Một dòng tin nhỏ, được đăng khiêm tốn trên một tờ báo địa phương khiến tôi đặc biệt chú ý. Đó là tin về việc UBND TP. Hồ Chí Minh khuyến cáo mọi người không nên cho tiền trực tiếp những người ăn mày, ăn xin, mà nên dành tiền ủng hộ các quỹ từ thiện. Một lời khuyến cáo quá đúng, quá có lý có tình. Cá nhân tôi xin ủng hộ cả hai tay.
Nhân lời khuyến cáo này, tôi muốn đề cập đến một chủ đề thật đơn giản nhưng có lẽ không phải ai cũng hiểu đúng, nếu không phải là người trong cuộc: Đấy là chuyện Người nghèo cần gì?
Gia đình tôi là gia đình nông dân chính hiệu của một làng quê Bắc Bộ điển hình. Thời ấy, nhà tôi nghèo lắm. Mà chẳng riêng gì nhà tôi, rất nhiều nhà cũng trong hoàn cảnh tương tự.
Tình trạng nghèo được mô tả ngắn gọn như sau
Lúa ngoài đồng chưa đến mùa gặt thì đã phải bán lúa non cho người ta. Bán để lấy thóc ăn ngay lập tức, chứ không thể chờ được đến khi gặt, vì hiện tại trong nhà hết gạo, vác rá vay ăn từng bữa rồi.
Là gia đình thuần nông nhưng trong chuồng không có một con lợn. Ngoài sân không có một con gà. Ngoài vườn không có một cây rau xanh, rau màu. Vì nuôi lợn, nuôi gà, trồng hoa màu thì phải có vốn. Vốn mua con giống, vốn mua thức ăn. Đằng này, tiền lo cho người ăn còn chẳng có, tiền đâu mua thức ăn cho gia súc, cho hoa màu.
Vì không có nguồn thu nào ngoài trồng lúa. Mà lúa thì lại phải bán lúa non, nên có thể nói là đời sống gia đình tôi và nhiều gia đình ở làng quê rất là cơ cực. Lúc ấy chưa có các quỹ từ thiện như bây giờ. Có ai giúp đỡ gì thì cũng chỉ mang tính chất cá nhân, bột phát và hảo tâm mà thôi. Nói tóm lại, người ta giúp đỡ nhất thời, để khỏi chết đói.
Nhưng may thay cho gia đình tôi, có một người đã không làm như vậy!
Họ hàng nhà tôi có một cụ tên là Cát, sống ở Hà Nội. Cụ giàu có, nhưng có lẽ là không giàu như các đại gia bây giờ. Ngày ấy, tôi thường thấy Cụ đi cái Vespa về làng. Oách cực kỳ! Dáng cụ oai phong và đẹp lão. Bọn trẻ chúng tôi thích cụ lắm vì cụ chan hòa, không xa lánh những thành phần “chân đất mắt toét” như chúng tôi.
Lần nào về quê, Cụ cũng chở ngấng ngưởng quần áo cũ, đồ dùng thập cẩm đủ thứ bà-rằn để chia cho mọi người. Cụ giúp đỡ hầu hết các gia đình nghèo nhưng nhà tôi được Cụ để ý đặc biệt. Có lẽ bởi vì nhà nghèo thế nhưng bố mẹ tôi vẫn nuôi anh em chúng tôi học hành đến đầu đến đũa.
Sau này, nhà tôi thoát khỏi cảnh nghèo cơ cực, xây được nhà ngói, sắm được các phương tiện gia dụng là do chuyển đổi cơ chế, nông dân được nhận ruộng khoán… nhưng tôi chắc rằng quan trọng nhất là bước tạo đà để nhà tôi thoát khỏi cái đói triền miền, mà người giúp nhà tôi có được cái bước tạo đà ấy là Cụ Cát.
Mẹ tôi gặp Cụ, khẩn khoản xin cụ ít tiền trợ cấp vào lúc giáp hạt. Cụ gật đầu đồng ý. Tôi nhớ bữa đó nhờ ít tiền trợ cấp của Cụ mà anh em tôi mới được một bữa cơm no. Nhưng hôm sau Cụ đến nhà tôi chơi. Đi lại loanh quanh một hồi cụ nói: “Nhà chúng mày thế này không được. Làm nghề nông mà không chăn nuôi, vườn tược. Nhất nhất cái gì cũng trông vào mấy hạt lúa ngoài đồng thì làm sao mà khá. Nuôi thêm con lợn, đàn gà. Trồng thêm hoa màu ngoài vườn nữa. Hạt lúa để ăn. Chăn nuôi bán đi có thêm ít tiềm sắm sửa, cần gì không phải bán thóc. Hoa màu thì hỗ trợ phần cho bữa ăn, phần bán thêm kiếm tiền”.
Tất nhiên cả nhà tôi đều biết như vậy, vì trước đó, cũng nhiều người khuyên nên như thế. Nhưng cái đói nó che lấp tất cả. Ăn còn chẳng có. Nói gì chăn nuôi. Nói vui như mẹ tôi vẫn bảo là nuôi mình còn chẳng xong, nói gì đến nuôi lợn. Thế nên chẳng làm gì được.
Cụ Cát viện trợ cho nhà tôi cái để ăn, để khắc phục được cái đói ngay. Rồi Cụ cho nhà tôi vay tiền mua con giống, mua thức ăn, sửa lại chuồng trại, vườn tược. Cụ giới thiệu cho nhà tôi mối làm thêm những con giống để bán. Cứ như thế, từng bước, từng bước một, nhà tôi đã thoát ra khỏi tình trạng cơ cực từ bao giờ chẳng biết.
Kể chuyện này, tôi muốn lưu ý các bạn rằng người nghèo luôn luôn cần hai thứ. Thứ nhất là viện trợ để họ qua cơn đói ngay lập tức. Viện trợ này rất cần thiết, vì nếu chỉ giúp họ vốn liếng làm ăn thì cũng phải vài ba tháng sau họ mới có kết quả. Thứ hai là phải có giải pháp để họ có công ăn việc làm.
Chúng ta thường nói, cho cần câu, chứ không nên cho con cá. Nhưng nếu chỉ cho cần câu mà không cho cá, họ sẽ bán ngay cả cái cần câu đi để mua cá. Vì họ đang đói, không thể chờ câu được cá mới được ăn. Còn nếu chỉ cho cá không thôi, thì ăn hết cá, họ cũng sẽ lại đói nghèo như chưa có được con cá nào mà thôi.
hay quá! anh Thụy viết bài này rất chí lí. Em xin bổ sung thêm là không chỉ cần câu mà người nghèo cần được biết làm sao sử dụng cái cần câu ấy nữa. Đấy là chỗ truyền thông vì cộng đồng vào cuộc. Bác đừng cười em cứ lôi cái vụ đó ra nói hoài nha.
Trả lờiXóaXưa em đi làm tình nguyện xây nhà cho người nghèo, cũng nhiều chuyện cười ra nước mắt. Nhà được chọn là do xã lập danh sách. Nhưng khi tụi em đi tìm hiểu tình hình, thì phát hiện ra không ít hộ chả nghèo gì cả, mà chỉ vì thân với xã trưởng, hix. Lại có hộ thì hàng xóm bên cạnh bảo là làm biếng lắm, toàn say xỉn không. Nhưng ngay cả các hộ đúng diện nghèo rồi, vẫn bắt tay tụi em nói là, các cháu xây nhà thế bà kon rất biết ơn, nhưng mà các cháu dạy thêm ít chữ cho tụi nhóc thì tốt hơn. Thế là tụi em quậy từa lưa cả tháng hè ở đó vừa dạy học vừa chơi vowis tụi nhóc vui lắm. Anh em trong đội cũng yêu đương nhau tùm lum :-) Cảm động nhất là tự nhiên cả xóm rộn ràng tối ngày, bà kon gặp ngoài đường cứ ô a sinh viên tình nguyện, và rót nước vối cho uống.
Sorry bác, tự dưng em lên cơn lan man quá. Nói nốt cho nó tròn: em thấy nhãn 'người nghèo' trên blog bác mới có 1 chiếc một; trong khi nhãn 'tình yêu' thì xếp đầu bảng: 20 lận. ???
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóaTóm lại là phải vừa cho cá, vừa cho cần. Không những thế còn phải cho cả lưỡi câu và mồi câu nữa anh ạ. Rồi phải dạy cả cách câu. Lắm anh có cần, có lưỡi câu, có mồi câu, được học cả cách câu nhưng không kiên nhẫn ngồi câu thì cũng vẫn là số 0 tròn trịa. Đến lúc đấy thì bó tay chấm cơm.
Trả lờiXóaKính thưa Anh Thụy: theo em được biết rất nhiều trường hợp, không thể giúp người nghèo được đâu ạ, càng giúp họ càng ỷ lại. Trừ trường hợp giúp người gặp thiên tai, thảm họa, bão lũ...
Trả lờiXóaEm cũng biết, cá nhân a Thụy xuất phát điểm cũng là người nghèo, có ai giúp đỡ anh không, hay tự thân a phải phấn đấu, phải bươn chải.
Các quỹ từ thiện ở VN chưa hoạt động tốt và chưa có uy tín.Mang danh nghĩa chính trị quá nhiều.Nếu giúp người nghèo biết vươn lên thì sẵn sàng giúp.Đôi khi thấy ai nghèo mà mình biết thì ủng hộ.Còn cho tiền ăn xin,ăn mày thì không vì thật giả khó lường.
Trả lờiXóaAnh Thụy ơi entry này chí lí quá.
Trả lờiXóaGiúp người là việc nhân, nhưng giúp thế nào để hiệu quả là điều phải mất thời gian và để tâm, không chỉ là đưa cho họ con cá để no đủ vài bữa...
Em ưng entry này quá.
Có người loay hoay xoay xở đi câu , nhưng bữa nay một người ai ngại chia cho cá ngon, mai mốt người khác lại chia sẻ con cá nhỡ, hai ba người nữa hứa... thế là dần vô tình khiến người ta quen. Câu được cá nhỏ là họ chán bỏ câu luôn.
Em đồng ý với MC3, con cá chỉ nên để cứu đói khi thật sự cần. Còn lại, chỉ nên giúp họ cái cần câu, cách câu thôi...
Đúng đề tài "bọn em" vừa thảo luận cách đây vài hôm anh Thụy ạ! Cách giúp để người ta tự đi bằng đôi chân của mình thế này mới là cách giúp lâu dài và thiết thực.
Trả lờiXóaBác Thụy nói không sai tí nào đâu. Kiểu "tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống" ấy. Cứ mang cá ra cho mãi thì ăn hoài cũng trôi mòn cả thôi. Phải vừa cho cá lẫn cầu câu và như cậu Gâú trên kia bảo: "hướng dẫn sử dụng cần câu" luôn thì mới toại cả đôi bề. Phải để cho ng` ta tự đứng vững và tự làm ra thì mới là cách giúp lâu dài được. Cho nên, đôi khi ở bên này, DQ và nhóm bạn cho giúp các hộ gia đình khó nghèo ở các vùng xâu, vùng xa ...hay trao học bổng cho các em nhỏ nhà nghèo hiếu học thì cùng trao theo cách đó thôi.
Trả lờiXóaCám ơn bài viết của bác Thụy nhé!
Gauxx: Thật đúng với một người đang làm luận án về truyền thông. Em xem Kỹ Năng Sống, góp ý ủng hộ chương trình nhé!
Trả lờiXóaGauxx: Quên mất! Nhãn tình yêu nhiều là đúng rồi em. Nhãn người nghèo ít quá hả? Anh sẽ tìm hiểu và viết thêm. Anh rất thích viết về những gương người nghèo vượt khó.
Trả lờiXóaMC: Gặp những đối tượng ấy thật khó mà có thể hy vọng họ sẽ vươn lên được. May thay, phần lớn người nghèo đều có ý thức tiết kiệm và vươn lên em ạ!
Trả lờiXóaMC3: Anh đồng ý với em là cá nhân, tự thân người nghèo phải tự phấn đấu. Tuy nhiên, họ rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ đấy em ạ! Vấn đề của chúng ta là phải giúp thật đúng, thật nghiêm khắc và hiệu quả. Còn nếu k nghiêm khắc, họ sẽ ỷ lại như em nói đấy!!
Trả lờiXóaX30: Vì thế, tôi rất tán thành chủ trương của HCMC là không cho trực tiếp người ăn mày, ăn xin. Và đúng là các quỹ từ thiện cần phải hoạt động một cách độc lập và có hiệu quả hơn.
Trả lờiXóaLana: Chính xác thế mà. Vì thế, anh rất không thích giúp đỡ người nghèo theo kiểu thương vay khóc mướn. Chỉ tổ làm hư hỏng họ mà thôi.
Trả lờiXóaMai: Đúng thế!! Ngẫm ra, làm việc thiện, việc nghĩa cũng phải biết cách đúng không
Trả lờiXóaDã Quỳ: Và khi giúp xong, cũng nên giám sát xem hiệu quả như thế nào, để rút kinh nghiệm cho các lần sau bác ạ!
Trả lờiXóaEm cũng không cho tiền ăn xin vì em không thích cách đeo bám của họ và em nghe nhiều vụ dùng trẻ con để làm công cụ đi ăn xin. Nhưng đúng là cho các quỹ thì em cũng không đủ lòng tin. Cơ quan em có một nhóm những người hay đi thăm những nơi khó khăn và hô hào mọi người quyên góp ủng hộ. Em chỉ tin những người đó thôi.
Trả lờiXóaHồi lâu em xem chương trình giúp đỡ người nghèo trồng một giống vải mới theo tư vấn của bộ Nông nghiệp thì phải. Họ tư vấn nông dân bỏ trồng hết các loại cây khác để trồng vải. Trồng vải mãi mà vẫn không cho quả, về sau mới phát hiện ra là giống vải đó bị thoái hóa. Lúc đó chẳng ai giúp người nông dân cả, em nhớ mãi họ quay những người nông dân ngơ ngác đứng bên cây vải, tội quá. Lại có chuyện ở vùng Lào Cai, có chương trình xóa mù văn hóa cho đồng bào dân tộc. Họ cho mỗi nhà một cái radio. Một năm sau quay lại, thấy họ vứt cái radio chỏng chơ, hỏi ra mới biết là hết pin là họ chịu không biết thay pin khác. Nhà em cũng giúp cô bé giúp việc xây nhà. Hôm em về thăm nhà cô bé, cái phòng ngủ có bộ giường màn hoành tráng kinh khủng, trông như nhà nghỉ ấy. Nhưng ra đến nhà vệ sinh thì chỉ có một cái hố và 4 bức liếp thôi. Cô bé đó thì làm 2 cái điện thoại di động và suốt ngày dặn mọi người nhớ gọi điện thoại cho bé.
Chắc là phải giúp người nghèo nâng cao nhận thức kèm vật chất, anh nhỉ.
entry này thật hay. Nhưng người nghèo, ngoại trừ những người có hoàn cảnh đặc biệt, thì đa phần vẫn thích "tiền tươi, thóc thật", do đó tâm lý chờ sung rụng vẫn còn đầy trong dân gian.
Trả lờiXóaBác Thụy: dạ vâng! Tuy DQ ở tuốt luốt bên này, nhưng ở bên nhà vẫn có người giám sát và tường trình mọi việc cho DQ đấy chứ. Mà khổ, đôi khi chính những người làm công việc giám sát giùm DQ như thế mà lại gặp phiền toái từ CA mới khốn đốn chứ. ....
Trả lờiXóaDã Quỳ: Trời đất! Chia sẻ với bác phiền toái này. Thôi thông cảm đi bác. Tôi vốn là dân nghèo, vì thế, chỉ thích quan tâm đến những mẫu người nghèo vượt khó, ham học, yêu lao động. Tôi hay trợ giúp những người như vậy.
Trả lờiXóaĐàm Hà Phú: Cái nghèo làm cho người ta thêm hèn em ạ! Thông cảm đi em. Tâm lý chờ sung rụng đúng là vẫn còn, và còn nhiều. Buồn nhất là chỗ đó!
Trả lờiXóalike2chat: Thế đấy em ạ! Cho nên người ta nói giúp đỡ người nghèo cũng phải biết cách. Nếu không, dễ làm họ hư đi ấy chứ!
Trả lờiXóaEm thì ko có chủ ý giúp người nghèo, vì người nghèo ở đâu cũng có cả. Muốn giúp đở được hết những người nghèo, và biến cho họ biết tự lập ko ỹ lại...thì chỉ có người đứng đầu một quốc gia mới làm được như thế thôi. Đó là một quy mô ko nhỏ, vượt quá sức của mình.
Trả lờiXóaEm thì đơn giản hơn, nếu em có khả năng, em chỉ giúp trẻ em mồ côi ko ai care, và người già yếu ko nơi nương tựa. Hai thành phần xã hội này thật sự cần sự giúp đở.
Giúp họ, thì mình phải hiểu rằng ko mong gì họ sẽ tự lực cánh sinh được. Con nít phải nuôi nó tới lớn đàng hoàng cho nó học hành, người già thì nuôi họ đến ngày qua đời thôi, đã mất sức lao động rồi.
Hai dạng người này của xã hội sẽ tiếp tục sống bám vào sự giúp đở của mình, cho đến ngày con nít có thể khôn lớn, và người già thì có thể sống vui vẻ một chút...khi chỉ còn những ngày tháng cuối của cuộc đời.
Bên Mỹ ko cần giúp con nít và người già đâu, chính phủ lo đầy đủ cả rồi. Tiền thuế dân đóng là tiền dùng cho chi phí này. Em chỉ thấy tội những đứa trẻ ko ai care, và những người già phải ở trong viện dưỡng lão bị con cái bỏ bê bên VN thôi.
Cứ cho ăn mày, ăn xin và những người khổ, tùy dịp và khả năng. Cứ nghĩ thế này cho AQ: Trong 10 lần, có thể đến 8 lần là mình thương vay khóc mướn, hoặc bị lừa; nhưng có 2 lần là đúng đối tượng,thế là không phải lăn tăn gì.
Trả lờiXóaBạn Lu nói chính xác, thực ra đây luôn là bài toán lớn của bất cứ hình thái xã hội nào. Sự tương trợ của các cá nhân - tổ chức phi chính phủ( cái này ở VN không được phép hoạt động tự do) chỉ mang tính giải quyết bức xúc mang tính nhân văn, không thể nào tới nơi tới chốn được.
Gặp ai thấy khổ thì cứ cho họ đi, đâu có sao.
Mọi người bàn "Người nghèo cần gì" hay lắm òi. ANh Thụy bốt bài " Người giàu cần gì" đi. Em nghĩ người giàu cũng có nhiều việc phải làm lắm :-)
Trả lờiXóaLu: Em nói đúng. Anh có thời gian làm ở Bộ Lao động-Xã hội nên cũng biết phần nào. Việc từ thiện, việc giúp đỡ là công việc của toàn xã hội. Xóa nghèo là việc của quốc gia đấy.
Trả lờiXóaVì thế, mỗi người làm việc thiện, nên chọn một tiêu chí như Lu là rất rất đúng với cái mà bất kể một quốc gia nào cũng khuyến khích làm.
Anh thì chọn trẻ nghèo, học giỏi nhưng không có tiền để tiếp tục học. Em chọn trẻ em không nơi nương tựa và người già. Người khác lại chọn người tàn tật...
Cứ thế, mỗi người một tay, xã hội sẽ tốt hơn lên.
Gặp ai cũng thương, cũng xót, cũng cho búa xua, thứ nhất là mình đâu có giàu có đến thế, thứ hai là không hiệu quả đâu.
Đúng không em?
Chu Nam Cuong: Bác xem cái com của tôi với bạn Lu nhé! Cám ơn bác!
Trả lờiXóaTiti: Em đúng là dân làm nghệ thuật. Luôn luôn muốn tìm, muốn khám phá và muốn biết cái mà không ai có thể nghĩ đến.
Trả lờiXóaOK em! Anh sẽ cố xem Người Giàu Cần Gì nhé!
Người nghèo cần gi?
Trả lờiXóaNgười nghèo cần thoát nghèo.
Phải vậy không hả bác?
Các quỹ từ thiện của VN hoạt động chưa tốt, chưa hiệu quả là vì những người lập ra và quản lý những quỹ này chưa bao giờ là người nghèo. Thế nên họ không thể biết được người nghèo cần gì.
Trả lờiXóaChỉ những người đã trải qua chuyện đó rồi, mới có có thể biết cách làm thế nào cho đúng thôi anh nhỉ?!
Nadia: Hà ha! Nghịch lý chính là ở chỗ đó đấy em ạ! Người nghèo thì không có gì để làm từ thiện. Người giàu có khả năng làm từ thiện thì họ lại không mấy khi hiểu người nghèo cần gì. Hic!
Trả lờiXóa