Chủ Nhật, 31 tháng 10, 2010

TÌNH YÊU CÁI QUÁI GÌ?




- Tôi đây! Có việc gì mà gọi vào chiều tối Chủ nhật thế này. Tôi đang đi rửa xe. Qua chỗ nhậu à? Chắc là chiều mai rồi. Tôi bận, phải về giờ đây! Có chuyện gì quan trọng à? Thì cứ nói điện thoại đi. Có sao đâu!

- Ông còn nhớ con bé nhà tôi không? Con đầu, cưới ở Cung, hồi ông đến ấy. Ừ, cũng được gần 6 năm rồi. Tối qua, con bé gọi tôi hẹn sáng nay hai bố con café nói chuyện. Ông biết nó nói chuyện gì không?

- Chuyện gi?

- Hai vợ chồng nó định chia tay nhau. Chưa nói với ai cả. Mới chỉ nói với tôi sáng nay. Nhưng tôi nghĩ, chắc hai đứa cũng đã tâm tình với mấy đứa bạn thân của chúng nó. Vài ngày nữa, mọi người đều biết thôi!

- Vì sao chúng nó lại đến cơ sự ấy?

- Chẳng vì sao cả ông ạ! Thế mới bực mình. Vừa buồn, vừa giận, vừa không sao hiểu nổi. Con bé bảo tôi là đã gần nửa năm nay, chúng nó không chia sẻ được với nhau nữa. Sống cùng mái nhà mà việc đứa nào đứa ấy làm. Tóm lại, nó bảo là nó không sao có cảm hứng với đời sống vợ chồng nữa.

- Thế thằng chồng thì sao?

- Thằng kia tôi chưa nói chuyện. Nhưng con bé bảo tôi là đấy là ý kiến của cả hai chúng nó. Xem ra không thể cứu vãn được rồi.

- Hay có người thứ ba nào đó…?

- Tôi cũng vặn vẹo nó thế. Con ranh ấy bảo bố cứ cổ hủ, làm gì có người nào. Đây chỉ là chúng nó thấy không còn hào hứng nữa, cuộc sống thiếu lửa, không tâm tình chia sẻ được, cảm thấy vô vị… Thế thôi!

- Trời đất! Hai vợ chồng công ăn việc làm tốt, ổn định. Hai thằng con trai thế, còn đòi hỏi gì hơn nữa mà giờ tính chuyện chia tay nhau. Bọn này làm sao thế?

- Nó bảo nó thì bận bịu con nhỏ, thiếu quan tâm săn sóc chồng. Vì thế, thằng chồng buồn, trầm cảm. Cứ thế chìm vào trạng thái ủ dột. Khổ cái là ông tướng này lãng mạn lắm cơ, cứ muốn tìm lại cái cảm hứng, cái hình ảnh, cái đẹp đẽ của thời yêu nhau, mới cưới nhau ấy. Rồi đâm thất vọng, đâm chán.

- Thì ông khuyên chúng nó nên đối thoại thẳng thắn với nhau đi!

- Đối thoại nhiều rồi. Cuối cùng chúng nó thống nhất với nhau là không còn tình yêu nữa. Giờ chỉ còn sống với nhau vì nghĩa vợ chồng, vì trách nhiệm với con cái thôi. Thế nên mới tính đến chuyện chia tay nhau.

- Tình yêu cái quái gì! Ông bảo với nó là lấy nhau rồi, con cái 2 đứa rồi làm gì còn tình yêu. Vớ vẩn! Yêu nhau là để yêu nhau thôi. Cưới rồi là hết! Ông cứ bảo là tôi bảo nó thế đấy. Cứ như trên mây trên gió thế nên mới nhiều chuyện. Đúng là đêm dài lắm mộng!

- Ừ nhỉ! Sao tôi không nghĩ ra nhỉ? Vợ chồng sống với nhau con 2 đứa, nhẵn mặt nhau bao năm nay, giờ cứ đòi tình cảm, tình yêu như hồi mới gặp nhau thì làm quái gì có được chứ. Đúng là chẳng thực tế tí nào. Thôi, mai nhé! Giờ tôi phải qua gặp con bé tí đã. Phải nói cho cả 2 đứa chúng nó biết, không thì nguy!




Thứ Bảy, 30 tháng 10, 2010

KHÔNG CÓ GÌ MÃI MÃI




Kỷ niệm 10 năm thành lập Công ty, ai đó có ý tưởng làm một videp clip để chiếu trong buổi tiệc sẽ được tổ chức ít ngày nữa. Ý tưởng không mới. Nội dung thì loay hoay mãi. Chẳng lẽ lại bắt đầu từ công thức: Ngày đầu thành lập gian khó, ít người, cơ sở vật chất nghèo nàn… Nhờ sự cố gắng của anh em, sự giỏi giang tháo vát của Giám đốc… Công ty đi lên, phát triển và có được cơ ngơi như ngày hôm nay.

Làm thế thì làm làm quái gì. Chẳng ai thèm xem. Cứ như là cơm mậu dịch ấy!

Rốt cuộc lại, mọi người chọn điểm nhấn cho video clip là buổi nói chuyện của một người được coi là thành đạt, thành công nhất trong suốt quá trình trưởng thành của công ty. Sợ buổi nói chuyện khô khan quá, anh xung phong làm người dẫn chuyện.

Vì thế, sau rất nhiều năm, anh lại có dịp được ngồi với cô nhân viên yêu quý của mình. Chỉ có điều lần này khác một chút, là hai anh em ngồi với nhau trước ống kính máy quay, và trước tập thể mấy chục cán bộ nhân viên.

Đã gần 10 năm trôi qua!

Cô đã yêu, đã lấy chồng, đã có hai con, một trai một gái. Bây giờ cô đảm nhận vai trò Giám đốc một Công ty gần 30 cán bộ nhân viên với doanh số hàng chục tỉ mỗi năm.

10 năm

Một quãng đường đủ dài với biết bao biến động!

Buổi chiều hôm ấy, cô xuất hiện trước mặt anh theo lời hẹn phỏng vấn cho một vị trí nhân viên kế toán. Cô mặc bộ đồ thật bình dị. Quần vàng nhạt, sơ-mi màu xanh tím sấm với chiếc cổ lá sen to bản màu trắng. Giọng cô nhẹ nhưng rõ ràng và mạch lạc. Anh thật ấn tượng vì sự xuất hiện của cô và không hiểu sao, buổi chiều hôm ấy, anh cảm thấy thật là vui.

Nhà cô có 4 chị em. Mẹ và chị vắng nhà từ năm cô 13 tuổi. Cô ở với bố và 2 em gái. Một mình, vừa làm cô gái mới lớn, vừa làm chị, vừa làm mẹ của cái gia đình nhỏ bé ấy. Cô tháo vát, lo toan và đảm đang.

Gần 2 tháng sau, cô được đề bạt làm Kế toán trưởng.

Chánh Văn phòng, Giám đốc Xuất bản, Phụ trách Phòng Sales… Những chức danh mà cô đã từng kiêm nhiệm trước khi rời khỏi vị trí Kế toán trưởng để làm Giám đốc một Công ty.

10 năm

Từ một nhân viên bình thường lên vị trí Giám đốc Công ty. Sự kiên nhẫn? Lòng dũng cảm vượt khó? Một chút táo bạo? Tất cả đều đúng. Nhưng trên hết thảy là tình yêu vô bờ bến với công việc, với mọi người xung quanh, trong cái tập thể nhỏ bé nhưng đã phải chịu biết bao biến động trong những năm qua.

Thêm 2 năm nữa…

Anh và cô lại chia tay nhau. Vì sao thế? Không ai có thể trả lời được. Chút tự ái nghề nghiệp? Khao khát vươn lên tự lập một mình? Những tác động của đời sống thị trường khiến cho tình cảm vốn là thứ quý giá nhất đã không còn chỗ đứng? Là gì nữa, thôi, chẳng nên biết làm gì. Bởi vì, có thể cả anh và cô đều không bao giờ biết được chính xác thì sao?

Buổi tập văn nghệ của đám nhân viên nhân kỷ niệm 12 năm sắp tới gần, khiến anh nhớ khôn nguôi những ngày tháng đã qua, những gian khó mà cả anh và cô đều đã từng phải đương đầu. Nhưng thôi, tất cả cuộc sống là ở phía trước. Ai cũng phải đi, phải đến một cái đích mà mình lựa chọn. Không Có Gì Mãi Mãi mà. Hình như Sidney Sheldon đã viết như thế!



Thứ Tư, 27 tháng 10, 2010

BÂY GIỜ THÁNG MẤY?




Bây giờ tháng mẩy rồi hỡi em?

Lênh đênh ngàn mây trôi êm đềm…

Lời bài hát thật đẹp. Tha thiết. Phiêu diêu.Lãng tử. Thật đúng với phong cách của Từ Công Phụng. Vào thập niên những năm 60 của thế kỷ trước, họ Từ đã từng được giới mộ điệu Sài Gòn ví là một trong tứ trụ của làng tân nhạc Nam Việt lúc đó, bên cạnh Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An và Ngô Thụy Miên.

Từ Công Phụng từng là biên tập viên đài phát thanh của chế độ cũ. Năm 1980 anh sang đinh cư tại Hoa Kỳ. Hơn 40 năm trước, nhạc phẩm Bây Giờ Tháng Mấy ra đời. Giới thạo tin lúc đó kể lại rằng Bây Giờ Tháng Mấy được nhà xuất bản Minh Phát mua và tung ra thị trường. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhạc phẩm này đã trở nên rất quen thuộc. Sự phổ thông mạnh mẽ của nó đã khiến tựa đề của nhạc phẩm này được truyền miệng đến hầu hết tầng lớp thanh niên hồi ấy.

Tốt nghiệp trường Luật, họ Từ đến với âm nhạc hoàn toàn bằng năng khiếu, cộng với sự chịu khó tìm tòi, học hỏi, hoàn toàn không được ai nâng đỡ trong bước đầu. Sự kiện này lại được anh coi là một sự may mắn để tạo riêng cho mình một nét nhạc đặc thù không giống ai.

Khi nhạc phẩm Bây Giờ Tháng Mấy phát hành, Từ Công Phụng vẫn còn đang là sinh viên của Trường Đại học Đà Lạt. Anh kể lại rằng lúc bấy giờ Bây Giờ Tháng Mấy mà thính giả thường hay được nghe là nghe...trên đài phát thanh Đà Lạt. Thời gian này, anh có nhận được nhiều bức thư khen ngợi. Trong số có một bức thư đặc biệt không ký tên tác giả. Ngoài những lời khen tặng, tác giả bức thư còn tặng anh một bài thơ cảm hứng theo bài Bây Giờ Tháng Mấy?

Đó là một bài thơ 5 chữ mang một nội dung lạ. Từ đã sửa lại bài thơ và làm thành ca khúc 2 của Bây Giờ Tháng Mấy vào năm 65. Cho đến nay anh vẫn không biết tác giả bài thơ đó là ai. Bây Giờ Tháng Mấy 2 hình như không phải ai cũng biết. Hay lắm! Nhưng tôi vẫn thấy Bây Giờ Tháng Mấy 1 ấn tượng hơn.

Tôi đặc biệt thích nhạc Từ Công Phụng, nhất những bài do chính anh biểu diễn. Bây Giờ Tháng Mấy 1, Bây Giờ Tháng Mấy 2, Giọt Lệ Cho Ngàn Sau, Tuổi Xa Người, Bài Cho Em, Dã Tràng… đã từng làm tôi say mê biết bao lần. Tôi đã hơn một lần ngẩn ngơ khi nghe “…Mây giăng chiều nắng tàn. Mưa ướt lạnh chúng mình. Em ơi, thôi đừng hờn anh nữa. Nhìn nhau buồn vời vợi. Để Mùa Đông buốt giá bờ vai mềm…”

Để Mùa Đông buốt giá bờ vai mềm.

Vâng, chiểu nay, những cơn gió lạnh đầu mùa dường như đã tràn về.Mưa phùn giăng mắc cả bầu trời. Một người bạn cũ nhắn tin “mưa buồn quá mày ạ!” Nhận tin mà chẳng biết trả lời bạn như thế nào. Thôi, hãy bật máy lên nghe nhạc họ Từ vậy. Mình cũng thế mà, vào mỗi lúc lòng buồn tê tái. “Mùa Đông chết đi để Mùa Xuân áo em đẹp màu thơ. Môi tràn đầy bao ước mơ”.


Bây giờ Tháng mấy 1 do Sĩ Phú thể hiện






Thứ Ba, 26 tháng 10, 2010

LỘT ÁO TÌNH ĐỊCH




Thú thực là tôi phải đọc lại tới 2 lần mẩu tin được đăng trên một trang báo mạng. Một nhóm 5 nữ sinh cùng đánh hội đồng một nữ sinh khác. Họ lột áo, cắt tóc cô gái ngay trước cổng trường cô đang học. Hành động xong, họ còn tiếp tục tra hỏi cô gái với tội danh la liếm với chồng của một trong 5 cô đang đánh hội đồng.

Có tiếng can ngăn của một người trung niên đi qua. Và tiếng của một nam sinh nói rằng bác cứ mặc kệ chúng nó. Người trung niên ấy vẫn cứ đi qua, không tiếp tục can thiệp. Tội ác vẫn tiếp tục được thực hiện. Hơn thế nữa, nó còn được quay thành video clip để tung lên mạng.

Đọc xong, tôi cứ băn khoăn, day dứt mãi…

Đầu tiên tôi không hiểu vì sao, dạo này nhiều vụ đánh lộn, đánh hội đồng của học sinh trung học đến thế. Mà lạ một điều là hầu hết các vụ đánh hội đồng ấy, cả thủ phạm và nạn nhân đều là các cô gái trẻ, đẹp, sành điệu và đáng yêu. Không lẽ con gái bây giờ dữ dằn hơn, bạo lực hơn và máu đánh nhau hơn con trai hay sao?

Thứ nữa là người lớn có mặt ở đấy. Các bạn trai có mặt ở đấy. Sao không ai ngăn cản đến tận cùng, để tội ác không thể diễn ra được nhỉ? Đã thế, cứ nhìn trong đoạn video ấy thì tôi lại suy ra rằng hình như bạn trai nào đó, chẳng những không can ngăn mà còn có vẻ cổ động cho hành động đánh bạn ấy thì phải. Lẽ nào, cả người lớn, cả con trai đều vô cảm như vậy trước các bạn nữ đang đánh nhau và có bạn đang bị lột áo, cắt tóc?

Nguyên nhân của vụ đánh hội đồng thực chất là do 2 cô yêu cùng một anh công nhân. Nếu đúng thế thì tội là của anh chàng công nhân đa mang kia, chứ đâu có phải từ phía các cô gái. Vậy mà các cô cứ hùng đánh nhau, cứ hùng hục lột áo, cắt tóc mà chẳng để ý gì đến người gây ra tội lỗi cả.

Học sinh gái lớp 11 đã biết yêu, đã gây tộc ác vì tình yêu, đã biết trừng phạt tình địch (nếu có thể gọi đó là tình địch), đã biết gọi người yêu là chồng thì thật là không thể nào hiểu nổi. Người lớn đi qua, các bạn trai đứng đấy mà không biết can thiệp để dừng bằng được tội ác thì lại càng không thể nào hiểu được nữa.

Chúng ta đang tốn rất nhiều tiền của, công sức và trí tuệ để dạy dỗ những kiến thức uyên bác cho thế hệ trẻ. Một ngày nào đó, thế hệ tiếp theo sẽ giỏi giang, sẽ uyên bác, sẽ đạt nhiều bằng cấp của các trường đại học danh tiếng cả trong và ngoài nước.

Nhưng còn lối sống đẹp, tình yêu đẹp, lòng vị tha và sự bao dung?



Thứ Bảy, 23 tháng 10, 2010

TẮM NƯỚC KHOÁNG KIM BÔI




Những người lên Kim Bôi lần đầu tiên thường ngỡ ngàng vì không nhìn thấy con suối nào. Trong tiềm thức của du khách, nước khoáng Kim Bôi phải là nước từ một dòng suối lộ thiên nào đó suốt ngày bốc khói nghi ngút. Nhưng thực tế thì không phải như vậy. Nước khoáng Kim Bôi được lấy lên từ mạch nước nóng của dòng suối Tiên phun lên ở xóm Mỏ Đá, xã Hạ Bì thuộc huyện Kim Bôi. Mạch nước gắn liền với huyền thoại về bà Tiên và hai mẹ con một gia đình nông dân nghèo khó.

Vào một năm hạn hán nặng, cây cỏ chết khô. Cô gái con một gia đình nông dân đêm nào cũng vào núi hứng nước về cho mẹ. Buổi sáng ấy, trên đường về nhà, cô gặp một bà già đang thều thào xin nước uống. Thương người, cô đã cho bà cụ cả lọ nước mà không hề biết đấy chính là bà Tiên xuống thử lòng người trần. Uống nước xong, bà già cầm gậy trúc chọc một lỗ và nói rằng nơi đây sẽ biến thành dòng suối Tiên cứu dân bản và làm cho các cô gái vùng này đẹp như tiên sa.

Các cô gái ở Kim Bôi có đẹp hay không thì tôi không dám chắc vì chưa thấy cô nào mặc áo hai mảnh đi thi hoa hậu cả, nhưng dân vùng này giàu có lên thì chắc là chính xác. Giữa vùng đồi núi còn nhiều lạc hậu của Hòa Bình, xã Hạ Bì bỗng nổi bật lên bởi những ngôi nhà cao tầng, nhà ngói đỏ và chi chít ăng-ten ti-vi. Nếu không dựa vào lợi thế ở gần nguồn suối khoáng nổi tiếng, chắc chắn còn nhiều chục năm nữa Hạ Bì mới được như ngày hôm nay.

Theo một số nhà chuyên môn thì nước khoáng Kim Bôi đặc biệt có giá trị điều hòa chức năng tiêu hóa, sỏi đường tiết niệu, táo bón, viêm thành tá tràng, bệnh đái tháo đường và nhiều bệnh khác. Các nhà hóa học của xứ pha-lê Bohemia nổi tiếng đã xác định các thành phần hóa học của nó thuộc loại nước khoáng quý, công thức hóa học của nó dài gần một khổ giấy A4 mà tôi không tài nào nhớ nổi.

Chẳng ai nghi ngờ gì những phân tích hóa học như vậy, song nước khoáng Kim Bôi nổi tiếng có lẽ không phải nhờ những phân tích này. Cái chính là nó có tác dụng thiết thực đối với hàng chục vạn người đã đến đây. Trong danh mục bạt ngàn các sản phẩm nước khoáng, nước tinh khiết hiện nay, Kim Bôi là thứ nước khoáng duy nhất được tin cậy mà không gây nên một hoài nghi nào với bất cứ ai.

Một cán bộ của nhà nghỉ nói với chúng tôi rằng, năm nào cơ quan chức năng cũng lấy mẫu đi phân tích, kiểm nghiệm ở các viện dinh dưỡng. Nhiều năm liên tục, kết quả phân tích cho thấy đây là nước khoáng có thành phần hóa học ổn định nhất với trữ lượng hầu như vô biên. Chẳng thế mà trong khi người dân thành phố trố mắt thán phục Michael Jackson chỉ tắm bằng nước khoáng Evan nổi tiếng của Pháp thì với những người dân “nhà quê” của xã Hạ Bì này, hành động chơi ngông của Vua nhạc Rock chẳng có ý nghĩa gì. Tắm không thì chưa là gì cả nhé! Dân ở đây, thậm chí còn giặt quần áo bằng nước khoáng nữa. Michael có dám làm thế không?

Nếu muốn chữa bệnh yên tĩnh, bạn có thể thuê phòng và tắm bồn. Bồn nước khoáng ở ngay trong phòng. Vòi nước sử dụng thoải mái. Nước khoáng Kim Bôi có độ ấm khá ổn định. Ngâm trong bồn nước bạn sẽ hết sức thoải mái. Các nhân viên y tế giải thích rằng đó là do nước khoáng ấm chứa nhiều nguyên tố hóa học quý ngấm vào lỗ chân lông, làm giãn nở các mao mạch và tăng độ lưu thông máu. Chẳng biết có đúng như vậy không nhưng có một thực tế là ngay cả bệnh thấp khớp cũng đã có hàng ngàn người chữa khỏi ở đây.

Thông thường, khách đến đây nghỉ năm, bảy ngày và ngâm mình trong bồn tắm một, hai tiếng đồng hồ mỗi ngày. Còn các cô gái, các chàng trai và những ông, bà trung niên thì dại gì mà giam mình trong bồn tắm. Tất cả cánh phụ nữ thì nhao ra bể lớn để chơng diện những bộ đồ tắm mới nhất và đám đàn ông, tất nhiên, cũng sẽ đến đó để tha hồ mà “rửa mắt” miễn phí.

Tuy nhiên, tắm bể cũng có cái bất lợi. Không ai nghi ngờ gì về quy trình thay nước hợp vệ sinh của nhân viên kỹ thuật, nhưng quả thực, chẳng ai dám chắc chắn trong số hàng chục, hàng trăm người đang đùa rỡn dưới nước kia, không có một vài “bố” vô ý thức, sẵn sàng giải quyết “nỗi buồn chiến tranh” ngay trong bể. Một vài ông ý chừng quên phứt việc đến đây tắm chữa bệnh mà cứ nghĩ mình đang tắm ở ao nhà, đang gia công kỳ cọ tùm lum. Chính vì vậy, với những người có kinh nghiệm, họ chỉ xuống bể vào đầu giờ sáng, khi còn vắng người và chắc chắn nước đầu nguồn vừa mới được dẫn vào.

Dù cơ sở vật chất còn lạc hậu, song Kim Bôi vẫn ngày đêm hấp dẫn du khách. Không ai đòi hỏi ở đây phải có khách sạn nhiều sao, dịch vụ “xịn”. Chỉ nước khoáng thôi là đủ. Ngâm mình trong làn nước xanh của bể tắm, người ta lại thấy ưa cái vẻ dân dã của cả khu nhà nghỉ hơn. Buổi chiều, chúng tôi băng qua cửa ngách của nhà nghỉ để đến xóm Mỏ Đá, nơi bắt đầu truyền thuyết về sự ra đời đầy vẻ cổ tích của dòng nước khoáng Kim Bôi.

Mỏ Đá có hang Thụ Khang huyền ảo và những vườn cây mang đậm hương hoa núi rừng. Phía sau khu nhà nghỉ của Liên đoàn Lao động là một bộ mặt khác hẳn. Những nếp nhà sàn, những cô gái mang trang phục dân tộc sặc sỡ. Đến Mỏ Đá, chúng tôi bắt gặp một dòng suối tự nhiên nước trong vắt. Những người dân ở đây khoe với chúng tôi rằng mạch nước ngầm Kim Bôi như một cô gái đẹp e ấp, thẹn thùng đang nép mình sau cánh cửa. Cô gái ấy chỉ hé cặp môi, đôi mắt cho người đời nhìn thấy và cặp mắt, đôi môi ấy chính là dòng suối nhỏ tự nhiên chảy ngang qua Mỏ Đá. Chỉ một chút thôi cho mọi người thấy, còn những gì quý giá nhất lại ẩn mình sâu trong lòng đất. Chẳng ai có thể ngờ được rằng cái xóm Mỏ Đá nhỏ bé và đơn sơ ấy lại là nơi bắt đầu một dòng nước quý giá đến như vậy.

Các bạn ở đây bảo tôi rằng nên ở lại một buổi tối văn nghệ để nghe dân ca, dân vũ, thường rang, bọ mẹng, tiếng cồng, tiếng chiêng, đàn môi, pí-cặp... nhưng thật tiếc là tôi không có thời gian. Xin mượn lời một ca khúc của bác Đoàn Chuẩn để “thanh minh” cùng chiến hữu: “Tiếc đời gấm hoa ta đành quên... màu sắc núi rừng”.