm hồn thì rất khổ rồi, nhưng quê mùa về tư duy của một số công chức Hà Nội thì còn khổ nữa. Nó làm cho biết bao nhiêu người khổ. Mà điển hình là vụ tiết kiệm điện chiếu sáng và trang trí Thủ đô ấy!

    Trả lờiXóa
  11. Lana: Rất là hay! Đúng là cái cầu của "cái đầu kéo". Anh rất muốn Hà Nội phải là chốn phồn hoa đô hội. Có thế mới khá được.

    Trả lờiXóa
  12. Lu: Đồng ý là nước mình nghèo, dân mình nghèo nhưng em hãy nhớ vài điều này nhé!
    1. Nước mình là quốc gia mà người dân sở hữu xe RollRoys Phantom, Bently, Aston Martin... hơn khá nhiều các quốc gia châu Á khác.
    2. Là một trong vài nước mà tư nhân có máy bay riêng ở khu vực.
    Và dù nghèo đến mấy đi chăng nữa thì cũng không nên biến Thủ đô thành một cái làng quê tối thui hàng đêm. Chẳng làm gì cái sự tiết kiệm ấy hết!

    Trả lờiXóa
  13. anh Thụy : chuyện này thì em có nghe, em còn biết là chuyện có mấy người con của một vài số nhỏ tỉ phú trong nước chỉ ăn và chơi xe xịn thôi. Nói chung là đốt tiền của cha mẹ ấy. Em thấy có một xu hướng ngược lại ở trong nước và bên Mỹ. Em nghe nói (ko biết có chính xác ko?) cơ quan nhà nước tậu máy móc ở nước ngoài về thì phải mua loại thật hoành tráng để cơ quan nở mày nở mặt với chung quanh, mặc dù thật tế ko cần chơi sang đến thế. Những cái đáng tiết kiệm thế này thì cơ quan nhà nước ko thèm tiết kiệm, ngược lại xu hướng các cơ quan chính quyền của Mỹ. Em nói 1 thí dụ nhỏ thôi nhá, project của em chuyên sửa chữa những hệ thống storage server dùng chứa đựng tin tức. những con máy nào thuộc loại xịn từ 130 đến 200,000 dollars thì thông thường team của em send qua các nước Châu Âu, Châu Phi bán cho các chủ nhà bank giàu có, hoặc những tổ chức có tiếng của tư bản, họ xài đồ rất đắt tiền. Ngược lại, những con máy model cũ giá thành từ 40,000 đến 60,000 dollars thì giới chính quyền Mỹ rất ưa chuộng, họ chỉ mua đồ cũ cho nhân viên xài thôi à, khách hàng quen hay mua đồ on sale của team em là: bộ ngân khố Mỹ, những viện nghiên cứu khoa học về vấn đề xã hội gì gì đó..v.v....nói chung là của nhà nước thì đồ dùng ko chơi xịn như tư nhân. Cái này hình như khác với bên nhà phải ko anh?

    Trả lờiXóa
  14. Về chuyện chi tiêu tiền bạc sao cho đúng (Có hiệu quả và Không lãng phí)
    ---------------------------
    Quản lý công là điểm yếu của Việt Nam, chính phủ đang cố gắng khắc phục, nhưng xem ra không mấy hiệu quả.
    Việt Nam còn phải học nhiều, gần gặn thì học Singapore, xa hơn một chút thì học Mỹ và Israel (Đây chỉ đơn thuần về địa lý, thực ra trong thời đại công nghệ thông tin và mở cửa như hiện nay, việc học cái hay của nhân loại không quá khó.)
    Thực ra cha ông ta đã tích lũy rất nhiều kinh nghiệm quản lý hiệu quả về chuyện chi tiêu công quỹ, vấn đề là áp dụng như thế nào cho phù hợp với thời đại và có áp dụng hay không mà thôi.
    ----------
    @ Lu: Chuyện tiền bạc trong phạm vi gia đình, Thày Bói Mù đồng ý với Lu. Tại Việt Nam không chỉ nhà giàu mà nhà nghèo cũng bị vướng vào chuyện nuông chiều con cái, làm hư hỏng con cái. (Gần như đại đa số phụ huynh Việt Nam không biết cách giáo dục con cái sử dụng tiền bạc sao cho hợp lý, hiệu quả và lành mạnh). Đây là cái sai nghiêm trọng trong nhận thức về Yêu Thương và Quan tâm chăm sóc con cái.
    Phương Tây tiến bộ hơn ta về chuyện này, ta cần phải học tập và áp dụng.

    Trả lờiXóa
  15. Lu: Cũng không hẳn là như vậy. Tuy nhiên, em cứ hiểu là thường cái gì mà không phải là tiền túi, thì người mình dùng thoải mái hơn, chi tiêu thoải mái hơn và nhất là không cần phải giữ gìn, bảo quản cận thận. Người ta chỉ chú trọng hơn cả cái gì của cá nhân mình thôi.

    Trả lờiXóa
  16. Thày Bói Mù: Nhất trí với nhận xét của bạn. Đúng là quản lý công của ta đang yếu. Thế mới chán chứ! Cái cần tiết kiệm thì chưa biết, chưa thực sự tiết kiệm, cái cần chi tiêu thì lại chưa biết chi tiêu. Khổ thế đấy!

    Trả lờiXóa
  17. bạn nói đúng đấy,nhớ 1 năm tôi về ,tối đi chơi trung thu ,đã bất giác nghĩ,sao gần đến Hồ Gươm là trung tâm rồi mà còn tối thui thế này,vậy các con đường xa trung tâm còn tối đến thế nào.Quả thật tiết kiệm thì cũng ở mức vừa phải chứ tiết kiệm đến mức đó thì không bình thường.Trong khi ý thức tiết kiệm của người dân Hà nội thì lại rất tồi tệ.Vì hối lộ trở thành quá bình thường nên ăn gian được điện nước,chỉ cần cho người đi đo công tơ gì đó 200 000 đồng thì đồng hồ hỏng họ làm ngơ cho ăn gian cả năm cả tháng.Vì thế tôi thấy nhà mình xài quá hoang phí,máy giặt ngày nào cũng hoạt động,quạt thì chạy khắp nơi kể cả chỗ không người,nước thì xả hết cỡ vô tư.Dân Vn mới ra nước ngoài nhìn cách sinh hoạt là biết ngay,ở lâu lâu dần dần mới có ý thức được,bảo sao Vn cứ nghèo mãi.Quản lý thì lỗ hà ra lỗ hổng,tiết kiệm những cái không đáng.Làm sao để quản lý chặt chẽ người dân không ăn gian phá hoại thì cũng đủ làm giàu thêm bao nhiêu cho đất nước rồi

    Trả lờiXóa
  18. Nặc Danh: Bực mình nhất là ở chỗ ấy bạn ạ! Tiết kiệm lẽ ra phải làm thành một cái gì đó có hiệu quả, thành nếp văn hóa chứ không phải cứ kêu gào kiểu đánh trống khua chiêng. Tiết kiệm được một tí ti chỗ này thì lại lãng phí cả đống ở chỗ khác. Mà tiết kiệm gì gì chứ để thành phố Thủ đô tối thui thế là khó có thể chấp nhận được.

    Trả lờiXóa