Thứ Hai, 29 tháng 11, 2010

3 NGƯỜI ĐÀN ÔNG




Hai mươi năm trước, họ gặp nhau tình cờ trong một chuyến công tác. Anh là nhà báo, đi viết bài cho một tờ tạp chí. Viết bài thuê kiểu giống như nhà báo tự do bây giờ. Hai người kia thì một đi chụp ảnh minh họa và thiết kế quảng cáo, một đi bán quảng cáo cho tờ tạp chí ấy. Chỉ nhìn thấy nhau là đã thấy ý hợp tâm đầu. Đêm ấy, cả 3 uống rượu say trong căn phòng của một khách sạn tỉnh lẻ. Bắt tay nhau, kết bạn!

Phần vì công việc, phần vì nhớ nhau, càng ngày họ càng cảm thấy gắn bó nhiều hơn. Ai đi đâu, có đồ dùng gì hay, có miếng ăn nào lạ, cũng mắt trước mắt sau mang về cho bạn. Cả 3 chiều nhau theo cách riêng của mỗi người. Cũng thân và gắn bó nhau như thế. Điều gì chưa nói được với vợ, có thể nói với nhau. Điều gì phải giấu tất cả mọi người, cả 3 không bao giờ giấu nhau.

Thời gian cứ thế trôi đi. Người ăn nên làm ra, người có phần sa sút, người giữ được bình thường. Cái giàu, cái nghèo chẳng là gì hết trong mối quan hệ thâm giao giữa 3 người đàn ông mà thoạt nhìn, chẳng có gì là hợp nhau cả. Những ngày mưa gió cùng nhau lặn lội Phú Thọ. Đêm dài đầy âu lo vì công việc không tốt ở Thái Bình. Mùa Đông năm ấy trên bãi biển Đồ Sơn cắt da cắt thịt… Biết bao nhiêu kỉ niệm không gì có thể đong đầy.

Nhưng những đêm nhớ nhất là ở Hà Nội. Tháng nào cũng vài lần, cả 3 hẹn nhau ở Highway 4. Vài món nhậu dân dã, chai rượu mơ vàng thơm lừng hay ly rượu mận đỏ bùi bùi. Cứ thế bên nhau, đi qua bao nhọc nhằn của cuộc sống thường ngày. Vô tư, quên lãng và trong sáng như ngày nào của hơn hai chục năm về trước.

Vậy mà họ lại sắp sửa mất nhau, hay ít ra thì cũng mất hết tất cả những hẹn hò đẹp đẽ từ bao năm tháng đã qua. Tất cả, chỉ vì một người phụ nữ. Một lý do mà chẳng ai có thể ngờ tới, chẳng ai có thể tin.

Bạn vướng vào một mối tình thật trắc trở và nhiều rắc rối. Một thứ mạng nhện của đời sống, nhẹ nhàng thôi nhưng không sao thoát ra được. Bạn bị quản thúc tại nhà. Đi đâu cũng phải kè kè người đó ở bên cạnh. Lâu rồi, bạn thành tự thích nghi và không thấy gì khó chịu với cuộc sống bị giam cầm như thế. Lạ lùng nhất là những cuộc gặp giữa 3 anh em, 3 người đàn ông đã chơi với nhau từ hai chục năm nay cũng bị ngăn cản.

Anh thì cứ hy vọng một ngày nào đó, tình cảnh của bạn sẽ được cải thiện. Và 3 anh em lại có thể một tháng vài lần ngồi với nhau, ở nơi ấy, cái bàn tre ấy, chai rượu ấy và cái khung cảnh đầm ấm, vàng vọt ấy, như ngày nào đó chưa xa.

Cho đến buổi dạ tiệc nhân một kỷ niệm nho nhỏ.

Bạn đến dự, mang theo cả người phụ nữ và chiếc rơ-mooc. Ngại ngùng vì phải tiếp xúc. Khác hẳn với phong thái đính đạc và đàng hoàng vốn có, bạn kiếm môt chiếc bàn ở cuối cùng, xa nhất những cuộc tiếp xúc có thể tình cờ ập đến. Bạn ngồi đó, lặng lẽ, cam chịu và có gì đó như để nuốt hết, như để gặm nhấm nỗi đớn đau vì tự do bị tước đoạt, vì một thời oai hùng đã vĩnh viễn lùi vào dĩ vãng tự bao giờ.

Còn anh, nhìn bạn thân trong tình cảnh đó, anh chợt thấy lòng mình buồn tê tái. Và anh biết chắc một điều rằng sẽ chẳng bao giờ 3 anh em còn có thể đi với nhau được như ngày nào nữa. Nhưng thôi, biết làm sao được. Có ai dại dột sa chân mà lại dũng cảm biết được mình đang làm điều dại dột đâu cơ chứ!



NẮNG MÙA ĐÔNG



Đó là những ngày Mùa Đông hửng nắng đã từ lâu…

Thư viện của một trường đại học danh tiếng về kỹ thuật, vốn chỉ dành cho dân động lực, chế tạo, vô tuyến, hóa… một thư viện đẹp, tĩnh lặng với hai mặt tường bao quanh toàn kính, nhìn ra khu vườn đầy cỏ hoang mọc um tùm. Anh không phải là dân kỹ thuật, nhưng lại rất thích đến đây, nhất là vào những ngày ôn thi học kỳ.

Mùa Đông năm ấy, không hiểu sao, đúng vào những ngày ôn thi cuối năm, trời hửng nắng như hoài niệm chưa dứt về những ngày hè như thể chỉ vửa mới đi qua thôi. Anh ngồi yên lặng trong một góc xa nhất của thư viện. Bài toán tích phân hình yên ngựa. Không dễ mà cũng chẳng khó. Khô khan. Chẳng có gì cuốn hút. Anh gấp cuốn giáo trình. Mắt nhìn ra quầy trực của cô thủ thư trẻ tuổi.

Không hiểu có gì xui khiến, anh bước tới, lấy một tờ yêu cầu, ghi vội vào danh mục sách cần mượn: “Ai-Van-Hô” của Wantơ Scốt. Viết xong, anh cắm tờ giấy nhỏ vào chiếc que sắt nhọn và đứng chờ. Lát sau, cô thủ thư cầm tờ yêu cầu của anh lên, mỉm cười, cô đưa mắt về phía anh: “Chờ em!”.

Chờ cho hàng người xếp hàng đã hết, cô gọi anh: “Anh à, anh biết là thư viện trường mình toàn sách kỹ thuật, đâu có Ai-Van-Hô được. Lâu lắm rồi có 1 cuốn nhưng đã thất lạc.Bạn em có 1 cuốn, em sẽ mượn giúp anh. Thứ 2 tuần tới anh nhé! Anh lên đây, em sẽ đưa cho anh”.

Chiều thứ 2 anh qua thư viện. Cầm trên tay cuốn Ai-Van-Hô, anh thực sự xúc động. Tuần ấy, anh tưởng tượng ra đủ thứ chuyện. Và gương mặt trẻ trung, xinh xắn của cô thủ thư làm anh nhớ mãi không quên. Anh đinh ninh rằng cô đã cảm mến anh, đã dành cho anh một tình cảm thật sự riêng biệt. Thì đương nhiên rồi, nếu không, chẳng cô gái nào lại tận tình với một anh chàng không quen biết như thế.

Niềm tin mãnh liệt ấy làm anh hạnh phúc!

Với niềm tin ấy, cuối giờ sáng một ngày cuối tuần, thấy cô thủ thư của mình đúng phiên trực, anh rời bàn đọc, gấp giáo trình và chủ động đến để làm quen. Ý định là sẽ mời cô ấy đi ăn chè ở đâu đó. Rất đông người, anh ý tứ đứng lùi lại phía sau, cạnh góc khuất của quầy thủ thư.

Bỗng anh nghe tiếng cô thủ thư của mình: : “Anh biết thư viện trường mình toàn sách kỹ thuật, đâu có Ai-Van-Hô. Có 1 cuốn nhưng đã thất lạc lâu rồi. Bạn em có 1 cuốn, em có thể mượn giúp anh. Nhưng hiện giờ thì em đang cho mượn mất rồi. Thứ 3 tuần tới anh tới nhé! Khi anh ấy trả, em sẽ cho anh mượn”.

Có cái gì đó như đang bóp nghẹt trái tim anh. Nó cho anh biết một thông điệp rằng anh đã nhầm lẫn hoàn toàn trong mấy ngày qua. Cô thủ thư của anh là một cô gái yêu nghề, tận tình với đám khách sinh viên bọn anh. Cô ấy chưa bao giờ có mảy may ý nghĩ gì với riêng anh cả.

Nghĩ thế, anh quay gót bước ra cửa thư viện. Anh thấy lòng mình hụt hẫng. Nỗi buồn như gió thoảng vô tình khiến anh thấy cảm giác trống vắng. Hết sảnh thư viện mênh mông, anh bước thẳng lên bờ cỏ dài của sân trường. Và trong một phút giây hờ hững với tất cả, không hiểu sao anh chợt nhận ra những tia nắng Mùa Đông lấp lánh như vuốt ve, như an ủi, như đang nâng bước anh lên.

Chỉ còn vài ngày nữa, Ai-Van-Hô sẽ là của người khác. Chắc chắn là thế rồi. Chỉ có những tia nắng Mùa Đông là còn mãi, còn mãi mà thôi!



Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2010

NHÀ QUÊ




Xét trên mọi phương diện, tôi là một người đàn ông nhà quê chính cống. Bố mẹ tôi là những người nông dân. Các cụ sinh ra anh em tôi ở cái làng quê phong kiến điển hình vùng đồng bằng Bắc Bộ. Chúng tôi lớn lên dưới bờ tre, ruộng lúa. Tuổi thơ tôi gắn liền với con trâu, bờ cỏ, với lưng cơm bữa đói, bữa no.

Và tôi rất tự hào về cái nguồn gốc nhà quê ấy của tôi. Vợ tôi là con gái Hà Nội, phải nói chính xác là con gái phố cổ. Vì thế, tôi thường hay nói đùa với các con rằng may mà bố là người nhà quê nên các con mới có quê để về chơi, về ăn tết, đám, thứ. Chứ bố mà cũng là dân Hà Nội như mẹ thì các con suốt đời ở Hà Nội nhé!

Nhưng anh cả tôi thì lại có quan điểm khác hẳn.

Anh luôn giữ khoảng cách giữa nhà quê và hàng phố. Với anh, nhà quê thì vẫn là nhà quê, vẫn phải có một khoảng cách nào đó và dân hàng phố. Ý của anh cả tôi là không thể bằng họ được. Vì thế, trong quan hệ, không nên thân thiết quá, nhất là cho họ biết gia cảnh nhà mình thế nào.

Cũng vì cái quan điểm ấy mà mẹ tôi mất đã gần 20 năm nay, không đám giỗ nào anh cho tôi mời bạn bè ơ Hà Nội về. Anh bảo tôi: “Anh cứ thấy ngài ngại thế nào ấy chú ạ! Mình là dân nhà quê, nhà cửa tuềnh toàng, ruồi muối tứ tung, sân cổng nhếch nhác thế này, mời về người ta lại cười cho ấy chứ! Tôi ra chỗ chú, thấy các cô cậu ấy ai cũng mặt hoa da phấn, họ về đây thì khác gì Giời hành. Thôi chú ạ!”.

Thực ra thì anh cả tôi hiền lắm. Muốn gì, chúng tôi ép thì thế nào anh cũng đồng ý. Nhưng vụ này thì không ép được. Mình mời khách, bác ấy không thoải mái thì cũng mệt. Vận động bác ấy mấy cái giỗ liền, thấy không chuyển, tôi thôi không bao giờ đề cập đến chuyện này nữa.

Nhưng rồi năm nay không hiểu sao, anh cả tôi lại thay đổi. Mà là tự nhiên bác ấy thay đổi chứ chẳng phải vận động gì. Mấy hôm trước, anh gọi cho tôi bảo: “Thôi, năm nay giỗ mẹ, có khi anh làm thêm mấy mâm, chú xem thế nào mời các cô chú ngoài ấy về làm chén rượu cho nó thân tình. Gì thì gì, mình cũng làm cùng người ta, việc nhà mà lờ đi thế, kể cũng bất tiện”.

Tôi rất vui vì thấy anh thay đổi đúng theo ý muốn của mình. Cũng thật bất ngờ vì không hiểu do tác động nào mà bác ấy lại thay đổi thế. Nghĩ lại, mới thấy thật thú vị. Chỉ để thay đổi một quan điểm bé tí thế thôi mà cũng gần 20 năm trời đằng đẵng!



Thứ Năm, 25 tháng 11, 2010

TỪ THIỆN KHỦNG




Thú thật, tôi không mấy tin và sự trong sáng và vô tư của những khoản tiền ủng hộ từ thiện khổng lồ. Có lần, tôi được xem một bản hồ sơ về một tour chơi golf từ thiện mà chỉ một nhà doanh nghiệp thôi đã ủng hộ 120 tỉ VND. Dự tính tour đó sẽ thu về tổng số tiền ủng hộ từ thiện tầm 205 tỉ VND. Thế rồi không hiểu lý do gì, cái event ấy đã không được diễn ra.

Hẳn ít người quên vụ đấu giá tấm bưu thiếp tới 650 triệu VND. Rồi vụ chiếc sim điện thoại đẹp được trả tới 1,2 tỉ VND… Hồi ấy có trào lưu là đưa các cuộc đấu giá lên truyền hình trực tiếp. Với công nghệ lăng-xê và lời dẫn chương trình đầy hào hứng, những đồ vật vô giá trị, làm lem nhem và hết sức vớ vẩn cũng được trả giá khủng. Về sau tôi nghe nói, các cuộc đấu giá kiểu ấy không được khuyến khích nữa nên ít dần.

Vừa rồi, hẳn không mấy ai là không biết vụ đấu giá lừa ở TP. Hồ Chí Minh. Cả dàn người đẹp tháp tùng. Nhà tổ chức làm thành hẳn một show quá hoành tráng để đấu giá mấy cây cảnh, bức tranh đá và trống đồng gì đó. Người mạo danh công ty tên tuổi để trả giá rồi biến mất. Người trả giá xong thì thay đổi ý kiến không chấp nhận nữa… Nói chung là hết sức tào lao.

Tôi nhớ lại một chuyện về quỹ từ thiện của một tổ chức phi chính phủ mà tôi đã từng có dịp tham gia.

Lần ấy, tôi được mời làm chuyên gia đi theo chương trình có chủ đề “để thành công trong hội chợ”. Mục đích là phổ biến cách thức thiết kế, trưng bày gian hàng, chào mời khách… để có thể bán được hàng ngay tại các hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ được tổ chức ở nước ngoài. Chỉ có 2 chuyên gia là tôi, trình bày bằng tiếng Việt và James, một chuyên gia người Mỹ, trình bày bằng tiếng Anh.

Tôi không biết tiếng Anh. Chính xác thì biết tí ti. Bạn nói 10, may mắn tôi hiểu được 3 phần, không thì chỉ được 1. Nhưng vì cứ phải đi với nhau, ăn ở cùng nhau cả 2 tuần liền nên buộc phải hiểu nhau. Ban ngày, vớ được ai biết tiếng Anh là chúng tôi nhờ phiên dịch. Ngoài giờ thì vừa nói, vừa dùng cử chỉ, điệu bộ, dùng tất cả những gì có thể để hiểu nhau.

Và đây là 2 chuyện tôi muốn kể.

Chuyện thứ nhất là tiển ủng hộ từ thiện.

Tôi đi tour ấy, được một khoản thù lao khá cao. Nghĩ bụng, người ta từ nước khác đến, bỏ công sức ra cho người mình làm ăn, không thu của ai đồng nào. Mình thì là người Việt, lại còn lấy tiền công, nghe nó kỳ kỳ. Thế cho nên tôi ngỏ ý rằng muốn trích một phần tiền trong khoản thù lao của tôi để góp vào cái quỹ của các bạn ấy. Đại khái tinh thần nó cũng na ná như đi chơi trò chơi truyền hình, có phần thưởng thì ủng hộ quỹ từ thiện ấy.

Nghe xong, James bảo tôi cũng là chuyên gia như anh. Vì thế, tôi không thể trả lời anh là được không và sẽ phải làm như thế nào? Tôi sẽ lưu ý thông tin này và gửi tới bộ phận chuyên trách vận động tài trợ. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất của tôi và anh là phải làm sao trang bị kiến thức, kinh nghiệm để giúp ích cho những người đang ở dưới hội trường kia làm ăn, kinh doanh tốt. Cái đó cần hơn nhiều và là mục đích quan trọng nhất khi người ta mời anh làm chuyên gia. Họ không có tư tưởng vận động anh tài trợ kịnh phí. Cần phải phân biết 2 mục đích đó rõ ràng.

Thì ra là vậy! Tôi được một bài học khá tốt. Người ta cần mình giúp gì thì mình hãy cố gắng giúp thật tốt cái người ta đang cần, đừng lan man sang chuyện khác, dù mục đích lan man là từ thiện đi chăng nữa.

Chuyện thứ hai là chuyện nhà tài trợ

Khi đến Quy Nhơn, chúng tôi đi thăm Hàn Mạc Tử. Chẳng biết nói chuyện gì xung quanh tài năng kiệt xuất của thi sĩ đoản mệnh họ Hàn, đành quay về chủ để đang dang dở hôm trước. Tôi hỏi James về nhà tài trợ của quỹ là những ai và cách thức vận động tài trợ như thế nào?

Thì ra là không có nhà tài trợ nào cả, mà chỉ là một nhà tài trợ thôi. James giải thích rằng quỹ này được lập nên nhờ vào một tỉ lệ nào đó trên phần lợi nhuận có được hàng năm của một nhà tư bản khá tiếng tăm của Hoa Kỳ. Ông ta bỏ tiền ra ủng hộ quỹ, yêu cầu trả lương cho những người chuyên nghiệp để thực hiện thật tốt, thật hiệu quả các chương trình từ thiện được ông phê duyệt.

Tôi hỏi thế quyền lợi của nhà tài trợ được thể hiện thế nào? Đoạn này thì thật là hết sức phức tạp. Nhưng rồi tôi hiểu được là chẳng có quyền lợi gì hết. Không có logo, tên tuổi, thương hiệu, cũng không có show truyền hình trực tiếp nào cả. Thậm chí tên nhà tài trợ cũng chỉ được phép nhắc tới trong một số trường hợp nhất định, được quy định trước mà thôi.

Thì ra là vậy! Tôi được một bài học thứ hai, đó là không phải nhà tài trợ nào cũng đòi hỏi phải trương cái tên, cái logo của mình ra trước các phương tiện truyền thông đại chúng. Thậm chí, nhiều nhà tài trợ khiêm tốn và vô tư còn đòi hỏi không được nhắc tới họ với tư cách là nhà tài trợ chủ lực cho chương trình.

Mới hay từ thiện cũng có nhiều kiểu, nhiều dạng và không cái nào giống cái nào!



Thứ Hai, 22 tháng 11, 2010

BẢN QUYỀN BẤT TẬN




Sự việc cũng đơn giản thôi. Poster bộ phim đang hot Cánh Đồng Bất Tận có tranh chấp về bản quyền tấm ảnh chụp đồng lúa, chân dung… được sử dụng. Bác Trần Huy Hoan thiết kế. Ảnh chụp là của Đặng Minh Tùng, một tay máy trẻ của TP. Hồ Chí Minh.

Theo những gì đã được công bố thì, tinh thần hợp đồng đã ký với nhà sản xuất, các tấm ảnh chụp của Tùng bản quyền sẽ thuộc nhà sản xuất. Họ có thể dùng mà không cần phải hỏi gì Tùng cả. Cũng có thể vì lý do này mà trên Poster của phim, người ta chỉ đề tên nhiếp ảnh Trần Huy Hoan mà quên cái tên Đặng Minh Tùng.

Và đấy cũng chính là nội dung tranh chấp của hai tay máy, một mới vào nghề, một đã gạo cội với thâm niên gần 35 năm nay.

Ai đúng? Ai sai?

Những tranh chấp kiểu như thế này, hoặc là người ta sẽ tự thỏa thuận với nhau, hoặc là sẽ chẳng bao giờ đi đến hồi kết cả. Riêng tôi, tôi nghĩ bản quyền vụ này đâu có phức tạp gì. Theo hợp đồng, Tùng đã bán đứt bản quyền các tấm ảnh cho nhà sản xuất, và đương nhiên, anh không còn được thụ hưởng gì từ những tác phẩm này.

Cứ cho là hợp đồng đúng như thế. Và những người trong cuộc tôn trọng nó tuyệt đối. Nhưng ngay cả trong trường hợp này, tên tác giả bức ảnh cũng không thể biến từ Đặng Minh Tùng thành Trần Huy Hoan được. Và trong mọi trường hợp, tên tác giả vẫn phải là Đặng Minh Tùng, cho dù Tùng có còn được hưởng quyền lợi liên quan đến bản quyền nữa hay là không?

Tôi có một chuyện tương tự về vấn đề này.

Đó là chúng tôi hợp tác với VTV sản xuất phim. Theo hợp đồng hợp tác thì bản quyền các phim đã phát sóng đều thuộc VTV. Tất nhiên, chúng tôi không còn quyền lợi vật chất gì ở đấy nữa. Tuy nhiên, sau này, VTV sử dụng các phim đó, dù ở kênh nào, lúc nào đi chăng nữa, cuối phim, bao giờ cũng ghi rất rõ dòng chữ phim do VTV và công ty tôi hợp tác sản xuất. Rành mạch. Rõ ràng.

Chưa kể, dù bản quyền thuộc VTV, nhưng khi chuyển nhượng phim, bán bản quyền phim cho bất kể đơn vị nào, theo hợp đồng thì VTV không phải hỏi lại gì chúng tôi cả, song VTV vẫn hỏi rất rõ rằng chúng tôi có muốn khai thác phim ấy không? Nếu muốn, hai bên sẽ bàn bạc và thương thảo lại.

Với thần ấy, tôi nghĩ, là một trong những đại gia của làng nhiếp ảnh, bác Trần Huy Hoan chắc sẽ có cách sử xự nghĩa hiệp và cầu thị hơn nhiều những gì đang lùm xùm trên các phương tiện truyền thông máy ngày gần đây.