Chủ Nhật, 7 tháng 11, 2010

CÂY BỒ ĐỀ TRĂM TUỔI



Dư luận râm ran về việc cây bồ đề trăm tuổi bị đốn hạ và đem đi đâu đó mất dạng. Cũng phải thôi, cây cổ thụ như thế, lại tọa lạc ở một con phố vốn là cái chợ nhỏ giữa trung tâm thành phố. Dưới gốc cây, từ bao lâu nay người dân đã đặt ban thờ và luôn luôn có hoa tươi, khói hương nghi ngút.

Ở một địa danh gắn liền với ngày toàn quốc kháng chiến, với mấy trăm chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh trong những ngày Thủ đô đánh giặc từ hơn nửa thế kỷ trước, điều dễ hiểu là bất cứ thay đổi nào liên quan đến nó đều hết sức nhạy cảm và dễ gây xúc động.

Cá nhân tôi không ủng hộ việc đốn hạ cây cổ thụ ở một nơi nhiều ý nghĩa như thế!

Nhưng từ việc này, tôi liên tưởng đến một chuyện khác, cũng liên quan đến vấn đề cây cối của Thủ đô. Đó là các hàng cây cổ thụ già cỗi trên các tuyến đường của thành phố. Chúng ta đều biết, hầu như năm nào, mùa mưa bão cũng có tai nạn xảy ra do cây đổ, cây gãy. Nhẹ thì hư hỏng phương tiện, nặng thì chết người.

Đã có nhiều ý kiến đưa ra là nên thay thế các hàng cây cổ thụ dễ gây tai nạn bằng hàng cây xanh thấp, trẻ trung và an toàn hơn. Thế nhưng ý kiến này lại không được mấy ai ủng hộ. Đã có lần chính quyền thử nghiệm bằng cách đốn hết hàng cây già ở một con phố, chủ động thay bằng cây xanh, thấp và nếu có đổ, nói dại, cũng chẳng thể nào gây tai nạn nghiêm trọng được. Không ngờ ý tưởng ấy bị phản ứng một cách dự dội, bị gán cho bao nhiêu tội tày đình khác nữa.

Giả sử rằng tất cả các cây cổ thụ già nua, vốn làm hiểm hoạ cho con người mỗi khi mùa mưa bão tới được thay thế bằng những hàng cây xanh với tán lá cách mặt đường thấp, đủ để người đi bộ đi lại dễ dàng. Giả sử rằng những cây cổ thụ nhiều ý nghĩa như cây bồ đề nói trên được bảo vệ một cách nghiêm ngặt hơn để không bị đốn trộm như thế. Giả sử rằng các công viên mới của chúng ta được dùng làm nơi tập kết những cây xanh đôc đáo đang nằm rải rác khắp các con đường của thành phố…

Giá mà những cái giả sử ấy thành sự thật thì chúng ta chẳng bao giờ mất đi cây bồ đề cổ thụ, mà vẫn làm cho đường phố của Thủ đô luôn an toàn cho người và phương tiện dù có phải mùa mưa bão hay là không?



5 nhận xét:

  1. Em rất thích cây cổ thụ, thường ngắm nhìn những cây lâu năm như ngắm báu vật vậy. Nhưng em cũng sợ những hàng cây quá già ven đường vì hiểm họa những lúc mưa bão sao khó lường quá. Em nghĩ, việc nào ra việc đó. Cây ven đường là để có bóng mát cho người đi bộ và nghiêm cấm gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Những nguy hiểm đó là che khuất tầm nhìn, đổ gãy bất ngờ...Vì thế, những cây quá già, quá cao, quá lòe xòe cần được xử lí, thậm chí là đốn hạ để tránh trở thành hiểm họa cho người đi đường.

    Cây cổ thụ thì chỉ nên bảo tồn nếu nó ở vị trí thích hợp.

    Trường hợp nhang đèn ở những gốc cây rất buồn cười. Em không có ý nói đó là việc xấu nhưng rõ ràng nhiều người đã quá mê tín, thấy có chút thần bí là sợ hãi, hoặc a dua thắp hương chứ làm gì có thần thánh nào trú ở gốc cây. Kể cả cây trăm, ngàn tuổi cũng chỉ đáng ngưỡng mộ ở sức sống và vẻ đẹp thời gian thôi. Thế kỷ nào nữa mà con người cứ mãi yếu ớt, cả tin, sợ hãi cả cái cây, khúc gỗ. Hic...

    Trả lờiXóa
  2. À, còn gốc cây cổ thụ trong bài anh viết gắn với địa danh và sự hy sinh của các chiến sĩ thì lại khác nha. Cây đó rất đẹp và nằm ở vị trí chẳng ảnh hưởng gì đến giao thông, người ta bứng trộm nó đi là rất tệ. Hic...

    Trả lờiXóa
  3. Cô bé làm ở cơ quan cũ em đang có bầu 7 thàng thì.... Sau một trận mưa chồng cô ấy đi qua phố Hàn Thuyên và bị một cây cổ thụ đổ vào người. Sau vài tuần điều trị tốn kém, chồng cô ấy qua đời. Em bị ám ảnh nặng về các cây cổ thụ trên đường. Hình như chi phí để cắt tỉa cây cổ thụ cũng tốn hay sao anh nhỉ.

    Em đồng ý với anh về vụ này.

    Trả lờiXóa
  4. Titi: Anh đang nói đến cái cây ấy đấy em ạ! Nó đã được trồng lại, nhưng nghe nói là nó rất khó sống!

    Trả lờiXóa
  5. like2chat: Chuyện buồn thật! Nhưng chẳng ai dám đốn các cây cổ thụ để thay mới đâu em ạ! Cây nào đổ thì thay thôi! Mỗi mùa bão đến là lại sợ!

    Trả lờiXóa