Thứ Tư, 6 tháng 1, 2010

LỠ HẸN MỘT CUỘC ĐỜI



Anh nằm đó, trong phòng bệnh của một trong những bệnh viện lớn nhất thành phố. Buồn, cô đơn và đầy tâm trạng của một người vốn đã một thời ngang dọc tung hoành. Thành đạt, có của ăn của để, thiên hạ không hẳn phải quỵ lụy nhưng ít nhiều cũng cầu cạnh, xin xỏ. Những năm tháng đẹp đẽ nhất mới ngày nào mà như xa lắc xa lơ.


Anh mỉm cười với tất cả bè bạn, anh em, chiến hữu, và có thể, cả kẻ thù của anh đến thăm. Anh biết, vinh quang nào rồi cũng phải bỏ lại, tiền bạc nào rồi cũng phải buông tay. Ngày mai khỏi bệnh, trở lại với cuộc sống thường ngày, chắc hẳn mình phải khác. Nhưng biết là ngày nào. Anh đã già, đã quá già để làm lại. Có thể, anh tự nhủ lòng, mình đã lỡ hẹn mất cả cuộc đời này rồi.

Những năm tháng ấy, anh chị là biểu tượng của hạnh phúc, là ước mơ của bao nhiêu đôi năm thanh nữ tú đến tuổi cập kê đang tính chuyện vợ chồng. Anh làm Trưởng Phòng Tổ chức Cán bộ của một Nhà máy lớn. Chị làm Kế toán ở một Công ty thuộc Hà Nội. Lấy nhau xong là có ngay một căn hộ tầng 1 của một khu tập thể tiếng tăm. Căn hộ rộng rãi, đẹp và có một khoảng vườn xanh xinh tươi nho nhỏ trước nhà. Chồng lương cao, tem phiếu loại C. Vợ cũng chẳng kém là bao. Thật chẳng gì có thể ước mơ hơn vào thời đó.


Vài ba năm trôi qua, căn hộ vẫn vắng tiếng trẻ con. Người thân, bạn bè giục giã, hai vợ chồng cũng bắt đầu sốt ruột. Nhà chẳng thiếu thứ gì, chỉ thiếu một đứa trẻ con. Nhiều lúc anh thèm tiếng khóc, thèm đứa con biết vẽ bậy, bày bẩn ra căn nhà ngày nào cũng sạch như lau như li. Vợ nhìn chồng, chồng nhìn vợ. Cả hai lại động viên nhau: “Mình còn trẻ. Lo gì!”.


Rồi lại vài ba năm nữa. Không phải là sốt ruột, mà giờ đã là lo lắng thực sự. Họ cùng đưa nhau đi khám. Kết quả thế nào thì chẳng ai biết. Cả hai đã quyết tâm không nói cho người ngoài biết bí mật của họ. Vợ không đổ tại chồng. Chồng cũng không đổ tại vợ. Cả hai lại an ủi nhau, rồi tặc lưỡi: “Kệ! Thời buổi văn minh, không có con cũng có sao đâu!”.


Nhưng rồi cái lý luận ấy, theo thời gian vài năm tiếp theo, không đứng vững được. Cả hai bàn giải pháp và theo lời người thân, bạn bè khuyên, họ chọn giải pháp nuôi con nuôi.

Bàn bạc mãi, cuối cùng, phương án nhận một đứa cháu ruột con chú em ở quê ra nuôi được cả họ hàng ủng hộ hơn cả. Anh chị cũng khá, có đứa con nuôi là cháu ruột, sau này có mất đi, của cải cũng không lọt vào tay người ngoài.


Quyết định thế, hai vợ chồng về quê. Chẳng phải mất nhiều thời gian, ông em ở quê khoát tay chỉ đám trẻ cỡ chừng nửa tiểu đội đang nhếch nhác ngoài sân: “Tùy bác, bác chọn đứa nào thì chọn! May phúc cho chúng em, bác tha đi được đứa nào mát cho chúng em đứa ấy!”.


Một thằng cháu trai được lựa chọn và mang ra nhà anh chị. Mâm cơm dọn ra. Một cuộc ra mắt nho nhỏ được tổ chức đầm ấm và có phần hơi trịnh trọng. Như thế, thủ tục con nuôi về mặt tình cảm là xong. Cậu bé tầm gần 3 tuổi ngơ ngác trong căn nhà mới, giữa những người xa lạ, lúc nào cũng rón rén, cúi gằm mặt không dám ngẩng lên. Dường như phải sống giữa một nơi quá sạch sẽ, quá đầy đủ đang là một cực hình đối với cu cậu.


Mấy ngày sau, thằng bé nằng nặc đòi về quê. Nó nhất định không chịu ở và dù còn bé tí, nó vẫn khăng khăng khẳng định bố nó đang ở quê, hai bác này thì không phải bố mẹ nó. Dỗ dành, dọa nạt, vỗ về thêm vài ngày nữa không thấy có chiều hướng chuyển biến tích cực, anh chị đành đưa cu cậu về quê trả cho bố mẹ nó. Chấm dứt ước mơ đầu tiên về một đứa con nuôi đẹp đẽ và ngoan ngoãn trong mộng tưởng.

Sau sự cố đấy, anh chị chán. Không định con nuôi con đẻ gì nữa. Vợ chồng bảo nhau: “Thôi thì số mình nó vậy, đành ở với nhau hết đời, nương tựa vào nhau vậy thôi!”. Cuộc sống cứ như thế, lại trôi đi thêm dăm năm nữa.


Rồi đến một ngày, một người bạn anh có mối quen biết Giám đốc Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi của tỉnh nọ. Anh bạn nói: “Cậu nên xin một đứa con nuôi là trẻ sơ sinh. Làm thủ tục xin của Trung tâm đàng hoàng. Như thế, mới có tình cảm bố con, mẹ con được. Thêm vào đấy, phải xin đứa mà không biết nguồn gốc của nó thì mới thực sự là con mình!”. Nói mãi, nói mãi, rồi anh chị cũng xiêu lòng. Cả hai lại làm một cuộc hành quân lên Trung tâm nọ làm thủ tục xin con nuôi.


Bà Giám đốc Trung tâm giới thiệu một đứa bé mới 8 tháng tuổi. Con trai, quê Thanh Hóa. Cha mẹ nó nhiều con quá, lại nghèo nên không đủ điều kiện nuôi thêm đứa nữa. Đành gửi vào Trung tâm với mong muốn có ai đó nhận làm con nuôi để cuộc sống của con mình tốt hơn. Theo quy định, trong hoàn cảnh ấy, cha mẹ đứa trẻ phải cam kết không bao giờ hỏi lại, đòi lại đứa trẻ nữa. Cặp vợ chồng nọ đồng ý với các quy định như vậy.


Anh chị nhận đứa bé về nuôi. Khi làm giấy tờ, bà Giám đốc nói: “Theo quy định của chúng tôi, hồ sơ về cháu bé được lưu giữ tại đây. Anh chị có quyền yêu cầu không tiết lộ thông tin về anh chị nếu bố mẹ cháu có tình cờ quay lại xin con”.


Ngẫm nghĩ giây lát, anh nói: “Thôi, chúng tôi không yêu cầu như vậy đâu. Nếu bố mẹ cháu quay lại, chị cứ cho thông tin của vợ chồng tôi, chúng tôi sẽ trả lại cháu”. Khi nói ra câu ấy, anh không ngờ rằng đó lại là câu nói dại dột nhất, mà anh đã từng nói, trong suốt cả cuộc đời mình.

Nhận đứa trẻ về, anh chị lại bắt đầu một cuộc sống mới. Bận bịu hơn, nhọc nhằn hơn nhưng vui hơn, đầm ấm hơn. Ít ra là hạnh phúc đã đến với chị. Anh thì có vẻ không mấy mặn mà. Cuộc sống không con cái nhiều năm đã làm anh thêm phần ích kỷ. Lại thêm công việc ở cơ quan bận rộn nên anh chẳng mấy quan tâm đến thằng bé.

Cho đến một hôm

Anh đi làm về. Trái với lệ thường. Nhà vắng ngắt. Trên bàn nước phòng khách là tờ giấy viết vội của vợ: “Con sốt cao quá, em đưa con vào Viện C ở Tràng Thi. Anh tự lo nhé!”. Anh thay đồ, ăn tạm bát mỳ ăn liền tự chế. Bật TV lên, xem mấy cái tin thời sự vớ vẩn. Chợt nhận thấy bụng có vẻ cồn cào. Anh khóa cửa, dắt xe máy phóng thẳng vào Viện.

Vợ anh đang trông con. Chị ngồi ở đuôi giường bệnh tỏ rõ sự lo lắng. Anh đứng sau vợ, nhìn cái hình hài bé nhỏ, mặt đỏ au, môi phồng rộp vì sốt cao. Có cái gì đó lạnh buốt chạy dọc sống lưng anh. Anh đặt tay lên vai chị: “Em về nghỉ đi. Tối nay để anh trông con cho!”. Chị nhìn anh âu yếm! Lần đầu tiên tiếng “con” thốt ra từ miệng anh. Chị biết anh đang xúc động, hạnh phúc và lo lắng. Chị nói khẽ: “Thôi, em không về đâu. Anh ăn gì chưa? Anh trông con, em chạy ra phố ăn cái gì, rồi mua đồ ăn cho anh luôn. Tối nay, mình cùng trông con nhé!”.

Đứa trẻ chỉ bị sốt virut. Nằm viện 3 ngày là được về. Trận ốm ấy đã kéo anh lại gần với con. Đã thức tỉnh cái nghĩa tình làm bố đang ở đâu đó trong sâu thẳm trái tim anh. Nhiều buổi chiều sau đó, tan giờ làm, anh lại nhìn trước ngó sau, khi chắc chắn rằng không còn một nhân viên nào của anh chưa về, anh lại kín đáo rút trong túi ra một chiếc lọ thủy tinh nhỏ.

Anh ra bờ sông Kim Ngưu rình bắt con châu chấu, con dế trũi bỏ vào lọ, mang về cho con chơi, dù biết rằng cái sinh linh bé tí ấy thậm chí còn chưa biết ngắm con dế đang lặn ngụp trong cái lọ anh đặt trước mắt. Chị mắng anh: “Con đã biết gì đâu mà anh chiều con thế!”. Anh cười trừ: “Ừ, cứ để đấy em ạ! Cho con mình nó gần gũi với sinh vật, cây cối, thiên nhiên. Sau này, nó hiền lành, biết hướng thiện!”.

Cuộc sống đầm ấm, an lành như thế trôi qua được gần 3 năm. Một buổi sáng thức dậy, anh nghe tiếng chuông cổng. Mở cánh cửa sắt, như có linh tính mách bảo, anh như khuỵu xuống khi nhìn thấy một cặp vợ chồng nông dân lam lũ và cục mịnh hỏi tên anh. Bố mẹ đứa bé đến xin lại con, vì họ được Trung tâm nói rằng nếu có nguyện vọng, thì cứ tìm đến địa chỉ này.

Lại mất mát. Lại cô đơn. Nhưng sau lần này, anh chị không thể và cũng không còn đủ dũng cảm để tiếp tục nuôi con nuôi thêm một lần nào nữa. Cứ như thế, anh chị đi qua hết những tháng năm còn lại của cuộc đời công chức. Về nghỉ hưu, họ bán căn hộ cũ, mua được một miếng đất nhỏ, xây cái nhà xinh xinh cạnh một bến xe đông đúc. Anh chị mở hàng nước giải khát kiếm thêm ít nhiều nhưng chủ yếu là để xóa đi cái cảnh cô quạnh của vợ chồng già không con cái.

Anh ốm một trận thật nặng. Chị đưa anh vào Bệnh viện theo tiêu chuẩn cán bộ trung cấp của anh. Căn phòng trắng toát, tĩnh lặng và có phần xa cách, cô đơn. Sự xa cách, sự cô đơn, mất mát mà anh chị đã hai lần trải qua thật nặng nề. Anh cầm tay chị thật lâu, thật lâu rồi mỉm cười yếu ớt: “Anh xin lỗi em! Chính vì sự ngốc nghếch khờ khạo của anh mà vợ chồng mình đã mất mát quá lớn! Em đừng giận! Lần này về, anh không ốm nữa đâu! Mình sẽ săn sóc nhau nhiều hơn em nhé!”




12 nhận xét:

  1. Thôi thì đành vậy với số phận chứ biết làm sao. Đọc mà thấy bị chế ngự bởi cảm giác nửa vời sao dó.

    Trả lờiXóa
  2. Không vui! Không buồn! Đúng không?

    Trả lờiXóa
  3. Còn có cách tạo niềm vui mà, nếu là em thì em sẽ ko xin chỉ riêng 1 đứa về làm con nuôi đâu.
    Đã có tiền dư dã thì nên vào cô nhi viện của chùa hay nhà thờ, hoặc có một vài nhóm cô nhi viện có cả cơ đội con nít cần người bảo trợ nuôi ăn học tới lớn luôn ấy chứ.
    Em sau này mà già cả vẫn ế ko có chồng con thì em sẽ mở hẳn một trường LU, trường chi support cho trẻ mồ côi trong cô nhi viện thôi. Giúp chúng nó có điều kiện học hành nên người, thật ra mấy đứa trẻ ko ai nhận, phải ở trong chùa hay nhà thờ với thầy tu thì chúng nó lành và ngoan ngoãn dễ dạy lắm.
    Nhưng em cũng háo danh lắm à. Em support chúng nó thì chúng nó phải học những gì em dạy, thế mới đúng tiêu chí tên trường đặt ra là --> trường LU.
    Làm thế thì sau này già rồi em có đi lạc cũng có cả cơ đội chúng nó dắt em về nhà!

    Trả lờiXóa
  4. Không lỡ hẹn đâu anh. Họ là những người tốt và không có gì phải hối hận về sự lựa chọn cao cả của mình.

    Trả lờiXóa
  5. Em thấy đây là điển hình của những người tìm niềm vui ở con trẻ nhưng không thấy. Tại sao lại chỉ trông chờ vào con trẻ mà không ở những chỗ khác như nghệ thuật, từ thiện, tôn giáo...

    Trả lờiXóa
  6. Niềm vui từ con trẻ thật to lớn và không thể so sánh được. Dẫu sao, câu chuyện vẫn ấm áp và cảm động lắm. Cảm ơn anh

    Trả lờiXóa
  7. Đúng rồi các bạn ạ! Còn rất nhiều niềm vui. Anh chị này chỉ thấy buồn vì thực sự là bị tác động bởi người ngoài nhiều quá. Lẽ ra, lúc đầu định sống một cuộc sống chỉ có hai vợ chồng thì cứ theo cái đấy mà vun đắp cho cuộc sống của mình. Cũng sẽ rất hạnh phúc. Còn sau này, nếu định tìm con nuôi thì cũng phải tìm bằng được và làm bằng được. Và có thể (có thể thôi nhé) cũng sẽ rất hạnh phúc. Đằng này, hướng nào cũng lỡ dở cả, nên anh chị ấy đang khá buồn.

    Trả lờiXóa
  8. Ngày nay, y học có thể có giải pháp mà cách đây 30 năm không thể.
    Nhưng một đứa con vẫn là giải pháp an toàn nhất. Khi một trong hai vợ chồng may mắn đi trước người kia, người ở lại rất cô quạnh, dù xung quanh có bạn bè, họ hàng, anh chị em ruột thịt, cháu chắt hai bên. Hôm nay mình ốm họ cũng không sốt sắng, chạy đôn chạy đáo như chính mình, như người đã chia sẻ với mình cả cuộc đời, như người mình đã có công lao nuôi dưỡng, lo lắng được.
    Tiếc là một trong hai người có chút ích kỷ, đắn đo, lưỡng lự trong giải pháp con nuôi. Dù rằng chút ích kỷ đó phần nhiều xuất phát từ sự thiếu tự tin, từ tác động bởi người ngoài,
    Ở Việt Nam, nguyên nhân từ man hay woman thì man nên chủ động tích cực tìm kiếm giải pháp con nuôi hơn woman.

    Trả lờiXóa
  9. Đúng thế! Mà đúng ra thì mọi chuyện kiểu như thế này trong gia đình, người đàn ông nên chủ động.

    Trả lờiXóa
  10. Chính vì niềm vui từ con trẻ là to lớn và chính đáng nên ai cũng mong có con. Hoàn toàn dễ hiểu. Nhưng cần nghĩ rộng hơn. Ngay cả khi có con ròi, các bậc cha mẹ cũng vẫn có rất nhiều niềm vui khác con cơ mà. Vì thế, một khi đã thấy khó khăn ở đường con cái thì có nghĩa là phải chủ động tìm thêm niềm vui lành mạnh khác ngay. Nói ngắn gọn : "hạnh phúc hay không là ở mình" :-)

    Trả lờiXóa
  11. Đúng là hạnh phúc hay không là ở mình. Và không phải lúc nào, mong muốn của chúng ta cũng được trọn vẹn. Vì thế, nên tìm thêm nhiều niềm vui khác để nâng cao chất lượng cuôc sống của mình. Hoan nghênh bạn Titi!

    Trả lờiXóa
  12. Yes, đối với những Titi "có ý thức như cafe" thì hạnh phúc hay không là ở mình". Nhưng còn rất nhiều người "khờ khạo như cacao" hay sống không theo lý trí thì một baby là điều ngọt ngào nhất trong những điều ngọt ngào. Họ có thể không có đứa của chính mình nhưng họ cảm thấy hạnh phúc vô bờ khi trải nghiệm bản năng làm mẹ, chăm sóc con cái, hi hi

    Trả lờiXóa