Chủ Nhật, 12 tháng 9, 2010

BAY LÊN



Tôi không được tận mắt xem màn trình diễn của Diệu Hà. Chỉ đơn giản tôi không quen biết chị, lại là người ngoại đạo nên không được mời là dễ hiểu. Hơn nữa, nghe nói đâu chỉ có vài chục người trực tiếp xem tác phẩm Bay Lên của Diệu Hà mà thôi.

Cái mà tôi thấy chỉ là một serie ảnh và lời tường thuật đọc được trên một tờ báo.

“Cô ăn mặc khắc khổ. Trải một lớp lông vũ xanh biếc ra sàn. Bên cạnh là chiếc lồng chim nhốt con chim con. Một chiếc đĩa đựng dung dịch. Diệu Hà cởi bỏ dần. Đầu tiên là áo. Kế đến là quần dài. Rồi cô lần lượt rút ra những miếng đệm mông…

Vừa rút cô vừa nói nhỏ, nhưng đủ nghe “tao đã dùng mày rất lâu, vì mày mà tao bị ghẻ mông, ai cũng nghĩ tao mông cong, sao người gầy thế cơ chứ… Rồi cô cởi, cởi hết, cho đến khi không còn gì trên người. Cô lấy cái đĩa, dùng dung dịch trong đĩa xoa lên người. Sau đó cô nằm trên đống lông vũ và nhờ mọi người phủ lông lên toàn thân.

Thật nhẹ nhàng, cô đứng dậy, bằng động tác của một con chim chuẩn bị tung cánh bay. Đi ra phía lồng chim, cô tóm con chim bé nhỏ bỏ vào miệng khoảng vài giây rồi mở miệng cho con chim bay lên…”

Xem serie ảnh. Đọc lời tường thuật… và nghe bàn tán xôn xao về tác phẩm, về nghệ sĩ, về lối biểu diễn và phong cách… Tôi thực sự cảm phục Diệu Hà. Có thể còn nhiều tranh luận, nhiều lời chê bai, thậm chí phỉ báng nữa. Nhưng tránh làm sao khỏi những điều ấy khi người ta dũng cảm là người đi đầu.

Nghệ thuật trình diễn, như người ta vẫn đang nói về tác phẩm Bay Lên của Hà, làm tôi liên tưởng tới nghệ thuật sắp đặt của An Khánh khi anh mới biểu diễn nó vào một đêm đã lâu ở bãi ven Sông Hồng. Nhưng của Hà thì có gì đấy khác. Nó sâu xa hơn, đời thường hơn và cái tôi thích nhất là sự dũng cảm đương đầu.

Đương đầu với chính mình, với cái không hoàn thiện của chính mình. Và vì thế, nó làm cho mỗi con người chúng ta tự tin hơn, thêm nhiều sức mạnh hơn. Thử hỏi, nếu không tự tin, chúng ta sẽ làm được cái gì chứ!

Chúng ta hãy nghe cô chia sẻ. Hà nói: “Việc trình diễn của tôi là sự dũng cảm và thành thật với bản thân. Nó xuất phát từ lý do rất cá nhân. Phụ nữ thường không tự tin và tôi cũng không tự tin về cơ thể của mình. Tôi luôn che giấu điều đó. Suốt 10 năm qua tôi phải độn mông, độn má. Đó là câu chuyện khá buồn. Làm nghệ thuật, tôi thấy mình cần phải trút bỏ điều ấy để được thành thật với chính mình”.

Còn về hình ảnh kết thúc màn trình diễn là con chim bay lên, theo Diệu Hà đó là hình ảnh đẹp, rất phiêu. Vì thế, cô quyết định làm tác phẩm này để giúp mình và những người khác đối mặt với thực tế.


Xem Bay Lên của Hà, tôi đoan chắc rằng mỗi người chúng ta đã không ít hơn một lần tự hỏi, đã bao giờ chúng ta dám đối mặt với sự không hoàn thiện của chính mình, để từ đó, vững vàng và tự tin hơn chưa?




43 nhận xét:

  1. Mình rất ko thích những ý kiến chê bai phỉ báng cái mới trong nghệ thuật. Có thể cái mới chưa hay - có sao đâu, có nhiều cái cũ cũng chả hay ho gì! Hãy để cái mới xuất hiện như cần có. Còn nó tồn tại hay không thì ko phụ thuộc vào sự khen chê, mà phụ thuộc vào chính cuộc sống. Khen, và nhất là chê những gì khác mình, lại chưa hiểu gì về nó, là một thái độ chả nghệ thuật 1 chút nào. Tiếc rằng trong giới nghệ thuật điều đó hơi bị nhiều.

    Trả lờiXóa
  2. Bác Thụy post nốt mấy bức còn đang giấu trong PC đi mà, năn nỉ bác đấy :))

    Trả lờiXóa
  3. Em cũng thấy trong vụ này, nhiều nhận xét trái chiều chẳng thuyết phục. Nhưng mà kệ thôi anh. Làm nghệ thuật tiên phong chẳng bao giờ thèm chấp những cái nhìn lạc hậu mà. Hè hè...

    @MC3: bác Thụy không muốn độc giả mất tập trung, anh nhé :-D

    Trả lờiXóa
  4. >2T: Chẹp chẹp, có 1 độc giả mất tập trung bởi bức ảnh avatar của 2T đấy, thề!

    Trả lờiXóa
  5. Em rất tò mò, sau tác phẩm có chất liệu đặc biệt này, bạn DH sẽ lấy cái gì làm chất liệu cho tác phẩm sau :-D

    @MC3: È....cái gì cũng thề thế nài thì .... nguy hiểm quá! Há há...

    Trả lờiXóa
  6. Hơ hơ, còn nhiều tấm nữa, bác phải post lên mới thể hiện đúng chủ đề chứ :)

    Trả lờiXóa
  7. Hình như cái này giống lên đồng hay sao ấy anh à. Em đọc xong thấy giống như những nhóm hội kín của Mỹ, hay tạo ra những bữa họp kín, để làm những động tác hành lễ hơi quái quái và khác người, chỉ ai là hội viên mới được vào xem thôi.
    Cô này có phải đã đi hơi quá điều kiện thời gian cho phép mọi người công nhận nó là nghệ thuật ko anh? nếu gọi đây là buổi lên đồng thì em thấy dễ thông cảm hơn.

    Trả lờiXóa
  8. > Phú: Cty của Phú nằm trên banner SGTT ấn tượng wa :)

    > 2T: "xem kích thước đầy đủ" nữa, khó chịu wa.

    Trả lờiXóa
  9. @MC3: ơ hay nhỉ? Mới thế mà anh đã khó chịu thì làm sao xem được trình diễn nghệ thuật như kiểu của DH? Hú hú...

    Trả lờiXóa
  10. @Lu: mình đọc được ở đâu đó, rằng trong nghệ thuật, không có lề phải lề trái, không có giới hạn thời gian, không gian mà chỉ có giới hạn của cảm xúc con người có thể cảm nhận được tác phẩm đến đâu.
    Không - cảm - được cũng là một nhận xét mà tác giả trân trọng :-)

    Trả lờiXóa
  11. Hé hé, nghệ thuật ngoài tầm với! Em chả dám ý kiến gì.

    Trả lờiXóa
  12. Sau khi vào trang Soi ngó mấy màn trình diễn thì em thích màn trình diễn của chị Hà này nhất, đúng như chị ấy nói, rất nhẹ nhàng, giàu ý nghĩa. Thế mà bị treo lên khắp các diễn đàn, blog cá nhân chửi bới, thóa mạ. Công chúng VN xưa nay bị gò bó với cái gì "nhậy cảm", cứ động tới khỏa thân, cảnh nóng là nhảy chồm chồm cả lên, mà ko giải phóng được định kiến của mình để nhìn tới cái gì đó xa hơn. Xem phim cũng chỉ nhìn cảnh nóng mà phán xét hơn là chất lượng nghệ thuật, nội dung, xem trình diễn thì chỉ để ý là cô ấy ở truồng hơn là nghĩ tới cô ấy đang muốn chuyển tải cái j đến người xem.

    Những người phỉ báng người làm nghệ thuật, dù là thứ nghệ thuật quái, kỳ lạ như Đại Lâm Linh đi nữa, trước hết nên xem lại trình độ văn hóa mình tới đâu. Có thể ko đồng tình, cảm thấy gai người, không thích....không có nghĩa là được quền lăng mạ, phỉ báng thành quả lao động của người khác.

    Trả lờiXóa
  13. Ti Ti : có lẽ trình độ nghệ thuật của Lu chưa cao nên Lu chỉ có cảm giác đây giống như lên đồng hơn. Cũng có thể bên Lu thì cho là như một hội kín, họ có quyền làm những việc riêng của hội, miễn là ko phá phách trật tự chung thôi. Còn nói rằng xem nó là nghệ thuật, thì có lẽ dân Mỹ cũng ít có ai dám xem nó là cái mọi người sẽ đi theo. Hì hì, Lu thì ko dám làm nghệ thuật kiểu này rồi, chỉ nhận xét theo con mắt và suy nghĩ khi đọc bài thôi. Có rất nhiều văn hóa xưa, da đỏ, da đen gì Lu cũng đã xem, có những cách trình diễn cũng lạ, nhưng dễ làm cho người thưởng thức chấp nhận hơn như cô này. Ngay cả cô ở Mỹ cũng sẽ ko dễ dàng gây nên một phong trào tiên phong đâu, nếu tạo nên một hội kín thích chứng tỏ và thể hiện lòng tự tin, thì Lu nghĩ có lẽ thành công hơn.
    Đúng là đi trước có những điều hay, nhưng có những điều đi trước sẽ bị chết ko phát triển được vì xã hội ít ai chấp nhận. Nếu chỉ một thời gian ngắn sau, cô này tạo được phong trào múa như thế này phổ biến ở VN và lây lan sang nhiều nước khác thì Lu sẽ rút lại lời cơm măng này.
    Còn bi giờ thì Lu chỉ coi đây là một vụ lên đồng, đơn giản vậy thôi.

    Trả lờiXóa
  14. @Lu: lên đồng là một tập tục rất thiêng liêng với những người theo đạo Mẫu . Lu so sánh thế là nâng tầm cho tiết mục này chứ không phải là chê bai ròi :-D

    Trả lờiXóa
  15. Xem nghệ thuật sắp đặt- trình diễn là coi 1 một mảnh của không gian-thời gian cuộc sống, TRÊN CÁI MẢNH SỐNG ĐÓ, người nghệ sỹ, đầu tiên thôi thúc sự cảm nhận của người xem và đánh thức cảm xúc trong tâm hồn mỗi người- thông qua diễn xuất cùng các chất liệu của cuộc sống thật. Sự cảm nhận và xúc cảm của mọi người có thể đồng điệu hoặc khác nhau nhưng chẳng bao giờ giống nhau và là riêng tư tuyệt đối.

    Cái "dã man" của xh mình không phải ở sự "khen" hoặc "chê", mà cứ hay áp đặt "cảm xúc" của mình lên người khác, muốn và bắt người ta a dua theo mình; lại còn nhớ rất dai những thứ chẳng liên quan và ảnh hưởng gì đến mình!!!

    Trả lờiXóa
  16. >2T: ý anh là hay tưởng bở cái đoạn tiếp theo "kích thước đầy đủ", tệ thật :((

    Trả lờiXóa
  17. Thông điệp đưa ra thì ổn, nhưng thiệt tình là em chưa cảm được nét đẹp của màn trình diễn nghệ thuật này. Còn về sự dũng cảm thì quả là trên cả bái phục, vì em thì muôn đời muôn kiếp không bao giờ làm nổi việc này, hị hị

    Trả lờiXóa
  18. haukhaoco: Hoàn toàn đồng ý với bạn! Nên trân trọng những cái mới! Nhất là chưa biết cái mới đó sẽ được công chúng hưởng ứng như thế nào!

    Trả lờiXóa
  19. MC3 và Đàm Hà Phú: Hì, còn mấy cái thật, nhưng post lên lỡ mọi người lại mất tập trung thì sao đây!

    Trả lờiXóa
  20. Titi: Em đúng là dân làm nghệ thuật thứ thiệt. Biết chấp nhận và ủng hộ cái mới.

    Trả lờiXóa
  21. Lu: Hình như được người ta gọi là nghệ thuật trình diễn. Anh có đọc phát biểu của một anh ở Cục Nghệ thuật biểu diễn, thấy nói là Diệu Hà đã đi trình diễn ở Nhật rồi đấy!

    Trả lờiXóa
  22. NLVD: Đơn giản thôi em, đâu có ngoài tầm với đâu. Cũng được mà!

    Trả lờiXóa
  23. Dứa: Thực ra thì vì nude và những nghệ thuật mới lâu nay vẫn là lĩnh vực nhạy cảm ở mình thôi em ạ! Để đến với công chúng, anh nghĩ môn nghệ thuật mới nào chẳng nhiều gian nan. Cái anh không khoái nhất ở đây là một số người cứ hè vào đấy mà chửi bới, chê bai thôi!

    Trả lờiXóa
  24. Chu Nam Cuong: Tôi cực thích cái đoạn comt của bác. "Cái "dã man" của xh mình không phải ở sự "khen" hoặc "chê", mà cứ hay áp đặt "cảm xúc" của mình lên người khác, muốn và bắt người ta a dua theo mình; lại còn nhớ rất dai những thứ chẳng liên quan và ảnh hưởng gì đến mình!!!".
    Cám ơn bác! Bác nói quá chuẩn!

    Trả lờiXóa
  25. Anh: Hì, có thể, nếu xem trực tiếp, mình sẽ cảm nhận được cái hồn của màn nghệ thuật trình diễn này em ạ!

    Trả lờiXóa
  26. anh Thụy : em hiểu rõ cái mới lúc nào cũng nên ủng hộ, trong mọi lĩnh vực chứ ko riêng gì nghệ thuật. Nhưng có những điều ko nên đi quá với văn hóa của một xã hội. Em ở Mỹ lâu, em học vẽ nude mà khi em đọc thì em cũng thấy cô này đi hơi quá.
    Nếu mang sang Mỹ biễu diễn thì nó chỉ gọi là nghệ thuật "vũ sexy" thôi, và biểu diễn ở bar thì rất bắt khách. Đương nhiên sang Nhật biểu diễn là ok, vì em biết Nhật có những nơi bày sushi lên người những cô gái trẻ ko mặc quần áo. Em cũng học art, học vẽ nude, và cũng từng học múa, nên em hiểu cái gì là sáng tạo và cái gì gọi là chơi nổi dựa trên danh nghĩa hai chử sáng tạo.
    Chẳng lẽ cứ cởi truồng chạy nhong long rồi vinh danh đây là sáng tạo "nghệ thuật" thì tội cho hai chử "nghệ thuật" lắm. Đặc biệt, cho tới nay, truyền thống phụ nữ Việt Nam là ko nên vủ sexy. Ngay cả Mỹ vủ sexy ở bar cũng phải là những em gộc lắm, và nơi đó cũng chỉ dành cho đàn ông lui tới thôi anh ơi.
    Em ko ủng hộ những sự nổi lọan đi ra ngoài truyền thống của người Việt. Thật ko ra làm sao cả nếu như tất cả các phụ nữ Việt Nam bắt đầu thấy "cởi bỏ" hết là sáng tạo, và thể hiện tính tự tin.
    Đất nước còn nghèo, văn hóa nhà vẫn chưa tìm ra hướng giáo dục đúng, thế có nên chăng ủng hộ những cuộc sáng tạo như thế này? văn hóa phương tây có những thứ tốt cần học nhưng có những thứ ko nên du nhập vào văn hóa VN.

    Em xin lỗi nếu như còm của em làm anh ko vui nhé.Em ở Mỹ lâu rồi, em học art vẽ nude nên cái nhìn của em ko hủ lậu lắm đâu...nhưng ở màn trình diễn này em ko ủng hộ.

    Ti Ti : à , chử lên đồng Lu dùng là nói đến những hủ tục lỗi thời, những điều nhảm nhí thôi Ti Ti à. Một cách chơi chử í mờ ;))

    Trả lờiXóa
  27. Mấy cái hình chụp xấu quá, nhìn cứ nhếch nhác sao ấy anh à.

    Em thì không phản đối những cái gì gọi là mới, nhưng cũng không lập tức coi những cái thử nghiệm kiểu này đều là nghệ thuật. Tiếc là em không rành nghệ thuật để phê bình.

    Cho nên chỉ là nhận xét cá nhân: em thấy í tưởng và trình bày thông qua hình ảnh và dẫn giải ở đây không có gì đặc biệt lắm, kiểu hãy là chính mình, thành thật với bản thân abcd - không mới. 'Tác phẩm' lại hơi bị rườm rà và luộm thuộm. Cứ cho là phần trước cũng có ý tứ, nhưng cái kết 'bay lên' theo em là cái kết có phần dễ dãi, dập khuôn. Do đó, em không đánh giá cao tính sáng tạo của màn này.

    Trả lờiXóa
  28. Lu: Không có gì làm anh không vui đâu. Trái lại nữa là đằng khác. Anh đọc hết tất cả comt của em với anh và với Titi. Thấy rằng, đó là phát biểu của một người hiểu rõ ràng, rành mạch về lĩnh vực này. Có thể em không ủng hộ màn trình diễn này, ở một góc độ nào đó, nó không mang tính nghệ thuật mà em và nhiều người khác mong muốn.
    Tuy nhiên, cũng như nghệ thuật sắp đặt đã được trình diễn ở Vietnam vài năm trước đây, một cái mới được đưa ra, anh chỉ muốn nó được mọi người nhìn nhận với sự bao dung cần thiết thôi.
    Sau khi đọc môt cái comt của Titi, anh bỗng lo lắng rằng sau chất liệu đặc biệt này, ở những màn biểu diễn sau, nếu có, cô ấy sẽ dùng cái gì?
    Và bỗng dưng lo lắng đến cả một show trình diễn như vậy, liệu có thể tồn tại dài hơi được không?

    Trả lờiXóa
  29. Gauxx: Mấy cái hình là của dân nghiệp dư chụp mà em. Chỉ có vài chục người xem, chắc là cũng không bố trí được một cách chuyên nghiệp.
    Thực ra thì ngay cả người dễ tính cũng chưa ai đánh giá cao cái màn này em ạ! Họ chỉ cổ vũ và động viên cho cái mới mà thôi.

    Trả lờiXóa
  30. Hì, nếu được xem trực tiếp chắc em cũng chẳng thể phê được với bối cảnh luộm thuộm với sàn xi măng chỗ khô chỗ ướt loang lổ và cột nhà lởm chởm như gara ô tô vậy, khán giả thì kẻ đứng người ngồi xổm giơ hết cả dép lê và chân đất xung quanh sát diễn viên. Phần trình diễn sắp đặt này khá nhạy cảm bởi yếu tố lõa thể (với một cơ thể không đẹp mang tính chủ ý) nên đặt trong một khung cảnh sân khấu nghiêm túc với hiệu ứng ánh sáng âm thanh che bớt sự trần trụi sẽ nêu bật được ý tưởng hơn. Ở đây, em thấy sự lôi thôi của bối cảnh xung quanh đã phá hỏng cái gọi là nghệ thuật của màn trình diễn này. Nên nếu một số người chỉ shock vì cô nude, chứ không thụ được ý tưởng cao đẹp của cô suy cho cùng cũng có lý do của nó.

    Trả lờiXóa
  31. Anh: Điểm này thì anh thấy em nói cực kỳ chính xác. Và đó cũng là điểm mà anh băn khoăn nhất trước khi viết bài này. Cám ơn em lắm!

    Trả lờiXóa
  32. Sự thật là khi đọc bài anh viết em có ấn tượng hay bao nhiêu thì nhìn đến khung cảnh của buổi trình diễn trong mấy tấm hình lại bị ấn tượng ngược bấy nhiêu, nhưng em không dám còm-men vì sợ mình ngoại đạo nói thành sai. Giờ thấy bạn ANH và Gấu ít nhiều có cùng cảm nhận.

    Em nghĩ không phải do dân nghiệp dư chụp hình Vấn đề là cái nền nhà, khung cảnh... chứng tỏ việc trình diễn đã không được chính người nghệ sĩ đầu tư cẩn thận kỹ càng (trân trọng nghệ thuật) trước khi mong muốn người khác trân trọng nó.

    Trả lờiXóa
  33. Oài. Không nên phàn nàn về khung cảnh cả nhà ơi. Ở các nước khác thì nghệ thuật trình diễn cũng không câu nệ điều kiện sân khấu đâu. Với sự cách tân tột cùng, nghệ thuật trình diễn đương đại coi mọi nơi, mọi không gian đều có thể là sân khấu của mình. Đó là vì họ mặc nhiên phủ nhận mọi hỗ trợ, mọi hiệu ứng thông thường chỉ để làm đẹp, và buộc người xem chú trọng vào tác phẩm, vào những gì nghệ sĩ muốn diễn đạt.

    Ở nước ngoài, có buổi trình diễn còn có ít người xem hơn, và có khi khung cảnh còn tệ hơn thế nài nhiều :-D

    Trả lờiXóa
  34. anh Thụy : hị hị, đúng là anh Thụy, biết nhìn ra ngay cái ý kiến chung, đúng như bạn ANH đã còm đó anh. Rất chính xác là khi muốn tạo một phong cách mới lạ thì người đi đầu cần sự đầu tư mghiêm chỉnh, tôn trọng khán giả.
    Bởi vì người xem có sự đòi hỏi cao nếu thật sự mình muốn tạo nên một phong cách độc đáo. Em còm thế vì cô ấy chỉ muốn gây shock với thân thể trần truồng thôi. Í tưởng biểu diễn ko có gì mang tính nghệ thuật cả, em học design nên em chú trọng đến ý nghĩa chủ đề mang lại phải có tính thuyết phục và hợp lý.
    Cô này đã muốn nói lên tính tự tin bằng cách "dám cởi", nhưng hình ảnh cho phủ đầy lông và ăn con chim vào thì ...nó khập khểnh ko đi đồng bộ với điều cô mong muốn.
    Muốn sáng tạo thì cũng cần có một trình độ hiểu biết căn bản về cách liên hệ ý tưởng của mình vào những cách thức, hay phương tiện, mình xử dụng để thuyết phục người xem.
    Em rất khâm phục sáng tạo của một nhạc sĩ VN đã đưa đàn cò sang tấu những khúc nhạc tây, muốn làm được điều này anh ta cần có một trình độ am hiểu rành rẻ. Vì chơi đàn chỉ để chơi thì ai đánh cũng được cả, có hồn hay ko là do tùy năng khiếu. Nhưng khi người đàn bắt đầu muốn sáng tác, muốn tạo nên một luồng nhạc mới thì anh ta hẵn phải có một vốn kiến thức cao.

    Hị hị, mấy cái còm sau này em thích hơn vì dù sao vẫn còn Việt Nam lém.
    Phần anh Thụy, em nhận xét nhé, lí do anh lập công ti thành công là ở anh có tính "biết nhìn, biết nghĩ lại, và chịu lắng nghe"...điều này rất cần cho một người đứng đầu một công ti, một nhóm, hay một quốc gia.

    Trả lờiXóa
  35. Cả nhà nói nhiều ý kiến hay quá.Còn em thì đã từng biết một số cuộc trình diễn nghệ thuật sắp đặt kiểu này vì các anh chị đứng ra tổ chức có nhờ bên em ghi hình.Họ thường là làm chui vì ko xin được giấy phép.Người xem thì phần nhiều là người nước ngoài, một số các bạn là dân nghệ thuật, dân "phiêu" đúng nghĩa.Em thấy cảm phục sự dũng cảm đi tiên phong của họ.Có thể cái mới thì chưa chắc đã hay, nhưng dù sao họ đã dám làm điều mình mong muốn và thể hiện.Cuối cùng em cho rằng đây là thứ nghệ thuật dành cho "số ít"!

    Trả lờiXóa
  36. Rất đồng ý với ý kiến của Titi đối với nghệ thuật sắp đặt trình diễn nói chung. Nhưng với màn trình diễn này hơi đặc biệt , thì mình nghĩ một chút hiệu ứng xung quanh thôi chứ không phải một sân khấu quá cầu kỳ sẽ mang đến những hình ảnh tế nhị để nâng tầm cảm xúc hơn, sẽ dễ xóa tan những kỳ thị của khán giả về một sự phô diễn trần trụi.
    Giống như nghệ thuật nude không có gì là xấu, nhưng để thể hiện một cách thành công không dễ tí nào, chỉ cần một chút phô hơi lố một ít cũng sẽ dẫn đến ranh giới của cái gọi là porn.

    Trả lờiXóa
  37. @ÁNh: tớ thấy mẹ Ánh góp ý khá sát với thực tế tâm lí của bà con bên mình khi xem trình diễn kiểu này. Nhưng nếu quan tâm thực sự thì có lẽ các bạn cần phải dành thời gian cho nó, tìm hiểu từ khởi điểm nguyên nhân tại sao trình diễn đương đại ra đời mà không đoái hoài gì tới các nguyên tắc trình diễn cũ, mục đích của những cách thể hiện mới, và cách đọc những thông điệp của nghệ sĩ ( lưu ý là tác phẩm nào cũng dựa trên những triết lý nhất định ,nên cần có kiến thức triết học và tâm lý học thì mới hiểu dễ dàng).
    Riêng cá nhân mình thì xem trình diễn nhiều ròi nên thấy rất thông cảm với các nghệ sĩ nhà mình, vừa táo bạo muốn mang những thông điệp mới cho bà con, vừa phải né kiểm duyệt trong khi hầu bao thì lép xẹp, không xứng với những khát vọng cháy bỏng mà họ ấp ủ tí nào. Hic...

    Nên chăng, như anh Thụy nói, chúng ta hãy trước hết là điềm tĩnh khi xem, tìm hiểu kỹ qua nhiều kênh rồi hãy đánh giá. ĐẶc biệt là có thể thoogn điệp không mới với nhiều người nhưng rất mới với số còn lại và tuyệt mới với chính thể này thì sao? :-D

    Trả lờiXóa
  38. Lana: Đúng là khung cảnh của buổi biểu diễn có gì đó không được chuyên nghiệp. Thậm chí, hơi cẩu thả nữa. Nhưng có lẽ nên thông cảm em ạ! Diệu Hà giải thích là hoàn toàn cô tự lo kinh phí, không có bất kể một nguồn thu nào.
    Cái đáng nói là từ phía người xem. A thấy vài đồng chí còn đi cả dép lê nữa. Híc!

    Trả lờiXóa
  39. Titi: E nói anh mới biết là k nên quá câu nệ cái khung cảnh biểu diễn đấy. Có lẽ do mình chưa quen em ạ!

    Trả lờiXóa
  40. Lu: Hì, cám ơn em lắm! Đứng trước một cái mới với nhiều khen chê khác nhau, mình cũng phải suy nghĩ và gạn lọc chứ em! Nhất là cái mới ấy lại không nằm trong lĩnh vực mình hiểu biết nhiều. Như màn trình diễn này chẳng hạn!

    Trả lờiXóa
  41. ycine: Đúng là các bạn ấy đều phải là những người dũng cảm đi đầu, có gì đó liều nữa, khác người nữa. Hồi biểu diễn nghệ thuật sắp đặt anh cũng biết. Cũng phải nói là liều...! và dũng cảm!

    Trả lờiXóa
  42. Anh: Anh nhớ, không được trọn vẹn, ở đâu đó có nói, nude không có gì là xấu, chỉ có ai đó nghĩ xấu về nude thôi. Nhưng đúng là giữa sự trần trụi và nghệ thuật đích thực chỉ là một làn ranh mỏng manh.

    Trả lờiXóa
  43. Titi: Một lần nữa phải nói là em đúng là dân nghệ thuật. Bình luận cái gì cũng rõ ràng, khúc triết và sâu xa.

    Trả lờiXóa