Thứ Tư, 28 tháng 4, 2010

ANH HAY CHÚ?



Một trong những khó khăn nhất đối với các bạn sinh viên mới ra trường, hoặc đơn giản là các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn nữ, đó là cái cách xưng hô với người lớn tuổi trong môi trường làm việc ở văn phòng, công ty, nhà xưởng.

Gặp một ông sếp, một bác công nhân già… hơn dứt điểm tuổi mình thì tương đối dễ rồi. Cứ chào hỏi bằng bác, bằng chú, xứng là cháu. Thế là xong! Hay thì chưa hẳn đã hay nhưng ít ra thì cũng thấy ổn. Xương nhất là các đối tượng gọi anh xưng em thì hơi già mà gọi chú, gọi bác xưng cháu thì lại trẻ quá. Gặp trường hợp này, nhiều bạn trẻ lúng túng chẳng khác gì gà mắc tóc.

Còn nhớ, cách đây không lâu, một Trường Đại học ở TP. Hồ Chí Minh có tổ chức hẳn một cuộc hội thảo về vấn đề này với cái tên khá kêu. Đó là “Xưng tôi, được không?”. Tinh thần của cuộc hội thảo là Có thể và có nên gọi là anh và xưng tôi trong các quan hệ đồng nghiệp ở cơ quan, dù đối tượng là lớn tuổi hay còn trẻ. Hội thảo khá sôi nổi, nhiều ý kiến tranh luận lắm. Nhưng rồi chẳng đi đến đâu vì mỗi người một phách. Ý kiến thì nhiều nhưng quan điểm lại thiếu sự tập trung. Không kết luận được là nên như thế nào!

Có nguời nói, bà con gì đâu mà gọi chú, gọi bác, xưng con xưng cháu chứ? Cứ gọi tất tần tật bằng anh và xưng em đi cho nó bình đẳng. Đây là cơ quan, chứ có phải gia đình đâu mà chú bác. Bình đẳng từ cách xưng hô thì mới bình đẳng được trong công việc, hội họp, phát biểu, tranh luận . Nghe cũng không phải là không có lý.

Nhưng ý kiến khác thì lại bảo, một em mới ra trường, trẻ măng thế, thậm chí còn kém tuổi cả con gái người ta mà gọi người ta bằng anh, xưng em, nó cứ xách-mé và mẹ mìn thế nào ấy. Nhất là đám các bà tầm tầm mà nghe các em gọi chồng mình bằng anh xưng em ngọt xớt thì thế nào cũng xốn con mắt. Chưa làm việc gì cả mà đã gây mất cảm tình với người ta thế thì có mà làm ăn, hợp tác với nhau thế quái nào được nữa.

Sau nhiều năm, tôi nhận ra một điều giản dị thế này: Ở công ty tôi đang làm việc, các bạn trẻ dù mới ra trường, hay từ công ty khác chuyển đến, những ai xưng hô khá thoải mái với người lớn tuổi, mà tôi là một trong số những người như vậy, là anh em, thì xem ra, hầu hết trong số họ là những người khá tự tin, cởi mở và nhất là có tính độc lập rất cao. Nhiều người trong số họ thành đạt ở ngay trong công ty tôi và khi chuyển đi, họ cũng thành đạt ngay ở trong môi trường mới nữa. Các bạn rón rén, ấp úng trong cách xưng hô, ít người thành công lắm.

Xem ra, với hàng loạt các ngôi nhân xưng phức tạp và bộn bề trong ngôn ngữ tiếng Việt, các bạn trẻ mới ra trường của chúng ta lại thêm một thử thách nữa không dễ gì vượt qua!




40 nhận xét:

  1. Nói chung là anh nhắn các em tre trẻ không nên gọi anh bằng "chú" chừ gì. Đấy, các em nó dại thế, chuyện thế mà cũng để anh T nhắc. Hí hí.

    Trả lờiXóa
  2. Hồi ở cty cũ, có lần em đi gặp khách hàng, ông ấy hỏi "em ra trường được mấy năm? - 2 năm - à thế thì em bằng tuổi con anh". Xong rồi lại anh em bàn tiếp công việc.

    Đúng là cái anh em ruột thịt chẳng có liên quan gì đến cái anh em công việc thật.

    Trả lờiXóa
  3. Tự tin cởi mở rồi cũng tha hồ váng đầu anh ạ, nhiều khi muốn bình đẳng cởi mở mà cũng ko xong.

    Như em có kinh nghiệm, thậm chí là tai nạn nghề nghiệp đây. Có 1 lần em đi công tác cùng đoàn với vài "anh, chị" chắc cũng cỡ tuổi bố mẹ em ở nhà. Vì là đi công tác và để đảm bảo tinh thần thoải mái, tất cả thống nhất là em gọi mọi người là anh chị cho cởi mở và làm việc cho tiện, chú/cô cháu nhì nhằng, nghe vừa xa cách vừa mêt.

    Trong đoàn có 1 "anh" có đứa con trai cũng trạc tuổi em và đang được bố hướng cho vào nghề. Vì khá quý mến và tin tưởng em nên "anh" có email và sau đó nhắn tin là đã gửi bài viết của con anh cho em đọc tham khảo và nhờ em góp ý với cậu ấy. Em có nhắn mỗi cái tin lại là "Vâng em đã nhận dc rồi ạ, nó viết khá quá" thì ngay lập tức tối đến vợ của "anh" đã nhắn tin cho em với lời lẽ theo kiểu "cô ko đồng ý khi cháu và chú có xưng hô thân mật như vậy". Em bực lắm, định nói lại nhưng thứ 1 người ta cũng lớn tuổi rồi, thứ 2 là mình chẳng làm gì sai nên cũng ko hơi đâu trần tình. Thôi thì rút kinh nghiệm và cũng ko buồn contact với "anh" kia nữa (tuy nhiên trong chuyện này em thấy khá buồn cười kiểu đâu vợ "anh" lại đi đọc tin nhắn của chồng và nghi ngớ vớ vẩn thế, thế có mà sống trong sợ hãi cả đời à)

    Mệt thế đấy anh ạ :P

    Trả lờiXóa
  4. Hóa ra em cũng bị liệt vào hạng mẹ mìn xách mé kiểu như anh T viết, hehe

    Trả lờiXóa
  5. chú Thụy ơiiii...chú Thụy àaaa...đọc xong bài này, Nu thấy bực mình các bạn í quá đi, tầm pậy tầm pạ hết sức à, đừng kêu anh bằng chú! ;))

    Trả lờiXóa
  6. Đàm Hà Phú: Đọc cái com của em xong khoái quá, cười suốt. Hì! Sao mà các em cứ phải để ta phải nhắc thế nhỉ?

    Trả lờiXóa
  7. like2chat: Công ty anh có vài cô còn kém cả tuổi con gái anh, vẫn anh em. Thấy tốt, có sao đâu! Giờ người ta đang mong muốn trẻ hóa lẫn nhau mà!

    Trả lờiXóa
  8. Đối với Dứa và LU thì anh Thụy chắc chắn là "chú" rồi. Có điều là cứ gọi là anh cho trẻ.
    Tội nghiệp cái cô gì nhắn tin cho Dứa thế nhỉ? Đang trẻ trung làm chị lại muốn nhảy một phát lên làm cô. Hèhè.
    Hà Nội trước năm 1954 và ở miền Nam trước năm 1975, trong quan hệ công việc người ta đều dùng gọi "ông", "bà" (cô) và xưng "tôi". Như thế có vẻ hay hơn nhỉ?

    Trả lờiXóa
  9. Dứa: Anh biết có nhiều bà rất hay đọc ké tin nhắn của chồng. Thật là thiếu văn hóa và thiếu tôn trọng ngay cả người thân yêu nhất. Vụ xưng hô này còn nhiều tai nạn lắm. Vừa buồn cười, vừa tức anh ách. Hì!

    Trả lờiXóa
  10. Lu: Cháu nói quá là chuẩn. Đừng có mà kêu chú bằng anh nữa nha!

    Trả lờiXóa
  11. VMC: Nói thật là anh rất thích xưng hô anh và tôi (đàn ông với đàn ông), cô và tôi (đàn ông với phụ nữ. Tầm tuổi 45 trở lên, gọi ông, bà và tôi thì rất là ổn. Vừa lịch sự, vừa chuẩn. Tiếc là cách xưng hô ấy không còn phổ biến nữa, hoặc đã bị biến dạng kiểu ông ông tôi tôi, uýnh nhau đến nơi rồi, người ta mới xưng hô như thế. Hic!

    Trả lờiXóa
  12. Thich hop nhat trong cong viec: goi Bac-xung Em.

    Trả lờiXóa
  13. @a.Thụy: Bạn bè đàn ông với nhau vẫn hay xưng ông-tôi mà?

    Theo tôi với người chưa quen thân thì đàn ông nên xưng với người đứng tuổi "anh-tôi", "chị-tôi"; với người trẻ tuổi thì "cậu-tôi", "cô-tôi". Với phụ nữ thì khó hơn nhưng có thể dùng "mình" thay "tôi", nghe cho nó mềm :-))
    Thế mới thấy cách xưng hô ở nước ngoài dễ thật :-D

    Trả lờiXóa
  14. Cá nhân em thì thấy giao tiếp trong công việc, xưng anh- em hoặc chị-em là khá hợp lý. Em vẫn gọi anh Thụy là anh : -)

    Trả lờiXóa
  15. @Anh Thụy:
    Em biết một ông ở cơ quan thì "anh - em" ngọt sớt với các cô, nhưng về nhà thì toàn "tôi - cô" với vợ. Có vẻ như ngược chỗ nhỉ?

    Trả lờiXóa
  16. Hồi mới đi làm em gọi gần như tất cả đồng nghiệp bằng cô chú, bác vì họ gần bằng tuổi bố em và gọi bố em bằng anh.
    Sau này, có 1 người hay lườm em nhất nên em phải chuyển gọi bằng anh. Sau khi chuyển thì hết bị lườm ạ :-P

    Trả lờiXóa
  17. Anh, anh ơi, anh à!!!
    Hehe (chắc sau này mình sẽ thành đạt lắm đây! hì!)

    Trả lờiXóa
  18. @Titi: Trời ơi, mình cười to với cái comt của Titi.

    Trả lờiXóa
  19. @HPLT: chiện thật đới. Mình bằng tuổi vợ của ổng nhưng tại ổng cứ gọi xơi xơi bố mình bằng anh dù kém bố cả 2 chục tuổi. Thế là bị mình gọi là chú mấy năm trời. May, sau này ổng có tiến bộ, tiến lên làm sếp to của mình nên mình nhân nhượng ...chuyển gọi bằng anh cho gần gũi quần chúng :-D

    Trả lờiXóa
  20. @VMC: đàn ông Việt nam có nhiều người ra ngoài hào hoa nhưng trong nhà chẳng phong nhã tí nào. Hic...uổng cho câu thơ đẹp của cụ Du nhỉ :-P

    Trả lờiXóa
  21. "chú" Thụy ơiii...cho Lu gọi bằng anh Thụy ha...trong công ti của Lu có một ku đã 70 nhưng Lu vẫn gọi bằng "anh"...mỗi lần Lu gọi thế thì anh í méc cở cười đỏ cả mặt ;))

    Trả lờiXóa
  22. @Anh Thụy:Có đề tài này của anh, đầu tiên phải trách xưng hô trong tiếng Việt mình phức tạp quá. Với riêng em khi đi giao dich chủ yếu nhìn vào cách ăn mặc, phong thái của người mình tiếp xúc, thậm chí với những việc quan trọng để không hỏng việc còn phải tìm hiểu trước tính cách của người mình sẽ giao dịch nữa rồi sẽ quyết định xưng hô thế nào. Nhiều khi chỉ vì sơ suất trong việc xưng hô lúc chào hỏi mà gây ra sự thiếu thiện cảm thế là mình hỏng việc luôn. Với phụ nữ lớn tuổi, ăn mặc như bà già, trông khô khan như kiểu thời bao cấp, dứt khoát phải chào bằng cô rồi (nếu chào khác đi sẽ bị coi là không tôn trọng ngay). Còn với phụ nữ cũng lớn tuổi rồi mà ăn mặc điệu đà, chải chuốt, thích cưa sừng làm nghé mà lại chào bằng cô thì lại bị đứt ngay. Với đàn ông cũng vậy thôi à: ăn mặc,phong thái luôn lịch lãm như anh Thụy thì ít tuổi thế chứ ít tuổi nữa thì cũng nên chào anh Thụy bằng anh thôi.

    Trả lờiXóa
  23. Lana còm men lạc đề tí: Nhà bác Thụy lúc nào cũng như căn nhà vui vẻ ấy. Đôi khi ghé đọc hết comment vui vẻ cười hết điệu này đến điệu khác. Cười xong quên mất entry chính bác chủ nhà viết là cái chủ đề gì :)

    Việc xưng hô này, bác Tổng chỗ em bảo: Cứ lớn hơn gấp đôi trở ra là chú, bằng hoặc dưới gấp đôi là anh.
    Suy ra, 'em' 20 thì gọi các anh dưới 40 tuổi, lớn hơn là chú.
    Còn 'em' 40 thì phải gọi anh 79. Chỉ được gọi các cụ trên 80 là chú thôi :((

    Trả lờiXóa
  24. Thôi tóm lại xưng tôi với đồng chí như thời xưa là công bằng và phấn khởi nhất anh nhỉ, khỏi khó xử, hehe

    Trả lờiXóa
  25. MC3: Cái gọi bác xưng em ấy, đang bị biến tướng theo kiểu không hay lắm MC3 ạ!

    Trả lờiXóa
  26. ntd: Ngôi nhân xưng trong tiếng Việt phức tạp lắm. Nhầm lẫn một tí, đôi khi trả giá hơi bị đắt đấy bạn ạ! Nhất là trong quan hệ làm ăn.

    Trả lờiXóa
  27. Hạnh Phúc Lang Thang: Trong khi lẽ ra nên gọi là chú. Đúng không? Hì!

    Trả lờiXóa
  28. VMC: Một ông bạn khá thân của anh cũng thế. Nói chuyện với vợ toàn cô cô-tôi tôi. Chán ốm!

    Trả lờiXóa
  29. Titi: Thì cứ gọi tất cả bằng anh đi em. Cho nó dễ gần, lại không bị lườm em ạ! Hic

    Trả lờiXóa
  30. Huyền Nga: Cháu thế là tốt đấy! Hì

    Trả lờiXóa
  31. Lu: Cháu rất là ngoan, hôm nào, giới thiệu cái anh 70 ấy cho chú kết giao huynh đệ nhé!

    Trả lờiXóa
  32. Lan A11: Em nói rất chính xác. Phải tùy từng nguời cụ thể, hoan cảnh cụ thể. Nhưng tốt nhất là nên trẻ hóa lẫn nhau em ạ!

    Trả lờiXóa
  33. Lana: Cái com của em vui quá. Chỉ nên gọi các anh 79 tuổi trở lên là chú thôi hả em?

    Trả lờiXóa
  34. Dứa: Anh có một câu chuyện về cách gọi đồng chí rất hay. Nhưng hơi quá đà. Hì, không nên kể trên blog. Khất em lần sau nhé!

    Trả lờiXóa
  35. Anh Thụy ơi, không cách gì mà em lại gọi anh bằng chú được. Tin em đi, em sẽ khoe CMND với anh nếu có dịp offline.

    Trả lờiXóa
  36. Hihi, chả biết ở chỗ khác thế nào, chứ ở chỗ mình, em thấy anh quán triệt tinh thần " tất cả là anh" thật là quá chính xác. Bọn em thực hiện triệt để và thật sự là rất hiệu quả. Hé. Ai mà chả thích được coi là trẻ trung anh nhỉ?

    Trả lờiXóa
  37. Hạnh Phúc Lang Thang: OK em! Anh sẽ chờ xem CMND của em nhé!

    Trả lờiXóa
  38. NADIA: Em nói chỉ được cái đúng. Hì!

    Trả lờiXóa
  39. Anh hay Chú? Chính yếu tùy thuộc vào hai người đối thoại. Nhiều khi phải thay đổi từ Anh thành Chú. Nhiều khi phải thay đổi từ Chú thành Anh. Dễ mà Khó, Khó mà Dễ.

    Trả lờiXóa
  40. HwoangNguyen: OK bạn! Đương nhiên là phải linh hoạt rồi!

    Trả lờiXóa