Thứ Ba, 29 tháng 12, 2009

BỐ ĐÃ GIÀ



Bố ra chơi. Sáng Chủ nhật, anh dẫn bố đến một quán phở trên phố cổ. Quán phở đã có từ cách đây gần 2 chục năm, ngày anh còn làm phóng viên của một tờ báo kinh tế lớn. Quán phở bình thường, chỗ ngồi chật chội và mọi người muốn ăn thường phải đứng chờ một ai đó sắp xong. Đại khái như kiểu “xí” chỗ trước vốn rất phổ biến thời còn bao cấp.

Bát phở được gọi ra. Thêm đĩa quẩy nhỏ, ít hành trần và mấy miếng chanh tươi. Anh nhìn bố, háo hức vì niềm vui chắc mẩm bố sẽ rất thích bát phở, thích cái không khí chật chội của quán ăn và nhất là trong cái nhàn tản của một sáng cuối tuần, được thưởng thức bát phở Hà Nội “chính cống” không pha tạp chút nào cái mùi vị công nghiệp của “phở máy lạnh”.

Nhưng rồi có cái gì đó ở bố khiến anh phân vân. Bố không thích à? Không phải, chắc chắn là như thế! Anh biết, phở là một trong những món ăn mà bố thích nhất. Không lẽ nào! Hay bố thấy quán này không được sang trọng? Lại càng không? Hay là…? “Không ngon hả bố?”. “Không con ạ! Ngon lắm! Con cứ ăn đi!”.

Thế là rõ rồi! Có điều gì đó khiến bố không thật sự thoải mái. Anh linh cảm thấy điều đó. Nhưng thôi, đằng nào thì cũng đã đưa bố đi ăn rồi!

Lúc ngồi uống café, bố nói nhỏ với anh: “Bố muốn về nhà con ạ! Tự nhiên, bố không thích ăn ở quán nữa. Giá bát phở vừa rồi mà ở nhà mình thì hay biết mấy”. “Vậy hả bố? Có phải người ta phục vụ không được nhiệt tình, hay quát tháo khách, đúng không bố?”. “Không con ạ! Tự nhiên bố thấy thế thôi! Bố không thích cái không khí ồn ào, chật chội ở quán xá nữa”.

Anh nhìn bố, có điều gì đó làm anh ngạc nhiên. Một thoáng nghĩ lướt qua trong đầu. Kỷ niệm với bố từ nhiều năm về trước.

Năm ấy, anh học lớp 9. Nghỉ hè 2 tháng, anh xin vào làm ở đội dân công tăng cường cho công trình xây dựng Trạm bơm Tân Chi. Công việc mệt lắm. Nhưng vui thật là vui. Lần đầu tiên anh biết vác đất “kéo”, gánh bằng cả 2 vai và nhất là sau 2 tháng nghỉ hè, thế nào cũng có vài tạ thóc đỡ mẹ. Bố thì làm Đội trưởng Đội dân công chuyên trách, cũng đang làm việc ở cùng công trường.

Hết 2 tháng hè. Anh phải từ biệt Đội tăng cường của mình, trở về làng ôn thi đại học. Bố lấy xe đạp Phượng Hoàng của Đội đưa anh ra Bắc Ninh. Tiện xe, bố chở cả hai bố con đến một cái quán cắt tóc, gội đầu do một cô tên là gì, lâu rồi anh cũng quên mất. Hai bố con cắt tóc, gội đầu. Sau này anh mới biết, thời đó, con gái mà làm chủ hiệu cắt, gội như thế thì cả tỉnh, cả miền Bắc chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Cắt tóc xong, bố gọi ở quán bên cạnh 2 bát miến gà. Trời đất ơi, sao mà ngon thế! Chưa bao giờ anh được ăn một bát miến ngon đến thế! Lúc trả tiền, anh tròn xoe mắt: 3 đồng! Anh biết, bát miến vừa ăn đắt gấp cả năm, bảy lần một bát phở bình thường ở thị trấn. Anh biết, vào thời đó, bố thực sự là hào hoa, ăn chơi, mới dám gọi bát miến như thế cho con ăn.

Bát miến đấy, anh chẳng bao giờ quên. Anh vẫn thường tự nhủ, khi nào có tiền, sẽ mời bố ăn một cái gì đó thật đắt tiền, thật ngon, thật đặc biệt. Đơn giản là anh chỉ muốn bố hiểu rằng con trai bố cũng không phải tay xoàng!

Nhưng đủ bao nhiều lần mời bố đi ăn, là đủ bấy nhiêu lần bố kiên quyết không ăn, không cho gọi những món sơn hào hải vị đắt tiền. Đã có lúc, anh ngồi giải thích với bố rất lâu nhưng rồi bố vẫn không đồng ý.

Cho đến Chủ nhật này. Anh chỉ gọi một bát phở bình thường của phố cổ Hà Nội. Một thức đặc sản mà không phải ai đến đây cũng tìm được chỗ ngon để mà ăn. Nhưng rồi bố cũng không hưởng ứng.

Có một cái gì đó thoáng qua thôi, nhưng khiến anh chợt hiểu. Bố đã già rồi. Dù có không muốn nghĩ đến, anh vấn phải nhìn thẳng vào sự thật đang ở ngay trước mặt anh thôi. Bố đã già thật rồi. Cái hòa hoa, phong nhã, cái sôi nổi và hào hùng của bố đã chẳng còn được như ngày nào. Bố chỉ thích ở dưới mái nhà của mình. Cái không gian nhỏ, hẹp nhưng đầm ấm và riêng tư.

Anh cầm tay bố: “Mình về đi bố! Bố con mình qua chỗ này, con mua bố chai rượu thuốc nhé! Bố thích không?”. “Mày đúng là con trai bố. Mua cho bố đi. Mấy hôm rồi, bố sợ mấy chai bia, sợ cái rươu Tây đầy mùi nước hoa của mày quá!”


2 nhận xét:

  1. Bai nay cua anh co ve nhu hoi buon vi viec bo da gia? Con em, em lai rat thich nhung nguoi gia. Hi hi...o nhung nguoi gia, em thay ca mot bau troi kinh nghiem va kien thuc, long nhan hau vo bo va su diem tinh dang kinh ngac. Gan ho, minh hoc duoc nhieu dieu hay lam :-)
    Con su hao hoa, phong nha thi tu nhung nguoi tre phai lam ra chu anh nhi. Hi hi...

    Trả lờiXóa