Thứ Ba, 5 tháng 1, 2010

MỘT CỤ BÀ THÀNH PHỐ



Cụ bà 82 tuổi, chồng mất đã lâu, đang sống trong một ngõ nhỏ chật hẹp của Phố Khâm Thiên. Cụ có 6 người con, 3 trai, 3 gái. Theo cái cách mà người Việt thường dùng để đánh giá một gia đình thì có lẽ, đó là một trong những gia đình Việt Nam đẹp đẽ và hạnh phúc nhất. Và cụ chắc hẳn đang có những ngày tháng cuối đời an nhàn và sung sướng bên cạnh con cháu quây quần.

Nhưng hoàn toàn lại không phải như vậy!

Ba người con gái lấy chồng, ai yên phận nhà ấy. Hoàn cảnh của các chị cũng không dư dả gì. Mỗi nhà lại có một ràng buộc riêng và không ai trong số họ có thể cưu mang được mẹ già. Ba người con trai thì một người đã mất. Hai người còn lại lấy vợ, có con và họ đang ở rất xa, hoàn cảnh cũng khó khăn. Điều kiện vật chất thiếu thốn, lại thêm đường xá xa xôi, họ đành bỏ mặc mẹ già cho số phận.

Căn nhà nhỏ lụp xụp, trong cái ngõ nhỏ cũng lụp xụp của Phố Khâm Thiên ấy là nhà của cụ. Cụ đang ở với chị con dâu, vợ anh con trai đã mất, và đứa cháu nội. Đứa cháu trai cụ quý nhất, hợp nhất này lại bị nghiện và đang đi tập trung cai nghiện hơn 2 tháng nay.

Chúng ta hãy thử xem, một ngày bình thường của cụ diễn ra như thế nào?

Suốt cả buổi sáng cụ chỉ loanh quanh trong nhà, và trong cái ngõ nhỏ chật chội ấy. Cụ đã quá già, hầu như chẳng làm được gì? Ngồi ở cửa nhà, nhìn ra con ngõ nhỏ, ngắm thiên hạ qua lại là niềm vui hàng ngày của cụ.

Tầm 3 giờ chiều, cụ đến một cái Miếu nhỏ cạnh Rạp Xiếc Trung ương, trên đường Trần Nhân Tông. Cái Miếu ấy với cụ nhiều ý nghĩa lắm. Cụ dọn dẹp sạch sẽ ban thờ, rửa lọ hoa, lau bộ đồ cúng giản đơn. Trên ban thờ, những người đến cầu khấn đặt lễ vài thứ hoa quả, đồ cúng mặn, cúng chay tùy quan niệm từng người và một ít tiền lẻ. Dọn dẹp Miếu, hưởng chút lộc là công việc hàng ngày của cụ và đấy cũng là nguồn thu nhập duy nhất nuôi sống cụ nhiều năm nay.

Gần 6 giờ tối. Cụ trở về nhà nấu ăn. Ở với chị con dâu nhưng cụ nấu ăn riêng. Cụ tiết kiệm lắm, chẳng mấy khi mua thịt, trứng, cá… vì những món ấy rất đắt. Cụ chỉ dùng rau luộc, su hào luộc và những món rẻ tiền khác. Tích cóp được ít tiền, cụ lại gửi vào Trại làm quà cho thẳng cháu nội đang cai nghiện ở đó. Đứa cháu dưới con mắt của bàn dân thiện hạ, là rất hư hỏng, nhưng với cụ, nó là đứa ngoan nhất, thương bà nhất, hợp bà nhất và lúc nào bà cũng nhớ quay nhớ quắt nó.

Ăn xong, cụ lại kê chiếc ghế nhỏ trước của nhà để ngắm dòng người đi lại qua cái ngõ thân thuộc và nghèo nàn ấy. Hơn 9 giờ tối một tí, cụ quay vào nhà, mắc màn đi ngủ.

Ngày nào của cụ cũng diễn ra như vậy!

Toàn bộ câu chuyện trên đây được kể qua một phóng sự ảnh gồm vẻn vẹn 7 tấm ảnh, tại cuộc triển lãm ảnh mang tên In the City do một Tổ chức phi Chính phủ tài trợ. Phóng sự gây nỗi xúc động lớn cho hầu hết những người dừng lại xem.

Nó cho ta thấm thía nhiều bài học ở đời.





4 nhận xét:

  1. Một lần về VN đi chợ mua thức ăn nấu cơm, em gặp một bà cụ cũng đi chợ, bà cứ lựa cái này bốc cái kia hỏi giá mà ko dám mua, thấy thật tội.
    Hơn mười mấy năm trước khi đi Mỹ, em có dịp đi vào nhà dưỡng lão ở Thị Nghè trong Sài Gòng cho đồ mấy cụ ở đó. Lúc về em ko ăn cơm được, bỏ cả ăn gì tự nhiên thấy đời sao mà chán thế? không hiểu sao có con cái lại đưa cha mẹ ông bà mình vào nơi đó? đi từng gường các cụ đưa từng gói mì mà cứ muốn khóc. Các cụ cầm bằng hai tay những gói mì chỉ đáng vài xu, có cụ còn rơm rớm nước mắt khóc vì tủi thân lâu ngày có người vào thăm. Lại có cụ khi được đưa cho vài trăm lẽ thì tay cứ run lên, lần tìm cái bao vãi cũ xì bỏ nó vào thắt dây chặt lại nhét vào túi quần như của quốc bảo.
    Em thấy người già ở Mỹ thật là hạnh phúc, chính phủ lo đầy đủ chỗ ở, mỗi tháng được hơn 800 dollars thừa tiền xài ko cần con cái lo lắng. Thế mà có một hôm em bắt gặp một ông kụ cũng 80 tuổi rồi đi lạc thấy thương luôn. Ông ấy ở nhà senior cũng ko thiếu thốn gì cả, nhưng nhớ con cháu nên tự đón xe bus đi về thăm chúng nó. Ông đeo cái túi đựng địa chỉ ở trước ngực bị rơi đâu mất, ông khóc lóc giữa đường vì ko biết nhà con mình nó ở đâu? lũ học trò túa ra nói chuyện với ông, nhưng ông ko biết tiếng Anh. Em biết tiếng Việt nên có thể giải thích cho ông đừng sợ, và gởi ông ấy cho police chở về lại nhà senoir.
    Lúc ấy em chợt nghĩ, ngày nào đó em cũng già như kụ thì em có bị đi lạc ko? rồi ko biết có ai dắt cho mà về nhà ko?

    Trả lờiXóa
  2. Cách đối xử với người già là một trong những biểu hiện ưu việt của một xã hội. Tuy nhiên, cái câu Con cái là của để dành cũng không còn đúng nữa trong thời buổi này. Có lẽ, mình tự lo cho mình, ngay từ khi còn trẻ là cách tốt nhất chăng?

    Trả lờiXóa
  3. Thanks anh đã post bài này, giờ thì có thể còm men bài này được rùi,

    Trả lờiXóa
  4. Ủa, vì sao mà giờ em mới com được bài này hả em?

    Trả lờiXóa