Thứ Bảy, 13 tháng 2, 2010

TRẢ NGHĨA CON TRAI



Hơn 12 năm trước.

Vợ anh sinh một cậu con trai kháu khỉnh. Với người dân làm nông nghiệp ở vùng đồng chiêm trũng còn nặng nề hủ tục phong kiến, thì đấy là niềm hạnh phúc vô bờ bến của vợ chồng anh. Anh đi khắp làng, chạy lên cả bờ đê con sông quê. Chân bước thấp bước cao, đường phẳng mà vấp ngã liên tục. Anh chạy đi để khoe với họ hàng, bè bạn và khoe cả với những người không quen biết về niềm vui mới của mình.

Cũng năm ấy

Anh mắc một trọng tội. Bị bắt. Bị còng tay. Cậu con trai bé bỏng lúc đó chưa tròn 1 tuổi. Các điều tra viên đến nhà thực hiện lệnh bắt người đã làm một việc rất nhân hậu là cho người báo trước để chị vợ bế con anh tránh mặt. Một thời gian sau, Tòa xử anh 12 năm tù giam. Mức án mà lẽ ra phải cao hơn nhiều, nếu anh không phải là một người nông dân chất phác quanh năm chỉ biết làm ăn.

Anh vào nhà giam thụ án. Đêm đêm câm lặng nhìn bức tường nhà giam thấy uất hận trong lòng. Giận mình nóng nảy, thiếu kiềm chế, oán trách bản thân mình tại sao lại làm một việc ngu ngốc đến thế. Anh nắm tay đấm liên hồi vào tường đến tóe máu. Kêu thảm thiết gọi trời cao thấu lòng mình lo cho mẹ già, cho vợ con mà không thể làm gì được. Đã vậy, tự nhiên lại trở thành gánh nặng cho những người thân yêu.

Mấy tháng sau

Vợ anh lên nhà giam. Ngập ngừng một lát, chị cương quyết đặt vào tay anh tờ đơn xin ly hôn. Chị không thể chịu đựng nổi việc phải chờ đợi chồng 12 năm nữa. Cũng không thể chịu nổi sự ghẻ lạnh, đàm tiếu của dân làng khi mình phải là vợ một “thằng tù” đang mang trọng án. Hụt hẫng, đau đớn, hoang mang… đến độ cảm thấy không còn gì thiết sống nữa.

Thẫn thờ như người mất hồn. Anh nhắn vợ mời mẹ lên thăm vào lần kế tiếp. Bố mất từ khi anh còn bé. Mẹ tần tảo nuôi anh khôn lớn. Việc gì hai mẹ con cũng nói chuyện, cũng bàn bạc với nhau.

Hai mẹ con gặp nhau.Nghe anh tường trình sự việc, mẹ nói: “Mẹ đã biết chuyện rồi. Bố con mất sớm, mẹ cứ thế nuôi con, mẹ hiểu người phụ nữ vất vả thế nào khi phải một mình đơn chiếc con ạ! Mình thân là người có tội, vợ con nó muốn từ bỏ thì cũng không phải là xấu. Chuyện của các con, mẹ không biết khuyên thế nào. Mẹ chỉ nói thế thôi. Tùy con!”.

Anh ký vào tờ đơn xin ly hôn của vợ.

Mấy tháng sau, chị tìm được hạnh phúc mới ở một vùng đất xa lắc xa lơ so với cái làng quê bé nhỏ của anh. Cậu con trai ở với bố, thực chất là bà nội nuôi. Ngày trước, mẹ một mình nuôi anh. Giờ lại một mình nuôi cháu. Anh thương mẹ, giận mình tím gan tím ruột. Có lần mẹ lên thăm, anh chắp tay tế sống mẹ ngay tại phòng thăm nuôi rổi nói: “Mẹ tha tội cho con. Mẹ đã vất vả vì con nửa cuộc đời. Giờ lại vất vả vì cháu hết cả cuộc đời nữa. Con thật là bất hiếu!”. Mẹ đỡ anh dậy. Bà đã quen và chai sạn với đau khổ và gian khó của cuộc đời. Bà chỉ động viên con trai cố gắng cải tạo để về với con, với mẹ.

Bốn năm sau

Cậu con trai gần 5 tuổi mới được bà nội cho lên thăm bố. Bà không muốn cháu biết rằng bố nó đang phải tù tội. Nhưng cháu đã lớn. Không thể giấu mãi được nên bà quyết định cho cháu đối mặt với sự thật. Gần nửa giờ thăm nuôi, cậu ngồi bên bố lặng thinh. Cậu vân vê vạt áo tù của bố mà chẳng nói gì. Gương mặt rắn rỏi đầy nghị lực dường như đã làm cậu già dặn hơn rất nhiều..

Anh thì ôm con, nước mắt ngắn dài. Anh chợt nhận ra một điều lâu nay mình không để ý. Đó là mẹ đã già, đã yếu quá rồi. Run rẩy, anh nói với con trai: “Bà đã già rồi, bà yếu lắm. Con ở nhà nhớ là thay mặt bố chăm sóc bà. Bà có ốm, con ra trạm xá xã báo các chú các cô ở đấy. Nhà hết tiền mà bà ốm nặng, con bảo bà bán cái miếng đất Mỏ Phượng của nhà mình đi. Bán bao nhiêu là bà biết đấy. Khi nào được về nhà, bố con mình sẽ làm việc rồi để dành tiền mua lại con nhé!”. Cậu bé nhìn bố gật gật đầu.

Hàng năm, con anh đều theo bà lên thăm bố vào dịp cuối năm. Anh vui mừng vì con đã lớn, đã đi học và điều làm anh yên tâm nhất là bà con, chòm xóm vẫn qua lại, vẫn chia sẻ và giúp đỡ hai bà cháu rất nhiều. Anh đâu biết rằng cậu con trai bé bỏng của anh hầu như không được biết gì đến các thú chơi của trẻ mới lớn. Cậu cùng bà chăm sóc vườn nhà, nhỏ cỏ, tát nước đám ruộng phần trăm, đi gọi thợ cày, thợ cấy mỗi khi mùa đến. Đi mua phân đạm, thuê người phun thuốc trừ sâu… Nói tóm lại là với sự hướng dẫn của bà, cậu làm đủ các thứ việc mà một đứa trẻ ở lứa tuổi cậu không bao giờ phải làm.

Bốn năm sau nữa

Cái Tết Nguyên Đán đã gần kề. Anh lập nhiều thành tích trong trại và có tên trong đợt đặc xá. Buổi sáng hôm nhận quyết định ra trại trước thời hạn, anh thấy lòng mình phơi phới hơn bao giờ hết. Anh thay quần áo, nhận số tiền trợ cấp ít ỏi và chuẩn bị lên xe của trại để ra bến xe về nhà. Bước ra khỏi cổng, anh không tin vào mắt mình nữa. Con trai anh đứng đó, nhỏ bé nhưng chững chạc và tự tin. Lần đầu tiên trong đời, cậu lao tới ôm chầm lấy bố.

Anh như cảm thấy mình khuỵu xuống. Anh gục đầu vào lòng con trai khóc như mưa. Anh nói như hét lên: “Con ơi, bố về với con, với bà rồi. Bố có lỗi với con nhiều lắm. Bố đã làm con khổ nhục từ khi con còn bé tí, từ khi con cần có bố ở bên cạnh nhất. Bố xin lỗi con, bố xin lỗi con! Bà đâu rồi con?”. Cậu con trai bé bỏng của anh, lần đầu tiên kể từ khi hai bố con gặp nhau, cũng chan hòa nước mắt. Cậu đỡ bố dậy và nói: “Bố đứng dậy đi. Bố đừng xin lỗi con thế! Bà ở ngoài kia. Bà đi cùng con từ sáng sớm cơ. Nhưng bà say xe quá nên phải ngồi nghỉ. Bố đừng khóc nữa không bao nhiêu người đang nhìn đây này”.

Anh đưa tay quệt nước mắt như một đứa trẻ rồi đứng lên. Nghe con nhắc, anh mới nhìn ra xung quanh và chợt nhận thấy tất cả mọi người đang nhìn hai bố con anh. Một vài người dường như quá xúc động, vội quay mặt đi giấu những giọt nước mắt, từ bao giờ đang chảy dài trên má.





12 nhận xét:

  1. Hu hu...truyện cảm động quớ. Em hình dung ra thằng bé rắn rỏi già dặn như nào khi phải đảm nhiệm vai trò của bố nó ngay khi vừa lọt lòng ra. Nhưng cuộc sống thật kỳ diệu. Những đứa trẻ thật kỳ diệu :-)Em rất thích chơi với trẻ con là vì vậy :-D

    Trả lờiXóa
  2. Anh viết bài này hay lắm. Gì chứ cái cảm giác cô độc ở một mình với bà, ngồi đếm thời gian trôi là em rành lắm à.
    Lúc nhỏ em cũng ko hiểu sao mình lại ko phải là con nhà giàu? em thèm có một con búp bê cũ cũ cũng được mà chẳng bao giờ có. Em cũng thèm ăn lắm, vì ở chùa thì bà em chỉ ăn chay thôi, nên em cũng phải ăn chay theo.
    Thỉnh thoảng ba em lên chùa thăm bà cháu thì đó là ngày tết của em. Toàn là đồ ăn mặn nhá, đã thế tối tối được nghe ông già nói chuyện, ko phải quỳ gối gõ mõ chán chết đi được. Lúc nhỏ em vừa gõ vài cóc cóc là em ngủ gật à, bà nội em cứ liên tục nhắc chừng "gõ đi con!".
    Mà lúc em còn bé em dở lắm ko có lì đòn như cậu con trai trong bài của anh đâu. Tối ngày buồn buồn là khóc hoài, khóc cho sướng mồm rồi tự mình nín. Em chỉ có chơi đất sét vẽ vời trên đất bậy bạ thôi.
    Lúc đó em làm bạn với mấy cái tượng bà nội em thờ ấy. Rảnh tối ngày chỉ lau chùi tượng thôi, làm bạn với tượng câm lâu ngày em thành ít nói luôn.

    Đấy là thời con nít thôi, bi giờ thì em rất chi là chì nhá!

    Trả lờiXóa
  3. cầu mong cuộc đời sẽ bù đắp thật nhiều cho cậu bé này, và nhiều những em bé không có tuổi thơ khác nữa...

    Trả lờiXóa
  4. Titi: Đúng là trẻ con thật là kỳ diệu. Chúng có thể đi qua bao năm tháng khó khăn, đói ăn, rách mặc, chịu bao nhiêu tủi nhục, mà vẫn lớn lên, vẫn hiên ngang và trong sáng. Về điểm này, anh luôn luôn phải học chúng. Hì!

    Trả lờiXóa
  5. Lu: Trời đất ơi! Cuộc sống bé thơ của em, viết thành truyện còn hay và cảm động hơn cậu bé này mất. Em giỏi lắm Lu ạ!
    Đương nhiên là em k thể lì như cậu bé này rồi. Em là con gái mà! Hì!

    Trả lờiXóa
  6. Lana: Cậu bé này thiệt thòi nhiều. Nhưng cũng may mắn lắm. Bố cậu thực sự là người tốt, yêu thương con và có hiếu. Chẳng may gặp hạn thôi!

    Trả lờiXóa
  7. @ Mr Thụy:
    Chuyện này làm phim được đấy ông anh.
    Chúc ông anh năm mới An Khang Thịnh Vượng.
    Nếu ông anh về hội Lim vào ngày chính hội, rất có thể tình cờ mình gặp nhau...
    ==============================
    @ Lu:
    Những chuyện em kể rất cảm động và nhân văn, Em ghi lại những câu chuyện này vào nhật ký đi em, để nay mai biên tập thành bút ký, để lại cho con cháu đọc em nhé.

    Trả lờiXóa
  8. Em chỉ xin cmmt cô vợ. Đời có nhiều loại phụ nữ hay nhỉ. Thấy chồng sa cơ lỡ vận thì dứt ra ngay, tìm được hạnh phúc mới cũng dứt luôn cả con.
    Haizzzzz.
    Chúc mừng năm mới anh Thụy! Chúc anh ăn Tết lành mạnh và thư thả, hihi

    Trả lờiXóa
  9. HwoangNguyen: Một câu chuyện thật ở Bắc Giang đấy!
    Em quê ở Lim à?

    Trả lờiXóa
  10. Dứa: Thực sự là buồn về cô vợ. Nhưng cũng nên thông cảm em ạ!
    Cám ơn em! Chúc vợ chồng em năm mới nhiều niềm vui và may mắn nhé!

    Trả lờiXóa
  11. anh Thụy : cha sư con sãi là đúng rồi, có điều ba em rất chi là bứt rứt khi hoàn tục lấy vợ, còn em ngược lại ra khỏi chùa thì mừng húm, vì được ăn mặn được đi học. Tự dưng bà nội em bắt em gõ mõ chứ em có muốn đâu, người lớn thật là tầm bậy à...

    Trả lờiXóa
  12. Em à, ra khỏi chùa, ngoài việc được ăn mặn, được đi học, còn được iu nữa chứ, đúng không em? Chẳng thấy em nhắc đến chuyện ấy nên anh phải nhắc đấy nhé!

    Trả lờiXóa