Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2010

CÁI BẰNG VÀ CÁI NGHỀ



Sau vài câu thăm hỏi xã giao như tất cả các cuộc gặp gỡ lần đầu tiên khác, anh phụ trách giáo vụ của Trung tâm Đạo tạo Truyền hình hỏi:
- Anh muốn tìm một người như thế nào?
- Tôi muốn một người biết quay phim và dựng tốt. Chúng tôi đang hợp tác sản xuất vài chương trình và đã đến lúc phải đầu tư để chủ động khâu này.
- Cần có bằng cấp gì không ạ?
- Ở, bằng cấp gì hả anh? Bằng quay phim và dựng phim thì đương nhiên là cần rồi.

Anh phụ trách phân bua:
- Đấy đấy! Gay go nhất ở chỗ chúng tôi là cái đấy đấy anh ạ! Chúng tôi đào tạo kỹ thuật viên quay phim và dựng hình. Nhưng chỉ có một cái chứng chỉ khi họ hết khóa học, không có bằng cấp gì hoành tráng đâu. Nhiều người trong số họ thậm chí còn chưa tốt nghiệp đại học nữa. Anh có nhất thiết phải tuyển người có bằng đại học không?
- Không, cái tôi nhất thiết cần là họ phải quay tốt, dựng tốt, có kinh nghiệm anh ạ! Thế thôi! À, mà anh bảo là không có đào tạo hệ đại học cho quay phim, dựng hình. Vậy cái bằng đại học anh nói ở trên là bằng đại học gì đấy hả anh?
- Đủ cả anh ạ! Gần gũi nhất với nghề thì có thể coi là cái bằng liên quan đến sân khấu, điện ảnh. Còn thì anh em đến đây học đa phần là bằng cử nhân kinh tế, quản trị kinh doanh. Thôi thì đủ cả, có cả mấy bố có bằng đại học tại chức về địa chất nữa cơ.
- Thế thì cái bằng ấy có giúp ích gì cho tay nghề của họ đâu. Đúng không anh?
- Đúng thế! Nghề thì không giúp gì được, nhưng lại giúp cho cái khâu thăng tiến sau này. Không có cái mác đại học, chẳng lẽ suốt đời làm thằng quay phim à? Cũng phải có cái bằng người ta mới cất nhắc, bổ nhiệm chứ.
- Thế nhưng đi học quay phim mà không làm thằng quay phim thì làm thằng gì? Tôi nghĩ, học quay phim thì ước mơ cao cả nhất là trở thành một tay máy giỏi mới đúng chứ!
- Thôi anh ạ! Không đơn giản như anh nghĩ đâu. Mà nói chuyện này thì dài dòng lắm. Ở mình nó thế, đã đi học là gia đình, dòng họ… đều mong con cháu không phải lao động chân tay, không phải vất vả cực nhọc, rồi được cất nhắc chức này, ghế kia… Có ai mong con cháu có được cái nghề vững vàng đâu. Nhiều bậc phụ huynh nói với tôi rằng cái câu “ruộng đất đề huề không bằng có nghề trong tay” là không phù hợp nữa rồi. Nghề thì có giỏi đến mấy cũng chỉ đi làm thuê thôi. Giờ phải làm ông chủ, làm sếp ghế gộc đàng hoàng mới oách, mới hoành tráng, mới nhiều bổng lộc.

Thì ra là như vậy. Cái bằng và cái nghề là hai chuyện khác biệt, và đôi lúc, chẳng liên quan gì đến nhau cả.




26 nhận xét:

  1. Lần đầu tiên em comment as the first này!
    Em nhớ đến một câu của Từ Hy Thái Hậu "nghề nào cũng có Trạng Nguyên"

    Trả lờiXóa
  2. Em đọc bài của anh mà thấy băn khoăn quá, con gái sang năm lên lớp 12 rồi.
    Sắp đi hết một con đường mà phía trước chỉ có thể rẽ phải hoặc trái. Ngã rẽ nào là đúng?

    Trả lờiXóa
  3. Quên mất, em hóng hớt thấy có vụ off của các anh chị,trong lòng cũng...hăm hở chộn rộn như ai, hihi. Cho em tham gia với nhé.
    Em chưa kịp xin số DT của chị Lana, nếu có thể liên lạc với em qua số DT:0913348168. Cảm ơn anh và mọi người.

    Trả lờiXóa
  4. Mai: Em nhớ thế! Nghề nào cũng có Trạng Nguyên, đúng là như thế, nếu ta yêu nghề và gặp một chút may mắn!

    Trả lờiXóa
  5. HoaLu: Đơn giản! Hay guide cho cháu chọn một ngành học vừa tầm với thực lực của nó. Và hãy giáo dục nó rằng học để có một cái nghề em ạ!

    À, vụ offline đã kết thúc rùi. Anh sẽ gọi em lần tới nhé! Tiếc quá!

    Trả lờiXóa
  6. Hạnh Phúc Lang Thanglúc 17:38 24 tháng 4, 2010

    ´´Thế nhưng đi học quay phim mà không làm thằng quay phim thì làm thằng gì?´´
    Có người nào đã thì thào cho anh Thụy biết rằng cái lãng phí lớn nhất trên đời chính là sự phân phối một cách vô bổ chuyên môn, khả năng của mình vào rất nhiều sự việc khác nhau để trở thành người cái gì cũng biết nhưng chẳng giỏi cái gì cả.
    Khi nào khai blog em sẽ viết chia sẻ với anh mấy cái vụ liên quan đến phim ảnh này, nhiều món cũng khá thú vị.

    Trả lờiXóa
  7. Cái bằng cũng là một cái chuẩn (Standard) để đánh giá, tuy nhiên anh có làm được việc hay không, mới là quan trọng.

    Trả lờiXóa
  8. À, em nghĩ thì cái nào cũng có cái lý của nó cả. Anh Thụy có lý khi nói có nghề vững vàng trong tay vẫn tốt hơn có bằng cấp suông.
    Đúng là có nghề vững thì ta có thể tự nuôi sống mình, có thể giàu lên nhờ nó, đây là trường hợp phổ biến chung rất thực tế trong xã hội.
    Nhưng...có vài trường hợp thì nghề vững chưa đủ, mà cần phải có thêm bằng cấp thì mới mong ngoi lên cao hơn nữa anh Thụy à.
    Em thí dụ đơn giản nha, một kỹ sư giỏi có thể trở thành một trưởng nhóm kỹ thuật, có thể thành một manager điều hành về kỹ thuật của một công ty. Nhưng, để ngoi lên cao hơn nữa, on the top ấy, thì dứt khoát phải đi học thêm để có thể lấy được bằng cấp. Và bằng cấp đó là chiếc chìa khóa để mở cánh cửa đi lên. Lúc này bằng cấp ko còn là giấy khoe mẽ nữa mà nó dùng để cạnh tranh. Cạnh tranh với những con người trong cái thế giới đầy quyền lực, nơi đó, bằng cấp thì nhiều như lá mùa thu...

    Trả lờiXóa
  9. Hạnh Phúc Lang Thang: Đó cũng chính là cái bức xúc nhất trong giáo dục hiện nay. Người ta không thể dạy cho những người trẻ một cái nghề tử tế. Chán thế chứ! Mà người học thì phần lớn cũng cần cái bằng hơn là thực chất của cái nghề mình học.

    Em mở blog đi nhé! Anh sẽ đọc!

    Trả lờiXóa
  10. HwoangNguyen: Bạn nói đúng! Có cái bằng là tốt, nhưng làm việc thế nào mới là quan trọng chứ!

    Trả lờiXóa
  11. Lu: Anh đồng ý với em như vậy. Nhưng em cũng biết là có phải ai cũng muốn, cũng có thể, và cũng có đủ năng lực để ngoi lên on the top đâu. Đúng không em? Anh chỉ mong muốn rằng giáo dục của chúng ta phải làm sao để những người trẻ có được cái nghề. Ra ngoài đời, họ làm việc đủ để kiếm tiền cho mình, tích lũy ít nhiều cho vợ con, anh em.
    Còn muốn phấn đấu hơn thì như anh vừa nói đấy. Không phải ai cũng làm được. Và đến lúc ấy, người làm được, có đủ hoài bão, họ sẽ tiếp tục học để lấy một cái bằng thực sự và nghiêm túc em ạ!

    Trả lờiXóa
  12. Thì em đã nói anh phân tích đúng với tình trạng chung của xã hội mà, cần có nghề ổn định cuộc sống trước, sau đó nếu có hoài bảo và tham vọng thì...bằng cấp là điều kiện cần để ngoi lên. Cho tới nay, đối với em, hai nghành nghề em học ở đại học vẫn chỉ được em coi là "nghề" thôi. Nó ko là gì cả, nó chỉ giúp em có thể tự ổn định cuộc sống của em mà ko cần dựa vào ai. Nhưng muốn ngoi lên thì em lại phải học tiếp, nếu ko học thì một người "giỏi nghề" vẫn ko thể nào cạnh tranh được với đám đông chung quanh toàn là "thứ dữ hét ra lửa xì ra khói" ;))

    Trả lờiXóa
  13. Nếu các cơ quan cứ tuyển dụng, xếp lương và cất nhắc nhân sự chỉ theo bằng cấp thì đúng là sẽ có vụ chạy đua lấy bằng làm trang sức rồi. Chỗ em thì tuyển dụng theo bằng cấp, năng lực và kinh nghiệm (sao họ lại tuyển anh bằng đại học Địa chất và không có kinh nghiệm quay phim vào quay phim nhỉ). Còn cất nhắc chỉ theo năng lực thôi: ví dụ đã được tuyển vào làm lễ tân rồi thì có học đến PhD cũng không được tăng lương.

    Một vấn đề nữa là cách đào tạo của mình cứ xa rời thực tế thế nào ấy, nên tự nhiên người học cũng chỉ coi nó là trang sức thôi. Bản thân em, hồi đầu đi học về Tài chính ở DHKT cốt để đi làm sẽ vững vàng hơn. Đi học chẳng thấy ai quan tâm đến kiến thức thu nhận được, toàn quan tâm đến làm sao để có cái bằng đẹp đẽ nhất. Học xong thấy chẳng biết vào việc phải bắt đầu từ đâu vì toàn được nhồi sọ những đẩu đâu.

    Sau đó, vì lo giữ chỗ làm hiện tại của mình, em theo học lấy bằng hành nghề của Anh với tâm lý để làm vật trang sức tăng chân kính. Nhưng vào cuộc thì thấy họ dạy hay quá, học xong đi làm thấy nhẹ nhõm hơn hẳn. Bạn em kể ở Mỹ, với những ngành như kế toán, kiểm toán, bảo hiểm, ... cái bằng hành nghề dễ xin việc hơn cái bằng Master học toàn những kiến thức vĩ mô.

    Trả lờiXóa
  14. À, có một người bạn tổng kết với em là nếu dân Tàu mà kinh doanh mở nhà hàng có lãi thì sẽ đào tạo con họ nối nghiệp.

    Còn nếu một người Việt nam mà mở nhà hàng có lãi thì sẽ dành tiền cho con đi học để làm một nghề gì đó có địa vị xã hội hơn nhưng tiền thì chưa chắc đã nhiều bằng. Ở đối diện nhà em có một bác chủ lô đề không bằng cấp giàu sụ. Bác đầu tư cho con vụ học hành cứ như để làm tổng thống ấy.

    Trả lờiXóa
  15. Giá mà người ta có thể xin việc đúng ngành đào tạo thì đỡ lãng phí cái bằng - bao nhiêu thời gian và tiền của. Như cha mẹ nuôi con ăn học là mong muốn cho con có một nghề. Từ cái nghề đó tiếp tục trau dồi và phát triển. Ai có tài năng và ham học hỏi thì có thể học cao hơn, thăng tiến hoặc học thêm một ngành khác, làm thêm một nghề khác. Vậy là cái bằng của ta thật giá trị, có bằng = có nghề = có việc, rồi sẽ thăng tiến. Mong cho cái bằng và cái nghề sẽ liên quan đến nhau.

    Trả lờiXóa
  16. like2chat: Câu chuyện về người Tàu dạy con của em thât hữu ích. Chúng ta luôn mong con cháu đỗ đạt, thành tài. Cái đó thì quá tốt rồi. Nhưng điều quan trọng là chúng ta lại thường giáo dục phải làm quan, phải thành danh, phải là ông nọ bà kia... thì mới đúng là nhà có phúc, dòng họ có hiển vinh. Ai cũng thế, hỏi ai làm dân thường đây?
    Lẽ ra chúng ta nên dạy dỗ con cháu yêu lao động, không nề hà bất kể việc gì không làm mới đúng. Hic

    Trả lờiXóa
  17. Scarlett: Trước khi có cái bằng, nên có cái nghề đã em ạ! Nên có cái nghề để biết lao động là cực nhọc, là khó khăn nhưng cũng nhờ lao động mới có được thành quả, niềm vui. "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai?" mà!

    Trả lờiXóa
  18. Anh Thụy ơi, bằng cấp sinh ra là để đánh giá một cách tương đối lượng kiến thức của mỗi người về chuyên nghành mà người đó được cấp bằng (đấy là em nói cấp bằng một cách nghiêm túc). Và nếu mình lại sử dụng chính kiến thức đó để làm việc thì người ta vẫn gọi mình đang làm cái nghề mình được đào tạo. Nên bằng cấp vẫn là thứ cần phải có anh ạ. Còn trong câu chuyện của anh về quay phim, đấy là do ở mình chưa chú trọng đến việc đào tạo lĩnh vực này một cách đầy đủ và bài bản để có thể mở hẳn một chuyên ngành đào tạo đầy đủ chuyên sâu đến trình độ đại học hoặc cao hơn thế, họ chỉ đào tạo ở lượng kiến thức của chứng chỉ mà thôi. Còn khi mình đi làm nếu mình dùng bằng chuyên ngành nào làm việc thì chủ yếu vẫn tính theo trình độ của bằng đó. Nhưng vì trong nghề quay phim như anh nói bằng cấp cao nhất họ có thể cấp chỉ là chứng chỉ thôi. Mà thực tế sẽ có rất nhiều người tự học và có trình độ cao hơn mức chứng chỉ rất nhiều. Vậy làm thế nào để đánh giá cao thấp trong nghề? Từ các công trình thực tế họ đã có?Vậy những người có công trình thực tế chất lượng ngang ngửa nhau? Chọn ai vào vị trí lãnh đạo hiếm hoi? Vậy là phải vời đến cái bằng đại học không đúng chuyên ngành rồi.Tuy không đúng chuyên ngành nhưng nó có thể đánh giá về khả năng học hỏi,tiếp thu kiến thức,xử lý tình huống....Vậy ít nhiều bằng vẫn cần đấy chứ anh Thụy nhỉ. Mà xét cho cùng trừ khoa học cơ bản là có tính chính xác, còn lại đều chỉ là khái niệm tương đối thôi anh nhỉ,

    Trả lờiXóa
  19. Tại vì ở xứ ta người giỏi nghề không được tôn trọng bằng người có vị trí quản lý, nên nó mới xảy ra cái nghịch lý như vậy. Anh quay phim nếu cứ quay phim giỏi thì cũng có thể nhận được nhiều tiền như anh cán bộ quản lý, chẳng hạn thế, thì người ta mới từ bỏ cái thói quen tư duy đào tạo quay phim có bằng đại học mỏ địa chất tại chức.

    Trả lờiXóa
  20. Bài này mà mở rộng ra thì nó vô biên lắm, cả một ý thức hệ, cả một cỗ máy, cả một nền giáo dục.

    Em nói thật cả nhà đừng cười: CÁi bằng duy nhất em thấy mình có một cách đáng tự hào là cái bằng tốt nghiệp PTTH, còn lại em chả có bằng cấp gì, vào nhà nước chỉ làm đến tổ trưởng bảo vệ là cao nhất.

    Trả lờiXóa
  21. Lan A11: Anh nhất trí rằng cái bằng hoàn toàn là cần thiết. Cái bằng đại học, dù ở bất kể chuyên ngành nào, nó cũng cho ta một nền tảng cơ bản về kiến thức. Điều anh nói ở đây, qua câu chuyện với anh phụ trách giáo vụ là người ta đang quan niệm cái bằng như một nấc thang, một phương tiện để tiến thân, trong khi, cái nghề vững vàng để tiến thân, có lẽ đáng quý hơn. Và qua đó, đào tạo của chúng ta đang có vấn đề thì phải. Hic!

    Trả lờiXóa
  22. VMC: Ở mình, tay nghề anh có đến bậc 7 thì anh cũng không thể được xã hội coi trọng bằng anh kỹ sư bậc 1. Vì nói gì thì nói, anh vẫn chỉ là anh công nhân. Thế đấy!

    Trả lờiXóa
  23. Đàm Hà Phú: Đọc com của Phú, vừa buồn cười, vừa thấy phần nào đó quá đúng. Cái bằng mình có được vô tư nhất, nghiêm túc nhất, hẳn là cái bằng đáng tự hào nhất rồi!

    Trả lờiXóa
  24. Chào anh Thụy, đọc bài viết này của anh hay quá!

    Trong trường hợp của tôi, vừa đi học vừa đi làm, lương bổng tăng thì cũng vừa đủ để xếp giữ chân. Nhưng sau khi có bằng đại học, tự nhiên xếp cho tăng cấp, tăng lương đều đều. Có lẽ vì họ đã có lý do để nói với xếp cao hơn là có thể tăng lương cho tên này rồi.

    Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh, ở đâu cũng vậy, và cũng không ai dám khinh rẻ ai. Cô bán hàng cafe trong Starbuck hôm nay chỉ làm thêm để phụ tiền học đại học, 10 năm sau có khi cô sẽ là giám đốc một công ty software không chừng :-)

    Riêng tôi cũng rất tự hào về cái bằng, là công mình tự học mà thành. Cũng rất đồng ý với ý kiến là mảnh bằng là để chúng tỏ mình có thể làm được một số việc nào đấy. Ở bên này không có bằng cấp rất khó xin việc, chỉ nói suông mà không có bằng thì người phỏng vấn cũng ngại nhận vào vì khó ăn nói với cấp trên khi người nhận vào chỉ là một tay "ba hoa chích chòe", chỉ giỏi tán gẫu ("bullsh.tter") sau vài tháng làm việc.

    Cám ơn anh về bài viết thú vị,

    Trả lờiXóa
  25. Hoctro: Trường hợp của anh, tôi cũng đã gặp vài người. Họ đi làm khi chưa tốt nghiệp đại học. Khi yên tâm về công việc, họ bắt đầu chinh phục tấm bằng đại học (mà thường là họ chọn ngành học bổ trợ cho công việc đang làm của mình). Những người có ý thức như vậy, thường thì rất tận tâm với công việc, chứ không để việc học hành ảnh hưởng đến hiệu quả công việc đâu. Trong trường hợp này, họ học vì mình, vì nhu cầu trang bị kiến thức, hiểu biết cho mình, chứ không vì cái danh hão huyền. Rất đáng ca ngợi. Tiếc là ở nhà mình, tấm gương như thế này chưa nhiều.

    Câu chuyện sau đây về một con người thật, cô đang làm Phó Tổng Biên tập một tờ báo khá lớn ở Hà Nội. Rất đáng khen anh ạ! http://damminhthuy.blogspot.com/2010/01/chi-can-co-viec-lam.html

    Trả lờiXóa
  26. Mọi người cứ nói đến bằng và nghề, làm cô bán hột vịt rong bực mình, bỏ gánh hàng, nhảy vào còm cái chơi.

    Thưa tất cả các bác: hai chị iem chấu ở Thanh ba, Phú Thọ xuống đây đã vài năm. Hàng ngày, trừ mưa bão quá lớn, còn ko, hai chị iem cháu đều băng qua đường, lao xuống đường, len lỏi vào từng ngõ xóm, bán vịt lộn.

    Đừng coi thường chúng chấu nha.Đều đều mỗi chị iem cháu, từ sáng tới tối, mỗi người bán được khoảng 300 hột vịt (ko dám giỡn các bác đâu nha)

    Chòm chèm, tiền tươi thóc thật lãi mỗi người 300 ngàn/ngày đó nha.

    Không kiếm đc vậy, chúng chấu lấy gì nuôi con đi học ở quê.

    Đúng là ngồi lê HN cũng có khác, có khá.

    Nhưng chúng chấu vẫn tủi thân vì ko có tấm bằng giắt lưng.

    Tội ko các bác.

    Trả lờiXóa